Lời Chúa Thứ Ba Tuần III-TN, 23-01-2024 Ngày VI trong Tuần lễ Cầu cho các Kitô hữu hợp nhất Mc 3, 31-35  “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Gia đình đích thực của Ngài làm theo ý Thiên Chúa”

LECTIO DIVINA

Thứ Ba Tuần III-TN, 2301-2024

Ngày VI trong Tuần lễ Cầu cho các Kitô hữu hợp nhất

Mc 3, 31-35

 Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Gia đình đích thực của Ngài làm theo ý Thiên Chúa

1.LECTIO

Ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta

Trong Tin Mừng hôm nay (Mc 3, 31-35), thân nhân của Chúa Giêsu hiểu lầm sứ vụ công khai của Ngài là “điên khùng” và “quá trớn”. Họ muốn bắt Ngài về. Có lẽ họ đã nài xin Đức Maria đến xem hoàn cảnh điên cuồng liên quan đến con của bà là Chúa Giêsu. Họ đến nơi thì một đám đông đã đang ngồi xung quanh Chúa Giêsu và lắng nghe Ngài. Những thân nhân này liền nhắn tin, cho gọi Chúa ra. Chúa Giêsu lợi dụng thời điểm này để tuyên bố gia đình đích thực có ý nghĩa như thế nào đối với Ngài. Những ai làm theo ý Thiên Chúa đều là mẹ, là anh chị em của Ngài. Chúa Giêsu tái xác định một cách triệt để ranh giới thiêng liêng của gia đình. Gia đình sinh học được thay thế bằng gia đình lớn hơn của Thiên Chúa, tức là những người làm theo ý của Thiên Chúa, trong đó, trước hết có mẹ Ngài là Đức Maria. Chúa Giêsu đặt mối quan hệ họ hàng tự nhiên vào mối liên hệ cao cả hơn dựa trên sự vâng phục của đức tin. Thật vậy, “gia đình của Thiên Chúa” do Chúa Giêsu thành lập mang tính bao quát và sâu sắc về đức tin.

2.MEDITATIO
Tôi có cố gắng thực sự thuộc về gia đình của Thiên Chúa bằng đời sống đức tin vâng phục và tình yêu phục vụ không ?
Tôi có noi gương Đức Kitô trong sự hoàn toàn vâng phục ý muốn cứu độ của Chúa Cha không ? Tôi có tuyên xưng “nhờ Chúa Kitô, với Chúa Kitô, và trong Chúa Kitô” với con tim nhạy bén : Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để làm theo ý Chúa ?
3.ORATIO

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là anh em của chúng con. Chúa đã mạc khải cho chúng con biết tiêu chuẩn để thuộc về gia đình của Thiên Chúa: bằng việc làm theo ý muốn cứu độ của Chúa Cha. Chúng con tạ ơn Chúa về Mẹ Maria. Trong đời sống, Mẹ đã nêu gương đức tin vâng phục làm cho chúng con thuộc về gia đình của Thiên Chúa. Xin dạy chúng con trở thành con cái trung thành của Thiên Chúa là Cha chúng con. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

4.CONTEMPLATIO

Ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta

5.ACTIO
Bằng những hành động bác ái và thương xót đối với người nghèo và người dễ bị tổn thương, tôi chứng minh cho thế giới thấy rằng tôi thuộc về gia đình của Thiên Chúa,tôi truyền cảm hứng cho mọi người phục tùng ý muốn cứu độ của Thiên Chúa.
Sống Ngày VI trong Tuần lễ Cầu cho các Kitô hữu hợp nhất, tôi thực hành lời dạy này của ĐTC Phanxicô : “Chúng ta hãy để ý đến một khía cạnh khác trong đoạn sách Cv 12, 1-11 : trong thời khắc khó khăn đó, không ai than phiền về tội ác và sự bách hại của Hêrôđê. Không ai buông ra những lời xúc phạm đến Hêrôđê – còn chúng ta thì đã quen lăng mạ những người có trách nhiệm. Than phiền là vô ích, và nhàm chán vì đối với các tín hữu, thật không chính đáng khi dành thời gian để than phiền thế giới, xã hội, và mọi thứ. Than phiền không thay đổi được gì. Chúng ta hãy nhớ rằng than van là cánh cửa thứ hai đóng lại trước Chúa Thánh Thần, như tôi đã nói điều này trong ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống: Thứ nhất là thần tượng hoá bản thân mình, thứ hai là làm nản chí và thứ ba là thái độ bi quan. Ba thái độ này đóng cửa lòng mình trước Chúa Thánh Thần. Các Kitô hữu tiên khởi đã không đổ lỗi, nhưng họ cầu nguyện. Trong cộng đoàn đó không ai nói: ‘Nếu Phêrô cẩn thận hơn thì chúng ta đã không phải rơi vào hoàn cảnh như thế này’. Không, họ không than phiền Phêrô; họ cầu nguyện cho ông. Họ không nói xấu sau lưng Phêrô; họ thân thưa cùng Chúa. Ngày nay chúng ta có thể đặt ra câu hỏi: Chúng ta có đang bảo vệ sự hiệp nhất giữa chúng ta và sự hiệp nhất trong Giáo Hội bằng lời cầu nguyện không? Chúng ta có đang cầu nguyện cho nhau không ? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta cầu nguyện nhiều hơn và than phiền ít hơn ? Sự việc sẽ xảy ra giống như Phêrô trong tù: nhiều cánh cửa đang đóng kín sẽ được mở ra, nhiều xiềng xích sẽ bị vỡ tung. Chúng ta sẽ ngạc nhiên, giống như người tớ gái nhìn thấy Thánh Phêrô ở cổng nhưng không dám mở cổng, nhưng chạy ngược vào bên trong, ngạc nhiên bởi niềm vui khi thấy Thánh Phêrô (x. Cv 12, 10-17). Chúng ta hãy cùng cầu xin ơn biết cầu nguyện cho nhau. Thánh Phaolô đã khuyến khích các Kitô hữu cầu nguyện cho tất cả mọi người, nhất là cho các nhà lãnh đạo (1 Tm 2, 1-3). ‘Nhưng cái nhà cầm quyền này…’ và sau đó là nhiều tính từ. Tôi sẽ không đề cập đến những tính từ này bởi vì đây không phải là lúc, và cũng không phải là nơi để đề cập đến những tính từ mà chúng ta thường nghe chống lại những người cai trị. Cứ để Thiên Chúa phán xét họ; còn chúng ta thì hãy cầu nguyện cho họ! Chúng ta hãy cầu nguyện: vì họ cần những lời cầu nguyện của chúng ta. Đó là nhiệm vụ Thiên Chúa đã giao phó cho chúng ta. Chúng ta có thực hiện điều đó không? Hay chúng ta chỉ nói, chửi bới và chẳng làm gì cả? Thiên Chúa mong đợi nơi chúng ta khi cầu nguyện thì cũng biết nhớ đến những người không cùng suy nghĩ như chúng ta, những người đóng sầm cánh cửa vào mặt chúng ta, những người mà chúng ta cảm thấy rất khó tha thứ. Cầu nguyện là phương cách duy nhất để mở toang xiềng xích như đã từng xảy ra với Thánh Phêrô; chỉ có lời cầu nguyện mới có thể lót đường cho sự hiệp nhất(ĐTC Phanxicô, Bài giảng Lễ kính hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, 29.6.2020).

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.

Comments are closed.