Lời Chúa Thứ Ba Tuần II-TN, 18-01-2022 Ngày I trong Tuần lễ Cầu cho các Kitô hữu hợp nhất Mc 2, 23-28  “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài là Chủ ngày Sabát”

LECTIO DIVINA

Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí

Thứ Ba Tuần II-TN, 18-01-2022

Ngày I trong Tuần lễ Cầu cho các Kitô hữu hợp nhất

Mc 2, 23-28

 Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài là Chủ ngày Sabát

1.LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)

“Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát”

Tin Mừng hôm nay (Mc 2, 23-28) trình bày Chúa Giêsu là Chủ ngay cả của ngày Sabát. Như Đavít, người đã lo nuôi sống các cận vệ của mình, hơn là bận tâm đến sự thánh thiêng của nhà tạm giao ước, Chúa Giêsu biểu lộ sự tự do và nhạy cảm như vậy đối với nhu cầu của người khác. Chúa cho thấy rằng nhu cầu chân chính của con người vượt trên các quy tắc chi phối cuộc sống và hành vi của con người. Các quy tắc có nghĩa là vì lợi ích toàn diện của con người, và tinh thần bác ái phải nổi trội hơn tất cả. Được hướng dẫn một cách khôn ngoan bởi nguyên tắc – “Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát” Kitô hữu không được quá cứng nhắc hoặc quá lỏng lẻo trong việc tuân thủ các quy tắc cổ võ lợi ích cá nhân và công ích.

2.MEDITATIO (Suy niệm : Lời Chúa nói gì với tôi ? Duyệt xét Tâm hồn)
Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát”. Tôi cần thay đổi những điểm nào trong cuộc sống của tôi ?
Đâu là thái độ của tôi đối với các quy tắc và chuẩn mực trong xã hội và trong Giáo Hội ?
Ngay cả khi không có sách Kinh Thánh ở nhà, Chúa Giêsu vẫn thuộc lòng Kinh Thánh. Còn tôi thì sao ?
3.ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)

Lạy Cha nhân từ, xin dạy chúng con sự khôn ngoan và từ bi của Chúa Giêsu để chúng con có thể hiểu được ý nghĩa của luật pháp trong Giáo Hội. Các luật lệ có nghĩa là vì hạnh phúc của con người và để thúc đẩy lợi ích chung. Xin ban cho chúng con sự tự do của tâm trí và lòng bác ái không bao giờ tàn lụi. Chúng con cúi đầu nhận lãnh sự chăm sóc toàn diện của Cha. Chúng con cảm ơn và chúc tụng Cha, bây giờ và mãi mãi. Amen.

4.CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng : Nội tâm hóa Lời Chúa)

Con Người là Chủ ngay cả của ngày Sabát

5.ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)
Tôi cố gắng tìm hiểu, ghi nhớ và thực hành Mười Điều Răn của Chúa và các điều luật của Giáo Hội Công Giáo.
Sống Ngày I trong Tuần lễ Cầu cho các Kitô hữu hợp nhất, tôi thực hành lời dạy này của ĐTC Bênêđictô XVI : “Đặc tính công giáo có nghĩa là phổ quát, – sự đa biệt trở thành sự hiệp nhất; và sự hiệp nhất vẫn còn là sự đa biệt. Từ Lời của Thánh Phaolô về đặc tính phổ quát của Giáo Hội, chúng ta đã được nhìn thấy truớc rằng: cùng thuộc về sự hiệp nhất nầy, là khả năng của các dân tộc vượt qua được chính mình, để nhìn về Thiên Chúa duy nhất. Thánh Irênê thành Ly-on, vị sáng lập thật sự của nền thần học công giáo, đã diễn tả mối dây liên hệ giữa đặc tính công giáo phổ quát và sự hiệp nhất, một cách tốt đẹp như sau: Giáo Lý nầy, đức tin nầy đuợc Giáo Hội trên khắp thế giới gìn giữ kỹ lưỡng, dường như thể kết thành một gia đình duy nhất: chính một đức tin, cùng với một tâm hồn, cùng một lời rao giảng, cùng một giáo huấn, cùng một truyền thống, dường như thể phát xuất từ cùng một môi miệng. Những ngôn ngữ của các vùng trên thế giới là thật khác nhau, nhưng sức mạnh của truyền thống là duy nhất và như nhau. Những cộng đoàn giáo hội tại Đức không có một đức tin hay truyền thống khác; cũng giống như vậy những giáo hội địa phương tại Tây Ban Nha, tại Pháp, tại Ai Cập, tại Lybia, tại Đông Phương, tại trung tâm mặt đất; cũng như mặt trời, tạo vật của Thiên Chúa, là duy nhất và giống y như vậy trên khắp mọi nơi, thì cũng thế ánh sáng của lời giảng chân thật chiếu sáng khắp nơi và soi sáng cho tất cả mọi người muốn biết được sự thật” (Adv. haereses, I, 10, 2)” (ĐTC Bênêđictô XVI, Bài giảng Lễ kính hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, 29.6.2005).

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.

Comments are closed.