Lời Chúa Lễ Đêm, 24/25-12-2021 Lc 2, 1-14 “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài sinh ra cho chúng ta”

LECTIO DIVINA

‘Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí’

CHÚA GIÁNG SINH

Lễ Đêm, 24/25-12-2021

Lc 2, 1-14

“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài sinh ra cho chúng ta”

1.   LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)

“Bà lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ”.

      Trong mầu nhiệm Giáng Sinh, Con Thiên Chúa đã hoàn toàn liên đới với số phận loài người chúng ta. Chúa Giêsu Cứu Thế hoàn toàn nhận lấy nhân tính của chúng ta, dìm mình vào trong hoàn cảnh của con người – trải nghiệm những điều tốt nhất và cả những điều tồi tệ nhất trong chúng ta. Đó là điều Thiên Chúa đã định. Chúa Giêsu Cứu Thế từ chối làm một khán giả đơn thuần trong các vấn đề của con người. Ngài muốn tham gia, muốn trở thành một phần các vấn đề của con người. Đây là mầu nhiệm vô cùng của sự Nhập thể ; đây là mầu nhiệm tuyệt đẹp của Giáng Sinh ; đây là mầu nhiệm cao sâu của Bí tích Thánh Thể. Tất cả đều là sự tham dự dứt khoát của Chúa Giêsu Kitô vào công việc của con người chúng ta theo cách thế tự hiến. Như vậy, trong những giây phút này, Chúa Giêsu cho chúng ta một hình mẫu về sự hiến thân. Ngài chỉ cho chúng ta con đường để yêu.

      Trong chương 2 của Trình thuật về thời thơ ấu của Chúa Giêsu, thánh sử Luca nói rằng “không có chỗ cho họ trong hàng quán”. Không có chỗ cho họ trong nhà trọ vì nhà trọ là nơi dành cho những người nước ngoài… những người lạ đi du lịch chỉ ở lại qua đêm. Nhưng Đức Kitô không phải là một người nước ngoài. Ngài đến với người nhà của mình. “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”. Nhà trọ không phải là nơi để Ngài ở, vì Ngài không phải là người nước ngoài, hay xa cách với chúng ta. Ngài thuộc về chúng ta. Sự dính dáng hoàn toàn của Ngài vào số phận con người của chúng ta khiến Ngài thực sự là một với chúng ta. Ngài không bao giờ có thể được sinh ra trong quán trọ, tức là bên ngoài chúng ta. Ngài phải được sinh ra trong mỗi chúng ta. Ngài phải làm nhà của mình trong mỗi chúng ta.

      Luca cũng đề cập đến việc Mẹ Maria đã đặt Chúa vào trong một “máng cỏ”. Máng cỏ là nơi nuôi dưỡng súc vật. Máng cỏ là nơi nuôi dưỡng…, nơi của sự nuôi dưỡng. Chúa Giêsu được đặt trong máng cỏ bởi vì Ngài là biểu tượng và là hiện thực về sự trợ giúp và sự nuôi dưỡng của Thiên Chúa  đối với dân ngài. Con Thiên Chúa phải được sinh ra tại Belem, “thành của Bánh” vì Ngài là Bánh sự sống – Bánh được ban cho, được bẻ ra và chia sẻ. Chúa Giêsu trong máng cỏ chỉ ra thực tại là sự “tự hiến” trong Bánh Thánh Thể, là chất nuôi dưỡng dân Người.

       Hơn nữa, Luca kể ra rằng Chúa Giêsu được bọc trong “khăn vải quấn”, biểu tượng của hoàng gia. Thay vì là dấu hiệu của sự nghèo khó và cơ cực, những “khăn vải quấn” của Chúa Giêsu cho thấy ngài là một vị vua. Theo thuật ngữ Kinh Thánh, vua là người chăn dắt và chăm sóc dân Thiên Chúa. Và đứa trẻ sơ sinh được quấn trong “khăn vải quấn” sẽ trở thành “vua mục tử” thực sự trên cây sự sống – Thập giá ! Đó là nơi Chúa thực sự trở thành “vua mục tử” theo nghĩa đầy đủ nhất của từ này – hy sinh mạng sống của mình vì đàn chiên. Trên thập giá, Chúa Giêsu, “vua mục tử” quy tụ tất cả các con chiên thành một bầy để hướng dẫn và dẫn chúng đến ngôi nhà vĩnh cửu.

       Hài Nhi Giêsu nằm trong máng cỏ, biểu tượng của lương thực và sự nuôi dưỡng của Thiên Chúa… Chúa Giêsu, Đấng, trong đêm Ngài bị chối từ, đã dâng cho chúng ta Bánh Thánh Thể và Chén Cứu Độ… Chúa Giêsu, Vua-Mục Tử, đã phó mạng mình cho chúng ta trên Thập giá, bàn thờ hy tế… NGÀI VẪN HIỆN DIỆN GIỮA CHÚNG TA! Ngài là “Emmanuel”, Đấng Cứu Độ là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Việc chúng ta cử hành lễ Giáng Sinh và tham dự vào Bí tích Thánh Thể sẽ biến đổi chúng ta thành “món quà tự hiến”, giống như Chúa Giêsu. Việc chúng ta cử hành kỷ niệm sự ra đời của Chúa Giêsu và việc chúng ta tham dự bữa tiệc Thánh Thể phải làm cho chúng ta – những môn đệ của Đức Kitô – có khả năng chia sẻ những gì tốt nhất mà chúng ta có…, chia sẻ cả sự nghèo khó và sự giàu có của chúng ta, theo gương của Chúa Giêsu, người mẫu của sự tự hiến.

2.   MEDITATIO (Suy niệm : Lời Chúa nói gì với tôi ? Duyệt xét Tâm hồn)

–        Tôi có để mình say mê đắm đuối bởi mầu nhiệm về Người Con “sinh ra cho chúng ta” – Người Con đó là món quà tuyệt vời của Thiên Chúa dành cho tôi không ?

–        Có chỗ cho Chúa Giêsu trong đời tôi không ?

–        Những dấu hiệu nào về sự hiện diện của Chúa Giêsu đang được Thiên Chúa ban cho tôi ? Tôi phản ứng với những dấu hiệu này như thế nào ?

–        Chúa Giêsu sinh ra để mang lại niềm vui và bình an. Những món quà này đặc trưng cho cuộc sống của tôi như thế nào ?

–        Tôi có phải là người mang lại niềm vui và bình an cho người khác không ?

3.   ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)

Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, với sự chào đời của Con Chúa, sự vinh hiển của Chúa đã chảy tràn trên thế gian. Qua những giờ đêm tối của trái đất tối tăm, chúng con, dân của Chúa, trông chờ sự xuất hiện của người Con mà Chúa đã hứa. Khi chúng con chờ đợi, xin cho chúng con nếm thử trước niềm vui mà Chúa sẽ ban cho chúng con khi sự vinh quang đầy đủ của Chúa tràn ngập trên trái đất, Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

4.   CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng : Nội tâm hóa Lời Chúa)

“Bà lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ”

5.   ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)

Bằng lòng bác ái và sự tốt lành dành cho những người đang trải qua một mùa Giáng Sinh ảm đạm, tôi biến mầu nhiệm Giáng Sinh thành hiện thực sống động và thành những hành động tự hiến.

 

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.

Comments are closed.