Lời Chúa CHÚA NHẬT III MÙA CHAY_A, 12-3-2023 Ga 4, 5-42 “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài là Nước Hằng Sống”

LECTIO DIVINA

CHÚA NHẬT III MÙA CHAY_A, 123-2023

Ga 4, 5-42

Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài là Nước Hằng Sống

1.LECTIO

Nước tôi cho sẽ trở thành một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời

Bài đọc Tin Mừng được công bố trong Chúa Nhật hôm nay (Ga 4, 5-42) là đoạn thứ nhất trong ba đoạn quan trọng về Bí tích Rửa Tội, mà truyền thống thường gắn liền với các nghi thức khảo hạch nhằm chuẩn bị cho người được chọn lãnh Bí tích Rửa Tội. Ba trình thuật Tin Mừng: Cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người phụ nữ Sa-ma-ri (Ga 4, 5-42), việc chữa lành người mù từ thuờ mới sinh (Ga 9, 1-41) và việc phục sinh La-da-rô (Ga 11, 1- 45) được sử dụng trong phụng vụ Lời Chúa để trình bày cho ứng viên Bí tích Rửa Tội và cộng đoàn những người đã được rửa tội, biết ý nghĩa của việc rửa tội là sự thanh tẩy tái sinh và đổi mới nhờ Chúa Thánh Thần, được coi như sự khai sáng, và sự tham gia mật thiết vào cái chết của Đức Kitô và vươn lên tới đời sống mới.

Liên quan đến đoạn Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay, Martin Connel nhận xét: “Bài đọc dài này trích ở chương 4 của Tin Mừng Gioan có liên quan, từ thời xa xưa, đến việc đào tạo các dự tòng để lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Chúng ta thấy người phụ nữ Sa-ma-ri chuyển từ không tin đến tin, và rồi chúng ta thấy chính cô ấy làm chứng về Chúa Giêsu. Sự tiến bộ này trong đức tin tương tự như những gì diễn ra hằng năm khi đức tin của người mới được rửa tội trong Đêm Canh thức Vượt Qua đã đánh thức đức tin cho toàn thể Giáo Hội. Nó cũng tương tự như sự tiến bộ về đức tin trong mỗi đời sống Kitô hữu từ khi được rửa tội cho đến khi chết. Dù câu chuyện có là sự phản ánh việc đào tạo để lãnh nhận Bí tích Rửa Tội trong cộng đoàn riêng của tác giả Tin Mừng hay không, thì, đối với Giáo Hội ngày nay, đó vẫn là một câu chuyện tuyệt vời về sự phát triển đức tin được tác giả Tin Mừng cung cấp.

Đoạn Tin Mừng về cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người phụ nữ Sa-ma-ri bên bờ giếng Giacob, ở một thị trấn Sa-ma-ri tên là Sychar, tập trung vào Chúa Giêsu là nguồn mạch nước hằng sống. Đoạn Tin Mừng này cũng mô tả bản chất bao gồm của kế hoạch cứu độ quảng đại của Thiên Chúa sẽ được Đức Kitô hoàn tất. Tình tiết quan trọng này của Tin Mừng Gioan cho thấy rõ rằng sứ mệnh của Chúa Giêsu ngang qua xứ Samaria là một phần trong sứ mệnh cứu độ và sứ vụ của Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng cho mọi dân tộc, trước tiên là cho người Do Thái, bây giờ là cho người Sa-ma-ri và cuối cùng là cho người Hy Lạp (x. Ga 12, 20-26). Lời thỉnh cầu của Chúa Giêsu: “Chị cho tôi xin chút nước uống !” (Ga 4, 7) và lời đề nghị nhẹ nhàng của Ngài với người phụ nữ Sa-ma-ri: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị : ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống” (Ga 4,10) phải được đặt trong bối cảnh của kế hoạch vượt qua của ơn cứu độ, trong đó Người Con-Tôi Tớ được dự định từ trước phải trải qua sự mệt mỏi, yếu đuối, đau đớn và khao khát của bản tính con người dễ bị tổn thương.

Thánh Augustinô bình luận: Mệt mỏi bởi hành trình của mình, Chúa Giêsu đã ngồi xuống bên một cái giếng. Lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu. Những mầu nhiệm thần linh đã bắt đầu. Chúa Giêsu mệt mỏi không phải không vì mục đích gì ; Quyền năng của Thiên Chúa trải qua mệt mỏi không phải không vì mục đích gì. Đấng phục hồi sinh lực cho người mệt mỏi, đã chịu đựng sự mệt mỏi không phải là không vì mục đích gì. Không phải không vì mục đích gì mà Chúa chịu mệt mỏi, vì sự vắng mặt của Chúa khiến chúng ta mệt mỏi, sự hiện diện của Ngài mang lại cho chúng ta sức mạnh… Chính vì lợi ích của bạn mà Chúa Giêsu đã mệt mỏi bởi cuộc hành trình của mình. Trong Chúa Giêsu, chúng ta gặp được sức mạnh thiêng liêng cùng với sự yếu đuối… Quyền năng của Đức Kitô đã tạo dựng nên bạn ; sự yếu đuối của Đức Kitô đã tái tạo bạn. Quyền năng của Đức Kitô làm cho những gì đã không hiện hữu, được hiện hữu ; sự yếu đuối của Đức Kitô đã cứu vớt những thứ hiện có khỏi bị hủy diệt. Trong quyền năng của mình, Đức Kitô đã tạo hình chúng ta ; trong sự yếu đuối của mình, Đức Kitô đã tìm kiếm chúng ta. Như thế, sự mệt mỏi do cuộc hành trình của Ngài gây ra là sự mệt mỏi được Chúa Giêsu trải nghiệm trong bản tính con người chúng ta. Trong thân xác con người của mình, Đức Kitô yếu đuối, nhưng bạn không được yếu đuối. Bạn phải mạnh mẽ lên trong sự yếu đuối của Đức Kitô, vì trong sự yếu đuối của Thiên Chúa, có nhiều sức mạnh hơn là trong sức mạnh của con người.

Sự mệt mỏi và cơn khát của Chúa Giêsu trong cái nóng giữa trưa khi Ngài ngồi bên bờ giếng Giacóp gợi nhớ đến trải nghiệm tột cùng của Ngài về đau khổ và khát khao kịch liệt khi Ngài giang tay mệt mỏi và đau đớn trên cây Thánh Giá, dưới sức nóng tàn nhẫn của mặt trời trên Núi Calvariô. Cơn khát của Chúa Giêsu ở Sychar, khiến Chúa phải xin người phụ nữ Sa-ma-ri nước uống, cho thấy một cách hùng hồn nỗi đau khổ tột cùng mà Chúa sẽ trải qua trên cây Thập giá. Trên Thập giá, Chúa Giêsu đã kêu lên lời than thật đau khổ và thảm hại: “Ta khát” (Ga 19, 28). Cơn khát và lời rên rỉ hết sức đau khổ của Chúa Giêsu đang hấp hối gợi lên và hoàn tất những gì tác giả thánh vịnh đã tiên báo liên quan đến những đau khổ và niềm hy vọng của con người đạo đức, hình bóng của Đấng Mê-si-a: “Tưởng mình như tan dần ra nước, toàn thân con xương cốt rã rời, con tim đau đớn bồi hồi, mềm như sáp chảy tơi bời ruột gan” (Tv 22,15). Do đó, cơn khát cuối cùng của Chúa Giêsu thiên sai bao hàm việc Ngài trao ban mạng sống mình làm một của lễ hiến tế. Trong cái chết của mình, Chúa giống như dòng nước rút tháo đi. Trong sự phó thác hoàn toàn của mình trên Thập giá, Chúa mong mỏi và khao khát sự cứu rỗi các linh hồn.

Trong một phép lạ vĩ đại của tình yêu, nỗi khát khao tột cùng và cái chết hy sinh của Chúa Giêsu trên Thập giá đã thực hiện lời hứa của Thiên Chúa, là lời được Chúa Giêsu thốt ra khi gặp gỡ với người phụ nữ Sa-ma-ri: “Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4, 14). Thật vậy, theo tác giả Tin Mừng Gioan : “Như Kinh Thánh đã nói : Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7, 38). Điều này đã được thực hiện khi từ cạnh sườn bị đâm thủng của Đức Kitô lúc Ngài ngủ giấc ngủ của tử thần trên Thập giá, máu và nước đã chảy ra (x. Ga 19, 34). Máu cho thấy con chiên đã thực sự bị sát tế để thế giới được cứu độ. Nước, biểu tượng của Thần Khí, cho thấy sự hy sinh là nguồn mạch phong phú của ân sủng. Nhiều Giáo phụ, với suy nghĩ đúng đắn, đã giải thích nướcmáu là biểu tượng của Bí tích Rửa Tội và Bí tích Thánh Thể, và hai bí tích này là biểu thị cho Giáo Hội, được sinh ra như E-và thứ hai từ cạnh sườn của Adam mới.

Do đó, văn sĩ Lawrence Mick khẳng định: “Ngôn ngữ về nước rõ ràng mang tính biểu tượng. Nước hằng sống ám chỉ Bí tích Rửa Tội và sự trao ban Thần Khí, nguồn mạch sự sống ; nước cũng ám chỉ Chúa Giêsu là nguồn mạch sự sống. Một quy chiếu kép như vậy không có gì là mâu thuẫn bởi vì Chúa Giêsu đã phó trao Thần Khí. Bộ Ngũ Thư, – Kinh Torah -, được mô tả trong truyền thống Do Thái là nguồn nước của sự sống; Chúa Giêsu đang yêu sách thay thế Kinh Torah trong thời đại mới. Nước của người Do Thái chỉ làm thỏa cơn khát trong một thời gian, nhưng nước mà Chúa Giêsu ban tặng làm hết khát mãi mãi”.

Các tác giả của bộ sách Những ngày của Chúa, tập. 2, gắn kết chủ đề khát và nước hằng sống với mùa Chay thánh: “Cuộc hành trình Mùa Chay mang đến cho Giáo Hội nói chung và mỗi tín hữu một trải nghiệm kép về cơn khát mà không giếng nào trên trần gian có thể làm dịu được, và nước vọt ra từ trái tim của sự sống đời đời… Phụng vụ là nơi đặc biệt, nơi những nguồn nước sống này tràn đầy, dồi dào và đa dạng, khi lời Chúa được công bố. Chúa Thánh Thần đánh thức sự thờ phượng, việc cầu nguyện và lời tạ ơn trong lòng các tín hữu. Chúa ban chính mình cho dân Ngài làm thức ăn dưới các dấu chỉ của bánh và rượu. Nhưng trách nhiệm của mỗi người là phải đảm bảo cho những dòng nước mang lại sự sống này được vọt lên”.

Cuối cùng, Giáo phụ Origen khuyên nhủ : “Các giếng tâm hồn chúng ta cần một người đào giếng chuyên nghiệp ; các giếng phải được làm sạch, giải thoát khỏi mọi thứ trần thế để các mạch nước là những suy nghĩ sáng suốt mà Thiên Chúa đã đặt để ở đó sản sinh ra những dòng nước tinh khiết và chân thành. Chỉ cần bụi bẩn ngăn chận và làm tắc nghẽn mạch nước, thì dòng nước ngầm, nước tinh khiết không thể chảy được”. Khi chúng ta cảm tạ Chúa, đặc biệt trong Mùa Chay này về ân huệ là nước hằng sống, một sự ban tặng đầy ân cần của Thiên Chúa phát xuất từ lòng nhân từ của Ngài, chúng ta hãy cố gắng loại bỏ mọi trở ngại đối với dòng chảy ân sủng trong cuộc sống của chúng ta. Giống như người phụ nữ Sa-ma-ri đã khiêm tốn tiếp nhận nguồn nước hằng sống là sự mặc khải của Đấng Thiên sai, chúng ta cũng hãy trở thành những người hân hoan loan báo Tin Mừng : tình yêu của Thiên Chúa đã được đổ tràn vào lòng chúng ta, nhờ Chúa Thánh Thần, qua sự hy sinh vượt qua của Chúa Giêsu, suối nguồn nước hằng sống.

2.MEDITATIO  
Tôi có biết ơn Chúa Giêsu về quà tặng là nước hằng sống không ? Như người phụ nữ Sa-ma-ri, cuộc gặp gỡ của tôi với Chúa Giêsu ở suối nước hằng sống có biến đổi tôi thành một người loan báo Tin Mừng không ?
Tôi có lấy lòng biết ơn đón nhận “tình yêu của Thiên Chúa được đổ vào tâm hồn chúng ta” nhờ Chúa Thánh Thần không? Làm thế nào để tôi đáp lại quà tặng ân sủng là “tình yêu trào tràn” này ?
3.ORATIO  

Lạy Thiên Chúa mến yêu, Chúa đang ở giữa chúng con. Chúa quan tâm đến chúng con và cung cấp cho tất cả các nhu cầu của chúng con. Chúa làm thoả mãn cơn khát tâm linh của chúng con nhờ Chúa Giêsu, Con yêu dấu của Chúa, là “nước hằng sống” vọt lên đến sự sống đời đời. Chúng con cảm ơn Chúa về tình yêu mà Chúa đổ vào tâm hồn chúng con nhờ Chúa Thánh Thần, là quà tặng của Chúa cho chúng con. Xin cho những thử thách và đau khổ mà chúng con trải qua trong cuộc sống hàng ngày của chúng con được nảy mầm như những “hạt giống tốt” được gieo trên đất màu mỡ. Xin cho chúng được tưới gội bằng những giọt sương ân sủng của Chúa và sinh hoa kết trái dồi dào, để Chúa ngày càng vinh hiển hơn, bây giờ và mãi mãi. Amen.

4.CONTEMPLATIO

Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời

5.ACTIO  
Qua các hành động bác ái của tôi, tôi cố gắng làm thoả mãn những cơn khát khác nhau của những người nghèo trong xã hội của chúng ta.
Tôi làm những gì có thể để giúp cung cấp nước sạch cho nhiều người nghèo ở các nước đang phát triển khác nhau trên thế giới.

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác

Comments are closed.