Lời Chúa Chúa Nhật II Phục Sinh_C, 24-4-2022 KÍNH LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA Ga 20, 19-31 “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài đứng giữa họ”

LECTIO DIVINA

Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí

Chúa Nhật II Phục Sinh_C, 24-4-2022

KÍNH LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA

Ga 20, 19-31

Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài đứng giữa họ

1.LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)

Tám ngày sau, Đức Giêsu đến, đứng giữa họ

Trong đoạn Tin Mừng hôm nay (Ga 20, 19-31), chúng ta chiêm ngắm Chúa Phục Sinh hiện ra với các môn đệ và lòng nhân ái dịu dàng của Ngài để giúp họ cảm nghiệm biến cố Phục sinh kỳ diệu và sự tôn vinh Ngài. Đấng đã trải qua cuộc khổ nạn cứu độ đã hiện ra trong hình dạng được tôn vinh trước các môn đệ đang sợ hãi. Được giải thoát khỏi những ràng buộc của thân xác phải chết, Chúa có thể xuất hiện ở bất cứ nơi đâu : không chướng ngại vật nào, không cánh cửa khóa nào có thể ngăn cản Chúa đến. Mặc dù thân xác phục sinh của Chúa Giêsu có những phẩm chất thần linh, thánh sử Gioan vẫn nhấn mạnh sự hiện hữu liên tục của Đấng mà những nhân chứng đầu tiên đã biết cách thân tình. Chúa Giêsu đưa tay và cạnh sườn cho các môn đệ xem để giúp họ nhận ra rằng chính Đấng bị đóng đinh đang đứng ở đó giữa họ. Các cuộc hiện ra Phục sinh đều nhằm xoa dịu nỗi sợ hãi của họ và khơi dậy niềm tin của các môn đệ vào sự sống lại của Đấng đã chịu khổ hình và đã chết trên thập giá.

Trong lần hiện ra Phục sinh này, Chúa Phục sinh, Đấng đã xoa dịu các môn đệ sợ hãi bằng lời chúc bình an của Ngài, đã ban cho họ ân huệ vĩ đại nhất của Phục sinh, là Chúa Thánh Thần. Thật vậy, ân huệ Phục sinh tối hậu chính là Chúa Thánh Thần, Đấng giúp các môn đệ Đức Kitô có thể tận hưởng những hoa trái của tình yêu, niềm vui và bình an mà Chúa Giêsu đã gặt hái từ cây sự sống, là thập giá cuộc khổ nạn và sự tôn vinh Ngài. Trên thập giá tại đồi Canvê, Chúa Giêsu đã phó trao Thần Khí của Ngài nơi Chúa Cha trong sự vâng phục hoàn toàn (x. Ga 19, 30). Trong lần hiện ra Phục sinh này, Chúa Giêsu được tôn vinh đã thổi hơi Thánh Thần của Ngài một lần nữa, như để cử hành việc tái tạo dân của Thiên Chúa. Ân huệ của Chúa Phục Sinh cũng là năng lượng tác sinh của Giáo hội hậu Phục sinh trong sứ mệnh duy trì công việc cứu độ đã được Đức Kitô hoàn thành trong cuộc khổ nạn, cái chết và sự tôn vinh của Ngài. Thần Khí của Chúa Phục Sinh là sức mạnh cho sứ mệnh của người Kitô hữu xuyên suốt thời gian và không gian.

Tin Mừng Phục Sinh hôm nay cũng là một lời khích lệ “hãy tin dù không thấy”. Theo tường thuật của Gioan, Chúa Phục Sinh hiện ra vào ngày thứ tám và đứng giữa các môn đệ. Cùng với họ là Tôma nghi ngờ, đã phản ứng dữ dội trước lời chứng của các Tông đồ khác. Chúa Giêsu đối diện với Tôma đang nghi ngờ về dấu tích cuộc khổ nạn của Chúa, và Chúa nói với Tôma : “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20, 27). Sự kháng cự và cứng tin của Tôma đã hoàn toàn tan chảy khi Tôma đứng trước Chúa Phục Sinh. Thế rồi, Tôma đã nói lên lời tuyên xưng đức tin căn bản của Kitô hữu : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !” (Ga 20, 28). Tuy nhiên, Chúa Phục Sinh đã khích lệ Tôma đến một đức tin lớn hơn: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !”(Ga 20, 29). Giống như các môn đệ đầu tiên, đức tin của các môn đệ Đức Kitô qua lịch sử được đặt nền trong sự hiện diện của Chúa Phục sinh qua Thánh Thần của Ngài.

Câu cuối cùng của bài đọc hôm nay tóm gọn động cơ cho nhiều “dấu chỉ” được viết ra và công bố về Chúa Giêsu, sự phục sinh vinh hiển là sự kiện được tôn vinh và là “dấu chỉ của các dấu chỉ”. Thánh sử Gioan nói với những người đón nhận Tin Mừng: “Những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20, 31) . Thật vậy, để thực sự tận hưởng niềm vui Phục sinh, chúng ta cần phải tin điều này là: Chúa Giêsu thành Nazareth thực sự là Đấng Kitô – Con Thiên Chúa. Ngài là Chúa và là Thiên Chúa của những người đã cảm nghiệm sức mạnh của sự Phục Sinh.

2.MEDITATIO (Suy niệm : Lời Chúa nói gì với tôi ? Duyệt xét Tâm hồn)
Chúng ta có đón nhận biến cố Phục Sinh không ?
Chúng ta có tin với sự xác tín rằng Chúa Phục Sinh đang ở giữa chúng ta để đổi mới mọi sự và làm cho chúng ta được thông phần vào chiến thắng vinh quang của Ngài trên tội lỗi và sự chết không ?
Việc thông ban Chúa Thánh Thần, Ân huệ Phục Sinh của Chúa Phục Sinh, có ý nghĩa gì đối với tôi ? Ân huệ Phục Sinh này ảnh hưởng và định hình cuộc sống của tôi trong Đức Kitô như thế nào ?
3.ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)

Lạy Thiên Chúa toàn năng và thương xót, Con của Cha là Chúa Giêsu Kitô đang ở giữa chúng con. Ngài đã từng chết nhưng bây giờ đang thực sự sống. Ngài sống mãi mãi, và nhờ Ngài, chúng con cũng được sống mãi mãi. Nhờ mầu nhiệm Phục sinh của Vị Chúa hằng sống, xin ban cho chúng con ân sủng để thi hành tác vụ tình yêu chữa lành của Cha cho những anh chị em đang đau khổ của chúng con. Xin biến chúng con thành những sứ giả thực sự của Tin Mừng. Xin giúp chúng con nên những chứng nhân vui mừng của biến cố Phục Sinh. Chúng con ca tụng Cha với tiếng ngọt ngào “Alleluia ! Hãy tung hô Chúa !”, bây giờ và mãi mãi. Amen.

4.CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng : Nội tâm hóa Lời Chúa)

Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa

5.ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)

Trong ngày Phục Sinh hôm nay, tôi cầu xin cho có nhận thức rõ hơn về các phúc lành phát xuất từ sự phục sinh của Đức Kitô và về việc được tái sinh trong Thần Khí của Thiên Chúa, là Ân huệ Phục Sinh. Đến phần truyền phép trong Thánh lễ Chúa Nhật hôm nay, khi chiêm ngắm bánh rượu sau truyền phép được nâng cao lên, tôi sốt sắng lặp lại lời tuyên xưng đức tin của Tôma: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!”.

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.

Comments are closed.