Chúa Nhật II Phục Sinh– Năm C – Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa – Ngày 24/04/2022

Lời Chúa: Ga 20, 19 – 31.

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông, khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.

Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Ðoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.

Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.

 


Suy niệm

CHÚA GIÊSU KITÔ, SỰ BÌNH AN ĐÍCH THỰC THIÊN CHÚA BAN CHO NHÂN LOẠI

“Bình an cho các con” (Ga 20, 19).

Từ buổi đầu công trình sáng tạo, Thiên Chúa đã ban cho con người được sống trong ân nghĩa, không phải đau khổ, không phải chết. Thế nhưng, con người đã đánh mất những đặc ân này vì phạm tội. Từ đó, con người sống trong sợ hãi, lắng lo và luôn cảm thấy bị đe dọa. Tuy nhiên, qua nhiều thời và nhiều cách thức, Thiên Chúa đã tìm cách cứu giúp con người, ngõ hầu con người được nhận lại hạnh phúc và bình an. Và trong thời sau hết, Chúa Giêsu đã đem lại sự bình an và hạnh phúc đích thực cho con người qua Cuộc Khổn Nạn và Phục Sinh của Người.

Các thánh sử cho ta thấy, cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu khởi đầu việc đem lại bình an cho nhân loại từ khi sinh ra : “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2, 14) và thành toàn trong biến cố Phục Sinh : “Bình an cho các con” (Ga 20, 19). Cách đặc biệt, phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho ta thấy khi vắng bóng Chúa Giêsu, các môn đệ đóng kín cửa vì sợ hãi và lắng lo. Vì thế, khi hiện ra, câu đầu tiên Chúa nói là : “Bình an cho các con” (Ga 20, 19). Lời chào bình an này giúp các môn đệ vượt thắng thử thách của thập giá. Ngài liên kết sự bình an và niềm vui với cuộc khổ nạn cứu chuộc của Ngài. Khổ nạn mà không có bình an và niềm vui phục sinh là khổ nạn chưa được cứu chuộc và chỉ đưa đến sự chết ; còn niềm vui mà không qua khổ nạn cứu chuộc là niềm vui phàm tục, mau qua chóng hết và không phải là niềm vui vĩnh cửu mà Chúa Kitô phục sinh muốn đem lại cho con người.

Hôm nay, Giáo Hội đặc biệt mừng kính Lòng Thương Xót Chúa. Lòng Thương Xót của Chúa không chỉ dừng lại ở việc ban ơn chữa lành một vài bệnh tật, hay thể hiện qua một vài phép lạ. Nhưng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được diễn tả qua diện mạo của Chúa Kitô. Lòng Thương Xót đó là ơn cứu độ và sự bình an đích thực được mang lại bởi Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Người. Lòng Thương Xót của Thiên Chúa không nhằm cất đi tất cả những đau khổ, khó khăn, gian nan của kiếp người, nhưng ban cho chúng ta sức mạnh để vượt qua. Để có thể lãnh nhận được Lòng Thương Xót này, chúng ta phải cố gắng làm sao để kinh nghiệm của Thánh Tôma trở thành kinh nghiệm của chính mình : khao khát nhìn thấy tận mắt, sờ thấy tận tay Đấng đã sống lại từ cõi chết. Tuy nhiên, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải có một đức tin vượt lên trên những dấu hiệu khả giác đó, một đức tin không điều kiện : “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin” (Ga 20, 29).

Ước gì mỗi người Kitô hữu chúng ta nhận ra rằng sự phục sinh của Chúa Kitô là nguồn mạch của niềm vui, hạnh phúc và bình an, là nguồn hiệp thông huynh đệ và yêu thương, để sự biến đổi nơi các môn đệ và cộng đoàn Ki tô hữu tiên khởi cũng là sự biến đổi nơi mỗi người chúng ta, ngõ hầu chúng ta có thể “đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến đền thờ cầu nguyện, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến” (Cv 2, 42.47).


Comments are closed.