Lời Chúa Chúa Nhật I Mùa Chay_B, 21-02-2021 Mc 1, 12-15 “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Ngài trung thành với Giao Ước”

LECTIO DIVINA

‘Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí’

Chúa Nhật I Mùa Chay_B, 21-02-2021

Mc 1, 12-15

“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Ngài trung thành với Giao Ước”

1.  LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)

“Chúa Giêsu chịu Satan cám dỗ…, và có các thiên sứ hầu hạ Người”

         Câu chuyện Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan đi trước tường thuật về việc Ngài chịu ma quỷ cám dỗ trong hoang địa (x. Mc 1, 9-13) và sự khởi đầu sứ vụ của Ngài ở Galilê (x. Mc 1, 13-15). Đoạn Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay, bao gồm việc Chúa Giêsu chịu ma quỷ cám dỗ và việc công bố Nước Trời, cần được giải thích dưới ánh sáng của biến cố Ngài chịu phép rửa. Marcô trình bày Chúa Giêsu là Đấng Mêsia được hứa ban, Đấng đến làm phép rửa bằng Thần Khí. Hơn nữa, Marcô nhấn mạnh những giai đoạn đầu tiên trong hoạt động của Chúa như đã chịu ảnh hưởng của cùng một Thần Khí đó. Một tư tưởng rất nổi bật xuất hiện trong sự kiện Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan. Đấng khiêm nhường chịu phục tùng Gioan Tẩy Giả, chính là đối tượng của lời khẳng định của Thiên Chúa: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về con” (Mc 1,11). Tại sông Giođan, Thiên Chúa công bố mối liên hệ giao ước đặc biệt của Ngài với Chúa Giêsu và công bố Chúa Giêsu vừa là “Đấng được xức dầu Thánh Thần” vừa là “Người Con đẹp lòng Chúa Cha”.

         Công thức về phận làm con, “Con yêu dấu của Ta”, có vẻ gây bối rối khi được đặt bên cạnh lời khẳng định, “Ta hài lòng về Con,” gợi lên Is 42, 1, “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta cho thần khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân”. Tuy nhiên, vấn đề được giải quyết, nếu chúng ta lưu ý rằng từ ngữ tiếng Hy Lạp, huios trong Marcô là một phiên bản của từ ngữ này, pais, có nghĩa là “con trai” hoặc “đứa tớ trai”. Thật ra, Chúa Giêsu vừa là người này, vừa là người kia. Ngài là Người Tôi Tớ được Giavê tuyển chọn, vì trong sự vâng lời hoàn hảo, Ngài đã hoàn thành sứ mệnh thiên sai của mình đã nhận lãnh khi chịu phép rửa ở sông Giođan, một sứ mệnh được hoàn thành xuyên suốt toàn bộ cuộc đời và sự phục vụ của Ngài, (sứ mệnh này) đạt đến đỉnh điểm trong mầu nhiệm Vượt Qua là cuộc khổ nạn diễm phúc, cái chết trên thập giá và sự phục sinh vinh hiển của Ngài. Ngài đồng thời là người Con mà Chúa Cha yêu thích, mối liên hệ đặc biệt này không chỉ được xác định ở sông Giođan, mà còn ở trên núi biến hình. Thật vậy, mối liên hệ của Chúa Cha với Chúa Con là duy nhất và mật thiết, chúng ta có thể nói, (là mối liên hệ) “giao ước”.

         Trước lời tuyên bố công khai của Chúa Cha về mối liên hệ của Ngài với Chúa Giêsu trong tư cách là Tôi tớ thiên sai và là Con yêu dấu của Chúa Cha, Chúa Giêsu đáp lại bằng cách thừa nhận mối tử hệ của Ngài với Chúa Cha, và bằng cách cởi mở chấp nhận ơn gọi-sứ mệnh của Ngài là Tôi tớ-Mêsia. Việc Marcô không tường thuật các loại cám dỗ khác nhau càng làm rõ hơn nữa thông điệp mà Giáo Hội muốn truyền đạt sau đây: lòng trung thành không gì lay chuyển được của Chúa Con đối với giao ước của Chúa Cha, hay giao ước tình yêu với Chúa Cha. Sự cám dỗ liên tục và triền miên tấn công Đấng Mêsia trong suốt bốn mươi ngày nơi hoang địa, (là cám dỗ) nhắm vào “thế gian” mà sự cứu độ của nó (thế gian) đã được Chúa Cha giao phó cho Chúa Giêsu khi Chúa Giêsu chịu phép rửa. Sự cám dỗ cố gắng thử thách thái độ phục vụ và mối quan hệ mật thiết của Chúa Giêsu với Chúa Cha. Hơn nữa, nó còn thách thức lập trường vâng phục của Chúa Giêsu đối với các yêu cầu cấp thiết của ý muốn cứu độ của Thiên Chúa.

         Giữa những thử thách, Chúa Giêsu vẫn ngoan cường và vững vàng. Người Con-Tôi tớ, trong kinh nghiệm về chiến đấu và cam kết, tỏ ra trung thành và chiến thắng. Ngài vẫn trung thành với “giao ước” hay hiệp ước phục vụ yêu thương. Toàn bộ cuộc đời sứ vụ và phục vụ hoàn hảo của Ngài trên thập giá đã xác nhận bằng chứng, giao ước và lời hứa mà Ngài đã thực hiện tại sông Giođan. Đặc biệt trong Mùa Chay, Giáo Hội trình bày một cách đúng đắn Chúa Giêsu là gương mẫu của sự trung thành trong mối quan hệ yêu thương-phục vụ theo giao ước của chúng ta với Thiên Chúa. Thật vậy, Chúa Giêsu là biểu tượng của sự dấn thân truyền giáo mà chúng ta đã công khai tuyên nhận trong Bí tích Rửa Tội.

2.  MEDITATIO (Suy niệm: Lời Chúa nói gì với tôi? Duyệt xét Tâm hồn)

–      Trong Mùa Chay ân sủng này, tôi có tập trung đôi mắt vào sự trung thành của Đức Kitô trong giao ước với Thiên Chúa không?

–      Giữa những thử thách và cám dỗ chống lại ơn gọi của Bí tích Rửa Tội tôi đã lãnh nhận, tôi có noi gương Chúa Kitô, Đấng luôn trung thành với tình yêu giao ước của Ngài với Chúa Cha, và hoàn toàn vâng phục ý muốn cứu độ của Ngài không?

–      Tôi có tin tưởng rằng tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ không bao giờ thất bại, và Thiên Chúa luôn trung thành với giao ước mà Ngài đã ký kết với tôi không?

3.  ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)

         Lạy Cha yêu mến và thương xót, trong phép rửa tại sông Giođan, trong sự trung thành mà Chúa Giêsu thể hiện khi bị cám dỗ trong hoang địa, và trong sự phục vụ hết mình của tình yêu mà Ngài hiến dâng trên thập giá, Cha đã cho chúng con những mẫu gương của sự cam kết. Trong Chúa Giêsu, Người Con Tôi-Tớ của Cha, Cha tái lập giao ước của Cha với chúng con, đặc biệt khi những kết cấu đạo đức của chúng con đang suy yếu. Xin ban cho chúng con một tâm hồn biết lắng nghe để chúng con có thể tiếp nhận Lời của Cha với đức tin. Xin làm cho chúng con trở nên dấu chỉ về sự trung thành trong một thế giới tan vỡ đang khao khát sự toàn vẹn và sự đầy đủ. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

4.  CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng: Nội tâm hóa Lời Chúa)

“Chúa Giêsu chịu Satan cám dỗ”

5.  ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)

–      Thực hiện chay tịnh Mùa Chay, không chỉ liên quan đến đồ ăn thức uống, mà còn sử dụng đúng cách các phương tiện truyền thông xã hội.

–      Tiếp cận những người nghèo túng và đói khát bằng cách đóng góp thành quả của việc nhịn ăn của bạn cho một tổ chức từ thiện.

–      Một trong những việc được Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị với chúng ta trong Mùa Chay năm nay là, “chấp nhận và sống sự thật được mặc khải trong Chúa Kitô”, nghĩa là “mở rộng tâm hồn trước Lời Chúa mà Giáo hội đã truyền lại từ thế hệ này đến thế hệ khác” (Sứ điệp Mùa Chay 2021). Và Đức Thánh Cha không quên lưu ý chúng ta về những cám dỗ có thể xảy ra khi chúng ta đọc Lời Chúa: “Các cám dỗ thường xuất hiện khi tôi cố gắng nghe Chúa. Một cám dỗ thường chỉ là tôi cảm thấy bối rối hay khó chịu khiến tôi bỏ đi. Một cám dỗ khác là nghĩ về ý nghĩa của bản văn đối với những người khác, và vì thế tôi tránh áp dụng nó cho đời sống của chính mình. Cũng có thể có cám dỗ khiến tôi tìm cớ để coi nhẹ ý nghĩa hiển nhiên của bản văn. Hoặc chúng ta cũng có thể thắc mắc không biết Chúa có đang đòi hỏi quá nhiều ở chúng ta, đòi hỏi một quyết định mà chúng ta chưa sẵn sàng để thực hiện. Những cám dỗ này khiến nhiều người không còn hứng thú gặp gỡ lời Chúa nữa; nhưng như thế là quên rằng không một ai kiên nhẫn bằng Thiên Chúa Cha chúng ta, không một ai cảm thông và sẵn sàng chờ đợi như Người. Người luôn luôn mời gọi chúng ta tiến tới, nhưng không đòi chúng ta một câu trả lời hoàn chỉnh nếu chúng ta chưa sẵn sàng. Ngài chỉ xin chúng ta thành thật nhìn vào đời sống mình và giãi bày đời mình một cách chân thật với Người, và xin chúng ta sẵn sàng tiếp tục lớn lên, cầu xin Người ban cho điều mà bản thân chúng ta chưa đạt được” (Evangelii Gaudium, 153).

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.

Comments are closed.