Đáp lời Đức Thánh Cha kêu gọi thực hiện những nỗ lực mới cho công cuộc loan truyền Tin Mừng và để chuẩn bị Thượng Hội đồng các Giám mục năm 2012 trên cùng chủ đề đó, vị giảng thuyết phủ Giáo hoàng, cha R. Cantalamessa đã trình bày bốn làn sóng của công cuộc loan truyền Tin Mừng, tựa như bốn giai đoạn trong lịch sử Giáo hội được ghi dấu việc xúc tiến hay sự dấn thân trong sứ vụ. Sau đây là các giai đoạn đó:
1. Ba thế kỷ đầu, tính tới sắc lệnh của Constantin, Kitô giáo lan rộng. Những tác nhân chính trước hết là những ngôn sứ dong duổi trên các nẻo đường, kế đến là các Giám mục;
2. Thế kỷ thứ 6 đến 9, nhờ các đan sĩ, người ta tham gia vào cuộc loan truyền Tin Mừng mới cho Châu Âu sau các cuộc xâm chiếm của những người man di;
3. Thế kỷ 16 với sự khám phá “thế giới mới” và sự hoán cải vào Kitô giáo của các dân tộc thuộc “thế giới mới” nhờ hoạt động của các tu sĩ;
4. Đương thời Giáo hội dấn thân trong công cuộc loan truyền Tin Mừng mới cho Châu Âu đã bị thế tục hóa với sự tham gia đáng kể của giáo dân.
Ở mỗi thời kỳ, cha đã làm sáng tỏ điều mà ta có thể rút kinh nghiệm cho Giáo hội ngày nay: đâu là những lầm lỗi cần tránh, những gương lành cần noi theo, những đóng góp của các đan sĩ, những tu sĩ hoạt động tông đồ và các giáo dân.
Lịch sử là kho tàng tri thức và kinh nghiệm. Chúng ta học hỏi lịch sử và trong ơn soi dẫn của Chúa Thánh Thần chúng ta chu toàn Thánh Ý Chúa trong sứ vụ của chúng ta.
Trong bài suy niệm này, tôi muốn nói về làn sóng lớn thứ hai của công cuộc loan truyền Tin Mừng, trong lịch sử Giáo hội, là thời diễn ra sự sụp đổ của đế quốc Rôma và cuộc pha trộn mới giữa các sắc dân gây nên do các cuộc xâm chiếm của những người man di, để một lần nữa nhận ra một cách cụ thể bài học cho chúng ta ngày nay. Giữa tầm rộng lớn của thời kỳ lịch sử và thời lượng vắn vỏi của một bài suy niệm, ta chỉ có thể điểm qua sự việc, tựa như người ta thường nói “cưỡi ngựa xem hoa”
1. Một Quyết Định Đánh Dấu Cả Một Thời Kỳ.
Vào thời điểm kết liễu chính thức của đế quốc Rôma, năm 476, châu Âu cho thấy khuôn mặt mới. Không còn đế quốc, nhưng thay vào là biết bao các lãnh địa của người man di. Nhìn tổng quát từ phương Bắc, tình hình là: thay thế trong các tỉnh thời đế quốc Rôma miền Britania người ta thấy những người Anglô-Saxông; trong các tỉnh xưa xứ Gaule là những người Franc; tại phía Đông sông Rhin những người Frison và Alaman; tại bán đảo Ibérie những người Wisigoth; trên đất Italia những người Ostrogoth, về sau là dân Lombard; tại Bắc Phi những người Vandale; tại Phương Đông đế quốc Byzantin vẫn tồn tại.
Giáo hội thấy mình đứng trước một quyết định đánh dấu cả một thời đại: Cần có thái độ nào trước tình hình mới này? Không phải dễ dàng có ngay giải đáp và cũng không phải ít giằng co để đạt tới quyết định đưa Giáo hội vào tương lai. Ở đây phần nào lặp lại vấn đề Giáo hội từng trải qua khi vượt ra ngoài tinh thần Judaisme mà đón nhận dân ngoại. Nơi các Kitô hữu, một lầm lạc chung đã tiến tới đỉnh điểm trong biến cố năm 410 khi vua người Goth cướp phá thành Rôma. Người ta tưởng ngày tận thế đã đến, trong tâm thức thế giới được đồng hóa với thế giới Rôma, và thế giới Rôma được đồng hóa với Kitô giáo. Tiếng nói của Thánh Giêrônimô là tiêu biểu nhất của sự lầm lạc chung này. Ngài viết: “Ai có thể tin được rằng Rôma sau bao nhiêu vinh quang đã gặt hái được, đã thiết lập những nền móng trên toàn thế giới, lại sụp đổ được sao?”
Người đóng góp nhiều nhất về phương diện trí thức chuyển tải đức tin vào thế giới mới là Thánh Augustinô qua tác phẩm “De Civitate Dei” (Thành Đô Thiên Chúa). Quan điểm của Ngài đánh dấu bước đầu của triết lý về lịch sử, theo đó, Thành Đô Thiên Chúa được phân biệt với Thành Đô trần thế, mà Thành Đô trần thế này có những lúc (Ngài hơi cưỡng với chính tư tưởng của mình) đồng hóa với Thành Đô Satan. Thành Đô trần thế được hiểu là tất cả những gì liên hệ tới làm chính trị bao hàm cả nền chính trị của Rôma. Như thế chẳng có cái tận thế nào cả, mà chỉ có cái tận cùng của một thế giới thôi!
Một cách cụ thể, chính Đức Giáo Hoàng Rôma có nhiệm vụ quyết định mở đạo giáo ra trước thực tại mới và phối kết những sáng kiến. Thánh Lêô Cả ý thức sậu đậm rằng Rôma Kitô sống còn trước một Rôma dân ngoại tiêu vong, hơn nữa “Rôma Kitô với đạo giáo bởi trời chủ trì sâu rộng hơn sự cai trị mang tính trần thế trước đó”.
Dần dần, thái độ các Kitô hữu đối với dân man di thay đổi. Người man di không còn bị coi là thấp kém, là không có khả năng trở thành người văn minh nhưng từ đó họ được nhìn nhận là những anh em trong đức tin. Các dân man di, trước kia bị coi như là mối đe dọa triền miên, bắt đầu hiện ra trước con mắt Kitô hữu như một cánh đồng truyền giáo mới rộng lớn. Thánh Phaolô trong Chúa Giêsu Kitô đã công bố xóa bỏ mọi kỳ thị chủng tộc, tôn giáo, văn hóa và địa vị xã hội khi nói rằng: “Vậy không còn phải phân biệt Hy lạp hay Do thái, cắt bì hay không cắt bì, man di mọi rợ, nô lệ, tự do, nhưng chỉ có Đức Kitô là tất cả và ở trong mọi người” (Col 3, 11). Nhưng còn biết bao nhiêu những cố gắng biến cuộc cách mạng này thành hiện thực vào thực tại lịch sử! Và những nỗ lực này không phải chỉ có xưa kia!
2. Cuộc Loan Tin Mừng Mới cho Châu Âu
Đối với những người man di, Giáo hội bước vào hai cuộc chiến. Cuộc chiến thứ nhất chống lại lạc giáo Ariô. Một số lớn các bộ tôc man di, nhất là người Goth, trước khi xâm nhập trung tâm đế quốc như những người chinh phục, đã có tiếp xúc với Kitô giáo từ bên phương Đông và đón nhận Kitô giáo theo giáo thuyết phái Ariô khi đó đang thịnh hành, nhất là qua Giám mục Wulfia (311-383), là người dịch Thánh Kinh sang ngôn ngữ người Goth. Khi đã định cư trong lãnh thổ phương Tây, họ mang trong mình lạc thuyết ấy.
Nhưng phái Ariô không có tổ chức chặt chẽ, không có nền văn hóa hay nền thần học sánh được với Công giáo. Vào thế kỷ thứ VI, lần lượt những người man di đã bỏ phái Ariô để gắn bó vào đức tin Công giáo, nhờ hoạt động của một số Giám mục và các văn sĩ Công giáo tên tuổi nhưng đôi khi cũng bởi những tính toán chính trị. Công đồng Tôlêđô năm 589 là thời điểm quyết định. Qua hoạt động của Léandre de Séville, Công đồng đã kết liễu phái Ariô nơi người Wisigoth tại Tây Ban Nha và thực tế trên khắp cả phương Tây.
Tuy nhiên cuộc chiến chống phái Ariô chẳng phải là mới mẻ. Cuộc chiến đã khời sự trước cả năm 325. Bước tiến thực sự mới mẻ mà Giáo hội giữ vững đền cùng, sau khi đế quốc Rôma suy sụp là công cuộc loan Tin Mừng cho lương dân. Công cuộc này theo hai đường hướng, gọi được là “hướng nội (ad intra) và hướng ngoại (ad extra)”, nghĩa là đến với các dân tộc từng sống trong đế quốc và đến với các dân vừa xâm nhập. Trong lãnh thổ của đế quốc xưa kia, nước Italia và các tỉnh, tới lúc đó Giáo hội hầu như chỉ hiện diện tại các thành thị. Vấn đề bấy giờ là vươn tới các thôn làng. Như đã biết, chữ “paien” (dân ngoại) có ngữ nguyên là “pagus” (thôn làng) và có ý nghĩa như đang dùng là nhờ công cuộc loan Tin Mừng cho các thôn làng, nói chung, là diễn ra sau cho các thành thị.
Thật là thú vị khi theo dõi diễn tiến cuộc loan Tin Mừng này trong việc thiết lập và phát triển các xứ đạo hiểu như là những thành phần của giáo phận. Tuy nhiện mục tiêu đã đề ra buộc tôi hướng tới công cuộc loan Tin Mừng cho dân ngoại, ad extra, tức là cho các dân tộc man di đã định cư trên bán đảo và trung tâm châu Âu, nghĩa là tại Anh, Hòa Lan, Pháp và Đức ngày nay.
Cuộc trở lại của vua Clovis người Mérovée, năm 498 hay 499, nhà vua đươc Thánh Rémi, Giám mục Reims rửa tội trong đêm Giáng Sinh, ghi dấu thời điểm quyết định của công cuộc loan Tin Mừng cho dân ngoại. Theo phong tục thời ấy, đây là lúc quyết định không chỉ cho tương lai tôn giáo của dân Franc, mà còn cho tương lai tôn giáo của các dân tộc khác đã chinh phục hai bên bờ sông Rhin. Giữa lúc rửa tội vua Clovis, Giám mục Rémi công bố câu nói nổi tiếng: “Mitis depone colla, Sicamber; adora quod incendisti, incende quod adorasti” (Hỡi Sicambre, hãy cúi đầu khiêm tốn, hãy thờ phượng những gì ông đã thiêu đốt và hãy thiêu đốt những gì ông đã thờ phượng). Chính từ biến cố đó mà nước Pháp mang danh hiệu “Trưởng Nữ của Giáo hội”.
Cuộc loan truyền Kitô giáo trên lục địa hoàn thành vào thế kỷ IX khi các dân tộc Slavô trở lại nhờ hai Thành Cyrillô và Mêthôđô. Những dân tộc này đã đến chiếm cứ châu Âu phía Đông, miền đất mà các làn sóng di dân trước đã để lại và di trú sang phía Tây.
Những điều kiện loan Tin Mừng cho những người man di mang hình thức khác với những điều kiện từng biết cho thế giới người Hy lạp và Rôma, ở đó Kitô giáo đối diện với một thế giới học thức, có tổ chức với luật lệ và ngôn ngữ chung. Kitô giáo đến đối thoại với một nền văn hóa và phải đối chất với chính mình. Đàng này, một trật phải đối diện với hai trách vụ: văn minh hóa và phúc âm hóa. Dạy đọc và viết, đào tạo tất cả vào giáo lý Kitô. Hội nhập văn hóa diễn ra một cách hoàn toàn không ngờ.
3. Thời Kỳ Hoành Tráng Của Các Tu Viện
Công cuộc lớn lao tôi vừa phác ra những nét chính đã được thực hiện bởi mọi thành phần Giáo hội. Trước hết là Đức Thánh Cha trong sáng kiến trực tiếp dành cho công cuộc loan Tin Mừng cho dân Anglô và dân Đức mà Thánh Bônifaciô đã khởi sự cũng như cho dân Slavô mà hai Thánh Cyrillô và Thánh Mêthôđô đã khởi sự. Sau đó sự nỗ lực của các Giám mục, Linh mục và dần dần các cộng đoàn địa phương thành hình và ổn định. Một số phụ nữ đã góp phần, âm thầm nhưng có tính chất quyết định. Bên cạnh những cuộc trở lại đáng ghi nhớ của các vua người man di, thường có đi theo con cháu của các hoàng hậu: Thánh Clotide của vua Clovis, Thánh Théodolinde của vua Autharis người Lombard, hôn thê Công giáo của vua Edwin đã đưa Kitô giáo vào miền Bắc nước Anh.
Tuy nhiên những nhà hoạt động chính của cuộc tái truyền giảng Tin Mừng cho châu Âu sau các cuộc xâm lăng của dân man di là các đan sĩ. Tại phương Tây, đời sống đan tu khởi sự vào thế kỷ IV, đã mau chóng lan rộng vào hai thời kỳ theo hai hướng khác nhau. Đợt thứ nhất xuất phát từ miền Nam và miền trung tâm xứ Gaule, nhất là từ Lérins (410) và Auxerre (418), và nhờ Thánh Patriciô là người từng được đào tạo từ hai trung tâm này, tiếp tục lan sang Ái Nhĩ Lan với biết bao hoa trái của đời sống thiêng liêng. Từ đó, làn sóng này lan sang Tô Cách Lan với công sức của Thánh Côlomban, vị sáng lập của Iona (521-597), và với Thánh Cuthbert thành Lindisfame (635-687), trong miền Bắc nước Anh mà Ngài đã đem sắc thái đặc biệt của người Celtes vào đời sống Kitô và đan tu.
Những bước đầu của làn sóng đan tu thứ hai nhằm phát huy và thống nhất những hình thức sống đời đan tu khác nhau bên phương Tây bắt nguồn từ Thánh Biển Đức (+547). Trong đợt này, các đan sĩ Thánh Augustinô và các bạn hữu của họ được Đức Thánh Cha Grêgôriô Cả sai đi. Họ loan Tin Mừng cho miền Nam nước Anh, mang đến một Kitô giáo với sắc thái Rôma, ảnh hưởng vượt trội sắc thái người Celtes và cuối cùng hòa hợp với Kitô giáo toàn cầu, chẳng hạn như ngày cử hành lễ Vượt Qua.
Từ thế kỷ thứ V đến VIII, các tu viện phủ khắp châu Âu, mà nhiều tu viện giữ vai trò hàng đầu trong giáo dục, đào tạo về tôn giáo cũng như nghệ thuật, văn hóa và canh nông. Tôn phong Thánh Biển Đức làm Bổn Mạng châu Âu là chí lý và Đức Thánh Cha , năm 2005, đã chọn Subiaco làm bài học mẫu mực về căn tính Kitô của châu Âu.
Hầu hết các đan sĩ loan truyền Tin Mừng xuất thân từ làn sóng thứ nhất vừa đề cập trên đây, trên dải đất Ái Nhĩ Lan và Anh quốc. Những tên tuổi tiêu biểu là Thánh Côlomban (542-615) và Thánh Bonifaciô (672-754). Thánh Côlomban khởi sự từ Luxeuil, loan Tin Mừng cho nhiều miền phía Bắc xứ Gaule và cho các bộ tộc thuộc miền Nam nước Đức, tiến sang tới Bobbio, nước Italia. Thánh Bônifaciô đươc nhìn nhận là nhà rao giảng Tin Mừng của nước Đức, đã mở rộng các hoạt động truyền giáo tới Frise, Hòa Lan ngày nay. Ngày 11 tháng ba 2009, Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI đã dành một bài giáo lý của ngày thứ tư trình bày về Ngài, nhấn mạnh mối liên kết chặt chẽ giữa Ngài với vị Giám muc Rôma và hoạt động mang văn minh đến cho các dân tộc mà Ngài truyền giảng Tin Mừng.
Khi đọc tiểu sử cuộc đời các Ngài, ta mang ấn tượng sống lại cuộc mạo hiểm truyền giáo của Thánh Phaolô: Cũng một nỗi nóng lòng mang Tin Mừng cho mọi tạo vật, cũng một lòng can đảm trước đủ thứ nguy hiểm hay trở ngại, và cho Thánh Bônifaciô cũng như cho biết bao Đấng khác là cũng một vận mệnh chung cuộc, hy sinh mạng sống cho Chúa.
Trên bình diện lớn, những lỗ hổng của cuộc loan Tin Mừng này thì ta đã biết rõ và quả thực khi so sánh với hoạt động của Thánh Phaolô thì ta hiểu ra những khiếm khuyết chính. Nơi Thánh Tông Đồ, trong khi rao giảng, Ngài lo lắng thiết lập khắp nơi một Giáo hội có khả năng bảo đảm tiếp nối và phát triển sống đời Kitô hữu. Còn ở giai đoạn này, thường thường do thiếu phương tiện và vì sự khó khăn để đặt chân vào giữa lòng một xã hội còn rối bời như mớ bòng bong, những nhà tiên phong khai phà này chưa thực hiện được sự bảo đảm việc tiếp nối trong công trình của các ngài
Các dân tộc man di chỉ áp dụng một phần chương trình Thánh Rémis hoạch định cho vua Clovis: Họ thờ phượng những gì họ đã thiêu đốt đi, nhưng lại không thiêu đốt đi những gì họ đã thờ phượng. Một phần đáng kể của hành trang ngẫu tượng, dân ngoại còn tồn tại và sống trở lại ngay cơ hội đầu tiên đến. Việc này tựa như người khai phá mở lối trong rừng sâu: nếu ít giữ gìn lui tới thì môi sinh rừng thẳm chung quanh mau chóng xóa nhòa các vết tích. Công trình duy nhất còn kéo dài với các nhà loan Tin Mừng cao cả này hiển nhiên là việc thiết lập hệ thống các đan viện và với các đan sĩ dòng Augustinô tại nước Anh và với Thánh Bônifaciô trên nước Đức, thì việc thiết lập các giáo phận và triệu tập các công nghị sẽ là sự bảo đảm về sau cho công cuộc loan Tin Mừng dài lâu và đi vào chiều sâu hơn.
4. Sứ Vụ Truyền Giáo và Tâm Hồn Chiêm Niệm.
Bây giờ tới lúc từ bối cảnh lịch sử này, chúng ta rút ra những chỉ dẫn cho chúng ta ngày nay. Trước hết, ta ghi nhận có sự tương họp nào đó giữa thời đại vừa khào sát với tình hình hiện tại. Thời xưa dân chúng di cư từ Đông sang Tây, nay từ Nam ra Bắc. Giáo hội với quyền giáo huấn trong trường hợp tương tự, đã chọn lãnh vực hoạt động: mở rộng trước điều mới mẻ và đón nhận các dân tộc mới. Điều khác biệt, ngày nay không còn là các lương dân hay các Kitô hữu lầm lạc di cư về châu Âu, nhưng thường là các dân đã có một tôn giáo đã ăn sâu và xác tín. Vậy điều mới mẻ là sự đối thoại, đối thoại không đi ngược Tin Mừng nhưng xác định phương thức rao giảng. Chân Phước Gioan-Phaolô II, trong thông điệp “Redemptoris Missio”, đề cập vấn đề giá trị trường tồn của mệnh lệnh truyền giáo, đã diễn giải rõ:
“Đối thoại liên tôn là thành phần của sứ vụ loan truyền Tin Mừng của Giáo hội. Được hiểu là phương pháp và phương tiện nhắm tới sự hiểu biết và làm phong phú lẫn nhau, đối thoại không đối nghịch lại sứ vụ truyền giáo cho các dân tộc, mà ngược lại nó có liên hệ rất đăc biệt và là sự thể hiện sứ vụ đó…Dưới ánh sáng kế đồ cứu độ, Giáo hội thẩm định rằng không có sự đối kháng giữa công cuộc loan báo Chúa Kitô và sự đối thoại liên tôn, nhưng Giáo hội cảm nhận sự cần thiết đặt chúng vào trong khuôn thức của sứ vụ đến với các dân tộc. Quả thưc, hai yếu tố ấy cần liên kết mật thiết mà đồng thời có phân biệt và vì vậy người ta không được lẫn lộn, cũng không khai thác hoặc coi chúng như đồng giá trị làm như chúng có thể thay thế cho nhau”
Sự việc đã diễn ra tại châu Âu sau những cuộc xâm chiếm của dân man di chứng tỏ cho chúng ta đặc biệt tầm quan trọng của đời sống chiêm niệm trong công cuộc loan truyền Tin Mừng. Sắc lệnh “Truyền Giáo” (Ad Gentes) của Công đồng đã viết về hoạt động truyền giáo của Giáo hội:
“Cũng đáng đặc biệt nhắc tới những tổ chức nhằm đặt định đời sống chiêm niệm: có người chủ trương duy trì những yếu tố căn bản của tổ chức Đan viện, nhưng vẫn cố gắng xen vào đó những truyền thống rất phong phú của Dòng mình; có người lại trở về với những hình thức đơn sơ hơn của bậc đan tu đời trước. Tuy nhiên, mọi người phải cố gắng tìm cách để thực sự thích nghi với những hoàn cảnh địa phương. Thực vậy, vì đời sống chiêm niệm thuộc về sự hiện diện trọn vẹn của Giáo hội, nên phải được thiết lập khắp nơi trong các Giáo hội trẻ trung” (18d).
Lời mời gọi này về tìm kiếm những hình thức mới của đời sống đan tu hướng tới công cuộc loan truyền Tin Mừng lấy cảm hứng từ đời sống đan tu xưa, không phải là những chữ chết.
Một trong các hình thức đáp lại ước mong này đã được thực hiện bởi “các Huynh Đoàn Đan Tu Giêrusalem”, gồm các đan sĩ nam nữ nơi các thành phố. Cha Pierre-Marie Delfieux, sau khi trải nghiệm hai năm trong sa mạc Sahara, sống chỉ với Thánh Thể và Thánh Kinh, đã hiểu ra rằng ngày nay chính những thành phố lớn bị thế tục hóa là các hoang mạc. Được tung vào thủ đô Paris, năm 1975, ngày lễ Các Thánh, từ đó, các huynh đoàn này hiện diện trong nhiều thành phố lớn tại châu Âu, kể cả Rôma, đảm trách nhà thờ “Núi Chúa Ba Ngôi”. Đặc sủng của họ là loan truyền Tin Mừng qua vẻ đẹp nghệ thuật và phụng vụ. Tu phục, lối sống thì đơn giản và nhiệm nhặt, giữa thời giờ làm việc và cầu nguyện, họ chia sẻ nếp sống đan tu. Điều mới mẻ là họ lập các cộng đoàn giữa các thành phố, thường là trong các nhà thờ cổ xưa có giá trị nghệ thuật cao, và sự cộng tác giữa các đan sĩ nam và nữ trong lãnh vực phụng vụ, chẳng làm sứt mẻ gì tính độc lập mà hỗ tương trên phương diện cư trú và thẩm quyền trách nhiệm. Con số những người trở lại và các Kitô hữu tìm về đức tin qua các nơi ấy không phải là nhỏ.
Ngoài ra tại Italia, có đan viện Bose thuộc thể loại hoàn toàn khác, nhưng cũng nằm trong sự sinh sôi nảy nở các hình thức đan tu mới. Và trong lãnh vực đại kết, chúng ta có tu viện Taizé, bên Pháp, đây là bằng chứng của sư gieo trồng trực tiếp đời sống chiêm niệm trong trong nỗ lực loan truyền Tin Mừng.
Ngày 1 tháng mười một 1982, tại Avila, Đức Gioan-Phaolô II, đã tiếp kiến đông đảo các nữ đan sĩ chiêm niệm, đã thúc đẩy các nữ tu trong các đan viện khả năng dấn thân trực tiếp hơn trong công cuộc loan truyền Tin Mừng, Ngài đã nói:
“Những tu viện của các con là những cộng đoàn cầu nguyện giữa các cộng đoàn Kitô hữu, mà các con mang lại sự giúp đỡ, lương thực và niềm hy vọng. Đó là những nơi được thánh hiến và cũng có thể là những trung tâm của Chúa Kitô tiếp đón họ, nhất là những người trẻ mà họ thường đi tìm nếp sống giản dị và trong sáng, đối lại nếp sống xã hội hưởng thụ mời mọc họ”
Lời mời gọi của Đức Thánh Cha đã được lắng nghe và thành hiện thực nơi các sáng kiến tận gốc của những nữ đan sĩ chiệm niệm hướng tới công cuộc loan truyền Tin Mừng. Một trong các cộng đoàn này đã có cơ hội được biết đến dịp đại hội vừa qua mà Hội đồng Tòa Thánh về Tân Phúc Âm hóa đã triện tập ở Vatican đây. Tất cả những hình thức mới này không thay thế những thực tại đan tu truyền thống mà nhiều đan viện cũng là những trung tâm tỏa rạng đời sống thiêng liêng và loan báo Tin Mừng, nhưng sánh vai và làm phong phú đời đan tu.
Trong Giáo hội, nếu có những người tận hiến sống đời chiêm niệm mà tách khỏi đời truyền giáo thì không phải lẽ. Cần tổng hợp cả hai thành một trong cuộc đời mỗi vị thừa sai. Nói cách khác, cầu nguyện cho các nhà truyền giáo thôi thì chưa đủ mà cân lời cầu nguyện của chính các nhà truyền giáo. Những đan sĩ tên tuổi đã đem Tin Mừng cho châu Âu sau các cuộc xâm chiếm của những người man di đều là những người bước ra từ cõi thinh lặng chiêm niệm và trở về chiêm niệm ngay khi công việc cho phép. Đúng hơn, trong trái tim của họ, họ không bao giờ hoàn toàn ra khỏi đan viện. Các Ngài đã áp dụng trước lời khuyên của Thánh Phanxicô Assisi dành cho anh em dòng khi thánh nhân sai họ lên đường đến với thế giới: “Bất cứ nơi nào ta ở, bất cứ nơi nào ta đến, ta hãy mang theo căn phòng của ta. Căn phòng là người bạn thân xác và linh hồn là vị ẩn sĩ sống trong căn phòng đó để càu nguyện và suy niệm trước Thiên Chúa”.
Chúng ta còn có một mẫu gương sáng ngời hơn nữa. Một ngày sống của Chúa Giêsu là sự đan quyện lạ lùng sự cầu nguyện và chiêm niệm. Chúa Giêsu không chỉ cầu nguyện trước khi rao giảng, Người cầu nguyện để biết điều phải rao giảng, để kín múc những điều cần rao giảng cho thế giới: ‘Điều Ta công bố, Ta công bố như Chúa Cha đã nói cho Ta” (Jn 12, 50).Chính trên căn bản đó mà Chúa Giêsu dạy như Đấng có quyền và gây ấn tượng mạnh mẽ.
Những nỗ lực mới loan truyền Tin Mừng có thể rơi vào trong hai nguy cơ. Trước hết là nguy cơ ù lì, biếng lười, chẳng làm gì mà giừa cả cho người khác. Thứ đến là lao vào hoạt động theo kiểu con người, bồn chồn và trống rỗng, cuối cùng dần dần đánh mất nối nguồn và hiệu quả từ Lời Chúa. Người ta thường nói: “Sao cứ ở đó mà lặng lẽ cầu nguyện, trong khi bao nhiêu những nhu cầu đòi hỏi chúng ta hiện diện, sao lại không chạy tới khi căn nhà đã bốc cháy?” Đúng vậy, nhưng hãy hình dung điều gì sẽ xẩy ra khi đội cứu hỏa, đổ xô tới nơi dập đám cháy, mới nhận ra chẳng còn giọt nước nào trong bồn. Cũng vậy khi chúng ta vội vã rao giảng mà không cầu nguyện. Cầu nguyện là thiết yếu của công cuộc loan Tin Mừng, vì “sứ vụ trước tiên của lời rao giảng Kitô giáo không phải là chuyển tải một giáo lý nhưng là một hiện hữu cụ thể”. Người cầu nguyện mà không nói, rao giảng nhiều hơn người nói mà không cầu nguyện.
5. Đức Mẹ Maria, Ngôi Sao của Công cuộc Rao Giảng Tin Mừng.
Chúng ta kết thúc suy niệm bằng một tư tưởng mà mùa phụng vụ của những ngày này và đại lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội mới cử hành hôm qua gợi lên. Ngày nọ, trong một cuộc đối thoại đại kết, một người bạn Tin Lành hỏi tôi, bạn không hề có ý tranh luận mà chỉ để hiểu biết: “Tại sao các bạn, những người Công giáo lại nói Đức Maria là “Ngôi Sao Loan Truyền Tin Mừng? Đức Maria đã làm gì cho xứng danh hiệu ấy?” Đối với tôi, câu hỏỉ này là dịp suy nghĩ và tôi có ngay lời đáp sâu sắc. Đức Maria là Ngôi Sao Loan Truyền Tin Mừng vì Mẹ đã mang Lời, không phải cho một dân tộc nào mà cho toàn thế giới! Nhưng không chỉ có thế. Mẹ Maria mang Lời trong lòng Mẹ chứ không chỉ trên làn môi. Mẹ mang đầy Chúa Kitô kể cả về phương diện thể lý và làm tỏa rạng sự hiện diện của Người. Chúa Giêsu xuất ra từ đôi mắt, khuôn mặt, từ trọn cả con người của Mẹ. Khi một người đã xức nước hoa, họ không cần hô hoán, người ta chỉ cần ở bên người ấy là đủ cảm nhận hương thơm và Mẹ Maria, đặc biệt thời gian Mẹ mang Chúa trong lòng, Mẹ tỏa ngát hương thơm Giêsu Kitô. Người ta có thể nói rằng Mẹ là đan sĩ đầu tiên của Giáo hội. Sau khi Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống Mẹ như đi vào tu viện đóng kín. Qua những lá thơ của các Thánh Tông đồ, chúng ta biết được rất nhiều người gồm cả những phụ nữ của cộng đoàn Kitô tiên khởi. Có một dịp người ta nói tới một Maria (x. Rm. 16, 6), nhưng không phải là Mẹ. Nói về Mẹ, chỉ có Maria Mẹ Đức Giêsu, thế thôi. Mẹ khuất đi trong cõi thinh lặng sâu thẳm nhất. Nhưng điều gì có ý nghĩa đối với Gioan được có Mẹ bên cạnh khi Ngài viết Tin Mừng và điều gì có ý nghĩa cho chúng ta được có Mẹ bên cạnh khi chúng ta loan báo cũng Tin Mừng ấy! Giáo Phụ Origène đã viết: “Tinh hoa của các Tin Mừng là Tin Mừng theo Thánh Gioan, mà Ngài đạt tới ý nghĩa thâm sâu là nhờ tựa sát lòng Chúa Giêsu và cũng là nhờ đã đón lấy lời trăn trối của Chúa nhận Đức Maria làm Mẹ của mình”.
Mẹ Maria đã khơi nguồn trong Giáo hội một tâm hồn có thể mệnh danh là một ơn gọi, đó là tâm hồn ẩn mình đi và thấm nhuần cầu nguyện, bên cạnh tâm hồn tông đồ, hoạt động. Bức tranh truyền thống Chúa Thăng Thiên trên tường bên phải của nhà nguyện Mẹ Đấng Cứu Thế này diển tả điếu đó cách tuyệt vời. Mẹ Maria đứng, hai tay dang rộng trong tư thế nguyện cầu. Chung quanh Mẹ, các tông đồ, chân bước tay vung, diễn tả Giáo hội sẵn sàng lên đường sứ vụ, rao giảng và hoạt động. Đức Mẹ vẫn tĩnh tại, bên dưới Chúa Giêsu, ở ngay nơi mà Chúa lên trời, tựa như Mẹ đang lưu giữ kỷ niệm về Chúa và trông chờ Người trở lại.
Chúng ta hãy lắng nghe những lời cuối thông điệp “Loan Báo Tin Mừng” của Đức Thánh Cha Phaolô VI trong đó, lần đầu tiên trong giáo huấn của các Đức Thánh Cha, thánh danh Maria được mang tước hiệu “Ngôi Sao Loan Truyền Tin Mừng”:
“Buổi sáng ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, Mẹ đã chủ tọa trong nguyện cầu ngay lúc khởi đầu của công cuộc loan truyền Tin Mừng dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Ước mong Mẹ là Ngôi Sao luôn luôn mới mẻ sáng ngời loan truyền Tin Mừng mà Giáo hội sẵn lòng vâng lệnh Chúa truyền, phải cổ võ và hoàn thành, nhất là trong thời đại khó khăn nhưng đầy hy vọng này”.
Linh mục Gioan chuyển ngữ
Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc.