Hãy Chỗi Dậy (Lc 7,14) – Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 10 Thường Niên – Năm C

Thiên Chúa là đấng làm cho chúng ta được sống lại.

Các bài đọc chủ nhật nầy loan báo cho chúng ta một tin mừng: Thiên Chúa chúng ta là “Đấng làm cho sống lại”. Sách các Vua (bài đọc thứ nhất) kể lại câu truyện con trai bà góa thành Sarépta. Bà nầy đã chấp nhận phó thác niềm tin vào tiên tri Êlia. Dù chỉ còn một nắm bột và một ít dầu, thế nhưng bà cũng đã cho tiên tri trọ tại nhà mình. Khi tiếp đón ông vào nhà, bà đã cứu sống ông. Nhưng khi con trai bà góa nầy vừa qua đời, thì bà lại nghĩ rằng sự hiện diện của tiên tri Êlia gây ra cái chết đó. Phần tiếp sau câu truyện chúng ta đã biết: lời cầu của Êlia và đứa con trai được sống lại.

Trong Tin mừng, chính Chúa Giêsu đến thành Nain. Ngài gặp một đám tang một bà góa đưa con mình về nơi an nghĩ cuối cùng. Chứng kiến nỗi đau khổ tột cùng của bà, Chúa Giêsu chạnh lòng thương xót vì không sao cầm được cảm xúc dâng trào trong tâm hồn. Ngài là Đấng tự trở nên gần gũi tất cả mọi khổ đau của con người. Sự can thiệp của Ngài đã có kết quả, đem lại sự phục sinh cho người thanh niên. Ai chứng kiến cũng đều hết sức ngỡ ngàng và dâng lời ca tụng Thiên Chúa.

Ngang qua hai câu truyện đó, chúng ta khám phá ra một Thiên Chúa đã nhìn thấy sự khốn cùng của dân Ngài nên Ngài ra tay hành động. Người thanh niên chết chính là toàn thể nhân loại, chính là mỗi người trong chúng ta. Còn người mẹ chính là Giáo Hội Chúa Giêsu Kitô. Chính Đức Kitô tiếp tục đến gặp chúng ta. Ngài luôn luôn hành động, luôn hiện diện ngày hôm nay cũng như ngày xưa. Ngài nhìn thấy hướng đi lệch lạc của xã hội đương thời, thích sử dụng bạo lực và mọi phương tiện để làm giàu. Tệ hại nhất là thảm trạng các gia đình tan rã. Ngài nhìn thấy mầm mống sự chết đang phát sinh, lớn mạnh và ngự trị trong nhân loại cũng như trong từng người. Chính nó làm suy yếu để rồi cuối cùng tiêu diệt sự sống của Thánh Thần.

Hằng ngày chúng ta nhìn thấy sức mạnh của sự dữ hiện diện trước mắt chúng ta. Chúng ta phải bảo vệ mình khỏi sức mạnh lôi cuốn ấy, phải tránh xa và phải hành động để loại trừ. Nhất là chúng ta phải mở lòng đón nhận sức sống mạnh mẽ bằng cách tạ ơn Thiên Chúa không bao giờ từ bỏ những đứa con bệnh tật của mình. Chúng ta đang ở trong tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Tháng nầy nhắc chúng ta nhớ tình yêu mãnh liệt của Chúa Giêsu đối với thế gian. Cùng với Ngài, chúng ta đi vào thời đại “Lòng Chúa thương xót đối với tất cả mọi người”.

Chúng ta không quên trong ngày Phục sinh, Chúa Giêsu đã ra khỏi mồ, đã chiến thắng tội lỗi và sự chết. Với Ngài, sự ác không thể là tiếng nói cuối cùng: vì sự sống đã chiến thắng. Đức Kitô muốn nối kết tất cả chúng ta vào trong chiến thắng của Ngài. Ngài tiếp tục hiện diện trong thế giới chúng ta bằng Thánh Thần và bí tích của Ngài. Bằng cách đó Ngài không ngừng đến với chúng ta để củng cố và ban sự sống cho chúng ta.

Bài Tin mừng cho chúng ta thấy quyền năng phục sinh của Chúa Giêsu có thể ban lại sự sống cho tất cả mọi người và mọi sự. Ngài có thể ban lại sự sống cho người những người trẻ hôm nay đang trượt dài trên những con đường tội lỗi. Ngài có thể phục sinh những người chồng hoặc vợ đã phản bội bạn mình. Ngài có thể hồi sinh tổ ấm mà người ta chưa yêu thương bằng tình yêu chân thật. Nơi nào tội lỗi đầy tràn, nơi đó tình yêu càng chan chứa. Ngài cho thấy chính tình yêu chứ không phải sự dữ sẽ có tiếng nói sau cùng.

Giáo hội chính là bà mẹ mà chúng ta được giao phó. Bà mẹ đau khổ nhìn thấy nhiều người lao đầu vào hố sâu hư vong. Tất cả chúng ta thuộc thành phần Giáo Hội có vai trò chữa lành và cứu độ. Tách rời khỏi Giáo Hội, chúng ta trở thành những người mang lấy bệnh tật và sự chết. Đó là lời mời gọi cho từng người chúng ta phải dấn thân vào con đường hoán cải thực sự. Như ngày xưa ở Nain, Chúa Giêsu đang đứng đợi trên đường chúng ta đi. Ngài có thể nâng chúng ta lên và trả lại cho Mẹ Giáo Hội chúng ta.

Bài đọc thứ hai không liên kết trực tiếp với hai bài kia vì không nói gì về sự chữa lành một đứa bé. Nhưng lại nhấn mạnh đến đức tin của Phaolô vào quyền năng và lòng tốt của Chúa Giêsu. Chính Ngài đã đi bước trước đến với người bách hại mình là Phaolô. Cuộc gặp gỡ với Ngài trên đường Đamát đã tạo một cuộc chuyển biến thực sự. Nó biến Ngài trở thành một tông đồ của Tin mừng.

Cả ba bài đọc Thánh kinh đều là một lời mời gọi đến đức tin. Cả ba nói với chúng ta về quyền năng và lòng yêu thương của Thiên Chúa. Khi chúng ta gặp trở ngại, Ngài sẽ giúp chúng ta vượt qua trong đức tin, trong hi vọng và tình yêu. Chính với Chúa Giêsu đầy quyền năng và hay thương xót mà cuộc đời chúng ta có thể trở nên tốt đẹp và phong phú.

Lạy Chúa Giêsu, hôm nay, chúng con cầu nguyện với Chúa. Chúa đã đến gặp cộng đoàn chúng con đang qui tụ nhân danh Chúa. Chúa sai chúng ta con đi đến với những người bị thương trong cuộc sống. Xin hãy ban Thánh Thần của Chúa cho chúng con để chúng con trở thành chứng nhân cho tình yêu Chúa trong thế giới hôm nay.

Phục Vụ Lời ĐCV Xuân Lộc

Comments are closed.