Đức Tin Của Mẹ Maria – “Phúc cho bà là kẻ đã tin” (Lc 1,45)

ĐỨC TIN CỦA MẸ MARIA

“Phúc cho bà là kẻ đã tin” (Lc 1,45)

 *******

Bên cây thập tự u buồn

Sầu bi Mẹ đứng mắt nguồn lệ vương

Giêsu hấp hối thảm thương

Mẫu tâm chia sớt đoạn trường với con

Dạ mang cay đắng bồ hòn

Cuối cùng gươm thấu tâm hồn biển khơi

Biết bao sầu thảm đầy vơi

Cho lòng Mẹ thánh của người con yêu

  1. Mẹ Maria trung tín trong sự sống và sự chết

Đức Maria, Người Mẹ đứng bên Thập Giá, người trinh nữ của đức tin, Virgo Fidelis. Mẹ là người đầu tiên lắng nghe Tin Mừng, người đầu tiên tin vào Chúa Giêsu, bây giờ Mẹ đang đứng bên Ngài trong hành vi tin tột bậc. Mẹ đứng bên Ngài và tin vào Ngài khi Ngài chết treo trên cây Thập Giá. Đúng là Mẹ đứng bên Ngài bởi Mẹ tin vào Ngài, Đấng là sự hoàn tất của mọi hy vọng và mơ ước của dân Mẹ. Đó là hành vi tin trọn vẹn của Mẹ; Mẹ hoàn toàn tin vào Con khi Ngài bị đóng đinh, chết trần trụi, bị quần chúng nhạo cười phỉ báng.

Ngày hôm đó tư tưởng nào, kỷ niệm nào đã tràn ngập tâm hồn Mẹ? Đang đứng khóc ở Golgotha, đột nhiên Mẹ sống lại cái cảnh ở Nazareth: Mẹ lại là người nữ tì trong nhà chăm chú lặng lẽ dưới sự hiện diện của Thiên Chúa. Thiên thần Chúa đến thưa chuyện với Mẹ, trao cho Mẹ sứ điệp của Thiên Chúa rằng Mẹ sẽ là Mẹ của Con Thiên Chúa, Đấng Emmanuel. Xao xuyến trước lời chào và sứ điệp của Thiên Thần, Mẹ vẫn lắng nghe tiếng Chúa và mở lòng ra trước lời hằng sống của Ngài. Với niềm tin khôn tả và lòng can đảm Mẹ đã thưa lên tiếng xin vâng với Con Thiên Chúa, với kế hoạch cứu độ của Ngài. Kinh ngạc vui mừng pha lẫn kính sợ, Mẹ thưa: “Xin hãy làm cho tôi theo lời Ngài”.

Thiếu nữ thành Nazareth ấy đã hành động hoàn toàn theo đức tin. Nhờ ân sủng thúc đẩy, Mẹ đã chấp nhận điều Chúa nói với Mẹ qua sứ thần. Mẹ đã tin bởi vì chính Thiên Chúa, “Đấng không lừa dối cũng không bị lừa” đã phán với Mẹ. Elizabeth, chị họ của Mẹ cũng đã nắm được sự thật về cuộc đời Mẹ khi bà nói: “Phúc cho những người tin”. Đức tin của Mẹ không bao giờ lay chuyển. Đức tin của Mẹ đứng vững trong cái bấp bênh mà sứ điệp của Thiên Thần Chúa mang tới. Đức tin của Mẹ đứng vững cả khi sắp sinh con mà không kiếm được chỗ trú ngụ trừ ra cái chuồng bò. Đức tin của Mẹ đứng vững trước lời tiên báo khủng khiếp của Simeon; thật vậy, Mẹ đã ghi nhớ điều đó trong trái tim Mẹ. Đức tin của Mẹ vẫn vững vàng trong chuyến lưu đày sang Ai Cập và đức tin ấy vẫn mạnh mẽ khi Mẹ và Thánh Giuse tìm thấy Chúa Giêsu trong Đền Thờ. Đức tin của Mẹ vẫn không chao đảo khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai và phải đương đầu với sự cứng lòng tin và những mối đe dọa. Thiếu nữ ở Nazareth và người Mẹ sầu bi ở Golgotha cũng là một: một trinh nữ tin vô biên vào Thiên Chúa.

Đúng thế nên chúng ta gọi Mẹ Maria là “Trinh Nữ của đức tin”. Làm thế chúng ta hãy không ngừng chiêm ngưỡng bản chất đức tin căn bản sâu xa của Mẹ. Mẹ Maria đã thể hiện mọi điều Chúa phán dạy qua các ngôn sứ và các tổ phụ của dân ưu tuyển. Toàn thể cuộc đời Mẹ xoay trên những lời Người đã hứa. Nơi Mẹ sự khôn ngoan Thiên Chúa tìm được chỗ trú ngụ: sự khôn ngoan Thiên Chúa “tấm gương vô tì vết của quyền năng tác động của Thiên Chúa” cư ngụ trong Mẹ như trong một đền thờ. Lời Chúa là của ăn của uống và là chính sự sống của Mẹ.

Biết bao sầu thảm đầy vơi

Cho lòng Mẹ thánh của người Con yêu

Chúng ta hãy xem xét sự đau khổ của Đức Maria trong mối tương quan với đức tin của Mẹ. Như bất cứ một người Mẹ nào, Đức Maria cũng đau lòng trước cái chết dữ dằn của Con mình; và như một Trinh nữ của đức tin, Mẹ chia sẻ trọn vẹn tận tầng sâu nỗi khổ đau của Con Mẹ. Theo Tin Mừng Mathêu, vào giờ thứ chín Chúa Giêsu kêu lớn tiếng: “Eli eli la masabachtha ni?” nghĩa là “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi, sao Chúa bỏ tôi?”. Đó là một tiếng kêu sửng sốt đâm thâu vào trái tim! Đó là tầng sâu cuộc khổ nạn Ngài.

Chúa Giêsu trong bản tính nhân loại vô tội nhờ cây Thập Giá đã nếm trải và cho thấy sự đoạn tuyệt khủng khiếp giữa Thiên Chúa và các thụ tạo của Ngài, sự đoạn tuyệt do tội lỗi gây nên. Chúa Giêsu trong đức tuân phục hoàn hảo đã bị treo lên trên Thập Giá trước mặt Cha Ngài mà “không có bất cứ dấu vết an ủi nào từ trên hay dưới”. Như Kinh Thánh đã nói về Ngài: “Dù là con, Ngài đã học vâng phục qua những đau khổ Ngài chịu”.

Tâm hồn Mẹ Maria giống như một tấm gương phản chiếu hoàn hảo nỗi đau đớn của Chúa Giêsu. Chúng ta lại không thể nói rằng tiếng kêu của Chúa Giêsu đã vang dội trong trái tim Đức Trinh nữ Maria khi Mẹ đứng gần Thập Giá sao? Chúng ta lại không thể nói được rằng Trái tim vô nhiễm tội Mẹ Maria đã tham dự vào niềm đau vĩ đại của cái giây phút mà Chúa Giêsu bộc lộ cho thấy sự phân rẽ giữa Thiên Chúa và gia đình nhân loại sao? Không một ai an ủi, Mẹ Maria tin vào Chúa Giêsu và Chúa Cha. Mẹ đứng bên Thập Giá với đức tin không lay chuyển, thiếu vắng mọi an ủi. Đó cũng là “không có chút tia sáng nào từ trên hoặc dưới”.  Đó là đức tin tuyệt đối, sự từ bỏ tận gốc rễ bản thân mình trước sự hiện diện của mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta lại không thể nói rằng Mẹ Maria kết hợp với Thập Giá Chúa Kitô, đã cảm nghiệm đức tin trong đau thương mà thánh Gioan Thánh Giá đã mô tả như “đêm tối tăm tâm hồn” hay sao? Mẹ đã không cảm nghiệm điều mà thánh Basilio thành Caesarer gọi là một “sự đen tối rạng ngời”, một sự mù lòa tối tăm xảy ra do đến gần nơi ẩn náu yêu thương vinh hiển xứng với duy mình Chúa hay sao?

  1. Bóng tối vô tín tại Canve

Đức tin mãnh liệt của Mẹ Maria tương phản hẳn với đám quần chúng vô tín. Bóng tối đang nhận chìm đám khán giả đứng nhạo cười chế giễu Đấng bị đóng đinh hoàn toàn khác với cơn tăm tối mà Mẹ đang cảm nghiệm. Cơn tăm tối của Mẹ là một đêm tối đức tin; còn cái tối tăm của họ là bóng tối của sự vô tín. Trong Kinh Thánh chúng ta đọc thấy khi đến giờ Chúa Giêsu chịu chết “mặt trời ra tối tăm và bóng tối đến bao phủ khắp mặt đất”. Bóng tối này tượng trưng cho bóng tối vô tín. Đó là bóng tối của tên trộm dữ nhạo cười Chúa Giêsu: “Ông không phải là Đức Kitô ư? Hãy cứu ông và cứu chữa chúng tôi với!”. Đó là bóng tối của khách qua đường chế giễu Chúa: “Nếu ông là Con Thiên Chúa hãy xuống khỏi thập giá” hoặc “Nó đã cứu được kẻ khác mà không thể tự cứu mình”.

Những sự chế nhạo của họ đã làm nổi bật cái điên dại của Thập Giá. Họ nhạo báng Chúa Giêsu như một tên điên bất lực mà đó lại là “quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa”. Thánh Phaolô đã có lý khi nói: “Cái điên dại của Thiên Chúa thì khôn hơn loài người và sự yếu đuối của Thiên Chúa thì mạnh hơn con người”. Mắt và tim của những kẻ đứng xem đã bị khép lại trước chân lý của Thập Giá. Một số người chế nhạo Ngài; một số thì vội vã trên con đường của họ, giữ mắt cẩn thận để khỏi nhìn cái cảnh ghê rợn đó; số khác đang tranh cãi về biến cố đó như một mẩu tin thú vị. Tất cả những phản ứng đó đã xác nhận điều mà thánh Gioan đã nói: “Ánh sáng đã đến trong thế gian và người ta đã yêu thích bóng tối hơn ánh sáng”.

III. Sự vô tín ngày nay

Chúng ta hãy hãm bớt việc phê phán đám khách qua đường chửi rủa chế nhạo tỏ rõ sự tăm tối đó đi, bởi vì chúng ta cũng đang sống giữa một thế giới đầy rẫy sự vô tín. Một thế giới thường xuyên chạy theo bóng tối và tránh xa ánh sáng. Ngày nay chúng ta cũng đang đứng trước sự thiếu đức tin như thế. Vẫn có những người nhạo báng đức tin của Giáo Hội, một Giáo Hội phát xuất từ Thập Giá Chúa Kitô. Những người khác đang tìm cách loại bỏ cái điên dại của Thập Giá ra khỏi tuyên ngôn của Giáo Hội, để giảm bớt những yêu sách mà tuyên ngôn đó đặt ra trong đời sống chúng ta. Có những người đi qua mà không thèm nhìn lên, cặp mắt họ chỉ chú ý đến những lợi lộc trực tiếp. Vẫn còn có những người khác sống trong bóng tối không phải vì họ có ý xấu, nhưng vì không ai rao giảng Tin Mừng cho họ.

Thảm kịch đồi Golgotha vẫn tiếp diễn. Giống như Đức Maria, Mẹ chúng ta, Giáo Hội đang đứng gần bên Thập Giá Chúa Kitô. Mỗi ngày Giáo Hội kết hiệp với hy lễ của Chúa Kitô và canh tân lại chính mình trong tình yêu cứu chuộc và hiến vật cứu độ. Đức tin sống động của Giáo Hội tin vào Chúa Kitô và vào ý định cứu độ của Ngài phải đâm thủng bóng tối vô tín trong thế giới ngày nay. Giáo Hội đứng gần Thập Giá Chúa Kitô như một tia sáng trong bóng tối mịt mù. Hằng năm trong đêm tối của Thứ Bảy thánh, Giáo Hội vẫn tụ tập các con trai con gái mình lại và họ đã hát: “Mừng vui lên, hỡi Mẹ Hội Thánh vui lên! Hân hoan trong vinh quang Đấng Cứu Chuộc phục sinh đang chiếu sáng trên Mẹ!”. Thuộc về Giáo Hội là nhờ tác động ân sủng trở nên người cộng tác với Thiên Chúa bằng cách đẩy lùi ranh giới của tội lỗi và sự vô tín và làm cho mọi người nam nữ ngày nay có thể sống như con cái ánh sáng được Máu Chúa Kitô cứu chuộc.

Ngày nay bóng tối xuất hiện như thế nào? Nó thường mang những hình thức nào? Và với tư cách là những mục tử của Giáo Hội chúng ta sẽ trả lời ra sao?

  1. Chủ nghĩa hoài nghi

Trước hết Giáo Hội đang rao giảng Tin Mừng giữa thời đại của chủ thuyết hoài nghi. Người ta cần phải tin vào một cái gì, hoặc ngay cả vào một người nào đó nhưng qua giáo dục và kinh nghiệm họ đã được dạy thực hành hoài nghi phương pháp, bằng cách nhấn mạnh rằng mọi cái phải được thử nghiệm theo khoa học. Sự thật về những điều không thể đo lường quan sát hoặc kiểm tra được đều bị xếp vào hệ thống hoài nghi. Sự thật về những sự vật thiêng liêng cũng bị đưa ra kiểm nghiệm.

Chúng ta không muốn công kích sức mạnh của trí tuệ vốn rất cần thiết cho việc nghiên cứu các nghệ thuật và khoa học. Nhưng chúng ta phải tỏ ý bất đồng khi người ta cho rằng chủ nghĩa hoài nghi vẫn là tiếng nói sau cùng về ý nghĩa cuộc sống cũng như mục đích của công việc chúng ta làm. Chúng ta không được tán đồng khi chủ nghĩa hoài nghi lan tràn vào tất cả các tương quan nhân loại và biến thành ngờ vực sợ hãi cô lập. Ta phải phản đối khi chủ thuyết hoài nghi xâm phạm đến đức tin của Giáo Hội và đòi bới móc để tìm ra những giải đáp mà những kẻ theo chủ nghĩa hoài nghi không bao giờ muốn tìm thấy. Chúng ta phải phản đối khi xác thực tính của mạc khải phải lệ thuộc vào chủ nghĩa hoài nghi tàn nhẫn, nó làm cho con người ngày nay xa lìa cội nguồn sự sống thật và sự cứu rỗi. Giáo Hội đứng kề bên Thập Giá phải làm chứng cho sự thật, đặc biệt là sự thật của tình yêu Thiên Chúa được mạc khải trong Thập Giá của Con Ngài.

  1. Kỹ thuật

Ngày nay chúng ta đang sống trong thời đại kỹ thuật, nó đem lại những triển vọng sáng sủa hơn cho hàng triệu người. Tin tức truyền đi từ nơi này đến nơi khác nhanh như chớp. Các phương dược và thủ tục y khoa mà chỉ mới cách đây vài năm không ai dám mơ ước, thì nay đã được thực hiện đều đặn trong các bệnh viện. Người tiêu dùng đòi hỏi những kỹ thuật mới và kỹ thuật đem lại những sản phẩm mới cho giới tiêu thụ. Ít ai muốn quay trở lại thời tiền kỹ thuật.

Nhưng việc chúng ta đặt niềm tin vào kỹ thuật có gì là lầm lạc không? Nếu việc tin tưởng đó có lầm lạc thì cũng không phải vì kỹ thuật đôi khi thất bại nhưng vì nó có thể quá dễ dàng làm lu mờ mọi thứ khác cũng quan trọng trong đời sống con người. “Cách biết” (kỹ thuật) trở nên hình thức hiểu biết duy nhất đáng theo đuổi, nên điều độc nhất gần như đáng tin cậy. Đôi khi người ta theo đuổi những mục tiêu kỹ thuật mà không để ý đến ảnh hưởng của chúng trên đời sống và phẩm giá con người. Hễ cái gì có lợi thì được ưa chuộng hơn cái tốt, cái đúng. Cái đưa lại kết quả thì quan trọng hơn cái là sự thật. Nhưng hứa hẹn của một thế giới mới do một thế hệ kỹ thuật khác nữa tạo nên, đang thay thế những lời hứa của Thiên Chúa: kỹ thuật tốt nhưng Giáo Hội phải cảnh giác trước nguy cơ của việc nó trở nên chướng ngại cho đức tin và sự thẳng thắn đối với Thiên Chúa, Đấng sáng tạo bảo tồn và cứu chuộc thế giới.

  1. Giới trẻ bị bỏ rơi

Là những mục tử chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến giới trẻ. Chúng lớn lên giữa một thế giới nghi nan, nơi đó những đòi hỏi về đức tin ít tìm được chỗ đứng. Vì vắng bóng tình yêu nên chúng thường cảm thấy vô giá trị. Cuộc sống của chúng dù có rất nhiều cơ hội mà xem ra rất là buồn tẻ và vô nghĩa. Chúng là nạn nhân của một xã hội không có gì cho chúng tin cậy. Thật vậy không còn ai để cho chúng tin. Vì không tin vào ai nên chúng cũng không tin vào chính mình. Do đó chúng đã chạy đến với ma túy, tình dục hoặc những tiếng inh ỏi của âm nhạc chẳng nhắm đến cái gì hết.

Giáo Hội phải sống với giới trẻ. Giáo Hội phải có mặt nơi gia đình chúng, những gia đình quá thường bị tan vỡ vì ly dị và ích kỉ. Giáo Hội phải tỏ cho những ai hay nghĩ chúng không có giá trị thấy rằng chúng vẫn đang được yêu với một tình yêu vĩnh cửu. Giới trẻ phải được mời gọi đứng với Đức Maria và Giáo Hội bên cây Thập Giá và nói: “Ngài yêu thương tôi, Ngài cho tôi mạng sống của Ngài”.

  1. Trách nhiệm của chúng ta

Đối diện với những vấn đề này, đâu là trách nhiệm chúng ta phải có với tư cách là những chủ chăn và những tôi tớ của Giáo Hội? Chúng ta có thể nào không nghe thấy tiếng Chúa Kitô hỏi: “Nhưng khi Con Người đến, Ngài có còn tìm thấy đức tin trên mặt đất nữa không?”. Ngài sẽ thấy bóng tối vô tín hay sẽ thấy một cộng đồng đức tin “đang tỉnh thức cầu nguyện và hân hoan ca tụng Ngài”? Chúng ta phải lưu ý câu hỏi đó. Đó là câu hỏi quan trọng nằm ngay sau mọi điều ta nói hay làm.

Chưa kể Con Người phải có thể nhìn thấu tận trái tim chúng ta và tìm thấy ở đó đức tin sâu xa nhất. Trước mặt Thiên Chúa, Giáo Hội và mọi người chúng ta có bổn phận phải “tin vào điều chúng ta đọc, rao giảng điều chúng ta tin và thực hành điều chúng ta rao giảng”.

Tương tự, chúng ta cũng phải quan tâm đến đức tin của những người giúp việc chúng ta, đặc biệt là các linh mục, phó tế, giáo lý viên. Chúng ta phải giúp họ có một cuộc sống đức tin phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội. Chúng ta phải cổ võ họ tiến đến chỗ thích nếm sự khôn ngoan, điều đó giúp họ có khả năng “nếm thử và nhìn xem cho biết Chúa thiện hảo nhường bao”. Họ không thể chu toàn ơn gọi của họ trừ phi họ có đức tin mạnh mẽ và can đảm như đức tin của Mẹ Maria. Họ sẽ là những sứ giả ánh sáng khốn nạn trừ phi ánh sáng đó chiếu lên trong họ một cách sáng sủa và mạnh mẽ hơn.

Cuối cùng chúng ta phải trải rộng sự chăm sóc mục vụ yêu thương tới từng người trong Giáo Hội, họ có quyền nghe chân lý và bước đi dưới ánh sáng. Bổn phận của chúng ta là phải tách họ ra khỏi đám đông không tên tuổi những người bàng quan vô tín, và tụ tập họ lại bên Mẹ Maria và Giáo Hội dưới chân Thánh Giá. Chỉ ở đó, nhờ đức tin chúng ta mới khám phá ra tình yêu đáng để ta sống chết cho.

Ôi Thánh Giá trung tín

Cao vượt trên mọi cây

Cây cao quý duy nhất

Không cây nào có lá

Có thể đem so sánh

Gỗ êm ái

Đinh dịu dàng

Đang treo thân nặng ngọt ngào.

Đức Hồng Y James Hickey

(Trích trong Đức Maria dưới chân thập giá. Bài giảng tĩnh tâm cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Giáo triều)

Comments are closed.