Đồng Hành Với Người Trẻ Trong Thời Đại Internet

Nữ tu Nguyễn Bảo Uyên,
Mến Thánh giá Huế
Tiến sĩ Tâm lý Tham vấn

Mục lục

I. Dẫn nhập

II. Internet: Cơ hội và thách đố cho người trẻ hôm nay

      2.1 Đặc tính của người trẻ thời công nghệ

      2.2 Các giá trị truyền thống và văn hóa Internet

      2.3 Cơ hội và thách đố

III. Internet và truyền thông Tin Mừng cho người trẻ hôm nay

      3.1 Giáo hội và Internet, Đạo đức trong Internet

      3.2 Các Đức Giáo hoàng và người trẻ trong thời đại kỹ thuật số

      3.3 Thượng Hội đồng Giám Mục Á Châu (FABC) và người trẻ trong thời đại kỹ thuật số

IV. Đồng hành với người trẻ trong thời đại Internet

      4.1 Người đồng hành và tinh thần truyền thông

      4.2 Người đồng hành và những điều cần biết khi sử dụng Internet

      4.3 Người trẻ và sự phát triển toàn diện

V. Thay lời kết

I. Dẫn nhập

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong một dịp gặp gỡ giới trẻ tại thành phố Louis thuộc tiểu bang Missouri, Hoa Kỳ, đã nói rằng: “Chúa Giêsu Kitô đang mời gọi chúng con, Giáo Hội đang chờ đợi chúng con và chính Cha, Cha đang mong đợi rất nhiều vào chúng con,”[1] ĐTC Phanxicô khẳng định “người trẻ là hiện tại của thế giới.” [2] Liên Hội Đồng Giám mục Á Châu (FABC) tuyên bố ‘“Giáo hội là Giáo Hội của người trẻ,[3] …một sứ mệnh đặc biệt cho người trẻ và với người trẻ,”[4] Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN), trong Thư chung 2019, cũng cho rằng “các kitô hữu trẻ luôn là mối quan tâm đặc biệt của toàn thể Giáo hội.”[5] Thật vậy, người trẻ luôn là mối quan tâm đặc biệt đối với gia đình, xã hội và Giáo hội. Tông huấn mới nhất về người trẻ, Christus Vivit, của ĐTC Phanxicô đã thể hiện mối quan tâm đặc biệt này. Tông huấn được xem như là kim chỉ nam cho việc đồng hành với người trẻ hôm nay. Thật thú vị khi để ý thì thấy rằng hai từ “đồng hành” được sử dụng 36 lần trong toàn bản văn của Tông huấn, phiên bản tiếng Việt của linh mục Lê Công Đức, PSS. Chỉ trong một số ngắn (số 242) từ “đồng hành” được lặp lại 3 lần và trong số 246, từ “đồng hành” được lặp lại 7 lần. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc đồng hành đối với người trẻ trong bối cảnh thế giới hôm nay.

Việc đồng hành với người trẻ trong thế giới hôm nay đang trở nên cấp bách bởi họ đang sống trong một thế giới khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng như là hậu quả của chiến tranh, bạo lực, khủng bố, loại trừ, nền luân lý bị suy thoái (nạn nạo phá thai, nạn dịch HIV, nghiện ngập..).[6] Cách đặc biệt, bức tranh của người trẻ hôm nay được vẽ ra trong ba khung cảnh chính, được trình bày trong chương 3 của Tông huấn, bao gồm: môi trường kỹ thuật số (số 86 – 90); Di dân, một biểu thức của thời đại chúng ta (91 – 94); và Lạm dụng (95-102).

Về môi trường kỹ thuật số, Tông huấn lưu ý rằng nó không còn đơn thuần là một phương tiện truyền thông nhưng nó đã ăn sâu vào văn hóa và lối sống của con người. Nó cũng như những thực tại khác của con người, có giới hạn và khiếm khuyết, nếu không sử dụng lành mạnh sẽ dễ biến việc truyền thông liên lạc thành sự tiếp xúc hoàn toàn ảo và dẫn đến hậu quả cô đơn, bị dẫn dụ, bóc lột và bạo lực, thậm chí nghiện ngập, cô lập và đánh mất cảm thức kết nối thật. [7]

Trong bối cảnh Việt Nam hôm nay, nếu vào năm 1997, thời điểm đầu tiên Internet được cung cấp cho người dùng ở nước Việt Nam, trên hạ tầng mạng điện thoại cố định với tốc độ truy cập rất hạn chế, thì sau 20 năm phát triển, tính đến năm 2017, Việt Nam đã có 64 triệu người dùng mạng Internet, chiếm 67% dân số cả nước. Với con số này, Việt Nam là nước có số người dùng đứng thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ thuộc khu vực Châu Á.[8] Một thống kê năm 2019 cho rằng có 94% người dùng Internet ở Việt Nam sử dụng Internet hằng ngày, số 6% còn lại sử dụng Internet ít nhất một lần trong tuần.[9]

Một thống kê khác vào năm 2016 [10]  cho rằng giới trẻ Việt Nam có một thói quen sử dụng Internet đáng báo động. Cụ thể, danh sách từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google năm 2016 tại Việt Nam như sau: 1. Trò chơi Slither; 2. Euro 2016; 3. Chúng ta không thuộc về nhau; 4. Phía sau một cô gái; 5. Pokemon Go; 6. Vietlott; 7. Minh béo; 8. Hậu Duệ mặt trời; 9. Vợ người ta; 10. Thách thức danh hài. Nhìn vào danh sách vừa được liệt kê ở trên, có thể thấy, xu hướng tìm kiếm nổi bật năm 2016 của Việt Nam do Google thống kê đa phần thuộc lĩnh vực giải trí (trò chơi điện tử, phim ảnh, ca nhạc, trò chơi truyền hình – game show,…). Đặc biệt, vào năm 2013, thống kê của eMarketer – hãng nghiên cứu thị trường của Mỹ cho rằng Việt Nam có 40% lượng người trực tuyến có độ tuổi từ 15 – 24.

Khi người trẻ của chúng ta đang sống trong một bối cảnh xã hội như thế, nhu cầu được đồng hành là một nhu cầu cấp thiết đối với người trẻ. ĐTC Phanxicô đã nhận ra điều này và đã khẳng định trong Tông huấn Christus Vivit “người trẻ cần được tôn trọng tự do nhưng họ cũng cần được đồng hành.”[11]

Bài viết này sẽ khai triển ba nội dung chính: (1) Internet: cơ hội và thách đố cho người trẻ hôm nay; (2) Internet và truyền thông Tin Mừng cho người trẻ hôm nay; và (3) Đồng hành với người trẻ trong thời đại Internet.

II. Internet: Cơ hội và thách đố cho người trẻ hôm nay

2.1 Đặc tính của người trẻ thời công nghệ

Theo các nhà tâm lý học phát triển, tâm lý học lứa tuổi thì tuổi trẻ được xác định có hơi chênh lệch giữa các nước trên thế giới và Việt Nam. Ở nước ngoài, dựa theo 8 giai đoạn phát triển của nhà tâm lý học xã hội Erikson, tuổi trẻ, tuổi thanh niên, tuổi hình thành cái tôi bản chất, được đánh dấu ở giai đoạn thứ 5 (12-18 tuổi), tuổi trưởng thành trẻ được đánh dấu ở giai đoạn thứ 6 (18-40).[12] Ở Việt Nam, tuổi trẻ, tuổi thanh niên được chia thành 2 giai đoạn, tuổi đi tìm cái tôi bản chất (15-18 tuổi), tuổi hình thành cái tôi bản chất (18-25 tuổi) và tuổi trưởng thành trẻ (25-40). [13] Thượng Hội Đồng, trong Tông huấn Christus Vivit, xác định nhóm tuổi trẻ là 16-29 tuổi (số 68). Tuy có chênh lệch đôi chút trong cách xác định nhóm tuổi trẻ giữa các nước trên thế giới và Việt Nam do các yếu tố tâm sinh lý, văn hóa, xã hội những người trẻ, nói chung, thường gắn liền với những đặc tính: nhiệt thành, can đảm, quảng đại và nhiều hoài bão, là giai đoạn phát triển nhân cách được đánh dấu bằng những ước mơ, bằng những mối tương quan, bằng những thử nghiệm và bằng những chọn lựa mà dần dần hình thành nên một kế hoạch đời sống.[14] Người trẻ hay giới trẻ được nhắm đến trong bài viết này là nhóm trẻ từ 12-25 tuổi.

Phần lớn cho rằng người trẻ hôm nay khác với người trẻ của các thế hệ trước. Có một nhận định cho rằng “Khi tôi nhìn vào người trẻ hôm nay và cố gắng đặt bàn chân tôi vào bên trong đôi giày của họ, tôi thấy sốc vì họ quá khác so với tuổi trẻ của tôi thời trước. Sự thật là từ khoảng hơn 20 năm trở lại đây, tôi thấy có một sự thay đổi rất nhanh nơi người trẻ: cách họ ăn, cách họ nói, cách họ hành động, cách họ học, cách họ cầu nguyện, cách họ giao tiếp, cách họ chọn bạn và chọn lối sống…”[15] Sự thay đổi được xem như là hệ quả của ảnh hưởng thời công nghệ. “Người trẻ lớn lên trong một thế giới được điều kiện hóa bởi phương tiện truyền thông đại chúng.” [16] Người trẻ được xem như là “chủ” của thời đại công nghệ kỹ thuật số. Họ mang những tên gọi đặc trưng, như thế hệ @ (@-generation), thế hệ điện tử (E-generation), và thế hệ Net (N-generation).[17]

Người trẻ hôm nay được đánh giá là rất sáng tạo, tự tin, nhạy bén nhưng đồng thời cũng bị xem là hời hợt, dễ nổi loạn, mau thay đổi và thiếu chung thủy. “Tốc độ” và “thay đổi” được xem là những đặc tính tiêu biểu của văn hóa thời công nghệ của người trẻ hôm nay. Tốc độ và thay đổi gắn liền với những hoạt động, những hành vi không mục đích rõ ràng như cafe shops hay Internet coffee, nơi họ tiêu tốn nhiều thời gian để xem phim, tán gẫu, chơi game,.Sự thay đổi gắn liền với kiểu thức chạy theo những thay đổi xã hội, thiếu khả năng chọn lựa một phong cách sống ổn định. Như một hệ quả, người trẻ luôn trong trạng thái không yên và không thỏa mãn. Họ luôn theo đuổi những trải nghiệm mới và tìm kiếm cách sống mới.[18]

Trong một cuộc khảo sát về việc người trẻ sử dụng Internet ở Việt Nam vào năm 2005, với 400 khách thể nghiên cứu, được chia làm 3 nhóm: < 18 tuổi; 19 – 25 tuổi; > 26 tuổi. Kết quả cho thấy, với bốn gợi ý về phương tiện thông tin đại chúng, bao gồm tivi, điện thoại, sách và Internet thì có 69% người trẻ thích truy cập Internet hơn những phương tiện còn lại, đặc biệt là nhóm < 18 tuổi với kết quả 89, 3%.[19] Tuy kết quả nghiên cứu chỉ mang tính tham khảo với số lượng khách thể khiêm tốn (400 người trẻ), nhưng điều đó cho thấy khuynh hướng sử dụng Internet của người trẻ sẽ gia tăng theo thời gian.

Hiện nay, có không ít người lớn chúng ta cảm thấy thất vọng về người trẻ, lo lắng cho tương lai của đất nước và của Giáo hội khi nhìn vào thế hệ trẻ. Tuy nhiên, qua Tông huấn Christus Vivit, ĐTC Phanxicô đã mở ra cho chúng ta một cách nhìn khác, một bức tranh khác về người trẻ, một sự lạc quan, tin tưởng, tích cực và hy vọng vào người trẻ: “Nơi một số người trẻ, chúng ta có thể nhận thấy một khát vọng Thiên Chúa.chúng ta có thể nhận ra những khởi điểm thật sự, những nguồn lực nội tại đang chờ nhận được một lời kích hoạt, soi sáng và khích lệ” (số 84); “chúng ta không được xem thường khả năng của người trẻ đối với việc cầu nguyện chiêm niệm” (số 224); “ngay cả những bạn trẻ yếu đuối, ‘có vấn đề’ và phiền não nhất cũng có thể là những nhà thừa sai theo cách của mình, vì điều tốt lành luôn luôn có thể được chia sẻ, cho dù nó tồn tại bên cạnh nhiều giới hạn” (số 239).

2.2 Các giá trị truyền thống và văn hóa Internet

Hiếu thảo với tổ tiên, kính trọng người lớn, chung thủy trong tình yêu là những giá trị truyền thống trong văn hóa người Việt Nam.[20] Tuy nhiên, với người trẻ ngày nay dường như sự hiếu thảo, kính trọng người lớn giảm, thiếu cảm thông và ít quan tâm người khác. Những buổi cơm chung gia đình không còn được đặt ở vị trí ưu tiên, những giá trị truyền thống trong hôn nhân ít được xem trọng, kéo theo những hệ lụy như ly dị, ly hôn, sống thử tiền hôn nhân, yêu cuồng sống vội… “Nhiều gia đình trẻ tan vỡ vì những cuộc tình bí mật trên mạng” [21] Một bài báo có tựa đề “Finding Love Online’’” chỉ ra rằng 2/3 khách thể nghiên cứu thừa nhận họ yêu nhau qua mạng, qua tiếng sét ái tình đầu tiên. Becker (2002) cho rằng văn hóa internet có nguy cơ hủy diệt các giá trị văn hóa truyền thống như thói quen và nghiện xem phim khiêu dâm, xem những chương trình bạo lực đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tâm thần của người trẻ.[22] Hơn thế nữa, tình trạng cô lập bản thân khỏi gia đình, khỏi các giá trị văn hóa và tôn giáo để đi vào trong một thế giới cô đơn và tự do dò dẫm là một hiện tượng và hệ quả của một kiểu ‘di cư kỹ thuật số’. [23]

Người trẻ ngày nay đối diện với nhiều khó khăn trong việc làm sao để cân bằng giữa các giá trị truyền thống và văn hóa internet, làm sao để sử dụng internet một cách hiệu quả và phù hợp. Đây là trách nhiệm của chính người trẻ và cũng là trách nhiệm của người đồng hành với người trẻ hôm nay.

2.3 Cơ hội và thách đố

Một cách tích cực, Internet giúp phong phú hóa cuộc sống người trẻ vượt xa sự mong đợi của họ. Internet và các mạng xã hội tạo ra một cách thức mới để truyền thông và thiết lập tương quan, để tiếp cận thông tin và tri thức.[24] Cụ thể, bằng việc truy cập World Wide Web (www.) thế giới trở thành “thư viện” của người trẻ với nguồn thông tin vô hạn; công nghệ trực tuyến đang được sử dụng vào nhiều mục tiêu giáo dục như lớp học trực tuyến, phòng họp trực tuyến, diễn đàn trực tuyến (như chương trình Meet, zoom…), phòng chat, website, email, blog.Thật vậy, Internet giúp giới trẻ mở rộng tầm nhìn và tiếp cận với một thế giới rộng lớn hơn, văn minh hơn, nguồn tài liệu cũng trở nên phong phú hơn. Internet còn là phương tiện kết nối, mở rộng tương quan và giải trí. Internet cũng là phương tiện giúp cho giới trẻ công giáo tiếp cận với Giáo hội hoàn vũ và giáo hội địa phương, tạo nên một cách thức mới góp phần giúp người trẻ nuôi dưỡng và phát triển đời sống tâm linh bằng việc đọc các trang suy niệm lời Chúa, chú giải Kinh thánh, các bài giảng lễ.. .va những cách thức hoạt động mục vụ khác mang lại, đồng thời cũng giúp người trẻ trở nên chứng nhân niềm tin và tình yêu cho các bạn trẻ khác.

Tuy nhiên, Internet là một con dao hai lưỡi. Bên cạnh những cơ hội và thuận lợi, người trẻ đã gặp không ít những thách đố và nguy hiểm khi sử dụng Internet không hợp lý, như tiêu tốn nhiều thời gian trên mạng dẫn đến chứng sợ thiếu hay nghiện điện thoại thông minh, nghiện game online, nghiện shop online, nghiện sách báo, phim ảnh khiêu dâm. Hiện tại có nhiều nghiên cứu cho thấy chứng sợ thiếu điện thoại thông minh ở người trẻ ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tâm thần của họ như mất khả năng kiểm soát bản thân,[25] cô đơn, [26] lo âu.[27] Dành nhiều thời gian cho việc kết nối ảo, kết bạn ảo, mất dần nhu cầu kết nối thật với gia đình với bạn bè và mất dần cảm thức thuộc về trong môi trường mình đang sống. Không ít những bạn trẻ bị lạm dụng tình dục do những cuộc trò chuyện online, những kết nối ảo, xem phim sex và phim khiêu dâm.[28] Những thần tượng ảo cũng dẫn đưa người trẻ đến những hành vi, cảm xúc nguy hiểm và bất thường. Khuynh hướng nghiêng chiều về chủ nghĩa cá nhân (individualism), chủ nghĩa tiêu dùng (consumerism) và chủ nghĩa duy vật chất (materialism) làm cho người trẻ bị mê hoặc bởi những kiểu thời trang, những quảng cáo online[29]. Các giá trị truyền thống dường như không còn là tiêu chuẩn đánh giá hay chọn lựa của người trẻ trong cuộc sống nhưng đang được thay thế bởi những giá trị của thời đại công nghệ thông tin. Internet cũng nới rộng khoảng cách các thế hệ giữa người lớn và người trẻ bởi vì họ có quá nhiều suy nghĩ và quan điểm khác nhau.[30] Như một hệ quả, người lớn cho rằng người trẻ là một thế hệ “tội lỗi,” người trẻ thì cho rằng người lớn đã lạc hậu.

III. Internet và truyền thông Tin Mừng cho người trẻ hôm nay

3.1 Giáo hội và Internet, Đạo đức trong Internet

Vào ngày 22 tháng 2 năm 2002, Hội đồng giáo hoàng về Truyền thông xã hội đã ban hành hai tài liệu liên quan đến Internet, đó là Giáo Hội và Internet và Đạo đức trong Internet.

Tài liệu thứ nhất, Giáo Hội và Internet, đề cập đến những cơ hội và thách đố trong việc truyền thông Tin Mừng cho con người trong thời đại kỹ thuật số. [31] Khi con người được điều kiện hóa bởi nền văn hóa truyền thông thì Giáo Hội cũng cần hiểu về nó, nghĩa là cần hiểu về Internet. Đây là điều cần thiết để Giáo hội truyền thông hiệu quả với con người thời nay đặc biệt là người trẻ- một thế hệ mà đang ngày càng cắm rễ sâu trong thời đại công nghệ.[32]

Một cách chung các giáo phận, giáo xứ, các hội dòng thánh hiến đều sử dụng Internet cho những mục đích tâm linh của họ và cho việc loan báo Tin Mừng. Internet được ghi nhận là một phương tiện truyền thông hiệu quả.[33] Đặc biệt đối với người trẻ, họ được mời gọi trở thành công dân đích thực của thời đại; không chỉ đơn thuần sử dụng thành thạo các kỹ thuật nhưng biết cách vận hành tốt trong thế giới không gian mạng, biết phân định theo các tiêu chí đạo đức đúng đắn và sử dụng công nghệ với mục đích phát triển toàn diện và vì lợi ích của người khác.[34]

Bên cạnh sự thuận lợi và cơ hội do Internet mang lại, văn hóa truyền thông cũng để lại không ít thách đố: chân lý tương đối đang thay thế chân lý tuyệt đối[35], thế giới ảo đang thay thế thế giới thật, tương tác ảo đang thay thế tương tác thật của một cộng đoàn phụng vụ bằng xương bằng thịt[36]. Thật vậy, ‘“Trên Internet không có bí tích: thậm chí nếu như nhờ ơn Chúa mà có thể có được những trải nghiệm tôn giáo trên Internet thì cũng không đủ, nếu tách khỏi sự tương tác trong thế giới thật với các tín hữu khác[37]”  Vì thế, khi lập kế hoạch mục vụ cần lưu ý: làm sao để hướng dẫn con người từ không gian mạng đến cộng đoàn thực; làm sao để ngang qua việc giáo dục và giảng dạy giáo lý, Internet được sử dụng để giúp cho học viên trung thành và làm phong phú thêm đời sống đức tin của họ[38].

Ngoài ra, tài liệu thứ hai về “Đạo đức trong Internet” đã suy tư chủ yếu về những vấn đề đạo đức trong việc sử dụng Internet. Vì như đã được đề cập đến, Internet là con dao hai lưỡi, một mặt, nó đang được đưa vào nhiều mục đích sử dụng tốt, hứa hẹn còn nhiều hơn thế nữa, nhưng cũng có thể gây ra nhiều tác hại nếu không được sử dụng đúng cách. Lợi hay hại, phần lớn phụ thuộc vào chọn lựa của người sử dụng[39]. Cụ thể hơn, con người và cộng đồng con người là trung tâm, là mục tiêu tối hậu để đánh giá việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Truyền thông nên được thực hiện giữa con người với con người và vì một sự phát triển toàn diện.[40]

3.2 Các Đức Giáo hoàng và người trẻ trong thời đại kỹ thuật số

ĐGH Phaolô VI, trong Tông huấn Loan Báo Tin mừng (Evangelii Nuntiandi) nhấn mạnh rằng: “thế kỷ của chúng ta được đánh dấu bằng những phương tiện truyền thông xã hội… Giáo Hội sẽ mắc tội với Chúa nếu Giáo Hội không lợi dụng những phương tiện đó.”[41] Trên cơ sở đó, liên quan đến công việc dạy giáo lý, những phương pháp dạy phải thích nghi với lứa tuổi, văn hóa, khả năng của học viên. Phải luôn luôn tìm cách ghi lại trong trí nhớ, trong trí khôn và trong lòng họ những chân lý cốt yếu cần phải thấm nhuần trong cả cuộc sống.[42]

Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, “vị giáo hoàng của người trẻ’’” khẳng định rằng thời đại hiện đại là thế giới truyền thông, nó đang thống nhất nhân loại trở thành ‘ngôi làng toàn cầu/global village.’ Như một hệ quả, người trẻ lớn lên trong một thế giới được điều kiện hóa bởi các phương tiện thông tin đại chúng. Nó là chưa đủ khi chỉ dùng các phương tiện truyền thông để rao giảng Tin Mừng nhưng còn cần làm cho Tin Mừng được thấm nhập vào loại “văn hóa mới” được hình thành bởi các phương tiện truyền thông đó. “Văn hóa mới” này là nơi tồn tại cách thức giao tiếp mới, với ngôn ngữ mới, kỹ thuật mới và tâm lý mới.[43] Trong bối cảnh này, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khuyến khích người trẻ: “Hãy ở lại trong Lời của Chúa. Lời Chúa sẽ làm cho chúng con trở nên mạnh mẽ. Và như thế chúng con sẽ nhận ra những việc làm đen tối của ma quỷ và nguồn gốc của nó, chúng con sẽ thành công trong việc thay đổi, biến đổi thế giới và làm cho thế giới trở nên nhân bản hơn, huynh đệ hơn và giống Chúa hơn.”[44] Chính Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thành lập ngày Giới trẻ thế giới (World Youth Day) vào năm 1985. Trong lần kỷ niệm 10 năm thành lập, ngài đã gởi lá thư mục vụ giới trẻ với những lời đánh động sau: “tương lai thuộc về những người trẻ.”

ĐTC Bênêđictô XVI, trong dịp đại hội Giới trẻ thế giới lần thứ 24 tại Loreto, Italy, đã nhắn nhủ người trẻ với hai nội dung chính: thứ nhất, đừng nghe theo những lời dẫn dụ của thế giới bạo lực, độc tài, và đạt mục đích bằng mọi giá, nhưng hãy cảnh tỉnh và sáng suốt; thứ hai đừng sợ sự ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng hãy tự tin và hãy là chính mình trong thế giới đó và luôn trở nên khiêm tốn. Khiêm tốn theo nghĩa can đảm, can đảm vượt qua cái chủ nghĩa vị kỷ và tội lỗi.[45] Ngài mời gọi người trẻ “đừng sợ Chúa Kitô…Hãy mở cửa, mở rộng cửa cho Ngài và chúng con sẽ tìm thấy được sự sống thật, [46] hãy cắm rễ sâu trong Chúa Giêsu Kitô để có thể đứng vững trong những thách đố và cám dỗ của thời đại với sức mạnh và sự phán quyết.”[47]

ĐTC Phanxicô, mặc dù thể hiện sự lạc quan, tin tưởng, tích cực và hy vọng rất nhiều vào người trẻ hôm nay, ngài cũng rất thẳng thắn đề nhìn vào thực tại của người trẻ trong thời đại kỹ thuật số này. Cụ thể, trong Tông huấn Christus Vivit, ngài chỉ ra rằng: “những mối tương quan trên mạng có thể trở thành phi nhân.Truyền thông khiêu dâm, chẳng hạn, làm méo mó nhận thức của người trẻ về tính dục con người. Những lối sống mới và cuồng nhiệt của những người trẻ muốn khẳng định tính cách của mình ngày nay đang đương đầu với một thách đố mới: đó là việc tương tác với một thế giới thực và ảo.”[48]

3.3 Thượng Hội đồng Giám Mục Á Châu (FABC) và người trẻ trong thời đại kỹ thuật số

Cụm từ “E-generation,” tạm dịch “Thế hệ điện tử” được FABC sử dụng lần đầu tiên để nói về người trẻ trong thời đại kỹ thuật số. Theo đó, “thế hệ điện tử” được định nghĩa như là một thế hệ sử dụng các phương tiện truyền thông điện tử như Internet, email và những phương tiện điện tử khác cho mục đích truyền thông của họ.[49] Mô tả ảnh hưởng của thời đại công nghệ hiện đại trên người trẻ, FABC đã sử dụng cụm từ sau: “Công nghệ thay đổi, cuộc sống thay đổi, giá trị thay đổi” [50] Đối diện với bối cảnh của thời đại hiện đại, Giáo hội Á Châu đã xác định rõ hai chọn lựa của mình “người nghèo và người trẻ” và tuyên bố rằng: “Giáo hội là Giáo hội của người trẻ”[51] “một sứ mệnh đặc biệt cho người trẻ và với người trẻ.”[52] Trong kỷ nguyên kỹ thuật số này, Giáo hội cần đồng hành với người trẻ một cách sáng tạo đặc biệt trong lĩnh vực truyền thông xã hội. Truyền thông căn bản là lắng nghe những hoài bão, những giấc mơ và những ưu tư lo lắng của người trẻ.[53] Giáo Hội xem người trẻ không chỉ là “tương lai” mà còn là “hiện tại” của Giáo Hội tại Á Châu. Họ không chỉ là đối tượng của sự quan tâm, chăm sóc của Giáo Hội mà còn là “người chủ,” người quản lý lĩnh vực truyền thông điện tử.[54] Vì thế, họ cần được chuẩn bị để trở nên những người quản lý truyền thông điện tử tốt và đồng tham gia vào sứ mệnh của Giáo Hội.[55]

IV. Đồng hành với người trẻ trong thời đại Internet

Những gì được trình bày ở phần I và phần II của bài viết trở nên tiền đề cho các nhiệm vụ cần thực hiện một cách cụ thể trong việc đồng hành với người trẻ hôm nay, trước là cho người đồng hành và sau là cho chính giới trẻ.

4.1 Người đồng hành và tinh thần truyền thông

Người đồng hành với người trẻ cần có một tinh thần truyền thông. Tinh thần truyền thông kitô giáo, theo một số tài liệu, được diễn tả qua ba chiều kích căn bản: tinh thần chiêm niệm, tinh thần cởi mở và khả năng hiệp thông với người khác.

– Tinh thần chiêm niệm: Đời sống thánh hiến hôm nay đang bị cuốn vào “cơn lốc của toàn cầu hóa.” Tu sĩ có xu hướng duy hoạt động hơn chiêm niệm và cầu nguyện. Có thể vì đó mà Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông thư Trước Thềm Thiên Niên Kỷ Mới ‘Novo Millennio ineunte’ đã nhắc nhở rằng: Điều quan trọng là phải cắm rễ sâu trong chiêm niệm và cầu nguyện. Thời đại của chúng ta là thời đại của chuyển động không ngừng và kết quả là sự mệt mỏi với nguy cơ nghiện công việc. Chúng ta chống lại cơn cám dỗ này bằng cách trở nên ‘tôi là’ trước khi ‘tôi làm.’ [56] Trở nên ‘tôi là’ bằng thái độ chiêm niệm và cầu nguyện để lắng nghe tiếng Chúa một cách năng động và phát triển tương quan mật thiết với Chúa Giêsu. Như một quy luật tất yếu, càng ở lại trong tình yêu của Chúa Giêsu, người thánh hiến càng có khả năng lắng nghe và thực thi thánh ý của Ngài. Cũng thế, càng lắng nghe người trẻ, người đồng hành càng có thể hiểu được người trẻ đang muốn gì.

– Tinh thần cởi mở: theo cha Eilers, linh đạo truyền thông đòi hỏi sự cởi mở với Chúa, với chính mình và với người khác: (1) Cởi mở với Chúa là một thái độ chiêm niệm sâu thẳm nhất. Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khẳng định: “người truyền thông công giáo cần được đào tạo để làm việc một cách hiệu quả trong môi trường truyền thông đại chúng. Sự đào tạo về kỹ năng truyền thông, đạo đức truyền thông, văn hóa-lịch sử-xã hội con người thời đại là rất quan trọng. Tuy nhiên, vượt lên trên hết tất cả người truyền thông cần được đào tạo một đời sống nội tâm, đời sống tâm linh”[57] và ý thức ơn gọi nên thánh của bản thân” [58]; (2) Cởi mở với chính mình là thái độ biết mình như mình là. Bởi vì khi cởi mở với chính mình cá nhân nhận ra thực tế của bản thân, cả về đời sống tâm linh và nhân bản,[59] đồng thời làm cho cá nhân có khả năng xây dựng cộng đoàn ngang qua tình yêu, sự chia sẻ, hiệp thông và bình đẳng.[60] Ngoài ra, người truyền thông công giáo cần đào tạo cho mình có được một tình yêu như Chúa Kitô là hủy mình ra không và trở nên hồng ân cứu độ cho thế giới (Pl 2, 5-8); (3) Cởi mở với người khác là quan tâm thật sự tới người khác, như Chúa Giêsu đã làm. Hình ảnh Chúa Giêsu, người Mục tử nhân lành (Ga 10) là khuôn mẫu tuyệt vời cho người truyền thông công giáo. Người truyền thông công giáo không phải là người quảng cáo, người bán hàng nhưng là người quan tâm, chăm sóc người khác với thái độ khiêm tốn, yêu thương, kiên nhẫn, kính trọng, lắng nghe, tin tưởng, lưu tâm đến những khác biệt và nói sự thật trong yêu thương.[61]

– Hiệp thông với người khác: Tinh thần truyền thông còn thể hiện qua khả năng hiệp thông với người khác, khả năng thấu hiểu đối tượng truyền thông như hoàn cảnh gia đình, tuổi tác, những tâm tư nguyện vọng; khả năng đồng cảm, chia sẻ; khả năng trình bày rõ ràng, mạch lạc, lưu loát và sử dụng ngôn ngữ phù hợp với đối tượng truyền thông. Ví dụ, việc dạy giáo lý cho giới trẻ hôm nay sẽ không hiệu quả nếu chúng ta tiếp tục dùng phương pháp độc thoại, thuyết pháp nhưng nên thay bằng ngôn ngữ của yêu thương, gương sáng và sử dụng nhiều hình thức chuyển tải nội dung phong phú hơn như ngôn ngữ cơ thể, ngôn ngữ hình ảnh, video, PowerPoint và các phương pháp minh họa khác.

4.2 Người đồng hành và những điều cần biết khi sử dụng Internet

– Đào tạo để hiểu tầm ảnh hưởng của Internet: người đồng hành với người trẻ cần được đào tạo để hiểu về Internet và sự ảnh hưởng của nó lên con người thời đại hôm nay. Internet ngày càng trở nên một phương tiện không thể thiếu trong đời sống thường ngày của con người ngày nay. Linh mục, phó tế, tu sĩ và các giáo dân làm mục vụ cần được đào tạo về truyền thông để nâng cao hiểu biết về ảnh hưởng của truyền thông xã hội trên cá nhân cũng như trên xã hội, đồng thời giúp họ có được một cung cách truyền thông có thể đáp ứng được những cảm quan và bận tâm của con người đang sống trong văn hóa truyền thông.[62] Liên quan đến điều này, để có thể thu hút người trẻ đến với người đồng hành, trước hết người đồng hành chấp nhận họ như cách họ là. [63] Chúng ta nên cố gắng ‘đặt đôi chân của chúng ta vào trong đôi giày của người trẻ’ để hiểu họ hơn, cảm thông hơn và nắm bắt được ngôn ngữ của họ tốt hơn. Để làm được điều đó, người đồng hành cần được đào tạo để thật sự hấp thụ và nắm bắt được thế giới của người trẻ hôm nay, để thành thạo về Internet và để ứng dụng nó trong việc đồng hành với người trẻ hôm nay. Nếu không, thay vì là người hướng dẫn người trẻ, người đồng hành chỉ đơn thuần đi theo họ.[64]

– Đào tạo để hiểu ngôn ngữ Internet: Ngoài việc nắm bắt tầm ảnh hưởng về Internet lên con người và đặc biệt người trẻ hôm nay, người đồng hành cần đọc được ngôn ngữ của truyền thông kỹ thuật số trong thời đại hôm nay, đặc biệt ngôn ngữ Internet. Trước tình hình này, các chủ chăn và mọi người trong Giáo Hội được khuyến khích tìm hiểu sâu xa các vấn đề có liên quan tới việc truyền thông và các phương tiện truyền thông, đồng thời biến những hiểu biết ấy của mình thành những chính sách và những chương trình làm việc khả thi.[65] Như thế, tất cả những ai làm truyền thông công giáo cần nâng cao sự hiểu biết về ngôn ngữ Internet và làm cho những người sử dụng Internet trở thành độc giả khôn ngoan trên Net.[66] Đồng thời, đọc và hiểu được các dấu hiệu được sử dụng bởi internet, liên quan đến khả năng trừu tượng hóa ý nghĩa được truyền đạt trong việc lựa chọn và sắp xếp các dấu hiệu liên quan đến nhau. Tắt một lời, kỹ năng hiểu ngôn ngữ Internet là cần thiết, bởi vì nó không những giúp người đồng hành hiểu được loại ngôn ngữ được tạo nên do bởi thời đại công nghệ mà còn đánh giá được loại ngôn ngữ/văn hóa này tác động lên nền văn hóa truyền thống như thế nào. Nhờ đó, người đồng hành có thể đồng hành với người trẻ một cách thiết thực và hiệu quả hơn.

– Đào tạo để sử dụng Internet thành thạo: Huấn thị mục vụ thời đại mới (Aetatis Novae) về việc truyền thông xã hội cũng tuyên bố rằng các phương tiện truyền thông xã hội phải được sử dụng trong chương trình tái Phúc âm hóa và tân Phúc âm hóa.[67] Đây chính là tầm nhìn mới trong việc thực thi sứ mạng của Giáo Hội trong thời đại hôm nay. Vì lý do đó mà Internet là một diễn đàn mới và đóng vai trò quan trọng cho việc rao giảng lời Chúa trong thời đại hôm nay.[68] “Tại nhiều quốc gia, internet và các mạng xã hội đã làm nên một diễn đàn vững chắc để tiếp cận với người trẻ, cách riêng trong các sáng kiến và các hoạt động mục vụ.”[69] Như thế, mỗi người đặc biệt người đồng hành với người trẻ cần được đào tạo để sử dụng phương tiện này một cách thành thạo và hiệu quả.

4.3 Người trẻ và sự phát triển toàn diện

Sự phát triển toàn diện nơi người trẻ được nhắm vào hai chiều kích căn bản là nhân bản và tâm linh. Đồng hành với người trẻ hôm nay với bất kỳ phương tiện mục vụ nào đều nhắm đến hai chiều kích ấy.

a. Phát triển đời sống tâm linh

– Gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu: ĐTC Phanxicô, trong Tông huấn “Đức Kitô đang sống” đề nghị rằng “việc mục vụ giới trẻ luôn phải bao gồm những cơ hội để làm mới lại và đào sâu kinh nghiệm cá nhân về tình yêu của Thiên Chúa và Đức Kitô đang sống”[70] Dạy giáo lý là một phương cách giúp người trẻ biết về Chúa Giêsu, đặc biệt hơn là làm sao cho người trẻ đụng chạm được kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Giêsu một cách cá vị và hướng dẫn họ đi vào sự thân mật với Thiên Chúa. Điều này có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau “bằng đời sống chứng tá, bằng những khoảnh khắc tôn thờ, suy niệm lời Chúa và ngay cả bằng việc sử dụng mạng xã hội cách trí tuệ.”[71]

– Yêu thích cầu nguyện: Cầu nguyện giúp người trẻ luyện thói quen lắng nghe và suy niệm trong thinh lặng. Thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa, lắng nghe người khác, lắng nghe bản thân và lắng nghe thế giới. Tuy nhiên, giới trẻ hôm nay dường như sợ thinh lặng khi họ đã quen với nhịp sống ồn ào và bận rộn. Người trẻ cần được hướng dẫn để biết yêu thích đời sống cầu nguyện. Một trang web về việc hỗ trợ cho người trẻ cầu nguyện đã đề xuất một cách suy niệm Lời Chúa bao gồm ba bước sau: (1) đọc bản văn Lời Chúa, (2) tìm những trang web có chú giải hay suy niệm về bản văn Lời Chúa đó; sự giải thích Kinh thánh có kèm theo bối cảnh văn hóa xã hội của bản văn và đối chiếu với bối cảnh văn hóa xã hội trong hiện tại giúp cho người trẻ rút ra được những bài học thiết thực và hữu ích; (3) thinh lặng để cho Lời của Chúa tác động dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Cầu nguyện hay chiêm niệm là một cách thức có thể giúp người trẻ hóa giải được những cảm xúc tiêu cực, những suy nghĩ và hành động bạo lực và trở nên ôn hòa hơn. Cầu nguyện cũng là cách giúp người trẻ nuôi dưỡng tương quan sâu xa với Đức Kitô hằng sống.

– Phúc âm hóa: Có thể nói ‘“phúc âm hóa các bạn trẻ khác bất cứ nơi nào họ gặp”[72] là hoạt động chính yếu của người trẻ công giáo. Nói cách khác “Phúc âm hóa và đổi mới xã hội” là một lời mời gọi đặc biệt dành cho người trẻ. Phúc âm hóa, một cách chung, được hiểu là đem Lời Chúa vào trong cuộc sống hằng ngày và làm cho Lời Chúa được thấm nhập vào trong tất cả mọi môi trường sống của con người. Theo đó, người trẻ được mời gọi tích cực Phúc âm hóa môi trường sống của họ. Tuy nhiên, trước khi người trẻ có thể Phúc âm hóa chính giới trẻ trong thời đại của họ, người đồng hành cần nâng đỡ và giúp họ đạt đến những khát vọng sâu xa của bản thân, “khát vọng đến tính đích thực, đến chân lý, đến tự do và lòng quảng đại; khát vọng mà chỉ có Chúa Kitô mới có thể đáp ứng cách thỏa mãn”[73]. Sự nâng đỡ mời gọi người đồng hành bước vào thái độ lắng nghe, đối thoại và can đảm đề nghị khi cần thiết để giúp người trẻ giữ vững nhiệt huyết và đạt đến những khát vọng sâu xa của bản thân. Kinh nghiệm đạt đến khát vọng sâu xa có lẽ cũng là kinh nghiệm đạt đến sự gặp gỡ thâm sâu với Chúa Giêsu Kitô. Đây chính là lúc người trẻ có thể tham gia tích cực vào việc Phúc âm hóa chính giới trẻ bằng việc hăng hái tham gia vào các hoạt động của cộng đồng đức tin họ đang thuộc về, bằng tinh thần bác ái, hy sinh, sẵn sàng giúp đỡ vì lợi ích và nhu cầu của người khác, bằng đời sống trung thực, bằng việc hăng hái dẫn đưa các bạn trẻ khác đến gặp Đức Giêsu và bằng, một cách đặc biệt, “sử dụng nhận thức, năng khiếu và sự hiểu biết của mình để tiếp cận những vấn đề và những mối ưu tư của các bạn trẻ khác bằng chính ngôn ngữ của họ ”[74]

b. Phát triển đời sống nhân bản

– Khả năng chọn lọc và phân định: Một trong những vấn đề phổ biến nhất trong thế giới của người trẻ hôm nay là vấn đề “bội thực thông tin”. Internet là một cánh cửa mở ra thế giới với lượng thông tin khủng khiếp từng phút, từng giờ và không phải tất cả mọi thứ trên Internet đều an toàn và đúng. Nếu giới trẻ không có khả năng chọn lựa và phân định, họ sẽ dễ rơi vào các trào lưu “rẻ tiền””. Vì thế, người trẻ cần được đào tạo lương tâm và trau dồi thói quen làm điều tốt. Đào tạo lương tâm để giúp người trẻ phát triển những cảm thức của Chúa Giêsu và những ý hướng đằng sau các hành động của Người.[75] Trau dồi thói quen làm điều tốt để giúp người trẻ lớn lên trong đức khôn ngoan. Lương tâm ngay chính và sự khôn ngoan là những tố chất cần thiết giúp người trẻ có khả năng phân định và chọn lọc giữa tốt-xấu, đúng-sai và giữa các giá trị văn hóa truyền thống- văn hóa thời đại kỹ thuật số.

– Khả năng kết nối trong thế giới thật: Kết nối ảo là một đặc tính trong thế giới của người trẻ hôm nay. Hậu quả kết nối ảo đã được trình bày ở chương I. Mục tiêu của người đồng hành phải làm sao để dùng phương tiện kết nối ảo đưa người trẻ đến cộng đoàn thật. Để hấp dẫn người trẻ đến với cộng đoàn người thật, tương tác thật, cần phải gây ý thức cho người trẻ về vai trò của họ. Bởi vì người trẻ càng nhận ra vai trò của mình đối với bản thân, gia đình và xã hội thì họ càng dấn thân cho một xã hội tốt đẹp hơn và bình đẳng hơn vì lợi ích chung.[76] Hơn thế nữa, người trẻ sẽ được tạo thêm động lực khi họ có cơ hội “đồng hóa mình” với bạn bè, cộng đoàn, những người bị bỏ rơi, những người bất hạnh trong xã hội.[77] Người trẻ cần được đào tạo để duy trì và phát triển cái nhìn nhân sinh quan và đời sống luân lý. Người trẻ càng quan tâm đến các giá trị truyền thống mà tổ tiên họ để lại cũng như những cống hiến của cha ông, họ càng nỗ lực thể hiện sự trân trọng đối với các giá trị này. Để có được điều này người trẻ cần vươn đến thái độ sáng tạo và sáng suốt, trưởng thành trong suy nghĩ, chính trực, can đảm, trách nhiệm và quảng đại.[78]

– Khả năng sử dụng Internet theo tinh thần truyền thông công giáo: Trước tiên, người đồng hành với người trẻ cần sử dụng các phương tiện truyền thông để kết nối và kích thích sự tham gia của người trẻ như blogs, fanpage, facebook, twitter, forum online… Với các phương tiện truyền thông xã hội này người đồng hành giúp người trẻ (1) kết nối với những trang web hữu ích, (2) tham gia các hoạt động hữu ích cho đời sống tâm linh và phát triển con người, (3) chia sẻ tài năng cá nhân với mục đích Phúc âm hóa thế giới ảo và cộng đồng mình đang thuộc về, (4) mở rộng và duy trì kết nối yêu thương với người khác và (5) tham gia vào các sân chơi lành mạnh. Tất cả các hoạt động với nhiều hình thức khác nhau nhằm mục đích giúp giới trẻ sử dụng phương tiện truyền thông theo đúng tinh thần truyền thông công giáo là nhắm đến một sự phát triển toàn diện và vì lợi ích của người khác. Có thể nói Chân Phước Carlo Acutis, 16 tuổi (1991- 2006), vừa được Giáo Hội tuyên phong vào ngày 10 tháng 10 năm 2020 là một gương sáng và là nguồn cảm hứng cho giới trẻ trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông để Phúc âm hóa người trẻ hôm nay khi mà thế giới kỹ thuật số được xem là “ngôi nhà” thân thương của người trẻ.[79]

V. Thay lời kết

Sống trong một thế giới được điều kiện hóa bởi cuộc cách mạng giới công nghệ, một thế giới “không còn ranh giới”, giới trẻ được xem như là những “chủ nhân” của thế giới không gian mạng. Thách đố ở đây là những thế hệ lớn hơn chịu trách nhiệm đồng hành với người trẻ, nhưng lại cảm thấy mình “không thuộc về” thế giới của họ. Tuy nhiên, theo tinh thần của ĐTC Phanxicô, qua Tông huấn Christus Vivit, người lớn cần tìm hiểu để biết cách hòa nhập vào thế giới của người trẻ hôm nay, để cùng đi với họ trong thế giới đó, đồng hành và hướng dẫn họ chạm đến sự phát triển lành mạnh, toàn diện và tạo cơ hội cho họ đồng tham gia vào sứ mệnh tân Phúc âm hóa giới trẻ trong xã hội hôm nay. Đây là một tiến trình đòi hỏi người đồng hành phải làm một bước “chuyển động”. Chuyển động để thay đổi cách nhìn, thay đổi phương pháp và trở nên uyển chuyển hơn trong việc đồng hành, hiệp hành với người trẻ hôm nay và nhất là làm cho Tin Mừng của Chúa được thấm nhập vào ngôn ngữ và văn hóa của thế hệ thời @ hôm nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

A. Tài liệu Giáo Hội

1. Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II

Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay Gaudium et Spes (ngày 7 tháng 12 năm 1965).

2. Tài liệu các Đức giáo Hoàng

Phaolô VI. Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng Trong Thế Giới Ngày Nay Evangelii Nuntiandi (ngày 8 tháng 12 năm 1975).

Gioan Phaolô II. Thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế Redemptoris Missio (ngày 7 tháng 12 năm 1990).

– Tông thư Trước Thềm Thiên Niên Kỷ Mới Novo Millennio Ineunte (ngày 6 tháng 1 năm 2001)

– Sustained by the Spirit, Communicate Hope 32nd World Communication Day (ngày 22 tháng 5 năm 1998).

– Internet: A New Forum for Proclaiming the Gospel on the Occasion of the 36th World Communications Day.

Bênêđictô XVI. Do Not Be Seduced http://www.zenit.org/ article-20359?l=english.

– Do Not Be Afraid of Christ! He Takes Nothing Away and Gives Everything http://www.zenit.org/english.

– Planned and Built Up in Jesus Christ, Firm in the Faith in the World Youth Day (August 15-21, 2011).

Phanxicô. Tông Huấn Đức Kitô Đang Sống Christus Vivit (ngày 25 tháng 3 năm 2019).

3. Tài liệu khác của Giáo hội

Pontifical Council for Social Communications (PCSC). The Church and Internet (ngày 22 tháng 2 năm 2002).

– Ethics in Internet (ngày 22 tháng 2 năm 2002),

– Huấn Thị Mục Vụ Thời Đại Mới Aetatis Novae Về Việc Truyền Thông Xã Hội (ngày 22 tháng 2 năm 1992).

Sứ điệp của Thượng Hội đồng Giám mục về tân Phúc âm hóa gởi dân Chúa.

4. Tài liệu của FABC

FABC-OSC. E-Generation: The Communication of Young People in Asia-A Concern of the Church, in For All People of Asia 4. Ed. by Franz-Josef Eilers. Quezon City: Claretian Publications, 2007.

– Modern Communication Technologies: Challenges for the Church in Asia, in Bishops’ Institute for Social Communication BISCOM II. Bangkok. Thailand (ngày 6-12, tháng 5 năm 1999).

– Social Communication Formation in Priestly Ministry and Mission, in Bishops’ Institute for Social Communication BISCOM III. Thailand (ngày 7 -12 tháng 5 năm 2001).

5. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN)

HĐGMVN. Thư Chung Gửi Cộng Đồng Dân Chúa, Đặc Biệt Là Các Bạn Trẻ Năm 2019 (ngày 4 tháng 10 năm 2019).

– Thư Mục Vụ Gửi Cộng Đồng Dân Chúa Năm 2020 (ngày 16 tháng 10 năm 2020).

B. Sách

Eilers, Franz-Joself, 3rd ed., Communicating in Ministry and Mission. Manila: Logos Publications, Inc, 2009.

Eilers, Franz-Josef. E-Generation: The Communication of Young People in Asia-A Concern of Youth. Manila: Logos Publication, 2003.

Jorg Becker. Internet in Malaysia and Vietnam. GIGA- Hamburg: Publishing, 2002. 162-163.

Poplar Ngo. Thở Dài và Thương Cảm Một Thế Hệ Không Có Lý Tưởng. Tp. Hồ Chí Minh, 2005.

Nguyễn Thái Hợp. Để Họ Lớn Lên. Hồ Chí Minh: NXB Văn hóa và Đức tin, 2007.

Trần Ngọc Thêm. Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam. Hà Nội: NXB Giáo dục, 1999.

Cao Mai Trần. Cẩm Nang Người Trẻ Vào Đời. Hồ Chí Minh: NXB Trẻ, 1993.

Lê Nhân Tâm. Giới Trẻ Việt Nam Trong Thời Kỳ Đổi Mới. Hồ Chí Minh, 2004.

Trần Anh Thụ. Nhân Cách: Khủng hoảng và phát triển – Một góc nhìn của tâm lý học. 2013. Lưu hành nội bộ.

C. Tạp Chí và Các Bài báo

Raja, Joshva “Internet, Mission and Ecumenism,” Mission Today, no.3 (July-September 2004):215-245.

Vidyajypti, Focus on the Youth in Journal of Theological Reflection (July 2002), vol.66, no.7: 481-559.

Yildiz Durak, H, “What would you do without your smartphone? Adolescents’ social media usage, locus of control, and loneliness as a predictor of nomophobia” Addicta: The Turkish Journal on Addictions, Advance online publication (2018). http://dx.doi.org/10.15805/addicta.2018.5.2.0025.

Kara, M., Baytemir, K., & Inceman-Kara, F, “Duration of daily smartphone usage as an antecedent of nomophobia: exploring multiple mediation of loneliness and anxiety” Behaviour & Information Technology, (2019): 1-14.

King, A. L. S., Valenẹa, A. M., Silva, A. C., Sancassiani, F., Machado, S., & Nardi, A. E. “Nomophobia”: Impact of cell phone use interfering with symptoms and emotions of individuals with panic disorder compared with a control group” Clinical practice and epidemiology in mental health: CP & EMH, no.10 (2014): 28.

Nguyễn Bảo Uyên, Vai Trò của Internet Trong Việc Loan Báo Tin Mừng Cho Người Trẻ Hôm nay, 2005.

Josè Cristo Rey Garcia Paredes, Theology of Charism (Lectures, Institute for Consecrated Life in Asia, Manila, 2008).

McLeod, S. A. (2008). Erik Erikson Psychosocial Stages – Simply Psychology. Retrieved from http://www.simplypsychology. org /Erik-Erikson.html

Lê Anh Dũng, Sau 20 Năm Internet đã thay đổi cuộc sống người Việt ra sao. https://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/media/nhin-lai-20-nam-internet-thaỵ-doi-cuoc-song-nguoi-viet-413359. html.

Theo số liệu Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tại Ngày Internet 2019 được tổ chức tại Hà Nội hôm 11/12/2019. https:// www.brandsvietnam.com/19614-94-nguoi-dung-Internet-o-Viet-Nam-len-mang-hang-ngay.

Thảo Nguyên, Thói quen sử dụng Internet đáng báo động của người trẻ. https://www.nguoiduatin.vn/google-tiet-lo-thoi-quen-su-dung-internet-cua-nguoi-tre-a311869.html.

Đặng Tự Do, “Overspread of Pornography on Internet,” Viet Catholic News http://www.vietcatholic.net/News/Html/39795.html

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 122 (Tháng 1 & 2 năm 2021)

WHĐ (07.05.2021)

[1] Lê Nhân Tâm, “The Meeting of John Paul II and the Youth at St. Louis, America on January 26, 1999,” Giới trẻ Việt Nam Trong Thời Kỳ Đổi Mới (Tp. Hochiminh, NXB Trẻ, 2004), 10.

[2] Đức Phanxicô, Tông huấn Đức Kitô Đang Sống (Christus Vivit), (2019) số 64.

[3] FABC, E-Generation: The Communication of Young People in Asia-A Concern of the Church, Franz-Josef Eilers ed., 19.

[4] Ibid., 240.

[5] Thư chung 2019 của HĐGMVN, số 2.

[6] Đức Phanxicô, Tông huấn Đức Kitô Đang Sống (Christus Vivit), (2019) số 72-74

[7] Ibid., số 88.

[8] Lê Anh Dũng, Sau 20 Năm Internet đã thay đổi cuộc sống người Việt ra sao. https://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/media/nhin-lai-20-nam-internet-thay-doi- cuoc-song-nguoi-viet-413359.html.

[9] Theo số liệu Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tại Ngày Internet 2019 được tổ chức tại Hà Nội hôm   11/12/2019. https://www.brandsvietnam.com/19614- 94-nguoi-dung-Internet-o-Viet-Nam-len-mang-hang-ngay.

[10] Thảo Nguyên, Thói quen sử dụng Internet đáng báo động của người trẻ. https:// www.nguoiduatin.vn/google-tiet-lo-thoi-quen-su-dung-internet-cua-nguoi- tre-a311869.html.

[11] Đức Phanxicô, Tông huấn Đức Kitô Đang Sống (Christus Vivit), (2019) số 242.

[12] McLeod, S. A. (2008). Erik Erikson Psychosocial Stages – Simply Psychology. Retrieved from http://www.simplypsychology.org /Erik-Erikson.html

[13] Trần Anh Thụ, Nhân Cách: Khủng hoảng và phát triển – Một góc nhìn của tâm lý học (2013). Lưu hành nội bộ.

[14] Đức Phanxicô, Tông huấn Đức Kitô Đang Sống (Christus Vivit), (2019), số 137.

[15] Franz-Josef Eilers, ed., E-generation: The Communication of Young People in Asia -A concern of the Church (Manila: Logos Publications, 2003), 56

[16] Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Missio, no.37 (December 7, 1990).

[17] Lê Nhân Tâm, “Giới Trẻ Việt Nam Trong Thời Kỳ Đổi Mới,” 11.

[18] Poplar Ngo, Thở Dài và Thương Cảm Một Thế Hệ Không Có Lý Tưởng (Tp. Hồ Chí Minh, 2005), 90.

[19] Nguyễn Bảo Uyên, Vai Trò của Internet Trong Việc Loan Báo Tin Mừng Cho Người Trẻ Hôm nay, 2005.

[20] Trần Ngọc Thêm, Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam (Hà Nội: Nhà xuất bản giáo dục, 1999), 32.

[21] Đặng Tự Do, “Overspread of Pornography on Internet,” Viet Catholic News http://www.vietcatholic.net/News/Html/39795.htm.

[22] Jorg Becker, Internet in Malaysia and Vietnam (Hamburg: GIGA Publishing, 2002), 162-163.

[23] Đức Phanxicô, Tông huấn Đức Kitô Đang Sống (Christus Vivit), (2019) số 90.

[24] Ibid., số 87.

[25] Yildiz Durak, H, What would you do without your smartphone? Adolescents’ social media usage, locus of control, and loneliness as a predictor of nomophobia (2018).

[26] Kara, M., Baytemir, K., & Inceman-Kara, F, Duration of daily smartphone usage as an antecedent of nomophobia: exploring multiple mediation of loneliness and anxiety (2019).

[27] King, A. L. S., Valenẹa, A. M., Silva, A. C., Sancassiani, F., Machado, S., & Nardi, A. E. “Nomophobia”: Impact of cell phone use interfering with symptoms and emotions of individuals with panic disorder compared with a control group (2014).

[28] Cao Mai Trần, Cẩm Nang Người Trẻ Vào Đời, (Hồ Chí Minh: NXB Trẻ, 1993), 302-303.

[29] Ibid.

[30] Lê Nhân Tâm, “Giới Trẻ Việt Nam Trong Thời Kỳ Đổi Mới,” 38.

[31] PCSC, the Church and Internet (22 February 2002), số 5.

[32] Ibid.

[33] Ibid.

[34] Ibid., số 7.

[35] Ibid., số 8

[36] Ibid., số 9.

[37] Ibid

[38] Ibid.

[39] PCSC, “Ethics in Internet,” (22 February 2002), no. 2 in Church and Social Communication, Basic Documents (1998-2002), Franz-Josef Eilers, ed., (Manila: Logos Publications), 48.

[40] PCSC, “Ethics in Internet,” (22 February 2002), no. 3 in Church and Social Communication, Basic Documents (1998-2002), Franz-Josef Eilers, ed., (Manila: Logos Publications), 49.

[41] Đức Phaolô VI, Tông huấn Loan Báo Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi), (1975) số 45.

[42] Ibid., số 44.

[43] Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế (Redemptoris Missio), (1990) số 37c.

[44] Thánh Gioan Phaolô II, To the Young of the World, Apostolic Letter, số 15.

[45] Bênêđictô XVI, Do Not Be Seduced http://www.zenit.org/article-20359?l= english.

[46] Đức Bênêđictô XVI, Do Not Be Afraid of Christ! He Takes Nothing Away and Gives Everything http://www.zenit.org/english.

[47] Đức Bênêđictô, Planned and Built Up in Jesus Christ, Firm in the Faith in the World Youth Day (August 15-21, 2011).

[48] Đức Phanxicô, Đức Phanxicô, Tông Huấn Đức Kitô Đang Sống (Christus Vivit), (2019) số 90.

[49] FABC- E-Generation: The Communication of the Young People in Asia- A Concern of the Church, in For All People of Asia 4, Franz Joself Eilers, ed. (Quezon City: Claretian Publications, 2007), 19

[50] Ibid., 59.

[51] Ibid.

[52] Ibid., 240.

[53] Ibid.

[54] Ibid., 240-241.

[55] Ibid., Vidyajypti, “Focus on the Youth,” 482.

[56] Thánh Gioan Phaolô II, Tông thư Trước Thềm Thiên Niên Kỷ Mới (Novo Millennio Ineunte), (2001) số 15.

[57] Thánh Gioan Phaolô II, “Sustained by the Spirit, Communicate Hope,” 32nd World Communication Day (22 May 1998).

[58] Franz-Joself Eilers, Communicating in Ministry and Mission, 3rd ed. (Manila: Logos Publications, Inc, 2009), 35-36.

[59] Ibid.

[60] FABC-OSC Bishops’ Meet 1999.

[61] Franz-Joself Eilers, “Communicating in Ministry and Mission”, 75.

[62] PCSC, “the Church and Internet,” số 11.

[63] Franz-Josef Eilers, ed., E-Generation: The Communication of Young People in Asia-A Concern of Youth, 155.

[64] FABC-OSC, Social Communication Formation in Priestly Ministry and Mission in Bishops’ Institute for Social Communication (BISCOM III) (Thailand: May 7 – 12, 2001).

[65] PCSC, Huấn Thị Mục Vụ Thời Đại Mới (Aetatis Novae) Về Việc Truyền Thông Xã Hội, (1992) số 3.

[66] Joshva Raja, “Internet, Mission and Ecumenism,” Mission Today, no.3 (July- September 2004):238.

[67] PCSC, Aetatis Novae, số 11.

[68] Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Internet: A New Forum for Proclaiming the Gospel on the Occasion of the 36th World Communications Day.

[69] Đức Phanxicô, Tông huấn Đức Kitô Đang Sống (Christus Vivit), (2019) số 87.

[70] Ibid., số 214.

[71] Ibid.

[72] Ibid., số 210.

[73] Sứ điệp của Thượng Hội đồng Giám mục về tân Phúc âm hóa gởi dân Chúa, số 9

[74] Đức Phanxicô, Tông huấn Đức Kitô Đang Sống (Christus Vivit), (2019) số 203.

[75] Ibid., số 281.

[76] Cao Mai Trần, “Cẩm Nang Người Trẻ Vào Đời,” 41-43.

[77] Josè Cristo Rey Garcia Paredes, Theology of Charism (Lectures, Institute for Consecrated Life in Asia, Manila, 2008).

[78] Nguyễn Thái Hợp, Để Họ Lớn Lên (Hồ Chí Minh: NXB Văn hóa và Đức tin: 2007), 137.

[79] Thư chung 2020 của HĐGMVN, số 6.

 

Nguồn: Website Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/dong-hanh-voi-nguoi-tre-trong-thoi-dai-internet-41872

Comments are closed.