Chúa Nhật Thứ 1 Mùa Chay Năm A – Chọn lựa giữa Thiên Chúa và tên cám dỗ

Lộ trình Mùa Chay hôm nay mở ra cho chúng ta. Là một dân tộc lữ hành và được hướng dẫn bởi Thánh Thần đã đưa Chúa Giê su vào sa mạc, chúng ta phải rủ bỏ tất cả những gì cản trở chúng ta tiến đến cuộc vượt qua của Đức Ki tô. Ngài đã vạch ra cho chúng ta một lộ trình và ban sức mạnh để dẫn chúng ta đến Niềm vui Phục sinh qua con đường Bình an.

Sách Sáng thế  2, 7-9; 3, 1-7

Khởi nguyên là tựa đề của quyển sách kể lại những bước khởi đầu của nhân lọai. Ở mọi thời, con người luôn cảm thấy bị sự dữ sâu xé trong tâm hồn họ và tấn công chung quanh họ. Tuy nhiên, từ trong thâm tâm sâu thẳm, tất cả đều cảm nghiệm mình bị lôi kéo đến sự thiện và hạnh phúc bởi vì họ biết mình được tạo dựng là để sống hạnh phúc. Các chương đầu sách Sáng thế kể lại bi kịch và niềm hạnh phúc đó. Rồi sẽ có một ngày Thiên Chúa sẽ tiêu diệt căn nguyên sinh ra cám dỗ.

Thánh Vịnh 50

Thánh vịnh nầy là lời kinh sám hối tuyệt vời nhất của do thái giáo. Chắc chắn Chúa Giê su và Đức Maria đã cầu nguyện với Thánh vịnh nầy. Ý thức về tội lỗi mình phạm, người tín hữu kêu cầu Thiên Chúa thay đổi tâm hồn bằng cách ban xuống Thánh thần của Người.

Thư Rôma 5, 12-19

Bởi một người là Ađam, sự chết đã đột nhập vào thế gian. Đó là bi kịch của lòai người. Nhưng rồi cũng nhờ một người là Chúa Giê su, sự chết đã bị đánh bại và sự Sống đã thế chân cho sự chết. Đức Ki tô sống lại là trưởng tử những người chết. Thật vậy, Đức Ki tô là Ađam mới, qua Ngài Thiên Chúa hằng sống đã sinh ra mọi người sống.

Tin mừng: Mt 4,1-11

NGỮ CẢNH

Mc đơn giản trình bày việc Chúa Giê su bị thử thách trong hai câu ngắn gọn. Trái lại, Mt và Lc khai triển dài hơn chủ đề về sự thử thách theo kiểu thần học. Làm sao Chúa Giê su bị cám dỗ lại có thể là mẫu gương cho các ki tô hữu? Lc mô tả Ngài như một Ađam mới đẩy lui cơn cám dỗ (3,38); còn Mc lại trình bày Ngài như đấng làm sống lại trong bản thân mình lịch sử của dân Israen, đặc biệt là sự Xuất hành và cám dỗ trong sa mạc. Nhưng trong khi dân Israen bị sa ngã thì Chúa Giê su đã chiến thắng các cơn thử thách bằng chính sức mạnh từ Thánh Kinh. Và đó chính là giáo huấn quan trọng cho người ki tô hữu.

TÌM HIỂU

Để chịu quỉ cám dỗ: Mt nhấn mạnh đến ý muốn của Thiên Chúa: cơn cám dỗ nầy là một thử thách Ngài phải trải qua để mạc khải mình là ai. Lc chỉ nói rằng: bị cám dỗ

Bốn mươi đêm: chỉ có Mt nói tới chi tiết nầy, có lẽ ám chỉ đến việc ông Mô sê ăn chay khi các bản lề luật được khắc ghi trên bia đá (Xh 34,28): Chúa Giê su là Mô sê mới chuẩn bị ban lề luật mới.

Lời: khác với Lc, Mt trích toàn bộ câu 8,3 sách Đệ nhị luật. Và điều đó cũng dễ hiểu: đối với Mt, mục tiêu của trình thuật là để chứng minh rằng cần phải dựa vào Lời Thiên Chúa để có sức mạnh thắng cơn cám dỗ.

Thành thánh: lần cám dỗ thứ hai và thứ ba bị đảo ngược trong Mt so với Lc. Có lẽ trật tự trong Mt cổ hơn. Các câu trích dẫn sách Đệ nhị luật tiếp nối nhau, đi từ sa mạc hướng về thánh thánh và rồi hướng ra tòan thế giới.

Đã có lời chép rằng: cơn cám dỗ nầy có lẽ tế nhị nhất, vì dựa trên một trích dẫn của Thánh Kinh. Chúa Giê su không tìm cách gán cho nó một ý nghĩa khác, mhưng đưa ra một bản văn khác đối lại. Ngài muốn chúng ta hiểu rằng lưu ý đến toàn bộ Thánh kinh là một điều rất quan trọng. Nên Ngài không sợ phải so sánh các bản văn có ý nghĩa trái ngược nhau, không phải để hòa hợp, mà để phân biêt đâu là điều cần phải tách rời và điều cần phải đặt lên hàng ưu tiên. (x. 19,2-9).

Một ngọn núi rất cao: chỉ có Mt nói đến chi tiết nầy. đây có lẽ ám chỉ đến ngọn núi Nê bô nơi mà Thiên Chúa đã cho ông Mô sê thấy tất cả vùng đất hứa, nhưng không được phép vào (Đnl 34,1-4). Trái lại, Chúa Giê su nhìn thấy tất cả các vương quốc trần gian và sẽ lãnh nhận mọi quyền năng trên toàn thể vũ trụ từ tay Thiên Chúa, chứ không phải từ tay ma quỉ (28.18).

Bỏ Người mà đi: ma quỉ rút lui, thua trận. Khác với Lc, Mt không nói về một trận chiến mới (Lc 4,13: “chờ đợi thời cơ”)

Các sứ thần: chi tiết đặc biệt nầy cũng có trong Mc. Lc không kể lại ở đây, nhưng dành cho cơn  hấp hối của Chúa Giê su, một cơn cám dỗ mạnh mẽ khác (Lc 22.43. x. thêm Ga 12,29).

SỨ ĐIỆP

Từ thứ tư lễ Tro vừa qua, chúng ta đã đi vào Mùa Chay. Đây là thời gian rất quan trọng cho đời sống người Ki tô hữu. Thế nhưng nó có nguy cơ không được người ta đón nhận. Vì thế chúng ta phải làm mọi sự để mùa Chay của chúng ta không bị lãng quên hoặc trở nên vô ích. Phần quyết định tùy thuộc chúng ta nếu chúng ta thật sự muốn dấn thân theo Đức Ki tô.

Mỗi năm vào đầu mùa Chay, chúng ta cũng được nghe lại trình thuật Chúa Giê su bị thử thách trong sa mạc. Bài tin mừng nầy đến với chúng ta giữa những cơn thử thách mà chúng ta phải đương đầu trong thế giới chung quanh chúng ta hôm nay. Nặng nề nhất phải kể đến áp lực xã hội. Nó đẩy chúng ta vào thế không thể không làm như mọi người: áp lực của môi trường sống, trong nghề nghiệp, áp lực trong chọn lựa và trong những hoạt động khác nhau. Chúng ta muốn sống một cách lương thiện, nhưng điều đó đòi buộc chúng ta phải từ khước mọi thứ gian dối và tôn trọng cuộc sống cá nhân của những người chung quanh chúng ta. Nhiều lần chúng ta đã nỗ lực hết mình, nhưng trong cuộc sống hiện nay, làm sao cưỡng lại áp lực lôi kéo chúng ta hành động khác đi? Cám dỗ ghê gớm nhưng đó chính là cơ hội để khẳng định và được nhìn nhận là người ki tô hữu đích thực và là người môn đệ chân chính của Đức Ki tô.

Tất cả những thử thách ấy, Chúa Giê su đã trải qua. Chúng không chỉ xảy ra ở đầu đời Chúa Giê su, mà còn trải dài trong suốt cuộc đời Ngài cho đến thập giá. Tất cả cô động trong trình thuật tin mừng Chủ nhật hôm nay. Ba lần ma quỉ đã tìm cách lung lạc Chúa Giê su khỏi sứ vụ của Ngài, nhưng ba lần Ngài đã chiến thắng. Có nhiều bài học Ngài muốn gợi ý cho chúng ta, nhưng đặc biệt chúng ta nên chú ý đến các khung cảnh trong đó Ngài đã bị thử thách.

Nơi thứ nhất: sa mạc. Đó là nơi mà Kinh Thánh thường nhắc đến như là nơi thử thách và cũng là nơi gần gủi với Thiên Chúa. Chính nơi đó dân Israên đã trải qua 40 năm, từ những hồ hởi phấn khởi lúc ban đầu cho đến những tiếng than vãn và nổi loạn không ngừng chống lại Thiên Chúa và Mô sê. Kinh thánh nhiều lần cho chúng ta thấy dân ấy sẵn lòng từ bỏ sự tự do mới đạt được để chạy theo những nồi thịt mà họ đã bỏ lại sau lưng.

Khi ăn chay bốn mươi ngày, Chúa Giê su bị cơn đói dày vò. Dù vậy, Ngài từ chối chạy theo sự ham muốn chiếm hữu và tiêu xài. Ngài đã đánh bại ma quỉ chỉ bằng một lời Kinh Thánh: “Con người không chỉ sống bằng cơm bánh những còn bằmg mọi lời từ miệng Thiên Chúa”. Về sau, Ngài sẽ loan báo rằng chính Ngài là Bánh sự sống từ trời đến. Đối với chúng ta cũng thế, thử thách lớn nhất là khi chúng ta hoàn toàn để mình lôi cuốn theo sự tiêu xài hoang phí những của cải vật chất. Và kết quả là tâm hồn chúng ta trở nên cứng cõi, không còn có khả năng mở ra đón nhận lời Chúa dạy và rộng tay chia sẻ cho người khác. Vì hoàn toàn đóng kín đối trước lời mời gọi của Thiên Chúa, chúng ta không thể cảm nhận tình yêu của Người. Rồi chính vì thế mà chúng ta sẽ đi đến chỗ từ chối căn tính mình là con cái của Thiên Chúa, một hồng ân mà chúng ta đã lãnh nhận trong phép Rửa để sống tự do.

Nơi thứ hai: đền thờ. Đó là nơi ưu tiên dành cho việc cầu nguyện, nơi mà người ta học cách phục vụ Thiên Chúa ba lần thánh. Nhưng nhiều lần, các tiên tri đã tố cáo nền phụng tự vô ích được cử hành ở đó. Thay vì phụng sự Thiên Chúa, người ta đến đó để lạm dụng Thiên Chúa. Chúa Giê su từ chối cuộc mặc cả đó: Ngài sẽ không sử dụng đền thờ cho thành công riêng của mình. Sứ mạng của Ngài sẽ là thanh tẩy đền thờ mà người ta đã biến thành “một cái chợ mua bán”. Về sau, chính Ngài sẽ nói, Ngài là đền thờ đích thực tôn vinh Thiên Chúa. Cơn thử thách của chúng ta ngày nay là sử dụng Thiên Chúa và tôn giáo cho lợi ích cá nhân. Là dựa vào lòng từ tâm của Thiên Chúa để đảm bảo cho những tham vọng riêng của mình, để thay thế cho những sai lầm và điên rồ của chúng ta. Đó là cơn cám dỗ xin bất cứ điều gì với Thiên Chúa và tức giận khi Ngài không chiều theo ý chúng ta.

Nơi thứ ba, núi. Nó khiến chúng ta nhớ đến núi Si nai nơi mà Thiên Chúa đã trao ban lề luật: “Chính Ta là Chúa, Thiên Chúa các ngươi; ngươi sẽ không có Thiên Chúa nào khác ngòai Ta”. Lời dạy thực rõ ràng: Không được thờ lạy bụt thần. Nhưng không lâu sau khi được cứu khỏi đất nô lệ bên Ai cập, dân Israel đã quay lưng lại với Thiên Chúa của mình và cúi đầu thờ lạy trước con bò vàng. Chúa Giê su đã kháng cự lại cơn thử thách thờ lạy bụt thần. Ngài đã long trọng nhắc lại rằng người ta phải thờ lạy một mình Thiên Chúa mà thôi. Tất cả chúng ta đều trải qua cơn thử thách phục lạy trước con bò vàng, hay tiền bạc, quyền lực và lạc thú. Rốt cục, chúng ta sẽ thấy mình trở nên nô lệ, xa rời sự tự do phép Rửa.

Chúa Giê su đã đẩy lui tất cả các cơn thử thách ấy khi dứt khoát nói không với thần dữ. Ngài dạy chúng ta phải dựa vào sức mạnh của Lời Chúa. Chính trong lời Kinh Thánh và nhất là lời Tin mừng mà chúng ta có thể kín múc sức mạnh để trung thành với tình yêu của Thiên Chúa. Đi theo Chúa Giê su, chúng ta sẽ tìm lại lòng tín thác vào Thiên Chúa, Lời của Ngài sẽ trở nên đá tảng độ trì cuộc đời chúng ta.

Trong suốt bốn mươi ngày mùa chay hồng phúc, chúng ta được mời gọi học lại những cách sống của Đức Ki tô. Ánh sáng lời Ngài soi sáng đường đi và cuộc sống của chúng ta. Ước gì tin mừng đó hỗ trợ chúng ta khi chúng ta bị thử thách ! Và nâng chúng ta đứng dậy từ những sa ngã vì tội lỗi và giúp chúng ta tôn vinh những chiến thắng ở cuối cuộc đời chiến đấu của chúng ta.

ĐÀO SÂU

CHIẾN THẮNG TRONG ĐỨC KI-TÔ

Stk 2,7-9 .3,1-7 Con người được Thiên Chúa tạo dựng và đã phạm tội.

Tv 51,3 Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ có tội

Rm 5,12-19 Nơi đâu tội lỗi đầy tràn, nơi đó ân sủng càng chan chứa

Mt 4,1-11 Đức Giê-su bị thử thách

1. HỎI: Các bài đọc được liên kết theo chủ đề gì?

THƯA: CHIẾN THẮNG TRONG ĐỨC KI-TÔ. Các bài đọc dẫn chúng ta từ tội lỗi qua sự sa ngã của tổ tông loài người (Bđ1) tới chiến thắng của Đức Giê-su trước ma quỉ (BTM). Nếu chúng ta liên đới với Ađam trong tội thì chúng ta lại càng được liên đới trong ân sủng Đức Giê-su Ki-tô (Bđ2).

2. HỎI: Tác giả bài đọc một có muốn kể một câu chuyện đã thực sự xảy ra không?

THƯA: Không. Kinh thánh không phải là quyển sách khoa học hay lịch sử nhằm đem lại cho độc giả những kiến thức khoa học hay lịch sử. Kinh Thánh là quyển sách giáo lí, do người tín hữu được Thiên Chúa ban ơn thần hứng viết cho những người tín hữu khác. Do đó, tác giả không muốn làm người chuyên viết sử kể lại những gì đã thực sự xảy ra mà chỉ muốn truyền lại những chân lí mạc khải mà ông đã nhận được từ Thiên Chúa qua sự thần hứng.

3. HỎI: Vậy tác giả là ai?

THƯA: Ông là một nhà thần học vào thời vua Sa-lô-môn, thế kỉ thứ 10 trước Công Nguyên, ghi lại những suy tư của mình dưới ơn thần hứng để trả lời cho các câu hỏi muôn thuở mà ai cũng đặt ra: Tại sao có sự dữ? Tại sao có sự chết? 

4. HỎI: Tác giả dựa vào đâu để viết những trang đầu Sáng thế kí?

THƯA: Tác giả dựa vào xác tín của chính mình cũng như của toàn dân, đó là lòng nhân lành của Thiên Chúa trong việc giải thoát họ khỏi Ai cập vì Người muốn họ tự do và hạnh phúc.

5. HỎI: Bài đọc một trích từ sách Sáng thế kí (2,2,7-9; 3,1-7) có đại ý như thế nào?

THƯA: Bài đọc một kể lại câu chuyện tổ tông loài người đã nghe theo lời con rắn ma quỉ dụ dỗ mà bất tuân lệnh truyền của Thiên Chúa. Đó là tội tổ tông. Phần đầu (St 2,7-9), tác giả nhấn mạnh đến tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, còn phần hai (St 3,1-7), nói đến sự nghi ngờ của con người về tình yêu ấy dẫn đến tội lỗi và bất hạnh.

6. HỎI: Các nhân vật tượng trưng cho ai?

THƯA: A-đam và E-và tương trưng cho nhân loại, và con rắn tượng trưng cho ma quỉ.

7. HỎI: Tác giả đưa vào câu chuyện hình ảnh con rắn để làm gi?

THƯA: Dân Chúa đã từng kinh nghiệm về những con rắn độc trong sa mạc. Vì thế, khi đưa hình ảnh con rắn vào trong câu chuyện, tác giả muốn nói với họ rằng có một chất độc gây tử vong còn độc hơn cả nọc rắn, ấy là sự nghi ngờ về tình yêu của Thiên Chúa. Nó đầu độc cả cuộc sống chúng ta.

8. HỎI: Mưu mẹo của con rắn như thế nào?

THƯA: Nó tìm cách đưa vào trong tâm trí người phụ nữ những tư tưởng nghi ngờ về Thiên Chúa. Nó khôn khéo dụ dỗ “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (Stk 3,4t).

9. HỎI: Mục tiêu của tác giả là gì?

THƯA: Khi viết truyện nầy, tác giả muốn nói rằng mọi bất hạnh của loài người đều phát xuất từ sự nghi ngờ lòng nhân lành của Thiên Chúa.

10. HỎI: Cây sự sống ở giữa vườn có ý nghĩa gì?

THƯA: Cây sự sống biểu tượng cho Lề luật mà Thiên Chúa ban cho Dân trong sa mạc trên đường tiến về đất hứa. Nếu họ vẫn tin rằng Ngài yêu thương và muốn cho họ được sống, được hạnh phúc và được tự do thì lề luật ấy chính là cây đem lại cho họ sự sống.

11. HỎI: Nội dung bài đọc 2 (Rm 5,12-19) như thế nào? (Bđ 2)

THƯA: Thánh Phao-lô cho chúng ta biết, chính Đức Ki-tô là người duy nhất đã vâng phục Cha Ngài trong mọi sự, và qua đó Ngài chỉ cho chúng ta con đường Sự sống.

12. HỎI: Ngữ cảnh bài tin mừng (Mt 4,1-11) như thế nào?

THƯA: Thánh Mát-thêu đã có ý nối kết việc Đức Giê-su chịu ma quỉ thử thách với phép Rửa của Ngài (3,13-16) khi thuật lại như sau: “Bấy giờ, Đức Giê-su được Thánh Thần dẫn vào hoang địa để bị thử thách”. Có các ý chính sau đây: 1) Nhập đề (4,1-2); 2) Cám dỗ thứ nhất (4,3-4); 3) Cám dỗ thứ hai (4,5-7); 4) Cám dỗ thứ ba (4,8-10); 5) Kết (4,11).

13. HỎI: Liên kết ấy có nghĩa gì?

THƯA: Liên kết ấy muốn cho thấy mầu nhiệm con người Đức Giê-su. Như dân Chúa ngày xưa, Đức Giê-su cũng phải đi vào sa mạc, cũng chịu cơn đói, cũng phải khám phá ra đâu là thánh ý Thiên Chúa để trung thành với Người.

14. HỎI: Sa mạc có ý nghĩa như thế nào?

THƯA: Sa mạc vừa có nghĩa như là một nơi lí tưởng cho cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, cũng vừa có nghĩa như một nơi đầy thử thách mời gọi phải vượt qua.

15. HỎI: Tại sao ma quỉ luôn lặp lại lời thách thức: “Nếu Ngài là Con Thiên Chúa”?

THƯA: Ma quỉ luôn lặp lại “Nếu Ngài là Con Thiên Chúa” vì mấu chốt vấn đề là ở đó, và Đức Giê-su phải đối đấu không những ba lần mà còn trong suốt cuộc sống của Ngài trước câu hỏi: “Là Đấng Mê-si-a có nghĩa gì?”.

16. HỎI: “Bốn mươi ngày đêm” là thời gian bao lâu?

THƯA: Bốn mươi không phải con số thực, mà là con số ước định chỉ một khoảng thời gian dài, như bốn mươi ngày hồng thủy (St 7,4), bốn mươi năm Ít-ra-ên lang thang trong sa mạc (Xh 16,35). Sau thời gian dài ấy, Đức Giê-su cảm thấy đói. Đói trở thành cơn thử thách đối với Đức Giê-su: Ngài có thể nghĩ rằng Thiên Chúa đã bỏ rơi, và tạo hoàn cảnh cho ma quỉ cám dỗ Ngài.

17. HỎI: Cám dỗ thứ nhất có nghĩa gì?

THƯA: Cám dỗ nầy nhắc đến cơn cám dỗ mà Ít-ra-ên phải chịu khi bị đói khát trong sa mạc. Ma quỉ đến dụ dỗ Ngài nghi ngờ Thiên Chúa Cha đã bỏ rơi mình và đề nghị dùng quyền năng thiên sai mà Ngài vừa nhận được để mưu cầu lợi ích cá nhân (hóa đá thành bánh để ăn), đi ngược lại với thánh ý Thiên Chúa.

18. HỎI: Đức Giê-su đã đáp trả như thế nào?

THƯA: Đức Giê-su mượn lời Kinh Thánh (Đnl 8,3) trả lời rằng Ngài không muốn lợi dụng quyền năng Mê-si-a cho riêng mình, nhưng muốn hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa. Ngài chỉ cậy dựa vào Thiên Chúa mà thôi (27,43).

19. HỎI: Cám dỗ thứ hai như thế nào?

THƯA: Ma quỉ đưa Đức Giê-su lên nóc Đền thờ và gợi ý Ngài gieo mình xuống đất, buộc Thiên Chúa làm một phép lạ cứu thoát Ngài. Bằng chước ấy, ma quỉ dụ dỗ Đức Giê-su lợi dụng sự che chở của Thiên Chúa bằng cách đòi hỏi Người phải ra tay can thiệp cho Đấng Mê-si-a của Người. Đó cũng là cách áp đặt ý muốn của mình trên Thiên Chúa.

20. HỎI: Đức Giê-su đã đáp trả như thế nào?

THƯA: Đức Giê-su đã dùng Lời Kinh Thánh (Đnl 6,16) để trả lời ma quỉ đừng thử thách Thiên Chúa. Qua đó, Đức Giê-su khẳng định không đòi hỏi Thiên Chúa điều gì khác mà chỉ muốn hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa trong sứ mạng cứu thế của mình.

21. HỎI: Cám dỗ cuối cùng như thế nào?

THƯA: Ma quỉ đem Đức Giê-su lên đỉnh núi cao, và gợi ý tặng ban cho Ngài tất cả vinh hoa lợi lộc trần gian nếu chịu sấp mình bái lạy nó. Đó là cám dỗ chối bỏ Thiên Chúa để thờ lạy bò vàng, thờ lạy các ngẫu tượng mà trong quá khứ Ít-ra-ên đã nhiều lần mắc phải.

22. HỎI: Đức Giê-su đã đáp lại như thế nào?

THƯA: Ngài nhắc lại lời Kinh Thánh (Đnl 6,12-15) để khẳng định chỉ được phép thờ phượng một mình Thiên Chúa mà thôi. Như thế, Đức Giê-su từ chối đi vào con đường mà Thiên Chúa Cha không muốn Đấng Mê-si-a của Người đi vào. Đó là đường chiến thắng dựa vào sức mạnh của các ngẫu thần để thống trị trần gian. Và một lần nữa, Ngài xác định rằng Ngài hoàn toàn tuân theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đã vạch ra cho Ngài.

23. HỎI: Tại sao ma quỉ rút lui?

THƯA: Ma quỉ rút lui vì không thành công trong việc chia rẽ Đức Giê-su với Thiên Chúa Cha. Tâm hồn của Ngài luôn luôn “hướng về Cha” (Ga 1,1), để luôn sẵn sàng để lãnh nhận ơn huệ từ Cha: “Và các thiên sứ đến gần Ngài để phục vụ Ngài”.

24. HỎI: Sống sứ điệp Lời Chúa như thế nào?

THƯA: 1. Mùa chay là thời gian chiến đấu thiêng liêng giúp chúng ta sống phù hợp theo thánh ý đầy yêu thương của Thiên Chúa và đăc biệt chống 1ại tính ích kỉ của chúng ta. 2. Đức Giê-su chiến thắng ma quỉ cám dỗ làm gương cho chúng ta để chúng ta có đủ can đảm và tin tưởng hướng về chiến thắng cuối cùng. 3. Thánh Phao-lô khẳng định rằng ơn thánh thì mạnh hơn tội lỗi. Điều đó đem lại cho chúng ta đầy lòng tin tưởng và thúc đẩy chúng ta tiến về phía trước, vì cả khi chúng ta sa ngã phạm tội, Thiên Chúa đầy lòng thương xót sẽ tha thứ và đặt chúng ta lại trên đường tình yêu quảng đại của Người.

GLCG 1426 405,978, 1264. Khi hoán cải trở về với Đức Ki-tô, tái sinh trong bí tích Thánh Tẩy, nhận lãnh hồng ân Thánh Thần, rước Mình và Máu Chúa Ki-tô làm của ăn của uống, chúng ta trở nên “tinh tuyền thánh thiện trước mặt Người” (Ep 1,4), như chính Hội Thánh, Hiền Thê của Người, cũng “thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Người” (Ep 5,27). Tuy nhiên, đời sống mới chúng ta nhận được trong các bí tích khai tâm không tiêu hủy sự mỏng dòn và yếu đuối của bản tính nhân loại, cũng như sự hướng chiều theo tội lỗi mà truyền thống vẫn gọi là vật dục. Thiên Chúa để cho xu hướng này tồn tại nơi người chịu bí tích Thánh Tẩy để với ơn Chúa giúp họ có cơ hội chiến đấu trong đời sống Ki-tô hữu ( x. DS 1515). Mục đích cuộc chiến đấu này là hoán cải để đạt tới sự thánh thiện và sự sống vĩnh cửu mà Chúa hằng mời gọi ( x. DS 1545; LG 40.).

 Phục vụ Lời ĐCV Xuân Lộc

Comments are closed.