Chúa Nhật Phục Sinh 6 A – Tuân Giữ Các Điều Răn Của Thiên Chúa

Giáo Hội là một cộng đòan được Thần Khí Chúa Giê su nâng đỡ. Nhờ được thấm nhuần Thần khí ấy, tức là hiệp thông vào sự giải thoát vĩnh cửu sung mãn, chúng ta không còn đơn độc, nhưng đạt đến sự tự do nội tâm, được trở nên một “con người mới” sống trung tín với Thiên Chúa. Đó chính là đi vào trong một xã hội mới hình thành từ sự kết hợp giữa Thiên Chúa và con người.

Sách Công vụ  8, 5-8.14-17

Dân Samari hoan hỉ đón nhận Phi líp và trở về với Lời của Thiên Chúa. Gioan và Phê rô đi đến công trường để đặt tay thông ban Thánh thần cho họ.

Thánh Vịnh 65

Chính nhờ Thánh Thần mà Thiên Chúa giải thoát chúng ta. Cùng với tòan thế giới, chúng ta hãy reo mừng Thiên Chúa giải phóng đã đưa chúng ta đến sự sống. Ngài hiển trị muôn đời. Chúc tụng Thiên Chúa đã không bác bỏ lời tôi cầu nguyện cũng không cất tình yêu của Người ra khỏi tôi! Và ban cho tôi Thần khí là nguồn gốc mọi sự giải thoát đích thật.

Thư 1 Phê rô 3, 15-18

Những người ki tô hữu tiên khởi bị vu khống và bị bách hại. Phê rô chỉ cho họ thấy lối sống mà họ phải theo. Họ không bao giờ được phép từ bỏ việc làm chứng đức tin của mình. Họ phải luôn luôn phản ứng một cách hiền hòa bằng cách kính trọng các địch thù. Làm như thế, họ bắt chước Chúa Giê su trong cuộc khổ nạn của Ngài. Dưới sự tác động của Thần khí Thiên Chúa, họ sẽ là nhân chứng của Tình yêu Người, đấng cho mặt trời chiếu sáng người lành cũng như kẻ dữ.

 

Tin mừng : Ga 14,15-21

NGỮ CẢNH

Đoạn tin mừng nầy nằm trong diễn từ li biệt đầu tiên của Chúa Giê su (13,31-14,31; diễn từ thứ hai: cc 15-16; diễn từ thứ ba: c.17) sau khi đã rửa chân cho các môn đệ (13,1-20) và loan báo Giu đa phản bội (13,21-30). Chúa Giê su trấn an các môn đệ đón nhận chuyến ra đi của Ngài, vì Ngài hứa tỏ mình ra cho những ai yêu mến Ngài. Vấn đề là họ có nhìn thấy Ngài bằng cặp mắt đức tin không?

Có thể đọc bản văn theo bố cục sau đây:

1. Thần khí Sự Thật đến (14,15-17)

2. Chúa Giê su đến ( 14,18-21)

 TÌM HIỂU

Nếu anh em yêu mến Thầy: trong các tin mừng ít thấy Chúa Giê su đòi hỏi các môn đệ yêu mến mình (x. Mt 10,37; Ga 8,42; 21,15-17). Thông thường Ngài kêu gọi yêu thương người lân cận (13,35; 1 Ga 3,11-24 và 4,7-12; vv..).

Các điều răn: đây là lần đầu tiên mà từ “điều răn” được dùng ở số nhiều và gán cho Chúa Giê su (x. từ nầy ở 14,21;15,10;1Ga 2,3).

Thầy sẽ xin Chúa Cha: chính Chúa Giê su là đấng sẽ nhận từ Cha ơn ban Thánh Thần. Dâng lên Cha cuộc Khổ nạn và sự chết tạo thành cốt lõi của lời cầu nguyện nầy. Khi xin Thánh Thần, Cha ban cho tất cả. Khi ki tô hữu cầu nguyện, Thần khí của Chúa Giê su hoạt động để kêu Thiên Chúa là “Abba, Cha ơi” (Rm 8,15) và Chúa Giê su “hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta” (Hr 7,25).

Đấng Bào Chữa (Bảo Trợ): đây là vai trò của người bảo trợ và bênh vực bị cáo trước tòa án. Nên có thể dịch là Trạng sư.

Tước hiệu trạng sư do chính Chúa Giê su tự gán cho mình trong 1 Ga 2,1: “Nếu có ai phạm tội, chúng ta có một trạng sư (một người bào chữa) bên Cha: Chúa Giê su đấng công chính”. Nhưng ở đây Chúa Giê su hứa một “đấng khác”. Bào chữa có nghĩa là Thánh Thần sẽ tiếp tục trong Giáo Hội vai trò trợ giúp mà Ngài đã thực hiện nơi những kẻ thuộc về Ngài.

Thần khí sự Thật: được gọi như thế trong các câu 15,26 và 16,13 trong khi ở câu 14,27 thì gọi là Thánh Thần. Thánh Thần chia sẻ với Chúa Giê su sự Thật (14,6), bởi vì Người biết Chúa Giê su và chương trình của Thiên Chúa về thế gian. Người đã hoạt động trong và nơi các môn đệ, bởi vì họ đã có một mức độ đức tin nào đó. Người không phải là người xa lạ đối với họ, trong khi thế gian, vì chấp nhận sự dối trá và bị giam cầm trong sự ác, không thể nhận biết Người. Những gì mà Đấng Bảo trợ thực hiện nơi các môn đệ Chúa Giê su, sẽ bành trướng ra trong tòan lịch sử Giáo Hội.

Mồ côi: khẳng định nầy cho thấy tấm lòng của Chúa Giê su; sự hiện diện của Ngài bảo đảm tình yêu của Cha đối với họ. Việc Ngài chỉ vắng mặt trong một thời gian ngắn. và Thánh Thần mà Ngài sẽ gửi đến biến họ thành những người con thực sự của Thiên Chúa.

Thầy sống: trong con mắt thế gian, Chúa Giê su sẽ biến mất, nhưng các môn đệ của Ngài sẽ được diễm phúc lại nhìn thấy Ngài, không chỉ khi Ngài hiện ra với họ, mà trong tất cả hoạt động của Ngài trong Giáo Hội.

Và anh em cũng sẽ được sống: ở đây Ngài không chỉ nói đến đời sống nhân lọai trong thời gian, mà còn bao hàm cả đời sống vĩnh cửu phát xuất từ Đấng Sống lại trong Giáo Hội của Ngài: Nước hằng sống, bánh sự sống, Sự Sống.

Anh em ở trong Thầy: chúng ta đã nghe nói rằng Cha ở trong Con và Con ở trong Cha (10,38; 14,10.11). Đây là lần đầu tiên Chúa Giê su khẳng định các môn đệ của Ngài và toàn thể Giáo hội được dẫn đến hiệp thông thần linh nhờ tương quan của họ với Chúa Giê su.

Sẽ tỏ mình ra: Gìn giữ các giới răn một cách trung thành là cách nói mô tả chính tình yêu của người môn đệ đối với Chúa Giê su. Khi yêu mến anh em mình, người môn đệ đi vào trong chuyển động tình yêu Thiên Chúa, và ai yêu mến Chúa Giê su sẽ được Ngài tỏ hiện.

 

SỨ ĐIỆP

Sống đức tin trong một thế giới tục hóa hiện nay không hề dễ dàng. Người ki tô hữu bị tấn công từ nhiều phía, khiến họ nhiều khi không biết phải chống đỡ như thế nào. Nhiều khó khăn khiến chúng ta nản lòng và muốn bỏ cuộc. Chúng ta có cảm tưởng mình đơn độc đi ngược giòng con nước lớn đang muốn cuốn trôi và nhận chìm tất cả.

Bài tin mừng hôm nay là một lời đáp trả cho tất cả các băn khoăn lo lắng đó. Chúa Giê su đến với chúng ta. Ngài hiện diện ngay giữa cuộc đời chúng ta. Trước lúc “vượt qua khỏi thế gian nầy để về cùng Cha”, Ngài hứa với chúng ta “Một đấng Bào Chữa khác”. Đó là Thánh Thần chân lí mà Cha gởi đến cho chúng ta. Tin mừng thánh Gioan gọi là  “đấng Bào chữa” có nghĩa là đấng bênh vực. Trong thế giới do thái, người bào chữa là nhân vật ở giữa quan tòa và bị cáo, tìm cách để Tòa ngưng việc kết án. Bị cáo được giải thoát nhờ sự đảm bảo cũng như dựa vào tiếng tăm không ai có thể nghi ngờ của ông.

Thánh Thần là đấng Bào Chữa chúng ta, can thiệp khi chúng ta bị cáo nhân danh Tin mừng. Ngài can thiệp như một luật sư bênh vực chúng ta. Là Đấng Bào Chữa, chính Thiên Chúa tình yêu luôn sẵn sàng khuyên bảo, an ủi và nâng đỡ khi chúng ta gặp khó khăn trong cuộc sống. Ngài không ngừng giúp chúng ta hướng tới phía trước và giải thoát chúng ta.

Trong bài đọc thứ hai, thánh tông đồ Phê rô nhắc chúng ta nhớ phải luôn luôn sẵn sằng “trả lẽ cho niềm hi vọng của chúng ta”. Được sai đi để sống Tin Mừng và loan báo trong một môi trường thù nghịch và dửng dưng, thường chúng ta có cảm tưởng bị tước đoạt hết mọi sự trước nguy cơ buông xuôi thất vọng.

Chính lúc đó, khi mọi sự theo chiều hướng xấu, chúng ta được mời gọi kêu cầu Chúa Thánh Thần. Sự xấu dồn ép chúng ta không chỉ đến từ người khác, mà còn đến từ những yếu hèn và cám dỗ trong chúng ta. Chúng ta cũng cần được bảo vệ chống lại tất cả những gì làm chúng ta lìa xa Đức Ki tô và tin mừng.

Vì thế, đây là một lời mời gọi cho từng người trong chúng ta, hãy cầu nguyện với Thánh Thần. Có lẽ chúng ta không có thói quen đó. Thế nhưng, Chúa Giê su nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiện diện kì diệu ấy trong cuộc đời chúng ta. Ngài là Thánh Thần bảo vệ. Đó là một sứ điệp hi vọng vô cùng to lớn mà Chúa Giê su đã để lại cho chúng ta. Thánh Thần Thiên Chúa ở trong chúng ta để giúp đỡ chúng ta đứng vững trước mọi thử thách. Người ban sức mạnh và can đảm giúp chúng ta làm trọn chứng tá đã được giao phó.

Thánh Thần ấy đã được ban xuống để đến lượt mình, chúng ta cũng trở thành những người bảo vệ anh em chúng ta. Họ rất nhiều chung quanh chúng ta và trên thế giới cần được bảo vệ trong cụôc sống, phẩm giá và danh dự của họ. Theo Đức Ki tô và cùng với Ngài, chúng ta được mời gọi đứng về phía những người đau khổ, nạn nhân của bất công, những người không được bảo vệ. Điều đó có nghĩa là chúng ta làm mọi sự trong khả năng để bảo vệ sự sống. Chúng ta cứu giúp người bị áp chế, kẻ yếu đuối, kẻ bị mọi người bỏ rơi. Thánh Thần đến nhắc cho chúng ta điều răn yêu thương, để chúng ta không quên những nạn nhân bị vu khống, gian ác, bạo lực và ghen ghét.

Tất cả những điều ấy được thực hiện qua những cử chỉ và lời nói rất đơn giản mà mỗi người đều có thể thực hiện: phục vụ người đang gặp khó khăn, để thời giờ để lắng nghe người đang cần và tìm sự tin tưởng. Chúng ta hãy nhớ lại lời Chúa Giê su nói: “Những gì mà anh em làm cho một trong những kẻ nhỏ nhất, đó là anh em làm cho chính chính Thầy (Mt 25).

Cuối cùng, có một phương thế khác giúp đỡ những người được giao phó cho chúng ta, đó là cầu nguyện. Chính trong sự gặp gỡ, trò chuyện thân mật với Chúa mà chúng ta khám phá ra rằng mọi người đều liên đới và ràng buộc để giúp đỡ lẫn nhau. Chúa Thánh Thần gợi lên lời cầu nguyện giúp đỡ chúng ta càng ngày càng hiệp thông với Thiên Chúa và với tất cả các anh em khác.

Không bao lâu nữa, Giáo Hội mừng lễ Thăng Thiên và Hiện Xuống. Chúng ta sẽ được mời gọi nhận lãnh Thánh Thần và đáp lại tình yêu của Đức Ki tô đã tự híến đến cùng để cứu độ trần gian. Chúng ta hãy cầu xin Ngài đến biến đổi tâm hồn chúng ta, để cùng với Ngài chúng ta được sống và yêu thương như Ngài đã sống.

 

ĐÀO SÂUTHÁNH THẦN SẼ NGỰ ĐẾN

Cv 8,5-17 Vùng Sa-ma-ri được đón nhận Tin Mừng

Tv 66,1 Toàn thể trái đất hãy tung hô Thiên Chúa

1Pr 3,15-18 Hãy làm nhân chứng niềm hi vọng giữa trần gian

Ga 14,15-21 Thầy không để anh em mồ côi đâu

 

1. HỎI: Các bài đọc được liên kết theo chủ đề gì?

THƯA: THÁNH THẦN SẼ NGỰ ĐẾN. Đức Giê-su hứa ban Thánh Thần đấng Bảo trợ và là Thần Chân lí cho các môn đệ (BTM), là Đấng đã được ban xuống cho người Sa-ma-ri ngang qua việc đặt tay của Phê-rô và Gio-an (Bđ1). Phê-rô nói về sứ vụ Vượt qua của Đức Giê-su (Bđ 2).

2. HỎI: Bối cảnh bài đọc một (Cv 8,5-17) thế nào?

THƯA: Sau khi ông Tê-pha-nô bị bắt và bị ném đá (Cv 7), cuộc bách hại người tín hữu gốc Hi lap bùng phát dữ dội tại Giê-ru-sa-lem khiến các tín hữu phải phân tán khắp nơi. Nhưng chính nhờ bị bách hại mà Tin mừng có cơ hội bành trướng ngoài thành Giê-ru-sa-lem như trường hợp ông Phi-líp đã đem tin mừng đến cho dân Sa-ma-ri.

3. HỎI: Người Sa-ma-ri có liên hệ gì với người Ít-ra-ên không?

THƯA: Người Sa-ma-ri là dân tộc lai căng, tôn giáo hỗn tạp, thường bị người Do thái khinh miệt. Tuy nhiên việc họ là những người đầu tiên đón nhận tin mừng ngoài Giê-ru-sa-lem không phải là một điều ngẫu nhiên. Nó cho thấy bước thứ hai trong sứ vụ truyền giáo được thực hiện, đúng theo lệnh truyền của Đức Giê-su: “Anh em hãy là chứng nhân của Thầy ở Giê-ru-sa-lem, vùng Giu-đê và Sa-ma-ri, và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

4. HỎI: Cuộc bách hại do đâu mà có?

THƯA: Bởi việc những người Do thái không tin vào Đức Giê-su tấn công anh em mình đã trở lại Ki tô giáo. Ông Tê-pha-nô bị những người Do thái Hi lạp tố cáo với nhà cầm quyền Giê-ru-sa-lem, nên bị bắt và bị hành hình.

5. HỎI: Cuộc bách hại nhắm đến những người nào?

THƯA: Cuộc bách hại mãnh liệt không nhắm vào những người Do thái Híp pri, tức là những người Do thái gốc Pa-lét-tin hay Giê-ru-sa-lem nói tiếng Híp-ri ở Hội đường và tiếng A-ra-mây ở ngoài, nhưng chỉ nhắm vào những người Do thái Hi lạp, tức là những người Do thái gốc từ các cộng đoàn nước ngoài trong lãnh thổ đế quốc La mã, nói tiếng Hi lạp. Vì thế, họ phải phân tán đi khắp nơi. Nhưng nhờ đó mà tin mừng được rao giảng trong các thành phố miền Giu-đê và Sa-ma-ri.

6. HỎI: Ông Phi-líp là ai?

THƯA: Ông Phi-líp là một trong bẩy nhân vật có tiếng tốt được Hội Thánh chọn lựa và cắt đặt lo việc phục vụ lương thực cho các bà góa. Họ phụ trách công việc ấy để giúp nhóm Mười Hai có thời giờ chu toàn việc rao giảng Lời và phục vụ Hội Thánh.

7. HỎI: Ông Phi-líp làm gì ở Sa-ma-ri?

THƯA: Thay vì lẩn trốn những kẻ bách hại, Phi-líp đã mạnh dạn rao giảng Danh Đức Giê-su đồng thời vẫn tiếp tục liên lạc với các Tông đồ ở Giê-ru-sa-lem. Vì thế, các Tông đồ đã gửi Phê-rô và Gio-an đến xác nhận việc truyền giáo mà Phi-líp đã thực hiện.

8. HỎI: Nội dung bài đọc 2 (1Pr 3,15-18) như thế nào?

THƯA: Thánh Phê-rô nói về ơn gọi tông đồ của mỗi tín hữu. Ngài mời gọi họ hãy sẵn sàng trả lời về niềm hi vọng nơi họ. Nhờ sự phục sinh của Đức Ki-tô, người tín hữu được tái sinh trong niềm hi vọng được kết hiệp hoàn toàn với Thiên Chúa, một cuộc kết hiệp dứt khoát sau khi chết.

9. HỎI: Bối cảnh bài tin mừng (Ga 14,15-21) như thế nào?

THƯA: Bài tin mừng là trích đoạn diễn từ của Đức Giê-su ban cho các tông đồ trong bữa tiệc li sau khi rửa chân cho các ông. Đức Giê-su loan báo Ngài sẽ lìa bỏ các môn đệ để về với Cha (13,1.33). Ngài nói về Chúa Cha và mối giây nối kết Ngài với Cha, từ nay nối dài đến các môn đệ. Đó là một liên kết bền vững mà không ai có thể phá hủy được. Có 2 ý chính: 1) Thần Khí sự thật đến (14,15-17); 2) Đức Giê-su đến (14,18-21).

10. HỎI: Đức Giê-su có loan báo việc Thánh Thần sẽ đến không?

THƯA: Có, vào lúc sắp rời các môn đệ, Đức Giê-su loan báo Thánh Thần chân lí đến ngự trong tâm hồn họ, để cho thấy ngày trọng đại kí kết giao ước mới đã đến, như lời tiên tri Ê-dê-ki-ên loan báo (x. Ed 36,26).

11. HỎI: Tại sao Ngài nói rằng thế gian không thể lãnh nhận Thần khí sự thật?

THƯA: Đức Giê-su không hạn chế ơn ban Thánh Thần, nhưng chỉ xác định một thực tại: thế gian không thể lãnh nhận Thánh Thần vì họ không thấy và cũng không biết Người (14,17).

12. HỎI: Các môn đệ có nhận ra Thánh Thần không?

THƯA: Có. Nhờ có đức tin các môn đệ nhận ra sự hiện diện của Thánh Thần nơi họ: “Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em” (14,17b).

13. HỎI: Tại sao gọi Thánh Thần là ‘Thần khí sự thật’ (17)?

THƯA: Thánh Thần được gọi là Thần khí sự thật vì Người sẽ đem sự thật về Đức Giê-su vào trong tâm hồn, giúp người tín hữu hiểu biết về mầu nhiệm, đời sống, giáo huấn của Đức Giê-su.  Nhờ đó, Người sẽ soi sáng các hoàn cảnh mới mà người tín hữu phải đương đầu.   

14. HỎI: Đức Giê-su muốn nói gì qua câu: “Chẳng bao lâu nữa thế gian sẽ không còn thấy Thầy” (14,19)?

THƯA: Lời ấy loan báo cái chết của Đức Giê-su, và đồng thời cũng báo trước cho các môn đệ sự ra đi của Ngài, vì sau khi sống lại, Ngài không còn hiện diện như trước nữa.

15. HỎI: Như thế hoạt động cứu độ của Đức Giê-su có chấm dứt không?

THƯA: Không. Việc ra đi của Đức Giê-su không chấm dứt hoạt động của Ngài. Trái lại, nó sẽ mở rộng ra khắp nơi và trở nên phổ quát với ơn ban Thánh Thần sẽ ngự trong tâm hồn các môn đệ. Vì Đức Giê-su đã hứa: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em” (14,18).

16. HỎI: Đấng bào chữa là Đấng nào?

THƯA: Là người được gọi đến để bênh vực cho bị cáo trước tòa án. Đó là người cố vấn, trạng sự, bênh vực và an ủi trong vụ kiện mà thế gian chống lại các môn đệ Đức Ki-tô và qua họ, chống lại Thiên Chúa Cha và Đức Ki-tô, nghĩa là chống lại chân lí.

17. HỎI: Việc giữ các giới răn phải được đặt trên nền tảng nào?

THƯA: Được đặt trên tình yêu đối với Đức Giê-su. Sự vâng giữ các điều răn và các lời khuyên Phúc âm phải bắt nguồn từ một trái tim tràn đầy tình yêu chứ không phải vì sợ hình phạt. Lề luật của Thiên Chúa không được coi như một áp lực đến từ bên ngòai đè bẹp và giới hạn tự do của con người, nhưng đó là một thực tại ở bên trong bản tính nhân loại và làm cho con người thực sự trở nên tự do.

18. HỎI: Sống Lời Chúa như thế nào?

THƯA: 1. Cuộc đời ki tô hữu là cuộc kết hiệp trong tình yêu: với Đức Ki-tô, với Thiên Chúa Cha, với Chúa Thánh Thần và với các anh em tín hữu khác. Vì thế xin Chúa Giê su uốn nắn trái tim của chúng ta nên giống trái tim quảng đại yêu thương của Ngài, để trở nên chứng tá tình yêu cho người khác. 2. Nuôi dưỡng và tăng cường tình yêu đối với Chúa Giê-su Ki-tô, đối với Thiên Chúa. Nuôi dưỡng và tăng cường tình yêu ấy bằng/qua việc đọc, suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện mỗi ngày; việc chia sẻ Lời Chúa học hỏi và cầu nguyện Thánh Kinh; tham dự các buổi tĩnh tâm, linh thao, các khóa huấn luyện tâm linh; thực hiện các việc bác ái, từ bỏ và phục vụ tha nhân. 3. Hướng về Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống bằng lời cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến soi sáng và dạy dỗ chúng con sống sao cho đẹp lòng Chúa.

GLCG 692 1433. Khi Đức Giê-su loan báo và hứa Chúa Thánh Thần sẽ đến, Người gọi Thánh Thần là Đấng “Bảo Trợ”, theo nguyên ngữ là: “Đấng được gọi đến kề bên” (Ga 14,16.26; 15,26; 16,7). “Đấng Bào Chữa” thường được dịch là “Đấng An Ủi”, vì Đức Giê-su là Đấng An ủi trước nhất (x.1Ga 2,1). Chính Chúa Giê-su còn gọi Thánh Thần là “Thần Chân Lý” (Ga 16,13).

693. Ngoài danh xưng “Chúa Thánh Thần”, được dùng nhiều nhất trong sách Công Vụ Tông Đồ và các Thánh Thư, ta còn thấy những cách gọi khác nơi thánh Phao-lô: Thần Khí của Lời hứa (x. Gl 3,14; Ep 1.13), Thần Khí làm cho ta nên nghĩa tử (x. Rm 8,15; Gl.4,6), Thần Khí của Đức Ki-tô (x. Rm 8,11), Thần Khí của Đức Chúa (x. 2 Cr 3,17), Thần Khí của Thiên Chúa (x. Rm 8,9.14; 15,19; 1 Cr 6,11; 7,40); và nơi thánh Phê-rô: “Thần Khí vinh hiển” (1 Pr 4,14).

2466 2153 Nơi Đức Giê-su Ki-tô, chân lý của Thiên Chúa được bày tỏ toàn vẹn. Đức Giê-su tràn đầy ân sủng và chân lý (Ga 1,14), là ” ánh sáng thế gian” (Ga 8,12), là “sự thật”( x. Tv 119,30). “Ai tin vào Người thì không còn ở trong bóng tối” (Ga 12, 46). Môn đệ của Đức Giê-su”ở trong lời Người”, nhờ đó nhận biết “chân lý giải thoát” (Ga 8, 32) và thánh hóa (x. Ga 14,6 ). Bước theo Đức Giê-su là sống nhờ “Thánh Thần chân lý” (Ga 14,17) mà Cha gởi đến nhân danh Người (x. Ga 17,17 ) và Thánh Thần sẽ dẫn đưa đến “chân lý toàn vẹn” (Ga 16,13). Đức Giê-su dạy các môn đệ phải yêu mến chân lý vô điều kiện : Trong lời ăn tiếng nói của anh em, “hễ có thì phải nói có”, “không thì phải nói không” (Mt 5, 37).

Phục vụ Lời ĐCV Xuân Lộc

Comments are closed.