Chúa Nhật 34 Thường Niên năm A – Lễ Kitô Vua

Khi quyền hành thay ngôi đổi chủ, thì cũng là lúc mọi người vội vàng tìm đến săn đón ông chủ mới mong tìm cho mình vị trí tốt nhất. Trong Nước Trời, không có gì giống như thế. Đức Ki tô tỏ hiện trong vinh quang cũng chỉ làm cho chân lí các tâm hồn được sáng tỏ. Một câu hỏi sẽ được đặt ra: trong tương quan với người khác, bạn có thấy Đức Ki tô không? Tất cả chúng ta đều bị xét xử theo Tình yêu.

Sách Tiên tri Êdêkiên 34, 11-12.15-17

Tiên tri Êdêkiên đang bị lưu đày ở Babilon, loan báo rằng sẽ tới ngày Mục tử tốt lành đến. Ngài là Mục tử đích thật sẽ chăn dắt nhân loại trong con đường ngay chính. Ngài sẽ là người Tôi tớ đáp ứng mọi nhu cầu của từng con chiên một: quan tâm chăm sóc những con chiên yếu ớt nhất, lấy tình thưong bao bọc những con chiên hiền lành và đi tìm những con chiên lạc mất.

Thánh Vịnh 22

Thiên Chúa là Mục tử tuyệt vời trong cách chăn dẫn đoàn chiên của mình. Ngài dẫn chúng đi qua những chướng ngại và bảo đảm tất cả những gì cần thiết để được phong phú.

Thư 1 Côrintô 15, 20-26.28

Thánh Phao lô trả lời các câu hỏi liên quan đến những ngày cuối cùng và việc kẻ chết sống lại. Với những ai còn hồ nghị về sự Sống lại, ngài đặt đối diện với sự sống lại của Đức Ki tô. Ngài sẽ dẫn đầu đoàn người đến với Thiên Chúa Cha và đưa họ vào Nước của Cha. Bấy giờ Uy quyền Ngài xuất hiện. trong một thế giới được giải thoát khỏi sự chết, Thiên Chúa sẽ là tất cả trong tất cả.

Tinmừng: Mt 25, 31-46

NGỮ CẢNH

Đoạn văn nầy nằm ở cuối diễn từ cánh chung (24,3- 25,46), gợi lên hình ảnh cuộc Quang lâm của Con Người, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng vào lúc “cuối cùng” của các hành vi bác ái mà người tín hữu thực hiện để giúp đỡ các kẻ bé mọn nhất.

Có thể đọc đoạn văn theo bố cục sau đây:

1. Quang cảnh phán xét cuối cùng (31-33)

2. Xét xử những người ở bên phải (34-40)

3. Xét xử những người ở bên trái (41-45)

4. Kết luận (46)

TÌM HIỂU

Con Người: đã được gợi lên qua hình ảnh Mục tử (25,32), bây giờ được trình bày như Vị Vua (25,34.40) đến trong vinh quang để xét xử muôn dân.

Muôn dân: Con Người là quan án xét xử toàn thể mọi người. Muôn dân có thể hiểu theo nghĩa tổng quát, chỉ tất cả các dân nước, chứ không riêng các dân ngoại.

Tập họp trước mặt Người: CƯ đã nói đến cuộc qui tụ vĩ đại các dân trên toàn thế giới để được Thiên Chúa phán xét (x. Ge 4,2; Ix 66,18; Gr 25,31..)

Như mục tử tách biệt chiên với dê: Nói cho đúng, đây là chiên và “dê con”; ở Palestina, việc chăn chiên chung với dê là chuyện thường. Nhưng chiều đến, người ta phải tách chúng ra, vì dê con cần được sưởi ấm suốt đêm. Vì chiên có giá trị hơn dê, nên ta dễ hiểu tại sao, trong dụ ngôn, chúng được đứng bên hữu đấng Thẩm phán cánh chung (bên phải là chỗ danh dự).

Đức Vua: qui chiếu đến Chúa Giê su (x.2.2;21,3;27,11;27,29.37.42).

Hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa: x. hai mối phúc thật đầu tiên: “Vì Nước Trời là của họ” (5,3) và “Họ sẽ được đất làm cơ nghiệp”(5,4).

Vì Ta đói.. Ta khát..: Các nỗi đau khổ của con người được Mt gợi lại ở đây một cách rất thực tế, cụ thể: bị đói, khát, yếu đau, trần truồng, bắt bớ, giam cầm. Dù sao đi nữa, thì những con người thống khổ ấy cần được giúp đỡ. Con Người liên đới với mọi nỗi khổ đau của nhân loại theo mọi chiều rộng và sâu của nó.

Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói: Không phải những người nầy quên những gì họ đã làm, nhưng đúng hơn, họ không biết rằng mình đã làm cho chính Con Người trong bản thân của những kẻ khốn khổ. Hành vi của họ chỉ bộc lộ trọn vẹn ý nghĩa vào lúc cuối cùng, và điều nầy phù hợp với toàn bộ luân lí của Mt: “Cha ngươi, Đấng thấy suốt nơi kín ẩn, sẽ hoàn trả lại cho ngươi” (6,4).

Đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời: Hình phạt dành cho những kẻ đã không có lòng nhân từ thật khủng khiếp. Rõ ràng, những ai đã không cứu giúp anh em của Con Người cũng mắc lỗi nặng nề như phạm tội ác. Sau nầy, thánh Gioan sẽ nói: ai không yêu thương thì tức là giận ghét vậy (1Ga).

Lửa đời đời: từ “hỏa ngục” không có trong Tân Ước, mà chỉ có một vài hình cảnh như lửa (18.9; Lc 16,24; Ga 15,6: Hr 10,27: Gc 5,3;1Pr 3,7; Gđ7; Kh 20,10.14-15) để chỉ hình khổ đời đời (25,46)

SỨ ĐIỆP

Trong thánh lễ Đức Ki tô Vua vũ trụ, chúng ta mừng quyền tối thượng của Đức Ki tô. Ngài thực sự là Vua, nhưng không phải theo kiểu cách trần gian nầy. Họ tìm cách áp đặt quyền bính và quyền uy của mình. Còn với Đức Ki tô, mọi sự khác hẳn. Khi các nhà đạo sĩ đi tìm “Vua người Do thái vừa mới sinh ra”, thì họ đã gặp được một đứa bé mới sinh, trong những điều kiện hèn hạ thiếu thốn trong hang bò lừa.

Trong bài đọc thứ nhất, tiên tri Ê dê ki ên cho chúng ta thấy Thiên Chúa như là một Mục tử tốt lành. Ngài đã nhìn đến dân của Ngài, và đã thấy nó đã quá sức tệ hại. Nên đã đến lúc Ngài phải nắm lại đàn chiên: tất cả đã quá tồi tệ và giờ đây là lúc phải sửa chữa. Vị mục tử nầy vui mừng vì những con chiên tốt đã biết lợi dụng những đồng cỏ tốt. Nhưng trong đàn, còn có những con chiên đi lạc và những con khác đang đau yếu.  Tất cả đều thuộc về Ngài và Ngài không muốn mất đi con nào.

Đức Ki tô là vị Mục tử tốt lành cho chúng ta. Ngài hiến trọn cuộc sống mình  cho từng con chiên một. Ngài thấy nỗi đau khổ thân xác và tinh thần của những con nầy. Ngài nhìn thấy đời sống thiêng liêng thiếu thốn và mong manh, và Ngài không chấp nhận điều đó. Ngài đến với chúng ta để cứu chữa chúng ta, nâng chúng ta lên và làm sống lại niềm hi vọng của chúng ta. Và chính vì thế mà chúng ta có thể có thể lặp lại cho mình lời ca tạ ơn rất đẹp trong thánh vịnh 22: “Chúa là Mục tử tôi; tôi không còn thiếu gì”. Đó là lời mời gọi nhìn nhận và công bố rằng chúng ta thuộc thành phần dân Chúa và ơn Cứu độ chỉ đến từ Ngài mà thôi. Nhưng đặc biệt đó là lời mời gọi hi vọng: Chúa không bao giờ bỏ rơi tôi. Ngài đến với tôi để nói với tôi về tình yêu và lòng nhân ái của Ngài.

Tiếp nối chiều hướng ấy, bài tin mừng cho chúng ta thấy Chúa Giê su ở gần những kẻ bé mọn, gần đến nỗi Ngài tự đồng hóa với họ. Hình ảnh mục tử luôn hiện diện ở đó, nhưng rõ nét nhất, lại là hình ảnh của vị quan án. Ngài sẽ gợi lại cho chúng ta những gì làm nên giá trị thật của cuộc đời chúng ta. “Ngày xưa, Ta đói.. Ta bệnh.. Ta là người khách lạ..” Ở đây Chúa Giê su tự tỏ mình dưới tấm áo mong manh nhất, hèn hạ nhất, của những người nghèo khổ nhất. Ngang qua nét mặt khổ đau của bệnh nhận, tù nhân, phế nhân, không cơm ăn, không áo mặt, không tình yêu chính là Ngài mà chúng ta đã ân cần tiếp đón hoặc nhẫn tâm khước từ.

Vì thế thật là khẩn cấp lời mới gọi thể hiện lòng xót thương, xây dựng Nước công bình và bình an mà Chúa Giê su mong muốn. Tiêu chuẩn của chúng ta không phải là “mỗi người vì mình”, mà là “mình vì tất cả”, là chia sẻ và liên đới. Bài tin mừng nầy chỉ cho chúng ta thấy Thiên Chúa tách biệt nhân loại ra làm hai, người tốt bên phải, người xấu bên trái. Điều đó nhắc chúng ta nhớ lại trình thuật về việc tạo dựng vũ trụ: Chúng ta đọc thấy trong đó, Thiên Chúa tách ánh sáng ra khỏi bóng tối, nước phía dưới bầu trời và nước phía trên, đất và biển.

Vì thế, trong trình thuật phán xét, đó là hình ảnh nói lên một tạo dựng mới, một thế giới mới xây trên tình yêu và huynh đệ. Tiêu chuẩn duy nhất để tách biệt đó là tình yêu đối với những kẻ bé mọn. Sẽ không còn phân biệt tôn giáo nầy với tôn giáo khác, khuynh hướng chính trị nầy với khuynh hướng khác, người giàu với người nghèo, mà chỉ còn có một tiêu chuẩn tách biệt duy nhất: một bên những người đã yêu thương anh em mình và bên kia những người đã không làm như thế.

Ngày xưa, Ta đói”. Chắc chắn, không chỉ có cái đói vật chất, mà còn những cái đói khác. Hằng triệu người sống trong suốt cuộc đời mình với cái đói dai dẳn. Ở thành phố hay ở thôn quê, lúc nào chúng ta có thể tìm thấy những người không có gì để ăn. Nhưng cái đói đáng sợ hơn cả là đói tình yêu, đói được nhìn nhận, được đánh giá, đói công bình và hòa bình, đói việc làm. Cả khi chúng ta không có lời giải đáp cho tất cả các vấn đề của họ, chúng ta vẫn có thể lắng nghe họ, làm một điều gì đó giúp họ, vì qua họ, chính Chúa Giê su đòi được nhìn nhận và đón tiếp.

Ta là khách lạ và các ngươi đã đón tiếp.. hoặc các ngươi đã không đón tiếp”. Thường chúng ta nghĩ đến những người di cư từ các nước khác đến để trốn chiến tranh và nghèo đói. Nhưng còn những người khách lạ trong chính gia đình mình thì sao? Các đôi vợ chồng xa cách nhau bởi những cuộc tình không thể hàn gắn, cha mẹ và con cái xa cách nhau vì không hiểu và chống đối nhau, hàng xóm, láng giềng xa cách nhau vì xung đột vv.. Chính Chúa đi ngang qua cuộc đời mà chúng ta tưởng là người khách lạ.

Tuy nhiên Đức Ki tô tù nhân là điều gây sửng sốt cho chúng ta nhất. “Ta đã ở tù..”. Có những tù nhân vì lỗi lầm của họ. Nhưng cũng có những người bị giam trong chính ngục tù người khác tạo ra: định kiến của chúng ta, tai tiếng, ý thức hệ của họ, tất cả đều có thể trở thành những tù ngục khó lòng phá bỏ. Đức Ki tô hiện thân nơi chính những tù nhân đó, nhưng chúng ta không biết:  “Ta bị tù nhưng các ngươi đã không thăm viếng..”

Tình yêu sẽ là tiêu chuẩn duy nhất chúng ta sẽ bị xét xử. Nhưng sự xét xử ấy, không chỉ dành cho ngày chung thẩm, nhưng ngay sau khi chết. Nên chính giờ đây là cơ may để chúng ta đón tiếp Đức Ki tô. Chính chúng ta tự xét xử trong suốt cuộc đời khi tiếp nhận hoặc từ chối Vương quốc tình yêu. Còn Thiên Chúa, Ngài sẽ không làm gì khác hơn là vạch trần những gì còn ẩn khuất trong cuộc sống từng ngày của chúng ta.

Trong Thánh Thể mà chúng ta cử hành Chủ nhật hôm nay, chúng ta học nhận biết Đức Ki tô trong Lời và Bánh sự Sống, và nhất là nơi những người nghèo mà chúng ta gặp gỡ. Chúng ta được sai đi đến gặp họ nếu chúng ta muốn gặp gỡ chính Đức Ki tô.

 

ĐÀO SÂU

VUA GIÊ-SU SẼ NGỰ TRỊ VÀ PHÁN XÉT

Ed 34,11-12 .15-17 Thiên Chúa là Vua và Mục tử của Ít-ra-ên sẽ xét xử Dân Ngài

Tv 23,1 Chúa là mục tử tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì

1Cr 15,20-26 1Co 15,28 Vương quyền phổ quát của Con

Mt 25,31-46 Con Người là Mục tử, là Vua sẽ đến phán xét

 

1. HỎI: Các bài đọc được liên kết theo chủ đề gì?

THƯA: VUA GIÊ-SU SẼ NGỰ TRỊ VÀ PHÁN XÉT. Trước sự thoái hóa của giới lãnh đạo Do thái giáo, tiên tri Ê-dê-ki-ên loan báo Thiên Chúa là Mục tử sẽ tìm kiếm các chiên lạc đưa về đoàn tụ với đàn chiên, và đồng cũng là đấng xét xử (Bđ1). Đức Giê-su sẽ hoàn thành lời sấm ấy (BTM), để thực hiện vương quyền phổ quát của Con (Bđ2).

2. HỎI: Bài đọc một nội dung (Ed 34,11-12 .15-17) như thế nào?

THƯA: Tiên tri Ê-dê-ki-ên loan báo cho những người lưu đày ở Ba-by-lon rằng sẽ đến ngày Mục tử tốt lành xuất hiện. Không như các Mục tử giả hiệu, Ngài là Mục tử đích thật sẽ chăn dắt nhân lọai trong đường công chính. Ngài quan tâm đến các nhu cầu của đàn chiên, lấy tình thương nuôi dưỡng những chiên lành, đặc biệt chăm sóc những con chiên yếu và lo lắng đi tìm những con chiên lạc. Người sẽ xét xử, không phải để lên án nhưng để mỗi người tự xét xử chính mình.

3. HỎI: Cựu Ước gợi lên hình ảnh Mục tử và đàn chiên để làm gì?

THƯA: Cựu Ước thường dùng hình ảnh Mục tử và đàn chiên để gợi lên các tương quan giữa Thiên Chúa và Dân Người. Tân Ước cũng sẽ tiếp tục đi theo hướng nầy, đặc biệt trong bài tin mừng hôm nay.

4. HỎI: Bối cảnh bài đọc thứ nhất như thế nào?

THƯA: Trong cuộc khủng hoảng lưu đày ở Ba-by-lon, các lãnh đạo và tư tế Ít-ra-ên đã không làm tròn trách nhiệm mục tử của mình. Vì thế, Thiên Chúa nhờ tiên tri Ê-dê-ki-ên loan báo sẽ loại trừ các mục tử giả hiệu đó và chính Người sẽ trực tiếp chăm sóc đàn chiên.

5. HỎI: Bài đọc một gửi đến dân Do thái những tin mừng nào?

THƯA: Bài đọc một cho thấy Ít-ra-ên vẫn còn là đàn chiên của Thiên Chúa. Người vẫn trung thành với Giao Ước trong mọi hoàn cảnh. Người sẽ qui tụ và dẫn đàn chiên về đồng cỏ. Và chính Người sẽ ra tay chăm sóc đàn chiên.

6. HỎI: Nơi mà đàn chiên tản mác, và đồng cỏ là đâu?

THƯA: Nơi mà đàn chiên tản mác là Ba-by-lon, và đồng cỏ là Giê-ru-sa-lem và Đất Hứa.

7. HỎI: Lời Tiên tri có nhắm tới đấng Mê-si-a không?

THƯA: Lời Tiên tri không nhắm đến đấng Mê-si-a, mà chỉ nhắm đến tương lai gần, chấm dứt lưu đày ở Ba-by-lon và quay trở về quê hương. Lúc nào thực hiện lời hứa thì tiên tri không biết nhưng chắc rằng nó sẽ đến.

8. HỎI: Bài đọc một cho thấy Thiên Chúa là đấng nào?

THƯA: Bài đọc một cho chúng ta thấy Thiên Chúa là Mục Tử nhân lành, hết mực chăm lo cho con cái Người như người chăn chiên tốt lành chăm sóc, qui tụ, tìm kiếm, đưa về, băng bó, chữa lành, vỗ béo và chăn dắt đàn chiên của mình.

9. HỎI: Ngang qua lời sấm tiên tri Ê-dê-ki-ên, Thiên Chúa đưa ra một bản án cực kì nghiêm khắc cho ai, và tại sao?

THƯA: Đó là những mục tử xấu, thay vì yêu thương, chăm sóc đàn chiên được giao phó, họ chỉ biết lợi dụng khai thác cho mục đích và ích lợi riêng tư của mình. Vì thế, chính Thiên Chúa sẽ lấy lại đàn chiên, tức là dân Ngài, để hướng dẫn và quan tâm chăm sóc theo nhu cầu của từng người một. Còn các mục tử xẩu sẽ bị xét xử nghiêm khắc bởi vì chẳng những đã không làm tròn mà còn lạm dụng sứ mạng mục tử của mình.

10. HỎI: Tại sao họ lại bị xét xử nghiêm khắc đến như thế?

THƯA: Bởi vì theo văn hóa Kinh Thánh, ở Ít-ra-ên Vua, Tư tế giữ vai trò đại diện, coi sóc đoàn dân thay cho Thiên Chúa là Mục tử tối cao. Trước mặt Thiên Chúa, các lãnh đạo Ít-ra-ên phải bảo đảm sự công chính, giúp những người yếu nhất và nghèo khổ, tạo điều kiện để mọi người không phân biệt tầng lớp thực hiện các đặc sủng và tài năng nhận được. Đáng tiếc là họ đã làm ngược lại, khai thác người nghèo, tạo ra vô số qui định làm cho lề luật của Thiên Chúa trở nên nặng nề khó giữ, chỉ làm lợi cho những người giàu có và quyền thế.

11. HỎI: Thánh vịnh 22 (23) có phải là một lời tuyên xưng đức tin vào một Thiên Chúa là Mục tử nhân lành.

THƯA: Đúng, đó là bài thánh ca đặt trọn niềm tin tưởng vào Thiên Chúa. Ngài không để cho đàn chiên của Ngài thiếu thốn bất cứ điều gì: Ngài đưa chúng tới đồng cỏ xanh rì và dòng nước trong mát. Đàn chiên (hình ảnh chỉ dân) không sợ hãi, vì Chúa ở với họ: Ngài hướng dẫn, bảo vệ, và gắn bó với họ.

12. HỎI: Bài đọc hai (1Cr 15,20-26.28) có nội dung như thế nào?

THƯA: Thánh Phao-lô nhấn mạnh đến Vương quyền của Đức Ki-tô nơi tâm hồn của những ai tin Ngài và sẽ hiển trị khi Ngài trở lại vào lúc cuối thời gian.

13. HỎI: Bài tin mừng (Mt 25,31-46) được đặt trong ngữ cảnh nào?

THƯA: Đoạn tin mừng nầy là trích đoạn phần cuối diễn từ cánh chung (Mt 24,3- 25,46), gợi lên hình ảnh cuộc Quang lâm của Con Người. Ngày ấy Đức Giê-su sẽ ngự đến trần gian trong vinh quang để xét xử loài người. Ngài sẽ cho thấy giá trị các hành vi bác ái mà người tín hữu đã thực hiện để giúp đỡ các kẻ bé mọn nhất. Có 4 ý chính: 1. Quang cảnh Phán xét cuối cùng (25,31-33); 2. Xét xử những người bên phải (25,34-40); 3. Xét xử những người bên trái (25,41-45); 4. Kết luận (25,46).

14. HỎI: Hình ảnh ‘Con Người ngự đến trong vinh quang, có..’ muốn diễn tả điều gì?

THƯA: Hình ảnh ấy muốn diễn tả ngày Đức Giê-su trở lại trần gian với tư cách một vì Vua uy phong ngự trên ngai báu để xét xử chung thẩm loài người. Hình ảnh ấy cho thấy  Đức Giê-su là Thiên Chúa và là Vua.

15. HỎI: Câu “Người sẽ phân chia họ ra, như mục tử tách chiên ra khỏi dê” mốn nói điều gì?

THƯA: Qua sự phân chia người lành kẻ dữ, trước tiên Đức Giê-su muốn nhắm đến thái độ sống trước khi đề cập đến số phận cuối cùng của mỗi người (người lành – kẻ dữ). Thiên Chúa là Đấng tạo dựng loài người nên biết rõ mỗi người chúng ta đều có những khoảng tối tăm và ánh sáng, những chọn lựa đúng sai trong cuộc đời mình.

16. HỎI: ‘Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc’ có nghĩa gì?

THƯA: Câu ấy cho thấy là Thiên Chúa đấng công chính như thế nào. Sự công chính của Ngài không phải là đặt những việc lành của con người trên bàn cân, mà là chúc phúc cho chúng ta mỗi khi chúng ta giúp đỡ những người nghèo khổ bất hạnh.

17. HỎI: ‘Có bao giờ chúng con thấy Chúa đói..’ có nghĩa gì?

THƯA: Câu ấy muốn nói rằng để được chúc phúc không cần thiết phải nhận ra Đức Giê-su nơi người anh em chúng ta mà chỉ cần yêu mến họ là đủ. Đối với Đức Giê-su vấn đề không phải là có những tâm tình hay ý hướng tốt, mà cần phải có những hành vi cụ thể. Yêu mến Thiên Chúa là yêu thương người lân cận, phục vụ họ, cho họ những gì họ cần. Chính đó làm nên giá trị cuộc sống của chúng ta.

18. HỎI: Các bài đọc hôm nay phác họa chân dung Vua Ki tô như thế nào?

THƯA: Các bài đọc hôm nay lần lượt giới thiệu Đức Giê-su như là Vua Mục Tử chăm sóc chiên mình, Vua Chiến Thắng đánh bại các quyền lực chống đối và cho ta thông hiệp vào cuộc thắng trận của Ngài, Vua Thẩm Phán phân biệt những kẻ đã biết chấp nhận quyền bá chủ của Ngài, Vua Tôi Tớ giao quyền thống trị lại cho Chúa Cha. Thật khó mà tóm kết trong vài câu một hình ảnh vừa đa dạng vừa đầy đủ về Đức Giê-su như thế.

19. HỎI: Tân Ước trình bày cho chúng ta vương quyền của Đấng Mê-si-a như thế nào?

THƯA: Theo Tân ước và một vài bản văn Cựu ước, Vương quyền của Đức Ki tô không thực hiện bằng uy quyền, nhưng bằng tình yêu cứu độ. Theo ngôn ngữ thánh kinh, tước hiệu Vua chỉ rằng đấng Mê-si-a cứu độ là Mục tử hiến ban sự sống cho đàn chiên mình.

20. HỎI: Lời tiên tri trong Mt 25,31-47 là dụ ngôn cuối cùng nói về “những sự cuối cùng”, lời ấy muốn nói lên điều gì?

THƯA: Lời ấy cho thấy án xử chung thẩm, lúc mà Đức Giê-su tỏ cho thấy tình yêu cụ thể. Ngài là Mục tử nhân lành, nhưng trong lúc xét xử, Ngài là vị Quan án công minh. Ngài là một vì Thiên Chúa đầy lòng thương xót, nhưng vào lúc cuối cùng sẽ tách người tốt ra khỏi kẻ xấu, xử phạt những ai đã lãnh nhận tình yêu nhưng không yêu thương Ngài trong bản thân anh em.

21. HỎI: Đâu là tâm điểm của sứ điệp tin mừng ấy?

THƯA: Sứ điệp tin mừng hôm nay có chủ điểm là tình yêu. Tòan thể lịch sử Cứu độ được tóm gọn trong khẳng định và tôn vinh Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu là quà tặng Thiên Chúa ban cho loài người. Ai có cảm nghiệm mình được yêu thương sẽ có thể yêu thương. Tình yêu Thiên Chúa chủ yếu là “trải nghiệm về sự sống” làm nền tảng cho đời sống chúng ta và làm cho nó có ý nghĩa.

22. HỎI: Tình yêu Thiên Chúa là trải nghiệm sự sống theo nghĩa nào? Có thể là sự sống thiêng liêng chăng?

THƯA: Không, nhưng là sự sống toàn diện: thể lí và thiêng liêng. Khi còn sống trên trần gian chúng ta phải chuẩn bị thân xác chúng ta cho sự sống vinh quang. Trong cuộc sống xã hội, chúng ta phải đào tạo nhân cách sẽ theo chúng ta vào cõi vĩnh hằng; ngang qua các tương quan nhân lọai, chúng ta phải đào tạo cái “tôi” một ngày nào đó sẽ sống mối tương quan với Ba Ngôi Thiên Chúa, các thánh và thiên thần.

23. HỎI: Trong ngày quang lâm, làm sao được ở bên tay hữu Đức Ki tô, giữa những người được chúc phúc?

THƯA: Bằng cách bắt chước Đức Giê-su Ki tô, như đã được dạy trong các sách Tin mừng.

24. HỎI: Trong các sách Tin mừng, chúng ta có tìm thấy quan niệm về việc bắt chước Đức Ki tô không?

THƯA: Có, trong cách sách tin mừng có lời khuyên nhủ hãy đi theo Đức Giê-su làm môn đệ của Ngài. Tin mừng thánh Mát-thêu khẳng định rằng người môn đệ phải từ bỏ cuộc sống riêng để gắn bó với Đức Giê-su. Trong Lu ca, việc bắt chước Đức Ki tô phải được thể hiện bằng việc từ giả gia đình (“Hãy để kẻ chết chon người chết”, Lc 9,59-62). Khẳng định chính yếu của Đức Giê-su về vấn đề nầy xuất hiện trong Mt 16,24: “Nếu ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Thầy”. Việc bắt chước Đức Giê-su được trình bày một cách trừu tượng hơn trong các thư Thánh Phao lô và trong sách Khải Huyền của thánh Gio-an.

25. HỎI: Còn những người ngoài ki tô giáo, nghĩa là không biết Đức Ki tô, làm sao có thể thuộc vào số những người được Chúa Cha chúc phúc trong ngày quang lâm của Đức Giê-su?

THƯA: Họ có thể được vào số những người được chúc phúc bằng cách cố gắng sống theo Luật Thiên Chúa, nghĩa là luật tình yêu, được ghi khắc trong trái tim mọi người. Đấng Tạo dựng mọi vật hữu hình cũng như vô hình đã ghi luật Cứu độ trong tâm hồn của tất cả mọi người, cả những người tự nhận là vô thần, nghĩa là những người không tin có Thiên Chúa.

26. HỎI: Đức Giê-su nói về “những kẻ được Cha ta chúc phúc..”, trong Cựu Ước có quan niệm về sự chúc phúc không?

THƯA: Có, những lời chúc phúc thường được nói đến trong Cựu Ước: lời chúc phúc cho Isaac (Stk 27), của Aaron cho con cái Ít-ra-ên (Ds 6,22-26), chúc phúc lương thực (1 Sm 9,13), vv.. Trong CƯ và TƯ, lời chúc lành là một công thức cầu nguyện, cầu khẩn trực tiếp với Thiên Chúa, xin Ngài nhân từ đóai nhìn đến dân Ngài đang lâm cảnh khó khăn.

27. HỎI: Trong Kinh Thánh, phúc lành có giá trị tùy theo sự thánh thiện của người cầu phúc cho người khác không?

THƯA: Có, Kinh Thánh cho chúng ta thấy rằng phúc lành của người công chính và của cả những người được Thiên Chúa đã giao phó cho một một nhiệm vụ quan trọng (giáo chủ, linh mục, quan án, vua) có nhiều giá trị trước mặt Thiên Chúa.

28. HỎI: Đức Giê-su có chúc lành không?

THƯA: Có, các sách Tin mừng nói rằng Đức Giê-su chúc lành cho các trẻ em mà người ta đưa tới Ngài (x. Mt 19,13-15), chúc lành cho bánh (x. Mc 6,41; 16,22); chúc lành cho các tông đồ trước khi lên trời (x. Lc 24,50-51); vv…

29. HỎI: Vậy chúng ta phải làm gì trước lời mời gọi của Lời Chúa?

THƯA: Để thực hiện giáo huấn của Lời Chúa hôm nay, mỗi người hãy làm 2 việc này: 1. Khám phá và cảm nghiệm sự chăm sóc mà Thiên Chúa dành cho mình trong đời sống cá nhân và gia đình, trong lãnh vực vật chất, tinh thần và tâm linh. 2. Kiểm điểm xem mình đã cư xử như thế nào với những người xung quanh, nhất là với những người cần đến sự giúp đỡ (về vật chất, tinh thần, thời gian) của mình.

GLCG 786 2449 2443. Dân Thiên Chúa còn tham dự vương giả của Đức Ki-tô. Đức Ki-tô thi hành vương quyền bằng cách nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh mà thu hút mọi người đến với mình (x. Ga12,32). Dù là Vua và Chúa muôn loài, Đức Ki-tô đã tự hạ làm tôi tớ mọi người, vì “Người không đến để được hầu hạ mà để hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người” (Mt 20,28). Đối với Ki-tô hữu, “muốn làm Vua với Đức Ki-tô phải phục vụ Người” (LG 36), cách riêng “trong những người nghèo khó và đau khổ, vì nơi họ, Hội Thánh nhận ra hình ảnh của Đấng Sáng Lập nghèo khó và đau khổ của mình” (LG 8). Dân Thiên Chúa thực hiện “phẩm giá vương giả” của mình bằng cách sống phù hợp ơn gọi phục vụ với Đức Ki-tô.

Phục Vụ Lời ĐCV Xuân Lộc

Comments are closed.