CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA THÁNH LỄ CHÚA NHẬT THỨ III-MÙA VỌNG_B 13-12-2020

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

THÁNH LỄ CHÚA NHẬT THỨ III-MÙA VỌNG_B

13-12-2020

Mở đường cho Lời Tạ Ơn Magnificat!

          Những tiếng nói của Isaia, của Đức Maria và của Phaolô hòa lẫn vào nhau thành một bản hòa tấu duy nhất ca ngợi Thiên Chúa và vui mừng vì công trình cứu rỗi phi thường của Ngài. Cùng với họ và với Gioan Tẩy Giả, nhân chứng của Đức Kitô-Ánh sáng, chúng ta hãy biến thành của riêng mình, những lời ca ngợi Thiên Chúa và Đấng Kitô của Ngài.

Bài đọc I: Isaia 61, 1-2a. 10-11

          Tác giả của những dòng này, có lẽ là một môn đệ của Isaia, tự cho là mình ở trong vòng ảnh hưởng của “thần khí của Đức Chúa” và “được xức dầu thánh hiến”. Sứ mạng của ông là “rao giảng tin mừng cho kẻ hèn mọn”, chữa lành và giải thoát những “tâm hồn tan nát”, những “kẻ bị giam cầm” và những “tù nhân”, và “công bố một năm hồng ân của Đức Chúa”. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi người môn đệ tiên tri này cất tiếng tạ ơn: “Tôi nhảy mừng trong Chúa, linh hồn tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa của tôi”. Chúa Giêsu sẽ đọc và áp dụng phần đầu của lời tiên tri này trong chuyến viếng thăm hội đường Nazareth lần đầu tiên (Lc 4, 18-19), và Đức Maria, mẹ của Người, sẽ cất tiếng tạ ơn của mình, khi được gợi ý, giữa những người khác, từ những lời này của nhà tiên tri vĩ đại.

Thánh ca Tin Mừng: Lc 1, 46b-48, 49-50, 53-54

          Lời Tạ Ơn Magnificat của Đức Maria được coi là một thánh vịnh trả lời. Đức Maria là một trong những người “hèn mọn” được “tin mừng” của Isaia nhắm tới, và Lời Tạ Ơn Magnificat của Đức Maria thực sự là một hợp tuyển thánh vịnh và thánh ca Cựu Ước. Đức Maria vui mừng trong hạnh phúc của bà Elizabeth, người sẽ sinh một con trai, khi đã về già, và (vui mừng) trong niềm hạnh phúc của riêng Mẹ, (hạnh phúc) đến từ lời thông báo của Gabriel cho Mẹ. Những lời của Đức Maria nói về ơn cứu độ của cả một dân tộc, Israel mới này được Thiên Chúa “nâng lên” trong “tình yêu của Người”.

Bài đọc II: 1 Tx 5, 16-24

          Bức thư này rất quan trọng, vì nó được coi là bản văn cổ nhất trong Tân Ước. Phaolô, người vĩ đại của việc loan báo Tin Mừng, ở đây tỏ ra là người hát bài thánh ca kêu gọi vui mừng: “Hãy vui mừng luôn … hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh”. Giống như vị tiên tri ở Bài Đọc I, Phaolô ghi lại niềm vui của Kitô hữu trong những lời dạy của Chúa Thánh Thần. Đây không phải là niềm vui bịa đặt, giả tạo, mà là niềm vui có nguồn gốc từ sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. “Ý muốn của Thiên Chúa đối với chúng ta” là chúng ta được vui mừng “trong Chúa Giêsu Kitô”, và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Tin Mừng:  Gioan 1, 6-8. 19-28

          Sau khi nói về “sự khởi đầu” nguyên thủy và về sự có trước của Ngôi Lời Thiên Chúa, giờ đây Gioan dẫn chúng ta trở lại một thời điểm lịch sử xác định, là thời điểm xuất hiện của một “người được Thiên Chúa sai đến”. Đó là Gioan Tẩy Giả, và nhiệm vụ của ông trước hết là “làm chứng cho Sự Sáng”. Một lời chứng gây bối rối cho các tư tế và các thầy Lêvi đến từ Giê-ru-sa-lem, khi họ tự hỏi liệu Gioan là Đấng Kitô, hay là Êlia, hay là nhà tiên tri được thông báo. Nghĩa là những kỳ vọng thiên sai (Mesia) lúc bấy giờ là sống động biết bao! Gioan Tẩy giả biết rõ vai trò của mình: nếu Gioan không nhận mình là một trong ba nhân vật này, thì Gioan không đòi hỏi ít hơn Isaia (40, 3) để xác định vai trò kép của mình là “tiếng kêu trong sa mạc” và là một nhân chứng mở đường cho một người vĩ đại hơn Gioan.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ

Comments are closed.