CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA THÁNH LỄ CHÚA NHẬT 34-TN_A 22-11-2020 VỊ VUA MỤC TỬ

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

THÁNH LỄ CHÚA NHẬT 34-TN_A

22-11-2020

VỊ VUA MỤC TỬ

          Bài đọc một và thánh vịnh gây ngạc nhiên trong lễ trọng mừng kính Đức Kitô Vua, khi khai triển một hình ảnh về Thiên Chúa thoạt nhìn có tính cách là một mục tử (người chăn chiên) hơn là một vị vua. Tin Mừng, được gọi là Tin Mừng về “Sự Phán xét Cuối cùng”, xác nhận tính thích đáng của hình ảnh này, khi trình bày Con Người như “một mục tử” và một vị vua.

Bài đọc 1: Ed 34, 11-12. 15-17      

          Sấm ngôn của Thiên Chúa ở đây mang màu sắc của một dụ ngôn: “Như mục tử chăm sóc các chiên trong đàn chiên của mình thế nào […], thì ta cũng sẽ chăm sóc các chiên của ta như thế”. Thiên Chúa hoàn thành tất cả những gì người ta mong đợi ở một mục tử: cùng với việc “chăm sóc” các chiên của mình, mục tử còn “giải thoát” các chiên khỏi sự phân tán, cho chúng được “chăn dắt” và “nghỉ ngơi”. “Con chiên bị lạc”, mục tử “đi tìm”, và mục tử chăm sóc con chiên “bị thương” hoặc “đau bệnh”. Tuy nhiên, ở Cận Đông cổ đại, danh hiệu mục tử (người chăn chiên) thường gắn liền với danh hiệu ‘vua’ và xác định những kỳ vọng mà dân chúng (đànchiên/con chiên) mong đợi từ vị vua của họ. Đây là một hình ảnh vững mạnh nêu lên các trách nhiệm đa dạng của nhà vua đối với dân nước của mình. Thiên Chúa là Mục Tử tuyệt hảo và chính Ngài, vào cuối thời gian, sẽ phán xét “giữa chiên với chiên, giữa chiên với dê”.

Thánh vịnh 22

          Tác giả Thánh vịnh tự tin tuyên bố: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi”. Lời tuyên xưng đức tin đáng ngưỡng mộ này về cơ bản được chuyển thành sự tin tưởng tuyệt đối: “Tôi chẳng thiếu thốn gì”. Tác giả Thánh vịnh không lo sợ cho tương lai, bởi vì ông biết rằng mục tử của ông “dẫn ông đi trên đường ngay nẻo chính” và sẽ giúp ông băng qua “các thung lũng âm u sự chết”. Ở hai khổ thơ cuối, tác giả thánh vịnh còn thêm vào hình ảnh Thiên Chúa Mục Tử này, hình ảnh “chủ nhà” chuẩn bị “bàn tiệc” cho tác giả và ban cho tác giả một “chén đầy tràn”. Đối với tác giả thánh vịnh này, chúng ta có thể nói rằng “tất cả là ân huệ” và “hạnh phúc” của tác giả là luôn được sống trong “nhà của Chúa”, hay nói cách khác, là để cho mình được chiếm ngụ bởi sự hiện diện của Thiên Chúa là Mục Tử.

Bài đọc 2: 1 Cr 15, 20-26. 28

          Phaolô không sử dụng hình ảnh mục tử, nhưng sự trình bày của Phaolô về vương quyền của Đức Kitô không vì thế mà kém độc đáo. Phaolô quan niệm vương quyền đó là hoa quả của sự phục sinh giữa những người chết. Như trong Tin Mừng sau đây, vương quyền của Đức Kitô sẽ xuất hiện nguyên vẹn, hoàn toàn, khi Ngài trở lại. Bằng những từ ngữ dự đoán những điều được tìm thấy trong sách Khải Huyền, Phaolô mô tả một “sự trao đổi kỳ diệu” giữa Chúa Cha và Chúa Con. Chúa Con trao “vương quyền cho Thiên Chúa, Cha của mình”; đến lượt mình, Chúa Cha đã làm cho Chúa con chiến thắng “mọi kẻ thù của mình”, kể cả “sự chết”.

Tin Mừng: Mt 25, 31-46

          Chúa Giêsu dùng lại, theo ý mình, hình ảnh mục tử và đàn chiên để mô tả việc Ngài trở lại trong tư cách là Con Người vinh hiển: “Ngài sẽ ngồi trên ngai vinh hiển” để thi hành sự phán xét chung “như mục tử tách chiên ra khỏi dê”. Vị mục tử hoàng gia này ban cho đàn chiên của mình “Vương quốc làm cơ nghiệp”, bởi vì họ biết tiếp đón “những người nhỏ nhất trong số những người anh em của Ngài”, là những người đói, những người khát, những người khách lạ, những người trần truồng, những người bệnh tật hoặc những người ở tù; và (tiếp đón) một cách hoàn toàn vô vị lợi, mà không hề biết rằng mình đang tiếp đón chính Chúa Kitô. Về phần những con dê, chúng phải chịu “hình phạt đời đời”, vì đã không thể hiện sự nhân đạo và lòng trắc ẩn đối với những “kẻ bé nhỏ” này, là những người yêu quý đối với Chúa Giêsu và là những kẻ được Ngài đồng hóa với.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.