CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA THÁNH LỄ CHÚA NHẬT 30-TN 25-10-2020

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA THÁNH LỄ CHÚA NHẬT 30-TN

25-10-2020

“YÊU … và BIẾT RẰNG MÌNH ĐƯỢC YÊU…”

          “Yêu … và biết rằng mình được yêu …”. Những từ rất đơn giản này trong một bài hát của Jean-Claude Gianadda có thể rất phù hợp với câu trả lời của Chúa Giêsu cho người Pharisiêu đang chất vấn Ngài. Cả Kinh thánh Cựu ước và Tân ước đều dạy chúng ta kính mến Thiên Chúa và yêu thương người lân cận “như chính mình”.

Bài đọc 1: Xh 22, 20-26   

          “Bộ luật Giao ước” tiếp theo sau “Mười Lời” thường được gọi là “Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời”. Diễn từ của Thiên Chúa không chỉ là những điều răn duy nhất này, dù đây là những điều cơ bản. Thiên Chúa, Đấng đã giải phóng dân Ngài khỏi ách nô lệ và đã lập giao ước với họ, có quyền yêu cầu dân “không được bóc lột”, cũng như “không được áp bức” người nhập cư. Các đòi hỏi cũng không kém trong chính cộng đoàn: “Mẹ goá con côi, các ngươi không được ức hiếp”. Lòng từ bi đối với người nghèo và người thiếu thốn không chỉ là cần thiết, mà trên hết, đó là sự bắt chước một Thiên Chúa, Đấng luôn “từ bi”, và luôn nghe thấy tiếng kêu của những người bị bóc lột hoặc người bị để cho tàn lụi trong nghèo đói.

Thánh vịnh 17

          Tác giả Thánh vịnh sử dụng một chuỗi phép ẩn dụ hướng theo các chủ đề về sức mạnh, sự ổn định và sự bảo vệ để xác định Thiên Chúa mà ông tôn thờ. Thiên Chúa là “núi đá”, là “thành lũy”, là “Đấng giải thoát”, là “khiên mộc”. Một số ẩn dụ của ông có vẻ tĩnh, nhưng các tính từ sở hữu đã gợi lên mối liên hệ cá nhân và tình cảm giữa ông và Thiên Chúa. Thiên Chúa thì chủ động, bảo vệ và giải thoát. Tác giả Thánh vịnh, người biết mình được Thiên Chúa yêu thương, đã đáp lại tình yêu của Ngài bằng lời ngợi khen và lời chúc tụng có nền tảng vững chắc: “ĐỨC CHÚA vạn vạn tuế! Chúc tụng Người là núi đá cho tôi trú ẩn. Tôn vinh Thiên Chúa là Đấng cứu độ tôi!”.

Bài đọc 2: 1 Tx 1, 5c-10

          Thánh Phaolô nói với các cộng đoàn một cách hết sức kiên quyết khi cần thiết, và nghiêm khắc khiển trách họ khi họ lạc khỏi Tin Mừng của Chúa Kitô và không hiệp thông vào cùng một Thần Khí. Tuy nhiên, trong thư gửi người Thessalônica, Phaolô nhìn nhận sự đón nhận của họ đối với “Lời giữa bao gian nan thử thách”, “đức tin” mẫu mực của họ, và sự rạng rỡ niềm vui của họ, kéo dài từ Macedonia và Hy Lạp, và đang lan rộng “khắp nơi”. Họ không chỉ quay lưng lại với các thần tượng, mà còn phụng sự “Thiên Chúa hằng sống và chân thật”, và chờ đợi sự trở lại của Đức Kitô, Đấng được Thiên Chúa cho “sống lại từ giữa những kẻ chết”.

Tin Mừng: Mt 22, 34-40

          Đối với người Do Thái sống ở thế kỷ thứ nhất, các cuộc thảo luận có tính học thuật là chuyện thường ngày, và việc giải thích Kinh thánh không phải lúc nào cũng có sự nhất trí. Đó là lý do, tại sao người Sađusêô không tin vào sự sống lại của người chết, còn những người Pharisiêu, thì tin. Một người Pharisiêu hỏi Chúa Giêsu một câu hỏi rất chính đáng, nhưng với hy vọng làm Ngài bối rối, lẫn lộn. Chúa Giêsu biết rõ về cái bẫy, và Ngài đã khôn ngoan lấy Kinh thánh để giải thích Kinh thánh. Trước tiên, Chúa trích dẫn sách Đệ Nhị luật (6, 5), đoạn văn nổi tiếng từ Shema ’Israel (“Nghe đây, hỡi Israel”), đối tượng việc cầu nguyện hàng ngày của người Do Thái. Nhưng ngay lập tức Chúa liên kết điều đó với sách Lêvi: “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19, 18). Đối với Chúa Giêsu, hai giới răn này không thể tách rời, và xác định các đòi hỏi căn bản của “Luật pháp và [các] Tiên tri – nói cách khác, là tất cả Kinh thánh).

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.