CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA THÁNH LỄ CHÚA NHẬT 27-TN_A
VƯỜN NHO CỦA CHÚA
04-10-2020
Ba bài đọc khai triển phép ẩn dụ về cây nho. Trong Cựu ước, hình ảnh cây nho thường là dấu hiệu của sự thịnh vượng và hạnh phúc. Nhưng trong cả ba bản văn, cây nho trở thành (dấu chỉ) sự phán xét của Thiên Chúa chống lại Israel và các nhà lãnh đạo của họ, và (dấu chỉ) sự phán xét của dân chúng chống lại Thiên Chúa).
Bài đọc 1 : Isaia 5, 1-7
Nhà tiên tri phần nào không theo thể loại văn chương về lời tiên tri, để thay vào đó chấp nhận thể loại được gọi ngắn gọn là “bài ca về vườn nho”. Tuy nhiên, bài ca tuyệt vời này đã gây nên vài điều không chắc chắn : chúng ta phải nhìn ra ai (hiểu là ai) trong các kiểu nói “bạn tôi” và “bài ca về người yêu” ? Chúng ta không biết ngay lập tức. Người bạn sở hữu một vườn nho do chính tay anh ta trồng và chăm sóc rất tốt. Nhưng cuối cùng, cây nho chỉ cho ra những trái nho dại : thất vọng và tức giận, người trồng nho không còn bảo vệ vườn nho của mình và bỏ mặc nó cho sự thay đổi thất thường của thiên nhiên. Câu cuối cùng cho chúng ta chìa khóa của điều bí mật. Vườn nho là của “Chúa”: “là nhà Israel”, những người đã không biết tôn trọng “luật pháp” và “công lý”.
Thánh vịnh 79
Tiền xướng của thánh vịnh được trích từ bài ca thứ nhất ở trên. Do đó, không có gì mơ hồ về chủ sở hữu vườn nho – Đức Chúa – và về biểu tượng của nó : “vườn nho … là nhà Israel”. Khổ thơ đầu tiên đề cập đến việc trồng và trồng lại cây nho này, khi nó rời Ai Cập và vào Đất Hứa. Câu hỏi “Tại sao” của khổ thơ thứ hai, lần này, gợi lên sự rối loạn và nỗi bất hạnh của dân Israel bị lưu đày. Trong khổ thơ sau, tác giả thánh vịnh cầu xin Thiên Chúa thực hiện lại những điều kỳ diệu của buổi Xuất hành, sau khi Người đã “thấy sự khốn cùng của dân Người” (Xh 3, 7). Cuối cùng, lời cầu nguyện kết thúc với một lời khẩn cầu mãnh liệt bày tỏ lòng mong muốn thành thực hoán cải, về phía dân chúng, và lời dân chúng cầu xin Chúa đưa họ “trở về” từ cảnh lưu đày.
Bài đọc 2 : Ph 4, 6-9
Thông điệp ngắn gọn mà Phaolô chuyển đến cho tín hữu Philípphê, những người mà Phaolô vừa yêu cầu noi theo gương của ngài, là một bản tóm tắt đáng chú ý về đời sống Kitô hữu. Ở đây không có sự kênh kiệu chữ nghĩa hay những nhận xét khó hiểu. Phaolô nói với trái tim mình, rất nhẹ nhàng và đưa ra một chương trình tập trung vào sự thanh thản: “Đừng lo lắng về bất cứ điều gì”. Không thể có sự thanh thản nào tốt hơn “sự bình an của Thiên Chúa”, Đấng “sẽ gìn giữ lòng trí và ý nghĩ của anh em trong Chúa Giêsu Kitô”. Thanh thản không có nghĩa là thụ động: trong nửa sau của sứ điệp của mình (các câu 8-9), Phaolô đặt ra mọi thứ phải được thực hành để sống trong tình thân mật với “Thiên Chúa của sự bình an”.
Tin Mừng : Mt 21, 33-43
Chúa Giêsu lấy lại bài ca của Isaia. Thính giả được nhắm đến không phải là dân chúng mà là các nhà chức trách tôn giáo của thời đại : “các thượng tế và các kỳ lão trong dân”, những người đã không biết hướng dẫn “nhà Israel”. Nhưng những người trồng nho đã đẩy sự lăng mạ đi xa đến mức giết các đầy tớ và cậu con trai của chủ vườn nho. Đến đây Chúa Giêsu đưa ra một trong những cáo buộc ghê gớm nhất của Ngài đối với các nhà chức trách tôn giáo Do Thái, không phải là không trích dẫn một câu của Thánh vịnh 117 (câu 22-23), câu này sẽ trở thành phần mở đầu cho bài giảng của các Tông đồ về sự Phục sinh của Chúa Giêsu: “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường”.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.