CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA THÁNH LỄ CHÚA NHẬT 26-TN_A

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA THÁNH LỄ CHÚA NHẬT 26-TN_A

THIÊN CHÚA MUỐN TA TỰ DO VÀ CÓ TRÁCH NHIỆM

27-9-2020

            Tiên tri Êgiêkiel mời gọi những người đương thời của ông nhìn nhận lỗi lầm của mình, thay vì thắc mắc về “cách hành động của Thiên Chúa”. Tác giả Thánh vịnh đồng ý với nhà tiên tri và bình tĩnh nhận lỗi của mình. Câu chuyện dụ ngôn ngắn gọn của Chúa Giêsu xác nhận rằng mỗi người phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình.

Bài đọc 1: Ezékiel 18, 25-28

            Chương 18 sách tiên tri Êgiêkiel đánh dấu một bước ngoặt quyết định liên hệ đến sự tin tưởng lâu đời ở Israel cho rằng thế hệ con cháu phải đền bù tội lỗi của cha ông họ. Theo nhà tiên tri, đây là một tin tưởng sai lầm, ngược với “cách hành động của Chúa”, vốn tôn trọng sự lựa chọn của mỗi cá nhân. Chúng ta sẽ thấy lợi ích khi đọc lại đoạn cuối cùng của chương 18 này, nơi Thiên Chúa tuyên bố với dân Ngài: “Các ngươi hãy tạo cho mình một trái tim mới và một thần khí mới” (Ed 18, 31). Sự hoán cải tận tâm lòng, triệt để đã được người tiền nhiệm của Êdêkien, và chắc chắn có Giêrêmia (Jr 31, 31-34) rao giảng, và đã được rao giảng bởi (các) tác giả của Thánh vịnh 50. Điều này có nghĩa là xung quanh cuộc Lưu đày ở Babylon, một phong trào đổi mới rộng lớn đã ghi dấu ấn của nó và mỗi người vẫn được tự do kiên trì trong công lý, hoặc đi chệch hướng khỏi nó.

Thánh vịnh 24

            Thánh vịnh này không hẳn là một thánh vịnh sám hối, nhưng tác giả thánh vịnh thú nhận thực sự về “những cuộc nổi loạn” và “những tội lỗi của (tuổi trẻ) của mình”. Đây không chỉ là sự thành thực, mà còn là sự tin tưởng vững bền vào “sự nhân từ” của Thiên Chúa và vào “tình yêu” của Ngài. Giọng điệu của tác giả thánh vịnh rất bình tĩnh: ông sẵn sàng chấp nhận để được “dẫn dắt” bởi “sự thật” và “sự công bình” của Thiên Chúa. Chúng ta có thể nói rằng ông chia sẻ quan điểm của Êdêkien về sự tự do lựa chọn của bất kỳ cá nhân nào để “thực hành luật pháp và công lý” hoặc ngược lại, quay lưng lại với nó để làm “điều ác”.

Bài đọc 2: Ph 2, 1-11

            Người ta khó có thể tìm thấy một thông điệp ấm lòng hơn trong các bức thư của Phaolô. Một đàng, Phaolô nói về sự an ủi lẫn nhau trong cộng đoàn, “sự hiệp thông trong Thánh Thần”, “sự dịu dàng” và “lòng trắc ẩn” (câu 1-4). Đàng khác, các câu 5-11 có tất cả các đặc điểm của một bài thánh ca Kitô học, có thể là đã có, trước khi có cấu trúc Phaolô của bức thư. Bài ca này mô tả một cách đáng ngưỡng mộ việc hạ Đức Kitô bị đóng đinh xuống, và sau đó là sự tôn vinh Ngài trong “vinh quang của Thiên Chúa”. Phần thánh ca mở đầu bằng lời kêu gọi khẩn thiết theo Chúa Giêsu đến cùng.

Tin Mừng: Mt 21, 28-32

            Dụ ngôn hai người con dường như dự đoán dụ ngôn trong Luca, được phát triển hơn và được biết đến nhiều hơn, tức dụ ngôn về người con hoang đàng và người anh cả (Lc 15, 11-32). Chúa Giêsu tố cáo sự tự phụ của đứa con hứa đi làm vườn nho nhưng không đi, và Chúa còn công nhận công lao của người con đã từ chối lời mời của người cha, nhưng sau đó, “đã ăn năn, và đã đi làm”. Rõ ràng, người con thứ nhất tượng trưng cho “các thầy thượng tế” và “các kỳ lão trong dân”, trong khi người con thứ hai, kẻ ăn năn, tượng trưng cho “những người thu thuế và những cô gái điếm”. Giới tinh hoa tôn giáo không tin lời Gioan Tẩy Giả loan báo Nước Trời sắp đến, và cũng không tin lời Chúa Kitô. Cũng chính Giới tinh hoa này không có gì khác ngoài sự ghê tởm và khinh bỉ đối với những người thu thuế và những cô gái điếm, đã ăn năn và đang là những kẻ “đi trước họ vào trong vương quốc của Thiên Chúa”.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.