Chìa Khóa Bài Đọc Lời Chúa Thánh Lễ Chúa Nhật 25-Tn_A

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA THÁNH LỄ CHÚA NHẬT 25-TN_A

20-9-2020

THIÊN CHÚA TRỞ NÊN GẦN GŨI

Tiên tri Isaia và tác giả Thánh vịnh đồng ý với nhau về sự gần gũi của Thiên Chúa đối với những ai sẵn sàng “tìm kiếm Ngài” và những ai “kêu cầu Ngài”. Trong Tin Mừng, việc “ông chủ vườn nho” năm lần đi ra mướn thợ đã cho thấy một Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi kêu gọi nhân loại cộng tác với Ngài.

Bài đọc I : Is 55, 6-9

Thiên Chúa tự tỏ mình ra cho Isaia là một Thiên Chúa uy nghi : Ngài là “Đấng ba lần thánh” và là “Chúa của vũ trụ”. Trong suốt sự nghiệp tiên tri của mình, Isaia đã chuyên chăm tìm hiểu kỹ lưỡng mầu nhiệm Thiên Chúa và công bố vinh quang của Ngài, đồng thời nghiên cứu nhiều khía cạnh của lòng Chúa thương xót và công việc cứu rỗi của Ngài. Nếu ở đây Isaia nhận ra rằng “tư tưởng” và “đường lối” của Vị Thiên Chúa này là mầu nhiệm và vượt quá sự hiểu biết của con người, thì Isaia vẫn nhanh chóng tuyên bố rằng Thiên Chúa “tự để cho mình được tìm thấy” và làm cho mình “trở nên gần gũi” với những ai thật lòng muốn tìm kiếm Ngài. Thiên Chúa của Isaia cũng là một Thiên Chúa của lòng thương xót, “giàu lòng tha thứ”. Ngài không đòi gì hơn là thấy con người tội lỗi đi trên con đường hoán cải để trở về với Ngài.

Thánh vịnh 144

Thánh vịnh 144 này có mối quan hệ chặt chẽ với thị kiến của Isaia về Thiên Chúa. Ở tiền xướng và trong đoạn đầu tiên, chúng ta nhận thấy sự nghịch lý giữa sự “cao cả” của Thiên Chúa, không có giới hạn, và sự gần gũi của Ngài với “những người cầu khẩn Ngài”. Hai đoạn cuối chắc chắn không bị tiên tri Isaia phủ nhận. Tuy nhiên, cần phải nói rằng những phẩm tính gán cho Thiên Chúa – dịu dàng, thương xót, yêu thương, tốt lành, công bình, trung thành gần gũi – rất thường xuất hiện trong Cựu Ước. Những phẩm tính này bắt nguồn từ một lời tuyên bố long trọng, được nói với Môsê ngày xưa (Xh 34, 6), khi Thiên Chúa vừa mới tha thứ lỗi lầm rất nghiêm trọng của dân tộc đã đúc nên con bò vàng và thờ lạy nó.

Bài đọc II : Pl 1, 20c-24. 27a

Sứ điệp của Phaolô chắc chắn không chỉ nói về sự nghịch lý, mà còn về tình thế tiến thoái lưỡng nan hiện sinh: sống hay chết. Ở đây Phaolô bị giằng xé: sự hiểu biết về Chúa Kitô, kinh nghiệm về sự hiện diện của Chúa và việc loan báo Tin Mừng của Ngài là nền tảng cho hạnh phúc sống của Phaolô : “Đối với tôi, sống là Đức Kitô”. Trong cùng một thần khí, vị Tông đồ tâm sự rằng mình không những không sợ chết, mà còn “ước muốn ra đi để được ở với Đức Kitô”. Điều này, theo Phaolô, sẽ là “tốt hơn bội phần”. Tuy nhiên, Phaolô có ý định ở lại “thế gian này” để thi hành sứ mệnh tông đồ của mình cho cả người Do Thái lẫn cho dân ngoại.

Tin Mừng : Mt 20, 1-16

Việc so sánh “ông chủ một cơ nghiệp”, chủ một vườn nho, người thuê “thợ làm vườn nho cho mình” quả là một dụ ngôn về “Nước Trời”. Ông chủ không ai khác chính là Thiên Chúa và cây nho chính là biểu tượng của dân tộc mà Thiên Chúa muốn quy tụ và cứu vớt. Thiên Chúa tỏ ra năn nỉ, cố nài : Ngài nhân tăng các cuộc mời gọi, từ sáng sớm cho đến giờ thứ mười một ; Ngài tìm kiếm công nhân và thỏa thuận với họ một mức lương công bằng, nghĩa là một đồng. Đến lúc trả công cho thợ, ông chủ ra lệnh bắt đầu với người làm sau hết, người mà ông chủ trả cho một đồng. Những người khác nhận được sự đối xử tương tự thì đã kêu rằng xử vậy là bất công ! Nhưng nếu Thiên Chúa muốn ban cho người cuối cùng bằng với người đầu tiên, thì đó chỉ là do sự tốt lành và sự cho không của Ngài.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.