Chìa Khóa Bài Đọc Lời Chúa Thánh Lễ Chúa Nhật 24 -TN A – Biết Bao Lý Do Để Tha Thứ

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA THÁNH LỄ CHÚA NHẬT 24-TN_A

13-9-2020

BIẾT BAO LÝ DO ĐỂ THA THỨ

Suốt sứ vụ công khai của mình, Chúa Giêsu đã giảng dạy và thực hành sự tha thứ, tha cho cả những kẻ tra tấn mình. Lời giảng dạy và thực hành của Chúa đã trở thành một gương mẫu. Qua đó, Chúa Giêsu mạc khải cho ta thấy lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa. Lòng thương xót này được Môsê, các tiên tri, các tác giả Thánh Vịnh và các nhà hiền triết nhiều lần công bố.

Bài đọc 1 : Hc 27, 30 – 28, 7

Gần hai thế kỷ trước khi Chúa Giêsu sinh ra, nhà hiền triết Ben Sira đã có một lập luận vững chắc về những lý do khơi gợi tha thứ cho người khác. Ông dự đoán những gì Chúa Giêsu sẽ nói sau này về cùng chủ đề tha thứ này. Thật ấm lòng khi nghe nhà hiền triết liệt kê những thái độ mà chúng ta phải khử trừ – thù hận, giận dữ, trả thù, căm ghét – do người bên cạnh có thể đã gây ra cho ta. Để bù lại, Ben Sira khuyến khích sự khoan dung và tha thứ. Đối với Ben Sira, tha thứ là nguồn mạch sự chữa lành, xác nhận tính hợp lệ của lời cầu nguyện và là bảo chứng ơn cứu độ : “Hãy nhớ đến ngày tận số của con …” Ben Sira nhân tăng những lý do khiến chúng ta phải tha thứ, và chúng ta nhận thấy trong Ben Sira những trực giác sẽ được xác nhận, giữa các điều khác, trong một lời xin của kinh Lạy Cha: “Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”.

Thánh vịnh 102 (103)

Phải nói gì về thánh vịnh này, vốn là một sự “chúc tụng” Chúa về các “ân huệ của Ngài”, một thánh vịnh có tiền xướng nêu rõ lòng thương xót, sự dịu dàng và tình yêu của một Thiên Chúa tha thứ mọi tội lỗi (xem Tv 32 ; 50 ; 130) ? Những phẩm tính này của Thiên Chúa đã được mạc khải cho Môsê (Xh 34, 6) và được tìm thấy trong ngòi bút của các tiên tri (Is 1, 18; 55, 7; Os 11, 8-9). Không có tội lỗi nào mà Thiên Chúa không thể tha thứ, vì “Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm”. Vị Chúa ‘cai trị trái đất’ này xuất sắc trong việc quăng ném “tội lỗi của chúng ta xa khỏi chúng ta”, và tình yêu của Ngài mạnh mẽ hơn tất cả.

Bài đọc II : Rm 14, 7-9

Người ta có thể nghĩ rằng sự hiện hữu của Kitô hữu trước hết là việc thuộc về một cộng đoàn. Điều này đúng, nhưng theo thánh Phaolô, có một mối liên hệ thậm chí còn mạnh mẽ hơn, làm cho sự hiện hữu của Kitô hữu trở thành việc thuộc về Chúa. Sự sống của chúng ta thuộc về Chúa, và sự chết của chúng ta cũng vậy. Mọi điều xảy ra cho chúng ta giữa hai cực sống-chết này của thân phận con người của chúng ta đều có giá trị thặng dư trong mức độ chúng ta sống và chết “cho Chúa”.

Tin Mừng : Mt 18, 21-35

Tiếp theo lời dạy của Chúa Giêsu về sự sửa lỗi và tha thứ trong tình huynh đệ, Phêrô vẫn tự hỏi chúng ta phải đi đến đâu trong việc tha thứ cho những lỗi lầm mà người lân cận gây ra cho ta. Con số ‘bảy’ trong Kinh Thánh đồng nghĩa với sự hoàn hảo và viên mãn, Phêrô muốn mình quảng đại bằng cách đề nghị người ta có thể tha thứ “đến bảy lần”. Nhưng Phêrô không hiểu gì. Chúa Giêsu, vẫn theo biểu tượng của con số bảy và bội số của nó, đã nhân tăng bổn phận tha thứ đến vô hạn. Tha thứ “đến 70 lần bảy lần” có nghĩa là tha thứ mãi và tha thứ luôn, cho mỗi lần, mỗi sự vi phạm. Dụ ngôn của Chúa Giêsu khẳng định một cách hùng hồn rằng chúng ta phải nhớ đến sự tha thứ đã lãnh nhận từ Thiên Chúa, mỗi khi chúng ta bị xúc phạm, và phải biết hành động như Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.