CHÌA KHÓA BÀI ÐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXXIV-TN_A, 26-11-2023 CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ ֎ MỘT VỊ VUA LÀ TÔI TỚ VÀ LÀ NGƯỜI QUY TỤ

CHÌA KHÓA BÀI ÐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT XXXIV-TN_A, 26-11-2023

CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ

֎

MỘT VỊ VUA LÀ TÔI TỚ VÀ LÀ NGƯỜI QUY TỤ

Trong số những người thân cận của Đức Kitô, có nhiều người hy vọng – kể cả các Tông đồ – rằng Chúa Giêsu, Đấng Thiên Sai, sẽ “khôi phục vương quốc Israel”. Nhưng Chúa Giêsu trước hết muốn trở thành tôi tớ của mọi người. Vương quyền duy nhất mà Ngài đòi hỏi thì “không thuộc về thế gian này”.

Bài đọc I : Ed 34, 11-12.15-17

Phép ẩn dụ kép về mục tử và đàn chiên của mình rất phổ biến ở vùng Cận Đông cổ đại, bao gồm cả Israel, khi nói về các vị vua và các vị thần cũng như trách nhiệm của họ đối với người dân của họ. Ê-dê-ki-en sử dụng hình ảnh kép này để tố cáo sự chểnh mảng, lơ là của “những mục tử” dân Israel – vua và các nhà cầm quyền khác – đã dẫn đến thảm kịch lưu đày. Đây là đoạn duy nhất trong toàn bộ Cựu Ước, nơi Thiên Chúa nhận mình là mục tử: “Như người mục tử trông coi đàn chiên của mình […], Ta cũng sẽ trông chừng đàn chiên của Ta như vậy”. Trong thời điểm thử thách lớn lao này, Thiên Chúa tuyên bố rằng Ngài sẽ làm mọi điều có thể để tập hợp những con chiên đang tản lạc của Ngài, trông chừng chúng, cung cấp thức ăn cho chúng và chữa lành mọi vết thương của chúng.

Thánh vịnh đáp ca : Tv 23 (22)

Thánh vịnh này vẫn là thánh vịnh kinh điển trong số tất cả các quy chiếu của Cựu Ước về một Thiên Chúa là Mục tử. Từ ngữ chăn dắt trong ba khổ thơ đầu hoàn toàn hòa hợp với lời tiên tri của Ê-dê-ki-en. Không ai đi xa như tác giả Thánh vịnh khi ghi lại trải nghiệm tâm linh của mình là kết quả của sự chăm sóc, bảo vệ và hỗ trợ của Vị Thiên Chúa là Mục tử. Nhờ Thiên Chúa là Mục tử, tác giả Thánh vịnh nói rằng ông không thiếu thốn gì và không sợ gì nguy khốn. Tất cả chỉ là nghỉ ngơi, yên tĩnh và thoải mái. Thiên Chúa Mục Tử cũng là người chủ nhà quảng đại, đón tiếp người tin vào bàn ăn của mình và thuận cho họ ở lại nhà mình “suốt mọi ngày đời họ”.

Bài đọc II : 1 Cr 15, 20-26.28

Sự phục sinh của Đức Kitô là nền tảng của Tân Ước và đức tin Kitô giáo. Tác động của nó uy lực đến nỗi đảo ngược hoàn toàn số phận của con người đầu tiên, là Adam và con cháu của ông. Là người chiến thắng mọi quyền lực sự dữ và cuối cùng là chiến thắng sự chết, Đức Kitô giờ đây được trao cho mọi quyền năng, và nhờ Người mà “mọi người sẽ nhận được sự sống”. Một khi Ngài giao lại quyền này cho Chúa Cha thì “mọi việc sẽ hoàn tất”. Vương quốc, được Chúa Giêsu công bố trong các dụ ngôn cũng như trong các cử chỉ chữa lành, lòng trắc ẩn và lòng thương xót của Ngài, giờ đây đã được thiết lập cho đến muôn đời : “Thiên Chúa là tất cả trong mọi người”.

Tin Mừng : Mt 25, 31-46

Chúa Giêsu nói về việc Ngài trở lại trong vinh quang và ngự “lên ngai vinh hiển của Ngài”, đồng thời tự giới thiệu mình là “Vua”. Nhưng Ngài vẫn là vị vua-mục tử, vì Ngài “tách biệt người ta ra khỏi nhau như mục tử tách chiên với dê”. Như thế, Chúa Giêsu sử dụng lại ẩn dụ chăn dắt về vị vua mục tử được gợi lên trong lời tiên tri của Ê-dê-ki-en. Việc tách biệt (phán xét) được thực hiện theo việc làm: chúng ta biết hay không biết liên đới và quảng đại đối với người nghèo, người bất hạnh, người túng thiếu và người tù tội ? Bởi vì mọi người đều là khuôn mặt của Đức Kitô, và chính Đức Kitô là Đấng mà chúng ta đã đón tiếp hoặc từ chối. Yêu mến Thiên Chúa bằng cách yêu thương người lân cận: đó là điều kiện để nhận được “Nước Trời làm cơ nghiệp”.

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ

.

Comments are closed.