CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXVII-TN_A, 08-10-2023 ֎ GIỮA HY VỌNG VÀ THẤT VỌNG : THIÊN CHÚA VÀ VƯỜN NHO CỦA NGÀI

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT XXVII-TN_A, 08-10-2023

֎

GIỮA HY VỌNG VÀ THẤT VỌNG :

THIÊN CHÚA VÀ VƯỜN NHO CỦA NGÀI

Vườn nho của Đức Chúa các đạo ninh là nhà Israel”. Bất chấp mọi điều Chúa đã làm cho vườn nho, vườn nho vẫn chỉ sinh ra trái xấu. Thiên Chúa lặp lại những mong đợi tha thiết nhất của Ngài: ước gì cuối cùng vườn nho sẽ sinh ra hoa trái của chính trực và công bình !

Bài đọc I : Is 5, 1-7

Mặc dù Isaia trình bày đoạn này như một “bài ca của người yêu về vườn nho của mình”, đoạn văn này mang tính chất một dụ ngôn. Vị tiên tri khởi đi từ một thực tại mà những người đương thời của ông đều biết rõ: thực tại về một người đã không tiếc công sức trong việc duy trì vườn nho của mình. Dù vậy, vườn nho chỉ sinh ra “nho xấu”. Từ câu chuyện hư cấu và bằng hình ảnh này, Isaia chuyển ngay sang chất vấn khán giả của mình: “Xin phân xử đôi đàng giữa tôi với vườn nho của tôi !” Như thế, bài hát đề cập đến mối quan hệ giữa Thiên Chúa và dân của Ngài. Trong bản cáo trạng cuối cùng của mình, Thiên Chúa yêu cầu dân Ngài giải thích và nhắc nhở họ về hai yêu cầu lớn lao của Ngài : chính trực và công bình. Đây là bản chất của tôn giáo mà Isaia và các tiên tri rao giảng.

Thánh vịnh đáp ca : Tv 80 (79)

Phụng vụ đã chọn phần kết của bài ca Isaia làm tiền xướng cho Thánh vịnh 80 (79) này, vốn cũng khai triển biểu tượng cây nho để tượng trưng cho dân Israel. Thánh vịnh này dường như cũng được gợi hứng từ những lời của vị tiên tri: những việc làm của Thiên Chúa cho vườn nho của Ngài và những kết quả đạt được đều giống nhau. Tệ hơn nữa, vườn nho bị “tất cả những người qua đường” thu nhặt và bị thú rừng tàn phá. Những gì chúng ta nghe ở đây, không giống như dụ ngôn của Isaia, là một lời thú nhận thực sự về phía dân Israel, dân nhìn nhận những sai trái của mình và cầu xin Thiên Chúa “trở lại” thăm viếng và bảo vệ vườn nho của Chúa bằng cách ban cho dân ơn hoán cải.

Bài đọc II : Pl 4, 6-9

Vẫn thanh thản và tin tưởng vào tương lai, dù đang bị giam cầm, Phaolô mời gọi những người Phi-líp-phê cũng hãy giữ bình yên trong lòng. Nhưng bằng cách nào ? Trước tiên là bằng lời cầu nguyện, nhưng không phải là bất kỳ lời cầu nguyện nào. Ở đây Thánh Phaolô nói về việc cầu nguyện siêng năng – “trong mọi hoàn cảnh” – và về việc cầu nguyện quân bình, kết hợp giữa cầu khẩn và tạ ơn và chắc chắn mang lại “sự bình an của Thiên Chúa”. Tuy nhiên, cầu nguyện thôi chưa đủ. Cầu nguyện phải được tiếp tục và diễn tả những hành động cao quý, chính trực và đức hạnh, mở cửa cho sự hiện diện của “Thiên Chúa bình an”.

Tin Mừng : Mt 21, 33-43

Trong dụ ngôn này, sự nhấn mạnh không nhắm vào chính vườn nho – Israel – mà là vào hành vi xấu của những người làm vườn nho, những người đại diện cho giới chức trách tôn giáo. Thiên Chúa đã giao phó vườn nho của Ngài cho họ. Những tá điền này muốn giữ lại hoa trái vườn nho cho riêng mình. Họ thậm chí còn đi xa đến mức ngược đãi và giết chết các sứ giả khác nhau của ông chủ vườn nho, là hai nhóm đầy tớ (các tiên tri của Israel) và người con thừa tự (Chúa Giêsu). Cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống những tá điền bất xứng. Nhưng Thiên Chúa không từ bỏ hoa trái vườn nho của Ngài: sự phục sinh của Đức Kitô, “điều kỳ diệu trước mắt chúng ta”, làm phát sinh một dân tộc mới, dân tộc sẽ sinh ra những hoa trái mà Thiên Chúa mong đợi nơi vườn nho của Ngài.

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.