CHÌA KHOÁ BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT XX-TN_A, 20-8-2023
֎
“HÃY THƯƠNG XÓT MỌI NGƯỜI”
Isaia, Phaolô và Chúa Giêsu đều gắn bó sâu sắc với dân tộc của các Ngài và với tôn giáo của dân này. Nhưng cả ba vị đều nhất trí công nhận rằng ơn cứu độ vượt ra ngoài biên giới của Israel và rằng mọi người đều có thể kêu cầu Thiên Chúa trong sự thật.
Bài đọc I : Is 56, 1. 6-7
Ở tâm điểm sứ điệp của các tiên tri trong Kinh thánh là việc truy tìm luật pháp và sự công chính. Trước hết và trên hết, việc truy tìm này là cần thiết bởi vì ơn cứu độ của Thiên Chúa đã “gần tới” và vì ơn cứu độ là sự mặc khải đức công chính của Thiên Chúa. Lập luận của nhà tiên tri rất đơn giản: làm sao chúng ta có thể đón nhận một Thiên Chúa công chính mà không sinh hoa trái của công chính trong cuộc sống của chúng ta ? Từ việc thực thi công chính, Isaia chuyển sang một chủ đề khác mà ông yêu quý: tính phổ quát của ơn cứu độ. Các quy luật chi phối việc thờ phượng ở Đền thờ và việc tuân giữ ngày Sa-bát không thể bị thiệt hại vì bị loại trừ và sự phân biệt đối xử. Thiên Chúa nhìn nhận hành động chân thành của các người “bị hoạn” (Is 56, 4) và của những người “ngoại bang” biết dâng lên Chúa sự tôn thờ đích thực. Đền thờ của Ngài muốn trở thành một ngôi nhà mở ra cho tất cả mọi người, “Nhà cầu nguyện của muôn dân”.
Thánh vịnh đáp ca : Tv 67 (66)
Các thánh vịnh, những viên ngọc quý trong kinh nguyện của Israel, đi theo các nghi thức phụng vụ trang trọng ở Đền thờ.
Các đại từ “chúng tôi” và “của chúng tôi” diễn tả rõ ràng mối quan hệ đặc biệt đã được dệt nên qua các thời đại giữa Thiên Chúa và Israel. Nhưng các thánh vịnh cũng mời gọi một cử toạ lớn hơn nhiều: các dân tộc, mọi quốc gia, thế giới, toàn trái đất. Không thu mình lại trên chính mình, cộng đoàn cầu nguyện bằng các thánh vịnh sẽ mở ra với chân trời ánh sáng và niềm vui được khơi dậy từ sự hoàn tất công lý của Thiên Chúa và ơn cứu độ của Ngài.
Bài đọc II : Rm 11,13-15. 29-32
Phaolô khai triển suy nghĩ của mình về ơn cứu độ của “anh em theo xác thịt” của ngài. Dựa vào danh hiệu và chức vụ của mình là “Tông đồ các dân ngoại”, Phaolô cho thấy nền tảng suy nghĩ của ngài về số phận của những người Do Thái không biết hoặc không muốn nhìn nhận Chúa Giêsu. Phaolô vẫn tin chắc rằng “những ân huệ cho không của Thiên Chúa và lời kêu gọi của Ngài đều không bị rút lại”. Nếu Phaolô vui mừng với những người Rôma, những người đến từ một quốc gia “ngoại giáo”, thì mong muốn thiết tha nhất của Phaolô là dân Israel được hòa giải với Thiên Chúa và với các dân ngoại, những người cũng là đối tượng của lòng thương xót của Thiên Chúa.
Tin Mừng : Mt 15, 21-28
Chúa Giêsu đi “đến miền Tyrô và Sidon”, bên ngoài biên giới Israel. Đây không phải là lần duy nhất Chúa vượt qua ranh giới địa lý, sắc tộc và tôn giáo. Một phụ nữ Ca-na-an mạnh dạn đến gần Chúa. Những lời đầu tiên của bà (“Lạy Ngài là con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!”) đã làm vui lòng Chúa Giêsu. Nhưng sự im lặng của Chúa, thái độ thù địch của các môn đệ và cuối cùng là lời đối đáp gay gắt của Chúa Giêsu không báo trước điều gì tốt lành cho số phận của cô gái trẻ. Người phụ nữ Ca-na-an đã không nói lời cuối cùng của mình. Bà ấy nói với Chúa Giêsu một tiếng kêu cứu sôi nổi và dám chỉnh sửa một trong những lập luận của Chúa. Chúa Giêsu chỉ còn nghiêng đầu, bái phục : Chúa bày tỏ lòng cảm phục trước đức tin to lớn của người phụ nữ này và ngay lập tức, Chúa cho bà thấy con gái bà được chữa lành.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.