CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XVIII-TN_C, 31-7-2022 ֎ NGÀY NÀO CÓ NIỀM VUI VÀ NỖI KHỔ CỦA NGÀY ẤY

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT XVIII-TN_C, 31-7-2022

֎

NGÀY NÀO CÓ NIỀM VUI VÀ NỖI KHỔ CỦA NGÀY ẤY

Giảng viên là sứ giả sự khôn ngoan về thân phận và giới hạn của con người. Tác giả thánh vịnh tìm kiếm “thước đo thực sự cho thời chúng ta đang sống”. Chúa Giêsu tố cáo những dự án điên rồ của người giàu tìm kiếm của cải trần gian, mà bỏ qua viễn cảnh cái chết không thể tránh khỏi.

Bài đọc I : Gv 1, 2 ; 2, 21-23

Sách Giảng viên thật không may là (cuốn sách) ít được các Kitô hữu biết đến. Tuy nhiên, cuốn sách này là kết quả sự suy ngẫm của một nhà hiền triết về thân phận hữu tử của con người và về tính chất tiêu tan của các kế hoạch và lao công của con người. Hơn nữa, một số người còn gọi Giảng viên là người bi quan, thậm chí là người vỡ mộng. Tuy nhiên, Giảng viên rất hiện thực cảm động đối với sự “hư ảo” của mọi thứ và mọi hoạt động của con người “dưới ánh mặt trời”. Bài thơ của ông (Gv 3,1-8) về “mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời dưới bầu trời” là một trong những bài thơ hay nhất về mối quan hệ với thời gian. Giảng viên cung cấp những sắc thái quan trọng liên quan đến việc tìm kiếm quyền lực, sự vĩ đại và sự giàu có, thậm chí đến cả việc tìm kiếm sự khôn ngoan, trong khi Giảng viên ý thức về số phận hữu tử khiến người khôn ngoan cũng như kẻ ngu ngốc phải chết. Mặt khác, Giảng viên cho rằng “được ăn uống, và tìm được hạnh phúc trong công việc của mình” là một phúc lành của Thiên Chúa (Gv 2, 24).

Thánh vịnh đáp ca : Tv 90 (89)

Thánh vịnh rõ ràng có một số điểm tương đồng với quan điểm của Giảng viên về sự khôn ngoan. Thánh vịnh có cùng một tầm nhìn về con người, cái loài phải chết này như các triết gia đã mô tả. Thánh vịnh cũng đưa ra một quan điểm độc đáo về thời gian, khi phân biệt “thước đo thực sự cho thời chúng ta đang sống” là phù du, và thời gian của Thiên Chúa : “Ngàn năm Chúa kể là gì,   tựa hôm qua đã qua đi mất rồi, khác nào một trống canh thôi” (câu 4). Tác giả thánh vịnh biết no thỏa với tình yêu của Thiên Chúa ngay từ buổi sáng, để ngày ngày “được hớn hở vui ca”. Ông cầu xin “sự dịu ngọt của Chúa” và phó thác cho Chúa tất cả “công việc tay mình làm”.

Bài đọc II : Cl 3, 1-5. 9-11

Trong sự bổ sung thích hợp cho suy tư của Giảng viên và của tác giả Thánh vịnh, Phaolô mời gọi cộng đoàn Kitô hữu trước hết hãy tìm kiếm “những gì thuộc thượng giới”. Danh sách của Phaolô về “những gì thuộc hạ giới” gợi nhớ đến những lời cảnh báo của Giảng viên, nhà hiền triết. Phaolô nhắc nhở tín hữu Côlôsê một cách sống động rằng họ đã “sống lại với Đức Kitô” ; họ phải “cởi bỏ con người cũ” để mặc lấy “con người mới”. Do đó, những phân biệt giai cấp tôn giáo bị xóa bỏ, vì Chúa Kitô “là tất cả, và ở trong mọi người”.

Tin Mừng : Lc 12, 13-21

Chúa Giêsu từ chối làm trọng tài để chia phần thừa kế của hai anh em kia. Bản thân Chúa không phải là một người muốn làm giàu. Chúa có một việc khác và tốt hơn phải làm : khuyến khích đám đông tránh mọi sự tham lam. Do đó, Chúa Giêsu lợi dụng cơ hội hai anh em kia lo lắng về gia tài của họ, để kể dụ ngôn về “một người giàu có”, người tìm mọi cách nhằm tích lũy càng nhiều của cải càng tốt, với hy vọng hưởng dùng nó sau này. Chúa Giêsu không ngần ngại gọi người giàu có này là “điên rồ”, vì cái chết của người ấy có thể xảy ra đột ngột, khiến người ấy không thể hưởng dù chỉ một chút trong vô số của cải mà người ấy đã tích lũy được.

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

.

.

Comments are closed.