CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XV-TN_C, 10-7-2022: ĐỌC, HIỂU và SỐNG KINH THÁNH

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT XV-TN_C, 10-7-2022

֎

ĐỌC, HIỂU và SỐNG KINH THÁNH

Đọc Kinh Thánh thôi là chưa đủ: còn phải để cho mình thấm đm Kinh Thánh và sống Kinh Thánh. Đó là những gì được nói tới rõ ràng nơi các tác giả sách Đệ Nhị luật, sách Thánh vịnh và sách Tin Mừng. Chúa Giêsu đưa chúng ta trở lại điều cốt yếu: yêu mến Thiên Chúa và người thân cận.

Bài đọc I : Đnl 30, 10-14

Có thể nói : tôn giáo thời Đệ nhị luật do Môsê ban bố được xác định bằng ba động từ là : lắng nghe, tuân giữ, trở lại (với Chúa). Tất cả bắt đầu bằng việc lắng nghe một lời từ xa đến ; lời đó đụng chạm và soi dẫn đến chỗ sâu thẳm nhất của tâm hồn. Lời đó cũng là sự khôn ngoan mở ra thế giới. Nếu Do Thái giáo thường được trình bày như là một “tôn giáo của Sách”, thì trên hết, Do Thái giáo chứa đựng một lời giàu ý nghĩa mà người ta chỉ có thể hiểu được bằng việc chăm chú lắng nghe. Có cuốn sách nào gây cảm hứng và đòi hỏi như bộ sưu tập các sách Cựu Ước ! Thiên Chúa không đòi hỏi điều không thể, bởi vì lời của Ngài trở nên gần gũi, dễ tiếp cận và soi dẫn những ai suy gẫm lời đó trong lòng hoặc chia sẻ lời đó với người khác

Thánh vịnh 18b

Phần thứ hai của Thánh vịnh này, được viết sau thời Môsê, cho thấy Luật pháp, hiến chương của Chúa, các giới luật của Chúa, và thậm chí “sự kính sợ” mà nó gợi lên, đều là nguồn mạch niềm vui, nguồn soi sáng và nguồn công lý đến mức độ nào. Đừng quên rằng phần thứ nhất của thánh vịnh (18a) ca tụng vẻ đẹp của công trình sáng tạo ; công trình này, dù không thốt ra một lời nào, đã nói lên rất nhiều điều về sự toàn năng của Thiên Chúa và món quà to lớn mà Ngài đã ban cho con người khi tạo ra vũ trụ, vì hạnh phúc của con người. Hai phần của thánh vịnh cho thấy có một sự thống nhất không thể tách rời giữa Thiên Chúa Sáng Tạo và Thiên Chúa Cứu Độ.

Bài đọc II : Cl 1, 15-20

Đoạn trích ngắn này từ bức thư gửi tín hữu Côlôsê trình bày một Kitô học rất phong phú. Người ta thấy ở đây một bảng sưu tập các danh hiệu, liên quan nhiều đến vai trò của Đức Kitô đối với mọi loài thọ tạo, hơn là, nói một cách chính xác, đến vai trò Đấng Cứu Độ, được trình bày một cách rõ ràng bằng ý niệm hòa giải. Người ta đặc biệt nhớ đến sự Đức Kitô có trước muôn loài muôn vật : Ngài là “trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo” và “mọi loài được tạo dựng nhờ Ngài và cho Ngài”. Thánh Phaolô được soi dẫn vừa bởi sách Sáng thế (St 1), vừa bởi hình bóng Trí Khôn Ngoan trong sách Châm ngôn (Cn 8, 22-31). Mặt khác, thánh nhân dự đoán phần mở đầu của sách Tin Mừng Gioan về vai trò Đấng Sáng tạo của Đức Kitô, cũng như sách Khải Huyền, khi nói về Đức Kitô như là “khởi nguyên” (“trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại”).

Tin Mừng: Lc 10, 25-37

Một thầy thông luật nói với Chúa Giêsu nhằm thử thách Ngài. Tuy nhiên, câu hỏi của ông ấy là chính đáng về việc đạt đến “sự sống đời đời”. Chúa Giêsu tin tưởng ông ta nên mời ông ta tìm hiểu Lề luật kỹ hơn, nghĩa là đọc lại Kinh Thánh. Thầy thông luật không bị bất ngờ với câu nói của Chúa : ông ta trích trong trí nhớ hai đoạn chính của Luật (Đnl 6,5 và Lv 19,18) đòi hỏi yêu mến Thiên Chúa và người thân cận. Hơn nữa, Chúa Giêsu cho rằng ông ta đã trả lời đúng và mời ông ta thực hành điều răn kép này. Nhưng thầy thông luật lại đẩy mạnh lên cuộc thảo luận: “Ai là người thân cận của tôi?” Chúa Giêsu trả lời ông ta bằng một trong những dụ ngôn đẹp nhất của Chúa : dụ ngôn trong đó chỉ một người Samaritanô biết chăm sóc một người kia bị bọn cướp tấn công. Thầy thông luật hiểu bài, nhưng ông có đem ra thực hành không ?

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.