CHÌA KHOÁ BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XIX-TN_A, 13-8-2023 ֎ NIỀM TIN, GIỮA TỐI TĂM VÀ ÁNH SÁNG

CHÌA KHOÁ BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT XIX-TN_A, 13-8-2023

֎

NIỀM TIN, GIỮA TỐI TĂM VÀ ÁNH SÁNG

Tiên tri Êlia, tác giả Thánh vịnh, Phaolô và các Tông đồ là những người có đức tin vững mạnh. Họ đã trải nghiệm sự được soi lòng mở trí và niềm vui, nhưng cũng có những nghi ngờ và thử thách. Lời chứng của họ càng đáng tin và truyền cảm hứng cho kinh nghiệm riêng tư của chúng ta.

Bài đọc I : 1 V 19, 9a. 11-13a

Là một tiên tri vĩ đại, dù chiến thắng các tư tế của Baal, giờ đây Êlia đang ở giữa một cuộc khủng hoảng hiện sinh. Êlia cảm thấy mình đơn độc chống lại tất cả mọi người và ao ước được chết. Ngay sau khi được một thiên thần an ủi, Êlia đã ẩn náu trong một cái hang và chờ đợi Chúa đi qua ; Chúa là Đấng mà Êlia tôn kính là “Thiên Chúa của vũ trụ”, nghĩa là Đấng Toàn Năng. Nơi Êlia ẩn náu chính là ngọn núi thiêng Horeb – tên gọi khác của Sinai. Nhưng việc Thiên Chúa đi qua không diễn ra trong những biểu lộ ngoạn mục, mà là “trong tiếng thì thầm của một làn gió hiu hiu”. Êlia biết nhận ra ý nghĩa của tiếng thì thầm này và ông quy theo hình ảnh mới này về một Thiên Chúa khiêm nhường và kín đáo.

Thánh vịnh đáp ca : Tv 85 (84)

Tác giả thánh vịnh khiêm tốn lắng nghe, không phỏng đoán điều Thiên Chúa muốn nói với mình. Lời Chúa có chủ quyền và tự do. Đối với người biết chú tâm, thì lời Thiên Chúa trước hết là một tin hết sức làm cho vui : bình an, cứu độ, vinh quang, tình yêu, tín nghĩa, công bình và mọi ơn huệ. Tin vui này không chỉ có giá trị cho dân được tuyển chọn, mà còn cho cả trái đất. Hơn nữa, tác giả thánh vịnh không quên ngụ ý rằng những ân huệ của Thiên Chúa chỉ có thể hoàn tất với sự cộng tác của nỗ lực con người: “Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp”, và “các bước chân” của Thiên Chúa về phía công lý cho thấy “con đường phải theo”.

Bài đọc II : Rm 9, 1-5

Ở Tiểu Á, Phaolô, vị Tông đồ của Dân ngoại, là người sáng lập vĩ đại nhất của các cộng đoàn Kitô hữu, những cộng đoàn sau đó còn được ông củng cố. Trong khi ngỏ lời ở đây với một cộng đoàn không do mình thiết lập, Phaolô khoe khoang “nỗi đau triền miên” và “nỗi buồn to lớn” thúc đẩy ngài nói tới “những người anh em cùng chủng tộc” của mình, những người Do Thái không nhìn nhận Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai. Nỗi đau của Phaolô càng dữ dội hơn vì Phaolô đã lớn lên trong đạo Do Thái và biết nhận ra sự phong phú đa dạng của đạo này. Phaolô bị giằng xé đến mức thậm chí chấp nhận bị “xa lìa Đức Kitô” vì lợi ích là việc sám hối của các anh em Do Thái của mình!

Tin Mừng : Mt 14, 22-33

Sau khi hóa bánh ra nhiều cho đám đông ăn, Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện. Về phần các môn đệ, họ đã xuống thuyền của mình và đang phải vật lộn để chèo thuyền tiến đi trước gió ngược và sóng lớn. Không có Chúa Giêsu, đêm tối dường như là thù địch với họ. Khi Chúa cùng họ “đi trên biển”, không những các môn đệ sợ hãi mà họ còn vất vả mới nhận ra Ngài. Chúa Giêsu có mời Phêrô đến gặp Ngài, thì Phêrô cũng sớm bị nghi ngờ xâm chiếm. Thực tế, mọi sự kết thúc với lời tuyên xưng sống động đức tin của Phêrô: “Quả thật, Thầy là Con Thiên Chúa!” nhưng biết bao thử thách đã xảy ra trước tiếng kêu của đức tin này!

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.