CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA: CHÚA NHẬT XIV-TN_B, 04-7-2021 NHỮNG TIÊN TRI ‘QUẤY RẦY’.

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT XIV-TN_B, 04-7-2021

NHỮNG TIÊN TRI ‘QUẤY RẦY’.

          Êzêkiel và Chúa Giêsu là hai vị tiên tri vĩ đại, và Phaolô cũng vậy theo cách riêng của mình. Cả ba vị đôi khi vấp phải những tâm hồn chai cứng, nhưng các ngài, mỗi vị theo cách riêng và thời đại của mình, đều là những người không mệt mỏi thông truyền lời Chúa.

Bài đọc I: Ed 2, 2-5

          Các tiên tri trong Kinh Thánh đều là những người khiêm tốn, hầu hết họ đều xuất thân từ môi trường giản dị, tầm thường. Trường hợp của Êzêkiel là một ví dụ điển hình. Thiên Chúa thường gọi hỏi Êzêkiel xét như là “con người”, tức là một con người như bao người khác. Êzêkiel không phải là siêu nhân, và ngài không khoe khoang chuyện mình được Thiên Chúa kêu gọi. Sứ mệnh của Êzêkiel thật cao cả, nhưng thường bạc bẽo, vì dân chúng chống lại ông bằng “mặt dày mày dạn” và “lòng chai dạ đá”. Được củng cố bởi sự hiện diện của Thần Khí, Êzêkiel không ngần ngại chuyển giao Lời Chúa một cách trọn vẹn: “ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này”. Khi đang ở giữa những người bị lưu đày ở Babylon, Êzêkiel biết rõ sự khốn cùng của dân tộc mình và ông sẽ làm mọi cách để khơi lại trong họ niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa và sự hy vọng trở lại Giêrusalem.

Thánh vịnh 122 (123)

          Các bài ca lên đền Giêrusalem (Tv 120-134) là một sách cẩm nang thực sự cho những người hành hương tuốn về Giêrusalem để cử hành các đại lễ, thực hiện lời thề, hoặc chỉ vì lòng sùng kính cá nhân. Tác giả thánh vịnh hạ mình trước mặt Chúa và áp dụng cho mình hai hình ảnh về “người nô lệ” đối với ông chủ và “người tớ gái” đối với bà chủ của mình. Sự khiêm tốn của tác giả không có gì là giả tạo, vì ông nại đến lòng từ bi của Thiên Chúa: “Xin thương xót chúng con, lạy Chúa, xin thương xót chúng con”, trong khi ông và cộng đoàn của ông bị “những kẻ kiêu ngạo khinh miệt” và “những người tự mãn cười chê”. Vả lại, chúng ta còn biết rằng những người bị lưu đày đã đau khổ biết bao vì không thể hát “một bài hát nào của Sion” ở một vùng đất xa lạ! (Tv 136).

Bài đọc II: 2 Cr 12, 7-10

          Phaolô là một người tự hào, và ngay từ đầu, ngài đã nhận ra tính chất phi thường của những ‘điều mặc khải” được ban cho ngài. Tuy nhiên, ngài thừa nhận đã phải chiến đấu chống lại “một thủ hạ của Satan” và cảm thấy “trong thân xác [mình] có một cái giằm”. Thật khó để xác định bản chất của cái giằm này, nhưng hình ảnh vẫn còn mạnh mẽ, vì nó được liên kết với một hành động của Satan. Phaolô rút ra một bài học về sự khiêm nhường từ điều này, vì thử thách này ngăn cản ngài “đánh giá quá cao” bản thân. Thiên Chúa không loại trừ thử thách, nhưng cho vị Tông đồ một bài học lớn trong cuộc sống: “Ơn Ta đủ cho con, vì sức mạnh của Ta được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối”. Bài học được Phaolô tiếp nhận và thấu hiểu, là: “Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh”.

Tin Mừng: Mc 6, 1-6

          Marcô sử dụng từ Hy Lạp có tính chủng loại “patria” (‘quê quán’); quê quán này là Nagiarét mà Marcô muốn nói đến. Dân làng không hiểu “sự khôn ngoan” và những “phép lạ” của Chúa Giêsu, được thực hiện ở các làng xung quanh. Họ chỉ thấy nơi Chúa là một “người thợ mộc” và là “con bà Maria”. Người dân Nagiarét “kinh ngạc” nhưng cũng hết sức “bàng hoàng”. Câu trả lời của Chúa Giêsu xác nhận sự khôn ngoan tuyệt vời của Ngài: “Một tiên tri chỉ bị khinh thường ở quê hương của mình”. Quyền năng của Chúa Giêsu không hoạt động khi không gặp được đức tin. Do đó, Chúa không ngần ngại đi đến các làng lân cận, những làng nhạy cảm hơn với lời giảng dạy của Chúa.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ

Comments are closed.