CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT VI-PS_C, 22-5-2022
֎
ĐỨC TIN GIẢI THOÁT VÀ QUY TỤ
Quyết định của Hội Thánh ở Giêrusalem không áp đặt phép cắt bì là (quyết định) can đảm và có tính giải thoát. Cũng có một sự cởi mở rất lớn trong cái nhìn phổ quát về ơn cứu độ nơi thánh vịnh, nơi bài đọc hai, và trong điều răn kép của Chúa Giêsu là mến Chúa và yêu người.
Bài đọc I : Cv 15, 1-2.22-29
Luca đã nhấn mạnh nhiều, trong các chương đầu của sách Công vụ, đến sự hiệp nhất và sự hiệp thông huynh đệ của các cộng đoàn đầu tiên ở Giêrusalem. Nhưng bấy giờ một cuộc khủng hoảng lớn phát sinh ở Antiokia. Một số môn đệ rao giảng rằng việc cắt bì “theo tục lệ có từ thời Môsê” là tuyệt đối cần thiết để được cứu độ. Cuộc tranh luận thật “sôi nổi” ở Giêrusalem và cái được, cái mất có tính quyết định. Phaolô và Banaba, cũng như Giuđa và Sila được “các Tông đồ và các kỳ mục (…) cùng với toàn thể Hội Thánh” ủy nhiệm để khôi phục sự thật. Lập trường của Hội Thánh ở Giêrusalem được linh hứng và nhất trí: “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định …” Quyết định này có tính giải thoát: nó chỉ buộc giữ một số tối thiểu các nghĩa vụ, và việc cắt bì không nằm trong số các nghĩa vụ này.
Thánh vịnh 67 (66 )
Tựa đề tiếng Do Thái của bài thánh vịnh ngắn này nhấn mạnh, với những nét chính, tính chất âm nhạc và phụng vụ của nó (câu 1: “Phần ca trưởng. Theo huyền cầm. Thánh vịnh. Thánh ca”). Ở đây chúng ta có một “bài thánh ca về niềm vui” thực sự. Mặt khác, điệp khúc và mỗi khổ thơ trong ba khổ thơ mời gọi một cử tọa đông đảo hơn nhiều so với dân tộc đã được chọn, đó là: các dân tộc, trái đất, tất cả các quốc gia, thế giới, toàn trái đất. Tính chất hoàn vũ, thậm chí tính cách đại kết của thánh vịnh, phù hợp với hy vọng của nhà tiên tri vĩ đại Isaia, là một ngày kia, sẽ thấy “mọi quốc gia” và “vô số dân tộc” tuốn về Giêrusalem tham gia vào việc thờ phượng “trong nhà Thiên Chúa của Giacóp” (Is 2, 2-3; 66,18-24).
Bài đọc II : Kh 21,10-14.22-23
Gioan, người được thị kiến ở đảo Patmos, cũng phụ thuộc vào Isaia và cách giải thích phổ quát của ông về ơn cứu độ. Gioan thoáng thấy Giêrusalem là nơi tập họp những người được tuyển chọn đến “từ mười hai chi tộc con cái Israel”, nhưng chắc chắn cũng là nơi tập họp những người có đức tin đặt trên “mười hai nền tảng […] là Mười hai Tông đồ của Con Chiên” (Kh 21, 14). Do đó, có sự liên tục giữa hai Giao Ước. Nhưng cũng có những điểm khác biệt lớn lao : ở đây, Gioan nói về Giêrusalem thiên quốc, mở ra bốn phương trời, và được chiếu sáng bởi “vinh quang Thiên Chúa” và bởi “Con Chiên”. Đền thờ do Salômôn xây dựng không còn cần thiết nữa, vì “chính Chúa … và Con Chiên” giữ vai trò là đền thờ.
Tin Mừng : Ga 14, 23-29
Chúa Giêsu kéo dài diễn từ về di chúc thiêng liêng của Ngài, sau khi cử hành Bữa Tiệc Ly và ban cho các môn đồ điều răn mới của ngài, điều răn yêu thương và phục vụ lẫn nhau. Ngài trấn an các môn đệ của mình : “Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi”. Ngài còn dám yêu cầu họ hãy “vui mừng” khi Ngài ra đi “về với Chúa Cha”. Tuy nhiên, cái nhìn của Ngài không tập trung vào thời kỳ cuối cùng, nhưng vào thái độ mà các Tông đồ và các môn đệ của họ cần phải có khi Ngài không còn ở với họ về mặt thể lý. Họ chỉ cần yêu thương và “giữ lời Ngài” là đủ. Nếu họ trung thành với hai điều răn này, họ sẽ không chỉ được “chiếm ngự” bởi sự hiện diện của Chúa Cha và Chúa Con, mà còn được Chúa Thánh Thần bảo vệ và hướng dẫn.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.