CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA Chúa Nhật VI Phục Sinh_B, 09-5-2021 THIÊN CHÚA KHÔNG THIÊN VỊ. THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

Chúa Nhật VI Phục Sinh_B, 09-5-2021

THIÊN CHÚA KHÔNG THIÊN VỊ. THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU

          Ông Corneliô phủ phục trước Phêrô; Phêrô liền nhắc cho Corneliô biết rằng họ đều có chung một nhân tính. Sau đó Chúa Thánh Thần ngự xuống trên ngôi nhà. Với “bài ca mới” của tác giả Thánh vịnh, sứ điệp vẫn là một: Thiên Chúa tỏ mình ra cho mọi người biết về Ngài. Đối với Gioan, “phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa”.

Bài đọc I: Cv 10, 25-26. 34-35. 44-48 

          Cuộc gặp gỡ của Phêrô với ông Đại đội trưởng Corneliô ở Caesarea, thành phố hoàng gia, thật là thân tình và mang dấu ấn tôn trọng lẫn nhau. Ông Đại đội trưởng của quân đội La Mã phủ phục trước Phêrô; ngay lập tức Phêrô đã đỡ ông Corneliô dậy, nhân danh nhân tính chung của họ. Phêrô biện minh cho cử chỉ của mình bằng cách nhắc lại rằng “Thiên Chúa không thiên vị” và luôn niềm nở, ân cần chào đón tất cả mọi người, bất kể hộ tịch và tôn giáo của họ. Ở đây chúng ta đang chứng kiến ​​một Lễ Hiện Xuống thứ hai, từ nay trở đi kéo dài đến các dân tộc ngoại giáo, những người, giống như các Tông đồ ở Giêrusalem, bắt đầu “nói tiếng lạ và ca khen sự vĩ đại của Thiên Chúa”, nhờ Chúa Thánh Thần tuôn đổ trên họ.

Thánh vịnh 97

          Từ ngữ “chiến thắng”, đồng nghĩa với sự cứu rỗi, có mặt trong tiền xướng và trong cả ba khổ thơ. Thánh vịnh ca ngợi vương quyền của Thiên Chúa trên mọi quốc gia và “toàn trái đất”. Việc nhắc đến “cánh tay rất thánh thiện”“cánh tay quyền năng của Thiên Chúa” gợi nhớ đến cuộc giải phóng khỏi Ai Cập và việc vượt qua Biển Đỏ một cách kỳ diệu, được hát trong bài ca của Môsê (Xh 5).

Bài đọc II: 1 Ga 4, 7-10

          Kitô giáo, một tôn giáo của tình yêu. Đối với Gioan, không có gì phải nghi ngờ: các từ ngữ “tình yêu” và “yêu” không xuất hiện dưới mười lần trong bốn câu! Nhưng không phải chỉ số lần từ ngữ được sử dụng mới đáng kể. Gioan trình bày một loạt các chiều kích của tình yêu. Nếu tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa, thì tình yêu thương nhau phải ngự trị giữa cộng đoàn. Cách duy nhất để biết Thiên Chúa và Con Một của Ngài là để cho tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa thấm nhuần ta và để tình yêu ấy tỏa sáng trên thế giới.

Tin Mừng: Ga 15, 9-17

          Trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ, Chúa Giêsu đã để lại một lời di chúc bao gồm việc yêu thương như Ngài, nghĩa là yêu đến cùng: “Hãy hiến mạng sống mình cho những người mình yêu”. Đó là một lý tưởng rất cao, nhưng nó không phải là một gánh nặng. Trái lại, việc thực hiện lý tưởng này làm cho chúng ta được chia sẻ niềm vui của Chúa Kitô và cho phép chúng ta sinh hoa kết trái lâu dài, đồng thời được Chúa Cha lắng nghe để ban cho chúng ta những gì chúng ta cầu xin nơi Người.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.