CHÌA KHOÁ BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT V-MÙA CHAY_A, 26-3-2023 ֎ THẦN KHÍ PHỤC SINH

CHÌA KHOÁ BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT V-MÙA CHAY_A, 26-3-2023

֎

THẦN KHÍ PHỤC SINH

Hai bài đọc đầu diễn tả niềm tin và niềm hy vọng của người Do Thái vào sự sống lại của kẻ chết, nhờ hơi thở quyền năng của Thần Khí. Thánh Phaolô cũng nói về vai trò của Thần Khí: chính Thần Khí “làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết… đang ngự trong anh em và ban sự sống cho thân xác hay chết của anh em”.

Bài đọc I : Ed 37, 12-14

Ê-dê-ki-en được Thiên Chúa sai đến giữa một thung lũng có thể gọi là thung-lũng-của-sự-chết, vì nó chứa đầy xương khô. Thiên Chúa yêu cầu ông nói tiên tri trên những bộ xương này để Thần Khí sẽ thổi hơi trên chúng và bao phủ chúng bằng những gân cốt, thịt và da. Vị tiên tri đồng ý và kêu cầu Thần Khí : “Từ bốn phương trời, hỡi thần khí, hãy đến thổi vào những người đã chết này cho chúng được hồi sinh” (Ed 37, 9). Chúa xác nhận rằng các xương này, “chính là toàn thể nhà Israel” (Ed 37, 11), mà Chúa muốn cho sống lại: “Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh. Ta sẽ cho các ngươi định cư trên đất của các ngươi”. Phải nói rằng niềm tin vào sự sống lại của người chết đã có ở Israel cách muộn màng, nhưng tiên tri Ê-dê-ki-en đã góp phần rất lớn vào việc thúc đẩy dữ kiện quan trọng này của đức tin.

Thánh vịnh đáp ca : Tv 129 (130)

Thánh vịnh này là một tiếng kêu khốn quẫn tột cùng: “vực thẳm” rất có thể là Âm phủ, nghĩa là ranh giới của sự chết. Nhưng trước tình thế nghiêm trọng, tác giả thánh vịnh không nản lòng. Ông xác tín rằng Chúa sẽ tha thứ cho ông những lỗi lầm, và trên hết ông được linh hoạt bởi một niềm hy vọng ngang tầm với thử thách: “Mong đợi CHÚA, tôi hết lòng mong đợi, cậy trông ở lời Người”. Ông luôn tích cực mong đợi hừng đông và chờ đợi Chúa. Từ sự áp bức đè nặng lên ông, ông chuyển sang sự vững lòng được đảm bảo bởi tình yêu của Thiên Chúa và ơn cứu chuộc chan chứa của Chúa. Chúng ta hiểu rằng thánh vịnh này đã trở thành, trong phụng vụ, một lời kinh cổ điển để cầu cho người chết.

Bài đọc II : Rm 8, 8-11

Phaolô nhận thức được tính chất nước đôi của đời sống Kitô hữu : nếu bạn sống theo xác thịt, Phaolô giải thích, bạn sẽ chết. Nhưng nếu nhờ Thần Khí mà bạn giết được những mưu toan, thủ đoạn của con người tội lỗi, thì bạn sẽ sống. Cái chết chắc chắn sẽ đến, nhưng “nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới”. Do đó, Phaolô xác nhận sự đúng đắn trong thị kiến của Ê-dê-ki-en về những bộ xương khô được Thần Khí Thiên Chúa làm cho hồi sinh.

Tin Mừng : Ga 11, 1-45

Trình thuật về việc Ladarô sống lại là trình thuật đầy đủ, hấp dẫn và đánh động nhất thuộc loại này. Marta và Maria, hai chị của Ladarô và là những người bạn của Chúa Giêsu, đã sai người báo cho Chúa biết Ladarô bị bệnh. Chúa Giêsu, tin chắc rằng bệnh của Ladarô “là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa”, nên Ngài đến chậm. Khi Ngài quyết định đi Bêtania, gần Giêrusalem, các môn đệ lo sợ cho tính mạng của Ngài và hiểu lầm về “giấc ngủ” của Ladarô. Marta và Maria hoang mang vì sự chậm trễ của Chúa Giêsu. Marta đã có một tuyên xưng tuyệt vời về niềm tin vào sự sống lại trong ngày sau hết. Còn Maria thì đang rơi nước mắt, và Chúa Giêsu an ủi cô ấy. Chính Chúa đã khóc khi đến mộ, nhưng Ngài đã kêu lớn tiếng : “Anh Ladarô, hãy ra khỏi mồ !” Việc Chúa làm cho Ladarô đã khiến mọi người vui mừng, và nhiều người Do Thái có mặt “đã tin vào Chúa”.

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.