CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT V-CHAY_B, CÁC SẮC THÁI CỦA “TÂN ƯỚC”

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT V-CHAY_B, 21-3-2021

CÁC SẮC THÁI CỦA “TÂN ƯỚC”

          Chính trong sách Giêrêmia, lần đầu tiên người ta tìm thấy từ ngữ được dùng làm tiêu đề cho toàn thể kinh bộ Kitô giáo: TÂN ƯỚC, nghĩa là “giao ước mới”. Chúa Giêsu hoàn tất và hoàn thiện giao ước mới này với những hoa trái là việc Ngài được tôn vinh trên Thập Giá.

Bài đọc I: Gr 31, 31-34

          Chủ đề ‘giao ước’ được lặp đi lặp lại trong Cựu Ước đã đạt đến đỉnh điểm ở đây. Giêrêmia nói về một “giao ước mới”, giờ đây được khắc ghi không phải trên các bia đá, mà là “trong lòng” các người tin. Sự mới mẻ có tính triệt để, và Giêrêmia là người tầm cỡ của một cuộc cải cách sâu sắc về tôn giáo : cuộc cải cách này không còn giống như “giao ước […] được ký kết với cha ông họ”. Giêrêmia và nhà tiên tri đồng nghiệp của ông là Egiêkiel, vừa là người đương thời, vừa là người kế vị ông, đều là những người vĩ đại gầy dựng nên tôn giáo nội tâm, tự do và huynh đệ này, nơi tất cả mọi người đều “biết” Thiên Chúa, mà không cần qua các trung gian thông thường: “Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: ‘Hãy học cho biết ĐỨC CHÚA’, vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta – sấm ngôn của Đức Chúa”. Giao ước này cũng mới ở chỗ nó bao gồm việc tha tội.

Thánh vịnh 50 (51)

          Thánh vịnh này, được coi là “của Đavít”, đã được sáng tác rất lâu sau thời kỳ trị vì của vị vua vĩ đại, bởi vì phần kết của Thánh vịnh – không được lưu lại ở đây – rõ ràng ám chỉ đến việc các bức tường của Giêrusalem được xây dựng lại, sau khi lưu đày trở về (Tv 50 [51], 20). Ngoài ra, những cách diễn đạt “xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng” “xin đổi mới [.] tinh thần con” (là những cách diễn đạt) mang dấu ấn của ảnh hưởng chung của Giêrêmia và Êgiêkiel, mỗi người đã trải qua Cuộc Lưu đày theo cách riêng của mình. Tuy nhiên, đúng là câu mở đầu của Thánh vịnh này ám chỉ đến lỗi ngoại tình của Vua Đavít. Do đó, sau này vua trở thành tấm gương hoàn hảo về một tội nhân biết ăn năn và được tha thứ.

Bài đọc II: Dt 5, 7-9

          Thư gửi tín hữu Do Thái sử dụng rộng rãi hình ảnh vị thượng tế và ngôn ngữ nghi lễ và hiến tế. Nhưng cần hiểu rằng tác giả giới thiệu một sự mới mẻ triệt để bằng cách trình bày Đức Kitô như một vị thượng tế độc nhất, không liên kết với Đền thờ và các của hiến dâng được thực hiện ở đó. Tác giả không quên nêu bật mầu nhiệm Nhập thể khi nói về “Đức Kitô lúc còn sống trong xác phàm”. Sự hy sinh của Đức Kitô đã phải trả giá bằng “nước mắt” và “sự khẩn cầu”. Nhưng chính sự “vâng phục” của Ngài đối với Chúa Cha đã trở thành “nguyên nhân ơn cứu độ phổ quát” đối với chúng ta.

Tin Mừng: Ga 12, 20-33

          Đây là lần duy nhất trong các sách Tin Mừng có đề cập đến sự hiện diện của “một số người Hy Lạp [.] lên thành Giêrusalem” dự Lễ Vượt Qua. Những người Hy Lạp này đã nghe nói về Chúa Giêsu, chúng ta không biết họ nghe bằng cách nào. Khi họ muốn “nhìn thấy Chúa Giêsu”, họ nói với Tông đồ Philípphê – người có tên viết theo tiếng Hy Lạp – xin cho được yết kiến Chúa. Chúa Giêsu được thông báo nhưng không đáp ứng yêu cầu này. Thay vào đó, Chúa nói với các môn đệ về giờ Ngài được tôn vinh đang đến gần. Nhắc đến cái chết của mình, Chúa Giêsu dùng hình ảnh “hạt lúa rơi xuống đất” phải chết đi để sinh nhiều bông hạt”. Cái chết của Ngài trên Thập giá có giá trị cứu độ cho “mọi người”.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.