CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH, 02-01-2022 ÁNH SÁNG CHÓI CHAN VÀ MẦU NHIỆM

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH, 02-01-2022

֎

ÁNH SÁNG CHÓI CHAN VÀ MẦU NHIỆM

       Lễ Hiển Linh, thậm chí còn hơn cả lễ Giáng sinh, là một lễ ánh sáng. Isaia nói về sự chói chan, vinh quang, ánh sáng và bình minh. Trong khi đó, Phaolô nói với chúng ta về mầu nhiệm bây giờ được mặc khải. Trong Tin Mừng, ngôi sao của các đạo sĩ tỏa sáng hơn ngôi sao của các kinh sư làm tay sai cho vua Hêrôđê.

Bài đọc I : Is 60, 1-630

       Đoạn văn tuyệt vời này trong sách Isaia có thể được đặt tựa đề là “Hiển Linh”, vì có rất nhiều ám chỉ đến ánh sáng, thậm chí là sự huy hoàng của vinh quang Thiên Chúa, không chỉ chiếu sáng giữa lòng Giê-ru-sa-lem, mà còn thu hút các dân tộc ngoại bang. Các miền giàu có, gần gũi (Madian) hoặc xa xôi (Epha và Saba), mang theo “vàng và hương” đến thờ phượng Thiên Chúa và loan báo những “kỳ công của Chúa”. Isaia đã tiên báo rất rõ sự ra đời của trẻ thơ-Emmanuel (Is 7) và với chương 60 của mình, Isaia cho phép chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của cuộc hành trình của các đạo sĩ. Cũng cần lưu ý rằng, với Tin Mừng dưới đây, ánh sáng của Chúa chiếu rọi trên thôn xóm khiêm tốn Belem, trong khi tầng lớp ưu tú của Giê-ru-sa-lem với Hêrôđê đứng đầu, vẫn khép kín với ánh sáng này.

Thánh vịnh 71 (72)

       Thánh vịnh 71 (72) bằng tiếng Do Thái có tựa đề là “Của Sa-lô-môn” ; và quả thật, dung mạo của vị vua được ca tụng trong thánh vịnh này rõ rệt là của Sa-lô-môn, trong vai trò thẩm phán khôn ngoan và nhân từ, trong mức độ và sự giàu có của vương quốc của ông, và trong danh tiếng của ông từ những vùng đất xa xôi của Saba và Seba. Sa-lô-môn được nhắc đến trong suốt thánh vịnh này, nhưng thánh vịnh này kết thúc với ghi chú “Kết thúc những lời cầu nguyện của Đa-vít, con của Giét-sê” (câu 20). Nói cách khác, thánh vịnh này cũng gợi lên dung mạo của Đấng Mêsia, người phải là con cháu của Vua Đa-vít, sinh ra tại Belem.

Bài đọc II : Ep 3, 2-3a. 5-6

       Phaolô không dùng từ “hiển linh”, nhưng nó giống như vậy. Phaolô biết mình là người mang một “sự mặc khải”, một “mầu nhiệm” … bây giờ được tiết lộ cho các thánh Tông đồ của Chúa và cho các tiên tri”, và là điều Thiên Chúa “đã mặc khải cho Phaolô biết”. Sự trở lại của chính Phaolô đã là một sự soi sáng, và ông biết mình được ủy thác cho sứ mệnh làm cho “tất cả các dân tộc” biết đến “việc loan báo Tin Mừng” và biết sự họ được liên kết với lời hứa và cơ nghiệp, trước tiên được ban cho Israel và bây giờ cho Giáo Hội trẻ và cho các quốc gia.

Tin Mừng : Mt 2, 1-12

       Chúa Giêsu, dù là người Ga-li-lê hoàn toàn, đã thực sự được sinh ra tại “Belem thuộc xứ Giu-đê, trong thời Vua Hêrôđê Đại đế”. Chúng ta được định vị chính xác về lịch sử. Còn về “các đạo sĩ đến từ phương Đông”, người ta không biết nhiều về cuộc hành trình của họ và về “ngôi sao ở phương đông” đã dẫn đường cho họ. Nhưng cách tiến hành của họ rất rõ ràng và chân thành: họ đến để gặp “vua dân Do Thái mới sinh ra”, để tôn thờ Ngài và dâng lên Ngài những món quà xứng đáng của một vị vua. Tin tức lan đi rằng vua Hêrôđê và thành Giêrusalem đã kinh hoàng, khiếp đảm. Hêrôđê giả vờ quan tâm đến Kinh Thánh và triệu tập các đạo sĩ để tìm hiểu thêm về sự ra đời này, lấy cớ muốn phục lạy trước Hài nhi mới sinh. Các đạo sĩ tỏ lòng tôn kính với Hài nhi, sau đó trở về nhà mà không báo cáo với Hêrôđê.

 

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.