CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT IV-PS_C, 08-5-2022: VÔ SỐ NGƯỜI ĐƯỢC CỨU ĐỘ

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT IV-PS_C, 08-5-2022

֎

VÔ SỐ NGƯỜI ĐƯỢC CỨU ĐỘ

Phaolô và Banaba hiến mình hoàn toàn cho việc loan báo Tin Mừng cho các dân tộc. Thánh vịnh gia cũng hiểu rằng toàn trái đất được kêu gọi phụng thờ Thiên Chúa duy nhất. Về phần mình, Gioan ở đảo Patmos chiêm ngưỡng vô số người được cứu độ đang tiến đến ngai Thiên Chúa.

Bài đọc I : Cv 13, 14. 43-52

Phaolô và Banaba đi đến Antiôkia Pisidia vào một ngày Sa-bát ; ban đầu hai ông được tiếp đón nồng hậu từ những người Do Thái quyết định theo hai ông. Ngày Sa-bát sau đó, “gần như cả thành” tập trung lại để lắng nghe hai ông. Nhưng có một số người Do Thái ghen tức : họ phản đối Phaolô, nhục mạ ông và khước từ bài phát biểu của ông. Đối mặt với sự từ khước này, Phaolô và Banaba quyết định dứt khoát quay về phía dân ngoại. Những dân ngoại này có mặt giữa đám đông vui mừng và tôn vinh Chúa. Hai nhà truyền giáo bị trục xuất ra khỏi thành, nhưng họ vẫn “tràn đầy hoan lạc và Thánh Thần”.

Thánh vịnh 99 (98)

Tác giả thánh vịnh kết hợp hai xác tín đức tin của dân Israel trong Kinh Thánh. Trước tiên là xác tín mình là dân được Thiên Chúa tuyển chọn và hướng dẫn như một mục tử chăn dẫn đàn chiên của Ngài. Xác tín thứ hai, được bốn thánh vịnh trước đó chia sẻ, cụ thể là toàn trái đất và mọi dân tộc được kêu gọi để “ca tụng” Chúa, tạ ơn và phục vụ Ngài. Ở đây có một ghi chú về ơn cứu độ phổ quát rất phù hợp với kế hoạch truyền giáo của Phaolô và Banaba, những người ngỏ lời với các dân ngoại ; và những lời kêu gọi đó đã được đón nhận lúc ban đầu. Nếu sự “ghen tị” của người Do Thái ở Antiôkia Pisidia khiến họ trở nên thù địch với Phaolô và Banaba, thì hai vị này vẫn kiên định trong ước muốn loan báo Tin mừng của Chúa Kitô ở nơi khác, và chứng thực, như tác giả thánh vịnh, rằng “tình yêu của Chúa là vĩnh cửu”.

Bài đọc II : Kh 7, 9. 14b-17

Gioan, người được thị kiến ở đảo Patmos, kể lại thị kiến của mình về một “đoàn người đông đảo không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ”. Thiên Chúa Đấng Cứu Độ không hề hẹp hòi : Ngài mở rộng ơn cứu độ của Ngài cho tất cả những người “đến từ cơn thử thách lớn lao” và những người đã được thanh tẩy “trong máu Con Chiên”. Từ rày trở đi, họ có thể thờ phượng Thiên Chúa “cả ngày lẫn đêm” trong thánh địện trên trời và được đến với “nguồn nước trường sinh”. Sau thử thách, tất cả chỉ là niềm vui, ánh sáng và hoan hỉ. Và chính ở giữa đám đông bao la này, Thiên Chúa sẽ “thiết lập nơi ở của Ngài” mãi mãi. Thiên đàng là thành đô của những người sống và của những tôi tớ chân chính của Thiên Chúa.

Tin Mừng : Ga 10, 27-30

Mặc dù đã nghe mọi diễn từ của Chúa Giêsu, được nuôi dưỡng bởi sự hiểu biết của Chúa về Kinh Thánh, và dù đã chứng kiến những lần Chúa chữa bệnh, người Do Thái vẫn đòi hỏi một sự khẳng định rõ ràng hơn về cương vị là Đấng Mêsia của Chúa. Thế nhưng, Chúa Giêsu không ngừng khẳng định rằng Ngài có Thiên Chúa là Cha ; rằng Chúa Cha đã sai Ngài đến thế gian vì tình yêu đối với thế gian, và “để thế gian nhờ Ngài mà được cứu độ” (Ga 3,17). Ngài cũng tự tuyên bố mình là “bánh ban sự sống”, là “bánh hằng sống” (Ga 6, 48. 51), là yếu tố dẫn đến sự sống đời đời. Xảy ra là người Do Thái và thậm chí một số môn đệ đã không tin. Chúa Giêsu luôn nói công khai, và Ngài cũng khẳng định mình là “mục tử tốt lành, mục tử đích thực, hy sinh mạng sống vì đàn chiên của Ngài” (Ga 10, 11).

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.