CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT III PHỤC SINH_B, 18-4-2021 “HẠNH PHÚC Ở ĐÂU?”

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH_B, 18-4-2021

“HẠNH PHÚC Ở ĐÂU?”

           Đã được tha thứ, Phêrô mời những người Do Thái từng “chối bỏ Chúa Giêsu trước mặt Philatô” hãy sám hối. “Ai sẽ cho ta thấy hạnh phúc?”, tác giả Thánh vịnh trả lời: Vị đó là Thiên Chúa-Ánh Sáng (Đèn Trời soi xét). Và các môn đệ đi đường Emmaus tìm lại được bình an trong “sự hiểu biết Kinh Thánh” và “việc bẻ bánh”.

Bài đọc I: Cv 3, 13-15. 17-19     

           Phêrô ngỏ lời với những “người Israel”, gợi lên Thiên Chúa của các tổ phụ và cha ông là Đấng đã “tôn vinh tôi tớ Ngài”. Từ Cựu ước đến Tân ước, vẫn chỉ có một Thiên Chúa. Tuy nhiên, trong các câu 13-15, Phêrô tố giác thái độ đáng xấu hổ và bất công của người Do Thái (những người được nhắc tới chín lần cách ‘hơi khó nghe’ bởi đại từ “anh em”), những người đã nộp Chúa Giêsu cho Philatô và thích xin tha cho một “kẻ giết người” hơn là tha cho “Đấng Thánh” và “Đấng Công Chính”. Tuy nhiên, loạt lời nói này của Phêrô chống lại người Do Thái đã được làm giảm nhẹ, vì Phêrô thừa nhận rằng người Do Thái đã hành động “vì không biết”, như những người lãnh đạo của họ cũng vậy. Từ sự thừa nhận này, Phêrô có thể chuyển sang một lời rất mạnh khuyến khích hoán cải: “Vậy anh em hãy ăn năn hối cải và quay về Thiên Chúa”.

Thánh vịnh 4

           Khổ thơ đầu tiên của thánh vịnh là một lời van xin : tiếng kêu lên Chúa, lời ám chỉ của tác giả thánh vịnh về cảnh khốn quẫn của tác giả và lời kêu gọi lòng thương xót của Chúa. Nhưng đừng nhầm lẫn : thánh vịnh  này đã cho thấy sự tin tưởng sẽ có được câu trả lời. Hai khổ thơ sau chứng tỏ rằng tin như vậy sẽ không vô ích. Tác giả thánh vịnh xác nhận trước cử tọa rằng Chúa nghe thấy tiếng kêu của ông và chăm sóc ông. Trong khi “nhiều người hỏi, ‘Ai sẽ cho ta thấy hạnh phúc ?’”, tác giả thánh vịnh giờ đây biết rằng chỉ ánh sáng của tôn nhan Thiên Chúa mới có thể mang lại hạnh phúc. Vì vậy, tác giả được an bình và đêm ngủ yên hàn, vì Chúa cho tác giả “được […] yên lòng”.

Bài đọc II :  1 Ga 2, 1-5a

           Gioan đề cập một cách đúng đắn vấn đề tội lỗi, khởi đi từ cái nhìn của ông về Thiên Chúa là ánh sáng (1 Ga 1, 5). Tất nhiên, chúng ta phải tìm cách tránh tội lỗi, nhưng “nếu ai trong chúng ta phạm tội”, thì người ấy cần luôn biết rằng “chúng ta có một người bảo vệ trước mặt Chúa Cha”. Đức Kitô đã tự hiến mình làm của lễ hy sinh để tha tội, tội của chúng ta và của toàn thế giới. Kinh nghiệm về tội được tha, giúp chúng ta biết được chiều sâu của tình yêu của Đức Kitô dành cho chúng ta và (giúp ta) tìm lại được con đường chân lý bằng cách tuân giữ “lời Ngài”. Sự hoàn thiện không đạt được bằng sự thiếu vắng tội lỗi, nhưng bằng sự nhìn nhận Thiên Chúa thương xót.

Tin Mừng : Lc 24, 35-58

           Vui mừng vì đã được gặp Đấng Phục Sinh, các môn đệ Emmaus kể lại kinh nghiệm của họ cho các Tông đồ, là những người vẫn chưa nhìn thấy Đấng Phục Sinh. Và kìa Chúa Giêsu hiện ra cho họ và cầu chúc họ bình an. Nhưng các Tông đồ và những bạn đồng hành của họ vẫn bị đông cứng vì sợ hãi và ngao ngán. Chúa Giêsu cho họ xem tay chân của mình và mời họ chạm vào Ngài. Niềm vui dâng trào trong lòng họ, nhưng niềm vui đó vẫn mong manh: họ dừng lại ở “sự ngỡ ngàng”. Hai môn đệ Emmaus đã chia sẻ bánh với Chúa Giêsu, còn bây giờ, các Tông đồ chia sẻ cá, như khi xưa Chúa Giêsu hóa bánh và cá ra nhiều. Chúa Giêsu thật sự mở trí cho các Tông đồ hiểu Kinh thánh. Giờ đây họ sẵn sàng làm chứng về sự phục sinh của Ngài.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.