CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT III-MÙA VỌNG_A, 11-12-2022 ֎ THÁNH THI MỪNG VUI LÊN

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT III-MÙA VỌNG_A, 11-12-2022

֎

THÁNH THI MỪNG VUI LÊN

Tiên tri Isaia, với những lời kêu gọi hãy vui lên và tầm nhìn rộng lớn của ông về ơn cứu độ, đã tạo ra cung điệu cho biết niềm vui sắp tới khi Đấng Cứu Độ chào đời. Thánh vịnh và Tin Mừng cũng dựa vào vị tiên tri vĩ đại Isaia để mô tả ơn cứu độ đang ghi dấu ở phía chân trời.

Bài đọc I : Is 35, 1-6a. 10

Vị tiên tri sống vào thế kỷ thứ VIII trước Công nguyên mang đến cho chúng ta một tài liệu tuyệt vời, như thấy có trong bộ sưu tập tuyệt vời của ông. Có một lời kêu gọi mạnh mẽ hãy vui lên, hãy mừng rỡ, hãy hân hoan múa nhảy reo hò, đó là truyền thống của Chúa Nhật thứ 3 của Mùa Vọng. Thiên Chúa biến đổi sa mạc thành những cánh đồng đầy hoa, Ngài làm cho vinh quang của Ngài tỏa sáng ở Liban và trên những nơi cao của núi Carmel trong đồng bằng Saron. Vị Thiên Chúa này, Đấng chăm sóc các tạo vật của mình như thế, đã dùng quyền năng của mình để phục vụ những “bàn tay rã rời” và những “đầu gối bủn rủn”. Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo, tỏ mình ra là Đấng cứu độ, chữa lành và giải phóng. Chúng ta sẽ gặp thấy trong Tin Mừng hôm nay chính những người được hưởng ơn cứu độ : người mù, người điếc, người què, người câm. Đúng vậy, Thiên Chúa đến trong lễ Giáng Sinh có quyền năng xua đuổi mọi “nỗi đớn đau và sự than phiền”.

Thánh vịnh đáp ca : Tv 145 (146)

Điệp khúc của thánh vịnh này được rèn đúc từ câu 4 của bài đọc thứ nhất và hoàn toàn phù hợp với lòng chờ mong sống động của dân Thiên Chúa: “Lạy Chúa, xin hãy đến cứu độ chúng con!”. Hơn nữa, ba khổ thơ của thánh vịnh dường như được gợi hứng trực tiếp từ thị kiến của Isaia về ơn cứu độ, đặc biệt với danh sách đầy đủ hơn về những người được hưởng ơn cứu độ : người bị áp bức, người đói khát, người tù tội, người mù loà, người bị nhấn chìm, người công chính, người ngoại kiều, người mồ côi. Ở đây, chúng ta cũng thấy có nhiều điểm giống với sứ mệnh được Chúa Giêsu giao cho các môn đệ là nói cho Gioan Tẩy giả biết tác vụ của Chúa và việc loan báo Tin Mừng của Chúa diễn ra như thế nào.

Bài đọc II : Gc 5, 7-10

Những chờ mong Đấng Thiên Sai đã được nói tới rất nhiều trong Do Thái giáo khi gần đến kỷ nguyên mới do Chúa Giêsu khai mạc. Những phong trào thanh tẩy nở rộ, những người Pharisiêu, người Sađucêô và người Essênien háo hức chờ đợi Đấng cứu độ của Israel. Vào lúc thánh Giacôbê viết bức thư của mình, thì Đấng Cứu Độ đã đến trong con người của Chúa Giêsu. Sau sự phục sinh của Đức Kitô, Giacôbê đã chú ý tới ​​một “sự đến nữa của Chúa”, đến vào lúc kết thúc thời gian. Nhưng Giacôbê không nói về sự háo hức, mà thay vào đó, ông nói về sự chịu đựng và sự kiên nhẫn, và Giacôbê yêu cầu cộng đoàn của mình noi theo sự chịu đựng và kiên nhẫn của “các tiên tri đã nói nhân danh Chúa”.

Tin Mừng : Mt 11, 2-11

Gioan Tẩy giả đã hoàn thành tốt đẹp sứ mệnh tiền hô và tiên tri của mình, đến nỗi ông đã bị Hêrôđê bỏ tù, vì Hêrôđê không thể chịu nổi những lời chỉ trích của Gioan. Từ nơi bị giam tù, Gioan nghe biết về những việc Đức Kitô làm, và Gioan muốn biết thêm. Người ta nghi ngờ Gioan có một hoài nghi nào đó về những thành công của Chúa Giêsu: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác ? Để trả lời, Chúa Giêsu sử dụng lại ngôn ngữ của Isaia, mà Gioan biết khá rõ: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, …, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng ! Ngỏ lời với các môn đệ của Gioan, Chúa Giêsu nói toàn những điều tốt đẹp về Gioan : Gioan “còn hơn cả ngôn sứ nữa” và, “trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả”.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.