Thứ Bảy Tuần II Mùa Vọng – Ngày 10/12/2022

Lời Chúa: Mt 17,10-13

Khi xuống núi, các môn đệ hỏi Chúa Giêsu rằng: “Tại sao các luật sĩ lại nói Elia phải đến trước đã?” Chúa Giêsu trả lời: “Thật Elia phải đến để chấn hưng mọi sự. Và Thầy bảo các con, Elia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông, nhưng đã đối xử với ông như ý họ. Cũng vậy, Con Người sẽ phải đau khổ bởi họ”. Bấy giờ các môn đệ hiểu Chúa Giêsu nói với họ về Gioan Tẩy Giả.

 


Suy niệm

KHƯỚC TỪ

Thầy bảo các con, Elia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông, nhưng đã đối xử với ông như ý họ (Mt 17,12).

Câu hỏi mà các môn đệ hỏi Chúa Giêsu về sự trở lại của ngôn sứ Êlia không phải là ngẫu nhiên nhưng xuất phát từ niềm tin mà các ông đã được lãnh nhận. Chúa Giêsu khẳng định cho các môn đệ biết là Êlia đã đến nhưng dân không nhận ra và đã đối xử theo ý họ. Tình cảnh thật oái oăm: Dân biết đang mong chờ điều gì để rồi khi điều mong chờ đến, lại không nhận ra và đối xử theo cách của mình. Tại sao dân không nhận ra?

Bài đọc một ở sách Huấn Ca diễn tả niềm tin của dân Do Thái về sự trở lại của ngôn sứ Êlia như vị tiền phong. Sứ mạng của Êlia là dọn đường cho Đấng Mêsia đến bằng cách kêu gọi dân chúng sám hối và khôi phục lại các mối tương quan bị thương tổn bởi tội lỗi (x. Hc 48,10). Tuy nhiên, theo dòng thời gian quan niệm về sự trở lại của Êlia được thêm từng chút, cho đến khi người Do Thái tin là chẳng những Êlia đến mà còn khôi phục lại mọi sự trước khi Đấng Mêsia đến, nghĩa là ông chuẩn bị thế giới sẵn sàng, xứng hợp cho Đấng Mêsia. Theo nghĩa đó, Êlia sẽ là một nhà cải cách vĩ đại, ông sẽ đi khắp thế gian để tiêu diệt điều ác, sửa sang lại mọi sự cho ngay chính. Kết quả là dân chỉ nghĩ đến nhà tiền phong và Đấng Mêsia theo nghĩa quyền lực . Do đó, khi Gioan Tẩy Giả thi hành sứ mạng dọn đường cho Đấng Mêsia đến như sứ mạng của ngôn sứ Êlia là kêu gọi dân chúng sám hối thì dân đã không đón nhận. Vì dân nghĩ Êlia thi hành sứ mạng theo nghĩa quyền lực: Êlia phải làm thế này, thế kia thì mới là Êlia đích thật. Gioan Tẩy Giả thi hành sứ mạng không hợp với quan niệm của dân nên đã từ chối và hành xử tệ với ông. Nếu như dân không đón nhận Gioan Tẩy Giả như nhà tiền phong thì họ cũng sẽ không nhìn nhận Chúa Giêsu như là Đấng Mêsia.

Nếu như theo dòng thời gian, sự thêm từng chút về quan niệm trở lại của Êlia đã làm mất đi ý nghĩa sứ mạng tiền phong ban đầu. Vì không nhớ đến sứ mạng đích thật của nhà tiền phong nên dân đã từ chối và hành xử với Gioan Tẩy Giả theo cách của họ. Ngày hôm nay, thái độ và cách hành xử của dân Do Thái đối với Gioan Tẩy Giả cũng đang phản phất nơi thái độ sống của mỗi người chúng ta. Chúng ta biết rằng: Tha nhân là hình ảnh của Chúa hay Chúa hiện diện nơi những con người bé mọn (x.Mt 25,31-46). Nếu ý thức rõ điều này thì khi gặp gỡ tha nhân, chúng ta sẽ có lời nói hay thái độ xứng hợp với tất cả mọi người. Tuy nhiên, theo dòng thời gian bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ thực dụng, tức là đánh giá con người dựa trên giá trị tài sản vật chất mà họ sở hữu. Thái độ và lời nói của chúng ta đối với tha nhân bắt đầu có sự khác biệt và đôi khi không đủ tôn trọng với một số người. Chính khi có thái độ phân biệt với từng người là lúc chẳng những chúng ta quên đi ý nghĩa “tha nhân là hình ảnh của Chúa” mà còn là lúc chúng ta đang khước từ Chúa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết duyệt xét lại thái độ sống với tất cả mọi người mà chúng con gặp gỡ. Nhờ đó, chúng con biết sửa đổi để có thái độ xứng hợp với niềm tin: Mỗi khi chúng con đối xử với tha nhân là như làm cho chính Chúa vậy.


Comments are closed.