CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT III Mùa CHAY_C, 20-3-2022 THIÊN CHÚA KHÔNG NGỪNG KHIẾN TA NGẠC NHIÊN

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT III Mùa CHAY_C, 20-3-2022

֎

THIÊN CHÚA KHÔNG NGỪNG KHIẾN TA NGẠC NHIÊN

Thiên Chúa đã có một liên hệ đẹp với các tổ phụ Abraham, Isaac và Giacop. Nhưng Thiên Chúa vẫn còn nhiều điều phải nói với chúng ta về mối liên hệ ấy : đối với Môsê, cũng như đối với người được thị kiến trong sách Khải Huyền, Thiên Chúa là Đấng tự hữu, đã đến, và sẽ đến”. Thiên Chúa luôn là tình yêu, sự dịu dàng và lòng thương xót.

Bài đọc I : Xh 3, 1-8a. 10. 13-15

Lần đầu tiên, Môsê được đến “núi của Chúa, là Horeb”, còn gọi là núi Sinai. Chính tại nơi đây, ông đã trở thành nhân chứng về một trong những cuộc thần hiển “rực rỡ” nhất của Cựu ước : sự xuất hiện của thiên sứ của Chúa, ngọn lửa bụi gai “cháy mà không bị thiêu rụi”, và đặc biệt là một diễn từ dài của Thiên Chúa, (một diễn từ) giàu những mạc khải về những gì Chúa dự định làm để “giải cứu [dân Do Thái] khỏi tay người Ai Cập”, và thậm chí còn nhiều hơn nữa (mạc khải) về danh tính của chính Thiên Chúa : Thiên Chúa mạc khải mình là “Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacop”. Về phần Môsê, ngay lần đầu tiên gặp Chúa này, ông đã nhận lãnh sứ mệnh mà Thiên Chúa giao cho ông :Này con đây!” Và Môsê ‘đẩy’ Thiên Chúa đến tận cùng, khi dám hỏi Chúa phải gọi Chúa như thế nào trước dân của Chúa. Thế nhưng, Thiên Chúa xác định mình bằng những hành động Ngài sắp thực hiện : theo nghĩa đen, tiếng Do Thái, “Ta là Đấng Ta là”.

Thánh vịnh 102 (103)

Thánh vịnh nêu lên cách rõ ràng những mặc khải cho Mô-sê về những “ý định” của Thiên Chúa, và có thể được coi là một thánh vịnh về giao ước ký kết tại Sinai. Giao ước này là kết quả của “những việc làm cao cả” của Thiên Chúa, Đấng “bảo vệ quyền lợi của những người bị áp bức” và là Đấng đối xử với họ bằng “tình yêu thương và sự dịu dàng”. Trong khổ thơ cuối cùng, tác giả thánh vịnh lặp lại lời tự mạc khải của Thiên Chúa, sau giai đoạn đúc con bê bằng vàng: “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34, 6). Mặt khác, câu cuối cùng của thánh vịnh bày tỏ lòng tôn kính đối với sự siêu việt của Thiên Chúa bằng những lời tương tự như của Isaia (Is 55, 8-10).

Bài đọc II : 1 Cr 10, 1-6.10-12

Bài đọc hai cùng chung quan điểm với bài đọc một. Phaolô cho ta một bản tóm tắt về cuộc xuất hành khỏi Ai Cập “của cha ông chúng ta”: được đám mây che mát ban ngày, việc đi qua Biển Đỏ mà Phaolô mô tả là “phép rửa tội”, ân huệ man-na và nước từ tảng đá (thức ăn và nước uống thiêng liêng). Theo Phaolô, “tảng đá đó là Chúa Giêsu Kitô”. Vị Tông đồ không quên lỗi lầm của một số đông những người đã “không biết làm đẹp lòng Thiên Chúa”, đã chết trong sa mạc, cũng như hình phạt của những người “đả kích” chống lại Mô-sê và chống lại Thiên Chúa. Phaolô viết, có một lời cảnh báo nghiêm trọng dành cho những Kitô hữu đầu tiên, trong hoàn cảnh “tận thế” và do đó đang chờ đợi sự trở lại của Đức Kitô.

Tin Mừng : Lc 13, 1-9

Người ta tường thuật cho Chúa Giêsu biết “vụ việc một số người Galilê bị Philatô tàn sát”. Lời giải thích của Chúa Giêsu về vụ việc này thách thức quan điểm truyền thống về sự thưởng phạt : người công chính được ban thưởng, còn tai họa chụp xuống kẻ ác. Chúa Giêsu từ chối cách giải quyết này: người ta không thể suy luận từ tai họa của những người Galilê này rằng họ là những người tội lỗi hơn những người khác. Cũng vậy về “mười tám người bị tháp Siloê đổ xuống” đè chết. Chúa Giêsu cho biết, không phải 18 người đó là “tội lỗi hơn tất cả những cư dân khác của Giêrusalem”. Chúng ta không được tìm cách lên án người khác, nhưng cần lo hoán cải chính mình. Chúa Giêsu mở rộng câu trả lời của mình bằng dụ ngôn về ông chủ (Thiên Chúa), vẫn kiên nhẫn với một cây vả cằn cỗi, vì hy vọng rằng nó sẽ sinh hoa kết trái “trong tương lai”.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ

.

.

.

.

.

  

.

Comments are closed.