CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT II-CHAY_B, 28-02-2021 TIN TRONG MỌI THỬ THÁCH

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT II-CHAY_B, 28-02-2021

TIN TRONG MỌI THỬ THÁCH

          Việc thử thách Abraham xem ra là bất nhân. Nhưng Thiên Chúa biết cách nhìn thấy chiều sâu đức tin của Abraham. Sự hy sinh Isaac đã không bao giờ xảy ra. Đức tin của Thánh Phaolô có cùng tính kiên cường và dựa trên ân sủng tối cao của Chúa Giêsu Kitô, “nộp mình vì tất cả chúng ta”. Từ bây giờ trở đi, Người Con biến hình là Đấng ta phải lắng nghe và đi theo cho đến cùng.

Bài đọc I: St 22, 1-2. 9-13. 15-18

          Thiên Chúa yêu cầu Abraham không sát tế ai khác ngoài con trai đầu lòng của ông, là Isaac. Yêu cầu của Thiên Chúa trái ngược với lời Chúa đã hứa với Tổ phụ, đặc biệt lời hứa về sự đông con nhiều cháu. Làm sao Thiên Chúa có thể tự mâu thuẫn với chính Ngài và đưa ra một yêu cầu tàn nhẫn như vậy? Abraham, người từng cố gắng thương lượng với Chúa cho thành Sôđôma được thoát nạn, đã nhanh chóng tuân theo lệnh Chúa, mà không phản đối. Thiên Chúa tỏ ra nhạy cảm trước sự vâng lời có tính gương mẫu của vị Tổ phụ, nên đã sai thiên thần đến với Abarham để ban cho ông ta phản lệnh là tha cho đứa trẻ. Lưu ý rằng người Do Thái gọi cảnh này là Aqedah, tức là “trói buộc [của Isaac]”. Về phần mình, truyền thống Kitô giáo coi đó là hình ảnh về sự hiến tế Người Con Một của Chúa Cha, nguồn cứu độ cho muôn dân.

Thánh vịnh 115 (116)

          Tác giả thánh vịnh, một người ẩn danh, là một tín đồ kiên quyết, người đã biết đến đau khổ và xiềng xích. Chúng ta được đưa gần tới chủ đề của bài đọc I. Điệp khúc tóm tắt cuộc hành hương trần thế của tác giả thánh vịnh, người biết rằng mình không ngừng “bước đi trước mặt Chúa, trong cõi đất dành cho kẻ sống”. Tác giả muốn chứng tỏ đức tin của mình: “Tôi tin, và tôi sẽ nói”. Ông noi gương Abraham và nhận mình là “đầy tớ” của Chúa. Tuy nhiên, tác giả không bị thử thách như vị Tổ phụ. Của lễ tác giả dâng là của lễ “tạ ơn” và làm chứng trước mặt dân Chúa đang tụ tập tại Đền thờ.

Bài đọc II: Rm 8, 31b-34

          Trong một sự bay bổng thuyết phục nhất (Rm 8, 17-24), Phaolô gợi lên “những đau khổ của thời hiện tại”, “những đau đớn khi sinh nở” và những tiếng rên rỉ của “toàn thể tạo vật”. Ở đây, tất cả sự tin cậy của Phaolô đều đặt vào Thiên Chúa, Đấng đã “không dung tha Con mình, nhưng … đã phó nộp người Con ấy cho tất cả chúng ta”. Thiên Chúa, ngày xưa ra lệnh cho Abraham hiến tế đứa con duy nhất của Abraham, rồi sau đó hủy bỏ lệnh này, nay lại yêu cầu Con của mình đi đến tột cùng của tình yêu, khiến người Con này chết trên Thập giá. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho người Con này sống lại từ cõi chết và làm cho Ngài trở thành Đấng cầu thay cho chúng ta bên cạnh Thiên Chúa và nâng đỡ chúng ta trong mọi thử thách.

Tin Mừng: Mc 9, 2-10

          Chúa Giêsu vừa công bố lần đầu tiên cuộc Khổ nạn của Ngài, điều này đã khơi dậy những lời trách móc mạnh mẽ từ Phêrô (x. Mc 8, 32). Khoảng cách giữa Chúa Giêsu và Phêrô về vấn đề này là rất lớn, đến mức Chúa Giêsu phải nghiêm khắc chỉnh sửa người môn đệ hung hăng của mình (“Satan, lui lại đằng sau Thầy!” (Mc 8, 33). Tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn không quên trấn an Phêrô và các bạn đồng hành của ông, là Giacôbê và Gioan. Ngài đã đưa họ “lên một ngọn núi cao”,“biến đổi hình dạng trước mặt các ông”. Sự xuất hiện bất ngờ của Môsê và Êlia rõ ràng đánh dấu sự liên tục giữa Cựu ước và Tân ước. Chúa Giêsu vừa là Môsê mới, vừa là Êlia mới, và từ nay trở đi người ta phải lắng nghe Ngài. Sách luật Môsê và các tiên tri tìm thấy sự hoàn tất trong Chúa Giêsu.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.