CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT CHÚA BA NGÔI_C, 12-6-2022
֎
CAO CẢ THAY, MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA :
CHA, CON và THÁNH THẦN
Trong bài đọc I và II, đức tin của dân Do Thái vào Thiên Chúa duy nhất đi đôi với vô số tước hiệu được gán cho Ngài, khi nhìn nhận quyền năng của Thần Khí Ngài và vẻ đẹp của sự Khôn ngoan sáng tạo. Đang khi đó, chính Chúa Giêsu loan báo công việc chung của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Bài đọc I : Cn 8, 22-31
Đoạn trích này từ sách Châm ngôn đạt đến những cấp độ thần học rất được ưa chuộng trong Tân Ước. Sau này Khôn ngoan được mô tả là Ngôi Lời trong Lời Tựa của Tin Mừng theo thánh Gioan. Khôn Ngoan là “công trình đầu tiên” của Thiên Chúa, do Chúa tấn phong “từ nguyên thủy, trước khi trái đất xuất hiện”. “Được sinh ra”, Khôn Ngoan “lớn lên bên Chúa” để là niềm vui của Thiên Chúa và cũng để đùa vui với “con cái loài người”. Do đó, ở đây không nói đến một khôn ngoan lý thuyết, thuộc trí óc, mà là một Khôn Ngoan mang lại ánh sáng, ý nghĩa và vẻ đẹp cho công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
Thánh vịnh 8
Tác giả Thánh vịnh ngây ngất trước sự vĩ đại của danh Thiên Chúa và trước sự bao la của vũ trụ cũng như sự đa dạng của các loài động vật là thành phần của vũ trụ. Thoạt đầu, ông nhận ra rằng con người là một phần quá nhỏ bé của vũ trụ đến nỗi có lẽ Chúa không quan tâm. Nhưng hoàn toàn ngược lại mới là đúng. Thiên Chúa đã ban cho con người “vinh quang và danh dự” làm mũ triều thiên và cho con người “làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo”. Khi cầu nguyện với bài thánh vịnh này, làm sao ta không được gợi hứng từ tiền xướng mở đầu và thêm vào phần kết luận: “Thật lớn lao, danh con người, và sứ mệnh của con người trong vũ trụ vĩ đại biết bao!”
Bài đọc II : Rm 5, 1-5
Chính khái niệm về Chúa Ba Ngôi sẽ được đào sâu trong các tác phẩm của các Tông Phụ (tức ‘các tác giả Kitô-giáo, hữu danh hoặc vô danh, có liên hệ thực sự hoặc giả định với các tông đồ’). Nhưng người ta đã phát hiện nơi Thánh Phaolô một quan niệm năng động trong những quy gán cho Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, (là những quy gán) bổ sung cho nhau một cách tuyệt diệu. Kinh nghiệm về Thiên Chúa Ba Ngôi được thực hiện với sự bảo đảm chắc chắn của các nhân đức đối thần. Theo Phaolô, chúng ta được nên công chính và được bình an với Thiên Chúa là nhờ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta (đức tin). Và chính nhờ Chúa Thánh Thần mà “tình yêu của Thiên Chúa đã tuôn đổ vào tâm hồn chúng ta” (đức ái). Cuối cùng, Phaolô, người nếm trải gian truân, gợi lên sự trung kiên dẫn đến “niềm trông cậy không gây thất vọng”, và đây là điểm hợp lưu của đức tin và đức ái.
Tin Mừng : Ga 16, 12-15
Trong Diễn từ Biệt Ly với các môn đệ, ở Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã trả lời nhiều câu hỏi của họ: đặc biệt là câu hỏi của Phêrô, của Tôma và của Philípphê. Những vị này đã đồng hành với Chúa Giêsu trong cuộc rao giảng lưu động của Ngài, nhưng họ chưa học được mọi điều, cũng như chưa hiểu hết mọi điều. Nhưng Chúa Giêsu hứa sẽ sai đến với họ “Thần Khí sự thật [sẽ dẫn họ] vào sự thật toàn vẹn”. Thật vậy, chính Thần Khí sự thật tiếp tục hướng dẫn các môn đệ, và sẽ ban cho Marcô, Mathêu, Luca và Gioan được nếm thử và có các từ để viết, mỗi người theo cách riêng của mình, Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Và cũng chính Thần Khí này sẽ hướng dẫn các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi qua các bức thư của các tông đồ. Các sách Tin Mừng và các thánh thư này, cùng với sách Khải Huyền, là kho tài liệu giúp chúng ta nhận ra công việc của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.