CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 31-TN_A, 05-11-2023 ֎ LUẬT PHÁP GIẢI PHÓNG

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 31-TN_A, 05-11-2023

֎

LUẬT PHÁP GIẢI PHÓNG

Luật pháp do Mô-sê ban hành là thành luỹ bảo vệ đức tin của dân Israel. Luật đó là sự hướng dẫn chứ không phải sự cưỡng bức, là tự do chứ không phải nô lệ, là hạnh phúc chứ không phải gánh nặng. Tuy nhiên, các tiên tri đã phải cảnh giác để sửa chữa mọi sai lệch thuần túy nệ luật.

Bài đọc I : Ml 1, 14b-2,2b.8-10

Sách tiên tri Ma-la-ki được viết vào khoảng năm 450 trước Công nguyên. Tên của tiên tri chỉ đơn giản có nghĩa là “sứ giả của tôi, người được tôi sai đi”, và tựa đề đặt cho cuốn sách của ông, “Công bố”, thông báo một lời chỉ trích nhằm vào giới tư tế Lê-vi. Tuy nhiên, hai tiên tri trước Ma-la-ki, là Khac-gai và Da-cha-ri-a, đã khôi phục lại sức sống và sự cao quý cho việc thờ phượng được thực hiện trong đền thờ Giê-ru-sa-lem được tái thiết. Nhưng tinh thần của Giao ước với tổ tiên dân Israel đã bị mất đi và Ma-la-ki cáo buộc các tư tế thời đó đã phản bội dân và “biến Lề luật thành dịp sa ngã”. Một lời buộc tội rất giống với lời được Chúa Giêsu nói ra chống lại những người Pha-ri-siêu!

Thánh vịnh đáp ca : Tv 131 (130)

Ngược lại với những gánh nặng do hàng giáo sĩ đặt ra vào thời tiên tri Ma-la-ki, tác giả thánh vịnh ở đây đề xuất một linh đạo mà ngày nay chúng ta gọi là “linh đạo đơn sơ tự nguyện” hoặc thậm chí là “linh đạo thơ ấu”, như linh đạo đã được Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu ca tụng và sau đó sống. Thánh vịnh này là một phần của tập sách “Ca khúc lên Đền”, gắn liền với cuộc hành hương đến Giêrusalem và việc đón tiếp những người hành hương do những thầy Lêvi thực hiện khi người hành hương đến cổng Đền thờ. Do đó, thánh vịnh 131 (130) này trình bày một sự thay thế cho thứ tôn giáo, nệ luật và thiên vị, mà tiên tri Ma-la-ki đã kịch liệt lên án.

Bài đọc II : 1 Tx 2,7b-9.13

Cách tiếp cận của Thánh Phaolô đối với tín hữu Thê-sa-lô-ni-ca, thấm nhuần sự “dịu dàng” như sự dịu dàng của một “người mẹ chăm sóc bao bọc con mình”, đủ để làm cả tiên tri Ma-la-ki lẫn người hát Thánh Vịnh 131 (130) vui mừng. Thái độ của vị Tông đồ, mặc dù tự hào về việc mình được đào tạo theo giới Pha-ri-siêu, vẫn là dứt khoát so với các tư tế thời tiên tri Ma-la-ki và những người Pha-ri-siêu thời Phaolô. Phaolô thuận theo một cách tiếp cận trìu mến và thân mật, tập trung vào “lời nói” và “Tin Mừng của Thiên Chúa”, chứ không phải vào một loạt các nghi thức và giới luật áp dụng theo mặt chữ, gây phương hại đến sự chân thành của con tim và sự tự do của các tín hữu.

Tin Mừng : Mt 23, 1-12

Phê phán lời giảng dạy và thái độ của “các kinh sư” và “người Pha-ri-siêu”, sứ điệp của Chúa Giêsu hoàn toàn tiếp nối với sứ điệp của các tiên tri. Chắc chắn là khó nghe, nhưng bổ ích. Chúa Giêsu chủ yếu không hài lòng về sự không hoà hợp giữa lời nói và hành động của những người Pha-ri-siêu: “Họ nói mà không làm”. Thật không may, họ lại tìm kiếm sự nổi tiếng, uy thế và hào quang. Tất cả điều này thật đáng buồn, nhưng Chúa Giêsu đưa ra một con đường khác thay thế, đó là con đường khiêm nhường và phục vụ người khác. Không giống như những người Pha-ri-siêu, Chúa Giêsu đi từ lời nói đến hành động: Ngài là vị Tôn Sư đích thực và “duy nhất”. Lời dạy mà Chúa đưa ra luôn đồng nhất với cuộc sống của Ngài.

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.