Ngày nay khoa học tiến bộ, người ta có thể biết trước về phái tính, hình thể cũng như tình trạng sức khoẻ của đứa trẻ sắp sinh ra. Vậy luân lý Kitô giáo có cho phép chẩn đoán tiền sinh không?Có được phá phôi thai không?
I. CHẨN ĐOÁN TIỀN SINH
Đây là một vấn đề mới mẻ nên chưa có quy định trong Giáo Luật 1983. Tuy nhiên, được cập nhật hóa bằng Huấn Thị Donum Vitae (Hồng Ân Sự Sống) của Thánh Bộ Về Giáo Lý Đức Tin ngày 22/2/1987, do Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, bây giờ là Đức Giáo Hoáng Bê-nê-đíc-tô thứ 16 nghỉ hưu.
Huấn Thị chỉ dẫn như sau (số 2):
– Nguyên tắc chung: Nếu việc chẩn đoán tiền sinh (prénatal) tôn trọng sự sống và sự toàn vẹn của phôi thai người và nó nhằm mục đích bảo vệ hay chữa trị phôi thai thì được phép.
Áp dụng:
1/ Được phép chẩn đoán phôi thai với điều kiện:
– Cha mẹ ưng thuận, sau khi đã hiểu rõ vấn đề.
– Phương pháp thực hiện không làm tổn hại sự sống và sự toàn vẹn của thai nhi, cũng như sự sống của người mẹ, không gây những hậu quả tiêu cực nghiêm trọng không tương xứng.
2/ Không được phép trong những tình huống như sau:
– Khi việc chẩn đoán trái với luật đạo đức một cách nghiêm trọng, khi để đạt tới kết quả, tiên liệu việc phá thai (ví dụ: khi kết quả cho biết phôi thai có tật hay mang bệnh di truyền sẽ phá huỷ bào thai).
– Khi người phụ nữ xin chẩn đoán với ý định rõ rệt là sẽ phá thai, nếu kết quả chẩn đoán xác nhận phôi thai có dị hình dị tật, thì người đó làm một việc trái luật nghiêm trọng.
– Là hành động trái với đạo đức, khi người chồng, bà con hay bất cứ người nào khác, khuyên hay ép buộc người phụ nữ mang thai đi chẩn đoán với ý định có thể phá thai.
Như vậy, khi chẩn đoán với ý hướng tốt (số 1/), rồi dùng sự can thiệp của y khoa để chữa trị, cải thiện tình trạng sức khoẻ hoặc kéo dài sự sống của phôi thai, thì sự can thiệp đó là được phép, giống như khi chữa trị cho bệnh nhân. Đức Giáo Hoàng Gio-an Phaolô II đã nói rõ về tính chính đáng và các tiêu chuẩn của sự can thiệp nói trên như sau:
“Một can thiệp chỉ nhằm chữa trị các bệnh tật, như bệnh của các nhiễm sắc tố có khuyết điểm, thì trên nguyên tắc, được coi là nên làm, miễn là nó góp phần thực sự làm cho con người sống dễ hơn, mà không phạm tới sự toàn vẹn hay làm giảm suy các điều kiện sống của nó. Một sự can thiệp như vậy nằm trong chiều hướng hợp lý của truyền thống đạo đức Kitô giáo” (Gioan Phaolô II, Diễn văn trước những người tham dự khoá 35 Hiệp Hội Các Thầy Thuốc Thế Giới, 29.10.1983: AAS 76, tr.32 (DC 1983, no 1863, tr.1086).
II. PHÁ PHÔI THAI
Nếu thai nhi chỉ mới ở trong tình trạng phôi, hoặc mới ở trong những ngày đầu, thì có được phép hút nạo không?
1. Cựu Ước xác tín rằng
Sự sống được cha mẹ truyền cho, có nguồn gốc từ nơi Thiên Chúa, như nhiều trang Thánh Kinh đã chứng thực, khi trân trọng và thân thương nói về việc thụ thai, việc sự sống thành hình trong lòng mẹ, việc chào đời và mối dây liên hệ chặt chẽ giữa giây phút đầu tiên của sự sống và tác động của Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành:
“Trước khi Ta nắn ra ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi” (Gr 1,5): cuộc đời mỗi cá nhân, ngay từ đầu, đã ở trong kế hoạch của Thiên Chúa. Trong đáy vực đau khổ, ông Gióp vẫn nán lại để chiêm ngắm kỳ công của Thiên Chúa trong cách thức lạ lùng Chúa tác tạo nên thân ông trong lòng mẹ, từ đó ông rút ra lý do để tin cậy và bày tỏ niềm xác tín về dự tính của Chúa trên đời ông: “Tay Ngài đã nặn và tạo nên tôi, rồi đổi ý, Ngài muốn huỷ tôi! Xin hãy nhớ, Ngài đã dựng nên tôi từ đất sét, rồi Ngài sẽ đưa tôi về đất bụi. Ngài đã chẳng đổ tôi như sữa, và làm tôi đặc lại như sữa đặc lên men sao? Ngài đã chẳng lấy da thịt mặc cho tôi và dệt tôi bằng gân cốt sao? Ngài đã cho tôi sự sống và máu nóng, và ân cần săn sóc hơi thở tôi”(G 10,8-12) (ĐGH Gioan-Phaolô II, Tin Mừng Về Sự Sống, Roma 25.3.1995, số 44).
2. Mặc khải trong Tân Ước
Đưa ra bằng chứng xác quyết việc nhìn nhận không chối cãi được giá trị của sự sống từ khi nó bắt đầu hình thành. Những lời bà I-sa-ve tả nỗi vui mừng được mang thai cũng đề cao việc có đứa con và hăm hở đón chào một người con: “Chúa đã khấng cất nỗi khổ của tôi” (Lc 1,25). Nhưng giá trị của con người ngay từ khi thành thai, càng được tôn trọng hơn nữa trong dịp Đức Maria gặp bà I-sa-ve, cũng như việc gặp gỡ giữa hai hài nhi còn trong lòng hai bà mẹ. Chính hai người con ấy tiết lộ sự đăng quang của thời đại Mê-si-a: trong cuộc gặp gỡ giữa hai hài nhi, sức mạnh cứu độ do việc hiện diện của Con Thiên Chúa ở giữa loài người bắt đầu hoạt động […] (Sđd, số 45).
Như thế, Cựu ước cũng như Tân ước đã không ấn định thời điểm sự sống hình thành, nhưng xác quyết sự sống đã có mặt ngay giây phút đầu tiên.
3. Lập trường của Giáo Hội
Giáo Hội vẫn duy trì lập trường cho rằng sự sống con người đã có khi thụ tinh, nghĩa là khi tinh trùng đã kết hợp với trứng thành phôi, chứ không phải vào một thời điểm nào đó trong tiến trình phát triển của phôi thai.
-“Sự sống của con người là thánh thiêng, vì ngay từ trong cội nguồn của nó, nó đòi hỏi hành động sáng tạo của Thiên Chúa” (ĐGH Gio-an 23, Thông điệp Mẹ và Thầy, 15.5.1961).
– “Sự sống con người phải được tôn trọng và bảo vệ một cách tuỵệt đối, ngay từ lúc thụ thai” (Hiến Chương Các Quyền Gia Đình, số 4, DC 1983, no 1864, tr.1155).
– “Ngay từ khi trứng thụ tinh, đã khởi đầu một sứ sống mới, vốn không phải là sự sống của người cha, cũng không phải là sự sống của người mẹ, nhưng là của một con người mới, nó có thể tự mình phát triển” (Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Tuyên Ngôn Về Việc Phá Thai, số 12-13; ASS 66 (1974), tr.738, (DC 1974, no 1666, tr.1070-1071).
Tóm lại, Giáo Hội vẫn giữ lập trường rõ ràng và dứt khoát, đó là:
“Kết quả của việc sinh hạ con người ngay từ giây phút hiện hữu đầu tiên của nó, nghĩa là từ lúc hợp tử được cấu tạo, đòi hỏi con người phải được tôn trọng cách vô điều kiện trong toàn bộ thể xác và linh hồn. Con người phải được tôn trọng và đối xử như một nhân vị ngay từ lúc thụ thai, và do đó, ngay từ giờ phút ấy, phải nhìn nhận nơi đó những quyền của nhân vị, trong số đó, phải kể trước tiên quyền được sống của mọi con người vô tội, đây là một quyền bất khả xâm phạm” (Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn Thị Donum Vitae, số I,1, Roma 22.02.1987).
Lm.Anphong Nguyễn Công Vinh