CẢM NGHIỆM MỤC VỤ ƠN GỌI
“Vì ngoài Ngài ra con tìm đâu thấy bình an…”
Tản mạn lại một khoảnh khắc: Tờ mờ sáng sớm đầy sương của ngày 22/10, lớp chúng tôi (khóa XIV) đã cất cao bài hát của nhạc sĩ Phùng Minh Mẫn trong ngày lễ bổn mạng với tựa đề: “Vì ngoài Chúa ra”. Những giai điệu mềm mại có đoạn được cất cao theo cảm xúc lâng lâng khó tả, có đoạn lắng chúng tôi vào chiều sâu tâm khảm vì cảm thấy được an bình nhẹ nhàng. Quả thật “vì ngoài Chúa ra con tìm đâu thấy bình an. Nào có chi lâu bền ở nơi dương trần…” Mượn hình ảnh đó, chúng tôi xin được nói đến một định nghĩa mà có lẽ chẳng lạ lẫm gì mấy, nhưng để cảm thấu là một quá trình dài: “Tìm thấy bình an trong Chúa là tìm thấy được ơn gọi.”
Khi nghe chữ “mục vụ ơn gọi”, dường như nhiều người cảm nhận nó là một cỗ máy sản xuất một chiều để cho ra sản phẩm từ những chất liệu đơn giản. Cảm nhận như thế là chưa đủ. Bởi chúng tôi không hề tự hào về cái mà chúng tôi cho đi, có thể là những kiến thức, những kỹ năng sinh hoạt, những tâm tình đời tu, những trải nghiệm đạo đức… Chúng chẳng lâu bền nơi dương trần, chúng chỉ là công cụ để giúp chúng tôi hướng đến mục đích là cho đi chính “Chúa” – Điều mà chúng tôi lấy làm tự hào nhất, vì đó là niềm an bình duy nhất của chúng tôi có được. Một khi chúng tôi cho đi “Thiên Chúa” mà chúng tôi khắc khoải, thì lúc đó, chính chúng tôi lại nhận được gấp bội. Như thế, cỗ máy ơn gọi không phải như bao cỗ máy khác, không sản xuất một chiều và không cho ra sản phẩm giống nhau từ những chất liệu giống nhau. Có thể, dưới những chất liệu khá đa đạng, cỗ máy cũng tạo ra những ơn gọi trong cái nhìn đa dạng và phong phú. Chưa kể, cỗ máy đó còn hoạt động chiều ngược lại, khi sản phẩm lại trở nên chất liệu để tương tác và cho ra những sản phẩm mới hơn. Ơn gọi là như thế, cho đi và nhận lại. Một khi mình không cho đi những chất liệu của đời tu, thì đời sống mình cũng nhận lại toàn sự trống vắng nội tâm, lạc lõng, sợ cô đơn và mất an bình.
Ơn gọi có thể được định nghĩa qua nhiều bậc sống khác nhau, nhưng nếu ơn gọi không đi tìm cho mình một bình an, thì ơn gọi đó nên vô hiệu. Chúa mới là sự an bình đích thực, sự nghỉ ngơi mà ai cũng muốn được cảm nếm. Đó là ơn gọi của thánh Augustinô, khi ngài đã từng trải bao thế sự phù vân, và ngài đã cô đọng sự an bình đích thực chỉ trong một câu: “Lạy Chúa, linh hồn con luôn khắc khoải cho đến khi nào được nghỉ yên trong Chúa mà thôi.”
Sau Thánh lễ Chúa Nhật, lớp chúng tôi rải rác tứ phương để đi mục vụ. Có đoạn đường ngắn, có đoạn đường dài. Có đoạn đường đầy hơi sương của tiết trời, có đoạn đường xám xịt khói và bụi bặm. Nhưng dường như khi đôi chân gieo bước đi tìm hạnh phúc, thì con tim đã rộn ràng vui sướng trên cuộc hành trình. Thật sự, nhiều lúc chưa cảm nếm đích của hành trình là gì, nhưng khi mình đã đi đúng đường, tìm về đúng hướng, thì tự khắc cảm thấy an bình và hạnh phúc ngập tràn. Đích của chúng tôi là chính Chúa, trong khi chúng tôi lại trải dài trên nhiều nẻo đường gian trần, đoạn ngắn đoạn dài. Đích của chúng tôi là chính Chúa, nhưng đối tượng của chúng tôi tìm gặp lại là nhiều thành phần trong xã hội. Cụ thể trong mảng mục vụ của chúng tôi, thì hầu hết là các bạn dự tu và giúp lễ với nhiều độ tuổi khác nhau. Chúng tôi thầm nghe được Chúa nói với chúng tôi: “Con ơi, những ai Ta đã gửi đến cho con, đó cũng chính là Ta.” Và chúng tôi nhận ra, chúng tôi đang tìm về đích.
Gian khó có, vất vả có, trời nắng mưa thất thường, đường ngắn dài tùy xứ, tuổi cao lớn tùy người. Có những lúc chuẩn bị những chương trình cụ thể chi tiết, nhưng tới giáo xứ lại cảm thấy không phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện tổ chức, đành phải bỏ! Có những lúc chúng tôi lầm tưởng các em chịu khó lắng nghe khi chúng tôi thuyết giảng, nhưng thực tế lại nhiều em hiện diện vì mua vui, vô tâm, nói cười ồn ào, để bên tai lời của chúng tôi, chán nản chứ! Có những lúc chúng tôi nghĩ mình sẽ làm được và khơi dậy được một ơn gọi nào đó, nhưng khi đi đến, tập trung quân số là vài ba bạn, buồn thật chứ! Có nhiều lúc trời đổ cơn mưa làm nhụt chí các chiến sĩ trên đường dài. Nhưng đâu đó chúng tôi còn bắt gặp nhiều tia sáng hy vọng nơi cuối bầu trời xám xịt. Đó là quý cha xứ, quý cha đặc trách ơn gọi đã nhiệt thành hướng dẫn dạy dỗ chúng tôi. Đó là những nụ cười ngây thơ, những câu hỏi vu vơ của các em có lúc làm chúng tôi bối rối lạ thường. Hoặc có những lúc chúng tôi giao lưu thể thao, đơn giản nhưng toát nên được niềm vui thánh thiện. Chúng tôi còn bắt gặp những tia sáng đến từ cha mẹ các em, tờ mờ sáng sớm chở các em đến nhà thờ để giao lưu với các thầy, trưa nắng gắt lại vất vả lên chở về. Và đặc biệt, chúng tôi tin rằng, Chúa đang ở trong những người chúng tôi gặp gỡ. Hạnh phúc khi chúng tôi được tiếp xúc với các em, vì lúc đó, chúng tôi được tiếp xúc với Chúa. Những gian khó chúng tôi phải đối diện không làm chúng tôi nản lòng, vì chúng tôi cảm nhận, qua những điều chúng tôi làm, đâu đó chúng tôi lại tìm thấy được bình an của đời mình. Không phải như công đã tràng xe cát, mình cứ làm việc bổn phận của mình, Thiên Chúa sẽ thực hiện điều mà Chúa muốn. Những lúc này mới thấy lời của Thánh Phaolô dường như thật sự hiện sinh: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1Cr 3,6).
Qua việc chia sẻ mục vụ về ơn gọi quý thầy trong lớp, hầu hết đều cho một mẫu số chung rằng ơn gọi các giáo xứ đều giảm sút, nhất là trong khoảng thời gian mười năm về gần đây. Chắc có lẽ song song với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, lại là một thế hệ Gen Z nằm trượt dài trên bàn phím và đã ngã quỵ khi đối diện với mọi thách thức đi tu là phải từ bỏ nhiều điều. Đâu phải thế, chúng tôi cảm nhận được rằng đi tu được nhiều điều hơn cả. Thậm chí chúng tôi được món quà cao quý nhất là sự an bình, mà chỉ có Chúa là nơi chúng tôi nương nhờ. Chúng tôi đi mục vụ không phải cốt yếu là đưa nhiều em đến với ơn gọi linh mục triều hay dòng tu, nhưng là muốn hướng dẫn các em nhận ra ơn gọi của bản thân mình là gì, miễn làm sao tìm thấy được bình an đích thực của các em. Bình an đó chỉ có từ tay Chúa, không thể có gì ở trần gian này đánh đổi được. Quả thật, tìm thấy bình an trong Chúa là tìm thấy được ơn gọi, vì “ngoài Ngài ra con tìm đâu thấy bình an, nào có chi lâu bền ở nơi dương trần…”
BVH – LỚP THẦN HỌC II