MỤC VỤ NGÀY CHÚA NHẬT
THÁNG 10/2022
GẶP GỠ & CẢM THÔNG
Trong năm Thần Học I, anh em khóa XIV được tiếp cận mục vụ ngày Chúa Nhật bằng việc đến với anh chị em di dân trong giáo phận Xuân Lộc.
Giáo phận Xuân Lộc có địa bàn trọn vẹn tỉnh Đồng Nai và huyện Dĩ An của tỉnh Bình Dương, nơi có nhiều xí nghiệp, nhà máy và công xưởng công nghiệp. Vì thế, anh chị em di dân từ mọi miền đất nước đến lập nghiệp tại đây rất đông, tập trung ở các khu công nghiệp và trung tâm như Biên Hòa, Trảng Bom, Long Khánh… Anh chị em di dân luôn là đối tượng được quan tâm trong giáo phận.
Phần đông anh chị di dân chưa có nơi cư trú ổn định. Họ sống trong các dãy nhà trọ hoặc thuê nhà để gia đình (ông bà, cha mẹ, con cái…) cùng chung sống. Diện tích nơi ở cũng chật hẹp và nóng bức. Do dịch bệnh Covid-19 cùng với “giãn cách xã hội” kéo dài, nhiều gia đình lâm vào tình cảnh bi đát. Bên cạnh đó, nhiều gia đình vẫn còn mang nặng nỗi đau mất người thân trong cơn đại dịch.
Đến thăm các gia đình di dân, chúng tôi cảm nhận được những khó khăn, đau khổ và ưu tư của những con người “tha hương”. Cũng tại đây, chúng tôi học được bài học cảm thông, lắng nghe và chia sẻ. Điều đánh động chúng tôi là nhiều anh chị em di dân sống trong khó khăn vẫn giữ được sự lạc quan và niềm tin vào Chúa. Họ là những người giáo dân và lương dân nhưng lại trở nên “thầy dạy” cho chúng tôi về niềm vui và yêu thương cuộc đời. Đem Chúa đến cho họ, người môn đệ lại thấy hình ảnh của Chúa trong chính họ, được gọi là “thầy” nhưng lại được “dạy” về lòng tín thác vào tình yêu vô bờ của Chúa.
Có rất nhiều gia đình đang ở trong tình trạng khổ đau: cha mẹ li dị, bệnh nan y, tai nạn lao động… Tiếp xúc với những gia đình ấy, nhiều lúc chúng tôi đã lặng người như những người bạn của ông Gióp: “Rồi họ ngồi xuống đất, bên cạnh ông, …, chẳng nói với ông một lời, vì họ thấy rằng nỗi đau khổ của ông quá lớn” (G 2,13) Lắng nghe chia sẻ của những anh chị em khổ đau cũng là cách chúng tôi đang chia sẻ nỗi đau với họ. Càng bước đi trên hành trình theo Chúa cùng với sự trưởng thành về tuổi đời và được dạy bảo, chúng tôi đã dần học được cách cảm thông trong thinh lặng. Người môn đệ ngồi bên họ, lắng nghe họ, yên lặng và bình an, như để chính Thiên Chúa hoạt động trong mình. Chúng tôi biết rằng không nên chán nản lúc lắng nghe nhưng đón nhận với tất cả con tim và quan tâm trọn vẹn. Đó là những phẩm chất đầu tiên của người môn đệ Đức Ki-tô trong thế giới hiện đại hôm nay. Trong thế giới ấy đã có biết bao con người chịu tổn thương, bị coi thường, không được lắng nghe; do đó, họ cũng không được chữa lành. Người môn đệ biết rằng chỉ có một mình Thiên Chúa mới có thế giúp cách thực sự tất cả những anh chị em đang gặp khổ đau hay khó khăn, bằng cách đi vào tận chốn thâm sâu của cõi lòng họ.
“Địa cầu đầy Thánh Thần Chúa. Dù đường dài đi tới đâu, đã có Thánh Thần ở đó trước người”. Đến với anh chị em di dân, anh em chủng sinh Khóa XIV luôn ý thức có Thiên Chúa cùng đi với mình. Đến mỗi gia đình, dù giáo dân hay lương dân, anh em cầu nguyện cho họ và xin họ cùng cầu nguyện. Điều đó giúp cho người đến thăm và người được thăm đều ý thức về sự hiện diện kín ẩn nhưng chân thật của Đấng Hiện Diện. Như vậy, sự hiện diện của người môn đệ truyền tải một sự trìu mến đến từ Thiên Chúa.
Sau một tuần miệt mài “đèn sách” trong Chủng Viện, anh em chủng sinh đi mục vụ ngày Chúa nhật như một “buổi học thực hành” để được nuôi dưỡng “hồn tông đồ”. Mỗi một gia đình, một hoàn cảnh, một câu chuyện cuộc đời lại trở nên chất liệu cho những giây phút lắng đọng bên Chúa, “Lạy Chúa, xin cho con một con tim biết lắng nghe” (1V 3,9). Người môn đệ xin Thầy Chí Thánh dạy mình về lòng biết ơn, về sự hiện diện trọn vẹn, về sự cảm thông và biết trân trọng “giây phút hiện tại” trong đời mình.
Anh em Chủng sinh
Lớp Thần Học I