CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXXI-TN_C, 30-10-2022 ֎ THIÊN CHÚA TOÀN NĂNG, TOÀN THƯƠNG XÓT

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT XXXI-TN_C, 30-10-2022

֎

THIÊN CHÚA TOÀN NĂNG, TOÀN THƯƠNG XÓT

Bài đọc I và thánh vịnh trình bày cho chúng ta những trang tươi mát về lòng thương xót phổ quát của Thiên Chúa, một dấu chỉ về sự toàn năng và tình yêu của Ngài dành cho tất cả mọi người. Chúa Giêsu chia sẻ cái nhìn này và thực hiện điều đó bằng cách trực tiếp ban ơn cứu độ cho Giakêu, người thu thuế.

Bài đọc I : Kn 11, 22-12, 2

Bản văn này, được viết bằng tiếng Hy Lạp, phát xuất từ cộng đồng Do Thái quan trọng ở Alexandria, chứ không có trong Kinh Bộ tiếng Do Thái. Tuy nhiên, bản văn này thấm đẫm lịch sử và các trào lưu thần học của Cựu Ước, trong đó có trào lưu về Đức Khôn Ngoan trong cuộc sáng tạo và lịch sử của Israel, cũng như khái niệm về sự bất tử không có trong tiếng Do Thái. Hơn nữa, trích đoạn hôm nay mang đến những lý lẽ mới để giải thích lòng thương xót phổ quát của Thiên Chúa : “Chúa thương xót hết mọi người vì Chúa làm được hết mọi sự”. Không hề nhằm nghiền nát con người, quyền năng của Thiên Chúa là để phục vụ lòng thương xót của Ngài. Chúng ta cũng sẽ ghi nhận ở giữa đoạn văn, tác giả nhấn mạnh đến tình yêu của Thiên Chúa dành cho mọi tạo vật của Ngài: “Lạy Chúa Tể là Đấng yêu sự sống, Chúa xử khoan dung với mọi loài, vì mọi loài đều là của Chúa”.

Thánh vịnh đáp ca : Tv 144 (145)

Chủ đề về tình yêu của Thiên Chúa, về lòng nhân hậu và sự âu yếm của Ngài đối với mọi người (khổ thơ thứ hai) đã trở lại trong Cựu Ước, đặc biệt là trong các thánh vịnh (x. Tv 85). Chủ đề đó xuất hiện lần đầu tiên trong sách Xuất hành (Xh 34, 6) và cũng thấy có trong các tiên tri. Và chủ đề này được phản ánh độc đáo trong bài đọc I. Khổ thơ thứ nhất của thánh vịnh cũng không phải là tầm thường, vì tác giả thánh vịnh xác định lời cầu nguyện hàng ngày của mình bằng những lời như tán dương, chúc tụng và ca ngợi. Hai khổ thơ cuối gợi lên những kỳ công của Thiên Chúa, sự trung thành và hành động của Ngài đối với tất cả những ai quỵ ngã và bị đè nén.

Bài đọc II : 2 Tx 1, 11-2, 2

Là người thành lập hoặc cải cách nhiều cộng đoàn Kitô hữu, Phaolô cũng là một nhà văn viết nhiều, người đã có công soạn thảo bản viết đầu tiên của Tân Ước, tức bức thư thứ nhất gửi tín hữu Thê-sa-lô-ni-ca đây. Và Phaolô còn là một người cầu nguyện. Lúc nào ông cũng cầu nguyện cho các tín hữu Thê-sa-lô-ni-ca “được xứng đáng với ơn Chúa kêu gọi”. Ông khuyến khích họ làm “sinh động” đức tin của họ, để “danh Chúa Giêsu của chúng ta được tôn vinh”. Vị Tông đồ cũng muốn cải chính tin đồn rằng “ngày của Chúa gần đến”. Ngày này cũng là ngày “quang lâm của Đức Giêsu, Chúa chúng ta”. Phaolô bám chắc vào những gì Chúa Giêsu đã nói (x. Mc 13, 7; Lc 21; Mt 24, 6): “Anh em đừng hoảng sợ”.

Tin Mừng : Lc 19, 1-10

Thành phố Giêricô là một ốc đảo xinh đẹp, nổi tiếng với những cây cọ và cây ăn quả. Đây cũng là một nơi phải đi qua để lên phía bắc, đến Galilê, hoặc sang phía tây, miền bên kia sông Giođan. Giêricô là nơi sinh sống của Giakêu, “thủ lãnh những người thu thuế”, tức là người đứng đầu những người thu thuế. “Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai”, nhưng chiều cao khiêm tốn của ông đã ngăn cản ông nhìn thấy Chúa Giêsu, vì dân chúng quá đông. Mong muốn của Giakêu rất mạnh mẽ, ông đã “trèo lên một cây sung”. Chúa Giêsu nhìn thấy ông ta và gọi hỏi ông : “Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông !”. Đám đông dân chúng bị vấp phạm vì họ không thích những người thu thuế. Giakêu vui mừng và hứa với Chúa Giêsu là sẽ chia “một nửa tài sản của mình cho người nghèo”. Thế là, Giakêu còn hơn người hoán cải : “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này !

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ

Comments are closed.