ÁNH SAO DẪN ĐƯỜNG BA VUA

ÁNH SAO DẪN ĐƯỜNG BA VUA

Trong một ln chia sẻ về ơn gọi Linh mục Giáo phận cho các em lễ sinh, tôi hỏi các em rằng: “Tại sao giữa cuộc sống rất nhiều tiện nghi, thoải mái và đầy đủ như thế này, những người đi tu lại chọn sống trong một kỉ luật với ba lời khuyên Phúc âm: khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục? Họ không được tự do, phải sống một nếp sống gần như là khó khăn hơn những người khác?”. Có nhiều câu trả lời thú vị đến với chúng tôi, với nhiều cánh tay giơ lên và những ánh mắt háo hức chờ đợi micro được chuyển đến mình để trả lời…

“Dạ những người đi tu là những người dám để cho Chúa yêu thương mình ạ!”.

Chúng tôi ngạc nhiên, nhìn nhau rồi nhìn em. Dường như có một sự đảo ngược nào đó so với những câu trả lời mà chúng tôi thường được nghe…

Tôi hỏi tiếp rằng làm sao mà em lại nghĩ như thế?…

Có một lần em được đi thăm Bà Dì – em ruột của Bà Nội – của em ở đan viện Cát Minh. Em thấy mọi người ngồi nói chuyện với Bà qua một chấn song sắt, quang cảnh giống như đi “thăm nuôi”… mà em thấy nhiều lần trên tivi, chỉ khác là người ngồi ở phía bên kia mặc một bộ tu phục màu nâu, nét mặt rất hiền. Đó cũng là lần đầu tiên em được gặp bà Dì và rất tò mò, hỏi rằng: “Bà ơi, sao bà đi tu mà như bị nhốt vậy ạ? Sao bà lại ở trong đây?”. Bà cười, nhìn em và trả lời: “Bà đâu có bị nhốt đâu con, tự do lắm, Bà ở trong này để Chúa yêu thương bà đấy thôi!”. Câu nói ấy đã để lại trong em một ấn tượng rất sâu sắc.

Người Bà ấy của em, câu nói ấy, … đã trở nên “Ánh Sao dẫn đường” cho em… và cho cả chúng tôi nữa. Tôi thầm nghĩ, đối với vị nữ tu khả kính ấy, phía sau bốn bức tường và song sắt tĩnh lặng của Nhà Kín là một chân trời vô tận của tự do và tình yêu…

Lẽ thường, người ta nghĩ rằng những người sống đời dâng hiến đi tu để sửa mình, để học tập và hiến dâng đời mình để yêu mến Chúa và tha nhân. Điều ấy rất đúng, nhưng …Có lời Đức Chúa phán với tôi: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi”…“Từ xa ĐỨC CHÚA đã hiện ra với tôi:”Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương” (Gr 1,5…31,2) … Ta lại thấy dung mạo của một Thiên Chúa yêu say con người, đi tìm con người … gọi con người để họ được “ở lại” với Người và để được Người yêu thương…

Đức Giê-su cũng rảo bước bên bờ biển hồ Ga-li-lê để đi tìm những môn đệ đầu tiên (x. Mc 1,14-20) để họ đến, “xem nơi Người ở và ở lại với Người” (x. Ga 1,39). Ơn gọi của người môn đệ, trước hết, là “ở lại trong tình yêu” của Đấng đã gọi họ, để được Người yêu thương.

“Những người đi tu là những người dám để cho Chúa yêu thương mình!”. Cảm nghiệm ấy tưởng chừng rất đơn giản nhưng, có lẽ, cần phải dành trọn cả một cuộc đời để khám phá. Không phải là chúng ta làm gì cho Chúa, nhưng hãy nhìn và cảm nghiệm những gì mà Chúa đã làm cho chúng ta. Không phải chúng ta yêu mến Chúa trước, nhưng chính Người đã yêu mến chúng ta… Kể từ khi con người có trí khôn để bắt đầu tác tạo lịch sử của mình, chỉ có người Ki-tô hữu, cách riêng là những người môn đệ, dám khẳng định rằng mình được Thiên Chúa yêu thương vô hạn…

Giữa muôn vàn ánh sao trên bầu trời, Ba Vua đã nhìn thấy Ánh Sao chỉ đường. Những nhọc nhằn vất vả của hành trình dài dường như tan biến trong niềm vui ngập tràn khi được “vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a,… Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến” (Mt 2,11). Niềm vui của Ba Vua là niềm vui gặp được Chúa trong Nhà của Người.

Mỗi người đều có những “Ánh sao chỉ đường” mà Chúa gửi đến: Vị nữ tu Cát Minh đã trở nên “Ánh Sao chỉ đường” cho em thiếu nhi ấy, cũng là cho chúng tôi, những người đang bước đi trên hành trình của người môn đệ. “Đi để được Chúa yêu thương” … Đây chính là Bí mật của hạnh phúc và niềm vui trong đời theo Chúa.

“Ánh Sao dẫn đường” vẫn luôn xuất hiện trong đời. Nếu ta đủ chú tâm để lắng nghe và tìm kiếm, một gợi ý, một em nhỏ… cũng có thể trở thành một Ánh Sao.

“Những người đi tu là những người dám để cho Chúa yêu thương mình!”. Ánh Sao của Chúa vẫn có đó, đủ ánh sáng để bước theo nhưng cũng đủ bóng tối để chối từ…

LỚP THẦN HỌC II– KHOÁ XIV

.

.

.

Comments are closed.