Thành công, vinh quang, và được mọi người ngưỡng mộ. Đối với một người thật không còn gì để mơ ước hơn. Nhưng với Chúa Giêsu thì hòan tòan khác hẳn. Ngài loan báo con đường của Ngài chính là lên Giêrusalem, để bị bắt, bị giết và bị treo trên thập giá. Lời loan báo đó đã làm cho nhóm Mười Hai sửng sốt. Họ hoàn toàn không cùng ở trên một làn sóng. Họ thích kéo dài giấc mơ vinh quang trần thế mà họ đã theo đuổi từ mấy lâu nay.
Giấc mơ đó chính là chổ nhất. Họ nghĩ đến lương lai sán lạn của họ. Họ tranh luận với nhau để biết xem ai là người lớn nhất. Khi cuộc khởi nghĩa chống lại người La mã thành công rồi, họ sẽ chia chác nhau. Phê rô đã không quên những gì Chúa Giêsu nói với ông: “Chính tôi là người lớn nhất. Chính tôi là người được trao chìa khóa Vương quốc”.
Chạy đua dành quyền lực và vinh quang thì thời buổi nào cũng có, và chúng ta thấy diễn ra hằng ngày. Hiện nay ở nhiều nơi trên thế giới, dưới những chế độ độc tài, những người yếu kém và bé nhỏ là những người thua thiệt nhất. Ai trong chúng ta cũng có khuynh hướng muốn đặt mình lên trước, áp đặt lề luật, ý tưởng và ước muốn của chúng ta trên người khác. Hãy nhìn kỹ điều ấy xảy ra nơi chúng ta như thế nào và nhất là trong những trách nhiệm được giao phó cho chúng ta. Được người chung quanh tâng bốc cũng có khi mang lại niềm vui, nhưng nhìn kĩ lại, chúng ta còn ở xa sứ điệp tin mừng.
Thật vậy, với Chúa Giêsu, không phải thế. “Ai làm vua thế gian phải làm đầy tớ mọi người”. Ngài quì gối trước mặt các môn đệ để rửa chân cho họ. Ngài chỉ cho họ thấy rằng không có gì xấu hổ khi phục vụ. Việc đứng đầu người khác chỉ có một quyền lợi duy nhất là dấn thân và phục vụ hơn nữa. Sẽ là điều tuyệt vời nếu cuộc chay đua dành những chức vị cao nhắm đến mục đích phục vụ ích chung.
Lời mời gọi ấy cũng đến với từng người chúng ta trong hoàn cảnh chúng ta đang sống. Tất cả chúng ta được mời gọi đi vào năng động phục vụ. Những việc phục vụ nhỏ không phải là kém quan trọng, vì ngoài giá trị ra, chúng có lợi là trong tầm tay của mọi người. Chính những phục vụ ấy đem lại giá trị cho cuộc sống của chúng ta, vì qua đó, chúng ta có thể khai triển những đức tính tốt như sự tế nhị, nét dễ thương và quan tâm đến người khác. Hơn nữa, chúng còn giúp chúng ta xích lại gần nhau, và góp phần tạo nên một thế giới huynh đệ hơn.
Khi đến với Bí Tích Thánh Thể, chúng ta hướng về thánh giá Đức Kitô. Ở đó, chúng ta khám phá Ngài đã tự hiến cho tình yêu đối với chúng ta đến mức độ nào. Một tình yêu vô biên vượt quá tất cả những gì chúng ta có thể tưởng tượng và tất cả những gì mà chúng ta có thể nói được. Cuối thánh lễ, chúng ta được sai vào trần gian để làm chứng cho tình yêu mà chúng ta lãnh nhận từ nơi Ngài.
Ngày hôm nay, Chúa Giêsu cắt nghĩa cho các môn đệ và từng người cho chúng ta rằng không đựơc cạnh tranh với nhau. Chúng ta cùng được sai đi làm việc chung với nhau trong cánh đồng truyền giáo. Hãy nhớ lại mẻ lưới cá nhiệm mầu. Nếu các môn đệ không hợp lực với nhau, thì có lẽ sẽ thất bại. Cuộc chạy đua tìm kiếm vinh dự và chỗ nhất chỉ là một phản chứng cho sứ mạng mà thôi.
Để giúp cho mọi người hiểu rõ, Chúa Giêsu dùng một hình ảnh mang nhiều ý nghĩa. Ngài gọi một đứa trẻ lại và đặt giữa họ. Khi tiếp nhận trẻ em, chúng ta tiếp nhận Chúa Giêsu. Khi tiếp nhận Chúa Giêsu, chúng ta tiếp nhận Thiên Chúa Cha. Cử chỉ và sứ điệp ấy rất có ý nghĩa. Nếu nhìn theo cách nhìn của thế gian thì thật là khó hiểu. Thật vậy, người đời vẫn thường coi trẻ em là biểu tượng cho sự tinh khiết, đơn giản và vô tội. Nhưng vào thời Chúa Giêsu thì trẻ em không là gì cả, không đáng kể, chẳng những không được quyền ăn nói, không có của cải, là người nghèo đúng nghĩa, mà còn hòan toàn tùy thuộc vào người lớn quyền thế hơn chúng. Chính vì thế mà chúng ta không hiểu được tại sao một đứa bé làm vua.
Khi Chúa Giêsu bồng một trẻ nhỏ trên tay, và đòi phải tiếp nhận chúng, Ngài muốn chuyển đến chúng ta một sứ điệp quan trọng. Đó là tiếp nhận và thăng tiến tất cả những gì không đáng kể trong xã hội, tất cả những gì nhỏ bé, tất cả những gì bị gạt bên lề.
Chính điều đó, Chúa Giêsu đã thực hành trong suốt đời sống của mình. Ngài đã luôn luôn đứng về phía những người nghèo, những kẻ bị lọai trừ, những người phung cùi, những người thu thuế, tất cả những người phải tránh xa. Khi lui tới môi trường ấy, chính Ngài đã trở thành một kẻ bị lọai trừ. Rồi một ngày kia, người ta sẽ dẫn Ngài ra khỏi thành và giết chết Ngài trên một cây thập giá. Tất cả chúng ta được mời gọi đi theo Chúa Giêsu trên con đường Ngài đã chỉ cho chúng ta. Khi cử hành Thánh lễ, chúng ta hãy xin Chúa mở rộng tâm hồn và ước muốn của chúng ta đến với một tương lai huynh đệ và yêu thương, qua sự phục vụ những người bé nhỏ.
Phục vụ Lời ĐCV Xuân Lộc