Sự sợ hãi ngự trị trên khắp thế gian. Người ta có thể gặp nó cả nơi những người nhút nhát cũng như những người che giấu nó dưới những thái độ hung hãn. Người ta có thể sợ mất mạng sống, sợ bị bách hại, sợ bị đánh giá thấp bởi những phán đoán có thể giết người như những vũ khí nguy hiểm nhất. Chỉ có lòng tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa có thể chống lại sự sợ hãi nầy. Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta Tự do để có thể đi vào trong Nước Trời hiệp thông.
Sách tiên tri Giêrêmia 20, 10-13
Số phận của tiên tri Giêrêmia thật là kinh khủng. Ông phải loan báo cho các đồng bào của mình những tai ương sẽ đến nay mai. Đồng bào của ông mù quáng không muốn thấy và muốn khử trừ ông tiên tri tai họa nầy. Giêrêmia là khuôn mặt của Đức Ki tô.
Thánh Vịnh 68
Thánh vịnh nầy là một lời cầu nguyện tin tưởng vào Thiên Chúa. Khi đọc lên, người ta có thể nghĩ đến tất cả những ai bị bách hại và đau khổ vì lời chứng cho chân lí.
Thư Rm 5, 12-15
Tin mừng: Mt 10, 26-33
Từ chối cái chết, con người tự coi mình là Thiên Chúa. Nhưng qua đó, nó từ chối sự sống đích thực được ban tặng, cuộc sống phát sinh từ cuộc trao đổi Tình yêu giữa đấng Tạo hóa và chính mình. Phao lô khám phá ra sự cám dỗ của con người trong trình thuật tội nguyên tổ và ngài nhấn mạnh rằng tội ấy còn nặng nề hơn sự bất tuân luật Mô sê. Nhưng Đức Ki tô đã đảo ngược tiến trình đó: đối đầu với sự chết, Ngài đã cho thấy thế nào là cuộc sống của Tình yêu.
Tin mừng: Mt 10, 26-33
NGỮ CẢNH
Đoạn Tin mừng nầy nằm trong bài diễn từ truyền giáo bắt đầu từ câu 9,36 đến hết câu11,1. Phân đoạn 10,16-42 nói về các chướng ngại khó khăn mà người Tông đồ Đức Ky tô phải đối đầu. Nhưng đừng nao núng (10, 26-31) can đảm tuyên xưng Đức Ky tô trước mặt người đời (32-33).
Có thể đọc bản văn theo bố cục sau đây:
1. Lý do khiến các môn đệ không được nao núng (10,26-31)
2. Tương quan giữa môn đệ với Chúa Giê su (10,32-33)
TÌM HIỂU
Vậy: nối liền phần đi trước với đoạn văn nầy, mở đầu cho những lời khích lệ dựa trên những điều đã nói. Nó có nghĩa là ước gì nỗi sợ hãi (là chuyện bình thường: cc 17-25) không ngăn cản việc các con làm chứng về Thầy.
Che giấu/ tỏ lộ: Ai che, ai giấu ? thưa là chính Thiên Chúa. Người che giấu: bước đầu nơi cuộc đời rao giảng của Chúa Giê su thật khiêm tốn, thật âm thầm, lặng lẽ trong tư thế của một người tôi tớ hèn mọn của Thiên Chúa. Hạt giống gieo xuống mong manh đến nỗi dễ bị người đời nghiền nát. Nhưng một ngày kia, tất cả đều sẽ được tỏ lộ trong vinh quang, vì Thiên Chúa muốn thế. Người muốn tất cả mọi người được nhận biết mầu nhiệm Nước Trời nhờ chứng tá của các tông đồ. Thế nên, đừng sợ vì sứ điệp vĩ đại của Nước Thên Chúa sắp được tỏ lộ.
Những kẻ giết thân xác: Lý do thứ hai khiến đừng sợ là sự sống đích thực của con người không thể bị xâm phạm. Người đời chỉ có thể “giết” thân xác, chứ không thể “diệt” được chính con người tông đồ, vì đã được Thiên Chúa bảo đảm.
Hoả ngục: Từ Hy lap genna phiên âm từ Hip pri ge hinnom. Ngôn sứ Gr đã tuyên sấm rằng đây là nơi mà dân Giu đa sẽ bị trừng phạt nặng nề, vì tội lỗi của họ đã lên tới đỉnh điểm (Gr 7,30-8,3; 19,7; 32,35). Lửa, giòi bọ trở thành biểu tượng cho số phận khủng khiếp dành cho những kẻ không chịu đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa.
Ngoài ý Cha các con: Lý do thứ ba khiến đừng sợ là Thiên Chúa quan phòng hằng chăm sóc mọi tạo vật, kể cả những thứ vô nghĩa như loài chim sẻ. Cái chết cũng không phải là cớ làm cho chứng nhân tin mừng phải sợ vì có tình yêu của Cha che chở.
Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận: Trong ngày thẩm phán, Chúa Giê su sẽ là Trạng sư biện hộ cho các tín hữu trước mặt Thiên Chúa.
SỨ ĐIỆP
Bài 1:
Để hiểu bài tin mừng nầy, cần phải nhớ rằng nó được viết cho những người ki tô hữu gốc do thái khoảng năm mươi năm sau cái chết của Chúa Giê su. Những người do thái nầy đã sang ki tô giáo, và bị coi như những người phản giáo. Nên người ta tìm cách lọai trừ họ. Làm chứng cho đức tin trong thời kì nầy, chính là đôi khi liều mạng sống mình. Chúng ta hiểu rằng một vài người đã tìm cách sống kín đáo hết sức và không lên tiếng.
Đó chính là đối tượng mà Thánh Mát thêu đã viết tin mừng của ngài, Ngài nhắc cho họ nhớ lại lời của Chúa Giê su mời gọi ho hãy bạo dạn và can đảm lên: « Đừng sợ.. Đừng sợ ». Kiều nói ấy chúng ta gặp đến 366 lần trong Kinh Thánh, một lần một ngày cho sưốt năm nhuần. Mỗi sáng, khi thức giác, người ki tô hữu có thể tự nhủ: « Đừng sợ ». Lúc đó, họ có thể vui vẻ ra đi làm chứng cho Tin mừng.
Chính khi nhìn về chính Đức Ki tô mà chúng ta hiểu rõ hơn tầm mức và những đòi hỏi của sứ điệp nầy: Ngài không bao giờ sợ phải đối đầu với các lãnh đạo tôn giáo chống đối lại sứ điệp chân lí và thương xót của Ngài. Ngài đã đi đến với ông Da kêu, Ngài đã tiếp nhận những người phong cùi và tội lỗi công khai mà người ta phải tránh xa. Ngài đã tha thứ tội lỗi. Người ta có thể nói rằng Chúa Giê su đã sống một cách nguy hiểm. Tất cả những nguy hiểm đó, Ngài đã chấp nhận để trung thành với sứ mạng cho đến cùng.
Bấy giờ Chúa Giê su cảnh báo các môn đệ: Họ cũng đã trải qua bão táp. Khi Thánh Mát thêu viết tin mừng, người ki tô hữu thực sự bị bách hại. Chính là cho họ mà ngài đã viết sứ điệp hi vọng nầy và cũng cho từng người chúng ta nôm nay: « Đừng sợ..Đừng sợ.. Đừng sợ.. Thầy ở với anh em. Những người có ý xấu xa nhất cũng không thể làm tổn hại tâm hồn anh em; Thiên Chúa không bỏ rơi con cái của Người ». Như Thánh Phao lô nói: Không gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Người ».
Đức Ki tô tin cậy vào sự vững chắc tình yêu và tin tưởng của chúng ta. Trong thế giới chúng ta hôm nay, những nguyên do gây ra lo âu không thiếu. Một ngày nọ, một ngừoi bạn của tôi đã gọi tôi đến để nối lại liên lạc. Anh ta nói với tôi rằng anh ta làm việc trong một nơi rất nguy hiểm khi nhận mình là người ki tô hữu, có một cuốn Kinh thánh trong hành lí, mang theo một cây thánh giá hay một ảnh tượng thánh. Ngày nay vẫn còn những người ki tô hữu tiếp tục bị bách hại. Ở chỗ khác, họ phải đối đầu với những lời chế giễu hoặc dửng dưng. Chúng ta hãy nghĩ đến sự sợ hãi của những người và những kẻ bên lề. Chúng ta có thể sợ cái nhìn và xét đóan của những người chung quanh.
Bấy giờ Chúa Giê su cảnh báo chúng ta: đừng sợ những kẻ có thể giết được thân xác: nguy hiểm thực sự đó là người có thể giết được sức sống và lòng tin của chúng ta, người làm cho chúng ta mất nhân phẩm, người làm cho chúng ta nghi ngờ về chính mình và về tình yêu Thiên Chúa. Nhưng Chúa Giê su nói với chúng ta rằng, đó không phải là lúc để chúng ta chao đảo; sự ác không phải là tiếng nói cuối cùng. Đức Ki tô muốn kết nối tất cả chúng ta vào chiến thắng của Ngài trên tội lỗi và sự chết.
Tin vui ấy chúng ta phải can đảm loan báo. Chúng ta tiếp nhận nó trong tận thâm tâm của mình để công bố trên mái nhà, trong những nơi công cộng. Người ki tô hữu hôm nay tổ chức quảng bá trên đài phát thành, truyền hình, báo chí, Internet và mọi phương tiện truyền thông. Đức Ki tô tin vào sự dấn thân cá nhân của tất cả những người đã chịu phép rửa để làm cho Tin mừng được vang xa trong tất cả các môi trường sự sống. Không ai có thể làm điều đó thay cho họ.
Lời mời gọi thứ ba mà Chúa Giê su gửi đến cho các môn đệ tuyệt đối cốt yếu: đó là một lời mời gọi chúng ta dấn thân không dè dặt cho Ngài, một lời mời gọi đừng sợ phải xác định đức tin của chúng ta, ngay trong môi trường dửng dưng hoặc thù nghịch. Sống trong tư cách người ki tô hữu không bao giờ dễ dàng. Nhưng chúng ta đừng sợ phải trung thành với những xác tín của mình. Đức Ki tô ở với chúng ta. Chúng ta có thể gặp Ngài trong kinh nguyện, tiếp nhận lời của Ngài và Thánh Thể. Ngài là Đường, Sự Thật và là sự Sống. Thế thì chúng ta đừng sợ phải tỏ ra chúng ta là những người môn đệ và chúng ta muốn trung thành với Ngài.
Chắc chắn, tất cả chúng ta nghĩ rằng mình ở về phía những người lành, phía các bạn hữu của Chúa Giê su. Nhưng khi cần phải tỏ lập trường chống lại bất công và không khoan nhượng, thì sẽ như thế nào? Cùng liên đới với Đức Ki tô, không chỉ là lời nói suông, hay lời nói đẹp. Chúng ta đừng quên rằng Ngài hiện diện nơi người đau khổ vì đói, vì bị lọai trừ, vì bất công, vì bạo lực. Liên đới cới Đức Ki tô và ủng hộ Ngài, cũng là nhìn nhận Ngài nơi mỗi người trong họ và hành động đúng như thế.
Chúng ta hãy để cho tin mừng nầy mời gọi chúng ta, đó là lời mời gọi tin tưởng. Trong mùa nầy, chúng ta lãnh nhận các trẻ em chịu phép rửa, rước lễ lần đầu hoặc tuyên xưng đức tin. Chúng cần chứng tá của người lớn can đảm không sợ làm chứng cho niềm hi vọng đã nâng đỡ họ, cho sự xác tín mình được cứu thoát. Xin Thánh Thần của Thiên Chúa ban cho chúng ta sức mạnh và sự can đảm để trung thành với đức tin của chúng ta.
Bài 2:
1. Chủ nhật tuần trước, thánh Mát thêu nhắc lại nhu cầu cấp bách phải có nhiều tông đồ truyền giáo. Chủ nhật tuần nầy, ngài đi vào ngay trung tâm vấn đề, đề cập đến điều kiện căn bản của người tông đồ, đó là đừng sợ sệt nhưng hãy can đảm tuyên xưng đức tin của mình.
Trong đoạn nầy, chúng ta không còn đọc một trang lịch sử mô tả việc truyền giáo của các môn đệ nữa, mà là một giáo huấn nhắm cho tất cả các môn đệ Đức Giê su trong mọi thời đại. Vì thế, chương 10 Tin mừng thánh Mát thêu phải trở thành bài học cho toàn thể Giáo hội.
2. Người môn đệ là “người được sai đi”. Từ nầy không có nghĩa là “một con người mới”, nhưng chỉ một ý muốn, một hành động Thiên Chúa đang thực hiện nơi người tông đồ. Người chọn lựa, kêu gọi, sai đi, và chờ đợi được đáp trả bằng thái độ lắng nghe và vâng phục của người tông đồ.
Đó là định luật căn bản trong truyền thống Thánh kinh từ ông Abraham cho đến ông Gioan Tẩy giả (Stk 12,1-4 và Lc 3,2). Do đó, “Đừng sợ” là lời trấn an dành cho các tín hữu đang bị đe doạ bởi các cuộc bách hại của người Do thái (10,17,23,23t) và mọi tông đồ đang làm việc cho cánh đồng truyền giáo của Giáo hội trong khắp mọi thời.
3. Phần thứ nhất của đoạn nầy nói về người môn đệ trước mặt Thiên Chúa (26-31) trong khi phần thứ hai (32t) bàn về tương quan môn đệ-Chúa Giê su. Lời khuyên nhủ căn bản được lặp đi lặp lại: “Đừng sợ”. Sứ điệp Nứoc Thiên Chúa sẽ được biểu dương, điều chưa được nói trong chốc lát sẽ được bày tỏ ra cho mọi người, đó là một điều chắc chắn sẽ xảy ra, dù gặp nhiều chống đối. Đây là lý do thứ nhất nâng đỡ sự can đảm của người môn đệ.
4. Ngay cả khi kết quả dường như không đạt được, cuối cùng thì sứ điệp cũng sẽ thành công. Cuộc sống người môn đệ sẽ không bị ảnh hưởng, người đời không có quyền gì trên cuộc sống ấy. Vì căn bản sự sống người tông đồ là do Thiên Chúa và hoàn thành trong Ngài, do đó không ai có thể huỷ diệt được. Đó là lý do thứ hai.
5. Cuối cùng, lý do thứ ba để đừng hoảng sợ là tình yêu quan phòng của Thiên Chúa hằng sống là Cha chúng ta. Ngài hằng lo lắng, chăm sóc mọi tạo vật, cả những thứ không đáng là gì dưới mắt chúng ta. Huống hồ là những người được Ngài mời gọi và sai đi thực hiện ý định của Ngài. Tình yêu ấy không đủ mạnh để cho người môn đệ an tâm và can đảm trong mọi thử thách sao ?
6. Vì thế, khi được giải phóng khỏi mọi nỗi sợ hải, người môn đệ giờ đây có thể dấn thân toàn diện để tuyên xưng Đức Giê su trước mặt mọi người. Ai đã tuyên xưng Ngài như vậy, sẽ được Ngài bênh vực trong ngày phán xét. Chúa Giê su được Cha trao phó cho mọi sự xét xử (Mt 25,31t) sẽ đứng lên làm trạng sư bênh vực cho các tín hữu, như thánh Gioan đã nói (1 Ga 2,1). Còn thánh Phaolô thì quả quyết; “Nếu Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?” (Rm 8,31-39). Dường như ở đây, chúng ta nghe vang vọng tiếng kêu đầy thống thiết của vị ngôn sứ (Gr 15,10; 20,7). Dù phải đối đầu với nhiều cuộc bách hại của những người đồng thời, nhiều khi bởi chính những người thân của mình, vị ngôn sứ vẫn kiên trì trong sứ mạng. Và ai có thể quên được lòng tín thác vô song vào quyền năng của Thiên Chúa đã thắng vượt mọi nỗi lo âu phát sinh từ thân phận chứng nhân như chính thánh Phao lô nhìn nhận: “Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; bị hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang trong mình sự thương khó của Đức Giê su..” (2 Cr 4,8-12).
ĐÀO SÂU
ĐỪNG SỢ NGƯỜI ĐỜI
Gr 20,10-13 Vị Tiên tri bị bách hại đặt niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa
Tv 69,8 Ước chi mọi kẻ tìm kiếm Chúa đều mừng vui hoan hỷ trong Ngài!
Rm 5,12-15 Liên đới trong tội với Ađam, chúng ta sẽ được cứu rỗi trong Đức Ki-tô
Mt 10,26-33 Người Tông đồ không được sợ
1. HỎI: Các bài đọc được liên kết theo chủ đề gì?
THƯA: ĐỪNG SỢ NGƯỜI ĐỜI. Tiên tri Giê-rê-mi-a vẫn can trường trong cuôc bách hại nhờ đặt trọn niềm cậy trông nơi Thiên Chúa (Bđ1). Đức Giê-su khuyên bảo các tông đồ đừng sợ khi thi hành sứ vụ được trao phó (BTM). Thánh Phao-lô tiếp tục khuyên nhủ các tín hữu rằng, dù liên đới trong tội với Ađam, họ sẽ được cứu rỗi trong Đức Ki-tô (Bđ2).
2. HỎI: Bối cảnh lịch sử bài đọc thứ nhất như thế nào?
THƯA: Giê-rê-mi-a sống và được kêu gọi làm tiên tri đời Vua Giô-si-a trong hoàn cảnh Giu-đa bị đế quốc Ba-by-lon đe dọa. Nhà vua và triều thần hoảng sợ chạy tìm sự cứu giúp của Ai Cập. Nhưng ông can ngăn và lên tiếng kêu gọi nhà vua đừng sợ hãi, đừng cậy dựa vào sức mạnh của nước ngoài, mà hãy cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa. Đồng thời ông mời gọi dân chúng hãy sám hối và hoán cải cuộc sống, thì chắc chắn Thiên Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi họ. Tuy nhiên lời kêu gọi của ông chẳng những không được nhà vua và dân chúng nghe theo mà họ còn xem ông là một tên độc mồm độc miệng và bắt bỏ tù ông. Trong cơn thử thách, ông vẫn trung thành với sứ mạng, vì ông tin tưởng vào Thiên Chúa
3. HỎI: Ngữ cảnh bài đọc một (Gr 20,10-13) như thế nào?
THƯA: Bài đọc một là trích đoạn một trong những trang cảm động nhất trong ‘Lời trần tình’ của Giê-rê-mi-a (Gr 20, 7-18). Ông đang bị xâu xé giữa tâm trí hoang mang và niềm hi vọng, thậm chí muốn trốn chạy khỏi sứ vụ mà Thiên Chúa đã trao phó. Nhưng lời của Người là sức mạnh vô biên đã chiến thắng và mang lại an bình cho tâm hồn ông.
4. HỎI: Nội dung bài đọc một như thế nào?
THƯA: Bài đọc một chứa đựng những lời trần tình chua chát, đau đớn nhưng cũng đầy tin tưởng mãnh liệt của tiên tri Giê-rê-mi-a. Tiên tri bị nghiền nát bởi những đòi hỏi của sứ vụ nhưng khi nhớ lại những lời Thiên Chúa hứa, ông đã tìm lại được can đảm tiếp tục sứ vụ.
5. HỎI: Câu 10 có nghĩa gì?
THƯA: Câu 10 nói lên tâm tư chua chát của vị tiên tri: ông thất vọng vì đã bị mọi người từ bỏ, cả những người thân thiết: “Con nghe biết bao người vu cáo: “Kìa, lão “Tứ phía kinh hoàng! , hãy tố cáo, hãy tố cáo nó đi! ” Tất cả những bạn bè thân thích đều rình xem con vấp ngã. Họ nói: “Biết đâu nó chẳng mắc lừa,rồi chúng ta sẽ thắng và trả thù được nó!”
6. HỎI: Trước tình cảnh đó, ông đã làm gì?
THƯA: Ông đã cố gắng nhớ lại những lời Thiên Chúa hứa khi Ngài kêu gọi ông làm tiên tri: “Nhưng ĐỨC CHÚA hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng.Vì thế những kẻ từng hại con sẽ thất điên bát đảo, sẽ không thắng nổi con. Chúng sẽ phải thất bại, và nhục nhã ê chề: đó là một nỗi nhục muôn đời không thể quên” (c.11). Lời Chúa đã trở thành sức mạnh giúp ông vượt thắng nỗi sợ hãi và chán chường khiến ông muốn bỏ cuộc.
7. HỎI: Ông còn làm gì nữa?
THƯA: Ông kêu gọi trả thù những kẻ bách hại ông, những người mà trước kia ông đã cầu nguyện cho (18,20): “Lạy ĐỨC CHÚA các đạo binh, Đấng dò xét người công chính, Đấng thấu suốt tâm can, con sẽ thấy Ngài trị tội chúng đích đáng, vì con đã giãi bày cơ sự cùng Ngài” (c.12).
8. HỎI: Và đối với Thiên Chúa?
THƯA: Sau khi đã an tâm vì chắc chắn được Thiên Chúa cứu thoát ông đã dâng lời ca tụng và cảm tạ Ngài: “Hãy ca tụng ĐỨC CHÚA, hãy ngợi khen ĐỨC CHÚA, vì Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo” (c.13).
9. HỎI: Bài đọc một và bài tin mừng có liên kết với nhau không?
THƯA: Hai bài đọc cho chúng thấy ba khác biệt giữa tiên tri Giê-rê-mi-a và Đức Giê-su. Lời kêu gọi trả thù biến mất trong bài Tin mừng. Những kẻ bách hại có thể đoạt mạng sống nhưng không thể giết được linh hồn vì chỉ có Thiên Chúa mới là chủ cuộc sống đời đời. Và cuối cùng vai trò của Đức Ki-tô khi Chúa Cha phán xét tùy thuộc vào lời chứng của các môn đệ trước các quan tòa.
10. HỎI: Nội dung bài đọc 2 (Rm 5,12-15) như thế nào?
THƯA: Thánh Phao-lô khẳng định với tín hữu Rô-ma rằng: dù liên đới trong tội với Ađam, họ sẽ được cứu rỗi trong Đức Ki-tô
11. HỎI: Ngữ cảnh bài tin mừng (Mt 10,26-33) như thế nào?
THƯA: Bài tin mừng nằm trong diễn từ truyền giáo Đức Giê su nói với các môn đệ (Mt 9,36-11,1). Sau những huấn thị mở đầu (10,5-16) và tiên báo những cuộc bách hại sẽ xảy đến (10,17-25). Đức Giê su trấn an họ (26-31) và nói về tương quan giữa họ và Ngài (32-33).
12. HỎI: Lí do nào khiến các môn đệ không được sợ hãi?
THƯA: Được lặp lại 3 lần (10,26.28.31) lời khuyên ‘đừng sợ’ là sức mạnh giúp cho các môn đệ vượt thắng sự sợ hãi của mình. Lời Chúa cần phải được công bố. Lời về Nước Chúa phải đạt đến tất cả mọi người. Sự xác tín ấy thúc đẩy các môn đệ cũng như chính Đức Giê-su làm chứng và công bố Tin Mừng một cách thẳng thắng và công khai trước thế lực đáng sợ của kẻ thù.
13. HỎI: Đâu là nơi nương tựa vững chắc cho họ?
THƯA: Nếu có gì đáng sợ thì đó chính là quyền năng Thiên Chúa có thể ‘tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục’ (10,28). Tuy nhiên nơi họ tin tưởng và nương tựa vững chắc chính là sự ân cần chăm sóc và quan phòng nơi tình phụ tử của Ngài (10,29-31).
14. HỎI: ‘Tuyên bố nhận thầy’ có nghĩa là gì?
THƯA: ‘Tuyên bố nhận Thầy’ là cùng liên đới với Đức Giê-su, hiệp thông với Ngài trong lời nói và trong hành động. Đó là cách duy nhất để đạt đến sự hiệp thông với Thiên Chúa Cha và được sống vì sẽ được Đức Giê-su là đấng bênh vực nơi Thiên Chúa Cha. Và như thế thì không có lí do gì phải sợ hãi nữa.
15. HỎI: Và nếu ngược lại?
THƯA: Còn ai chối từ Đức Giê su thì sẽ bị tách lìa ra khỏi Thiên Chúa. Vì thế trong mọi trường hợp chọn lựa Đức Giê-su và gắn bó với Ngài cho đến cùng phải là việc ưu tiên trong cuộc sống.
16. HỎI: Tóm lại, Đức Giê-su nêu ra mấy do để khuyến các môn đệ đừng sợ?
THƯA: Ngài nêu ra 4 lí do: 1. Sự hiện diện tác động của Thiên Chúa nơi lời rao giảng cảc Tông đồ cho thấy chương trình cứu độ của Ngài. Sức mạnh con người không thể chận đứng được. 2. “Những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn” (10,28), và chính linh hồn mới là điều đáng kể. 3. Sự quan phòng của Thiên Chúa. “Không một con Chim sẻ nào rơi xuống đất ngoài ý của Người, huống lựa là anh em” (10,29). Và 4. Ngày phán xét là viễn cảnh thúc đẩy người tông đồ mạnh dạn làm chứng cho Thiên Chúa trước mặt người đời.
17. HỎI: Sống sứ điệp Lời Chúa như thế nào?
THƯA: 1. Tin vào tình yêu Thiên Chúa là nền tảng cho việc làm chứng nhân của Ki-tô hữu. Là Ki-tô hữu, là môn đệ Chúa Ki-tô, ta cần xác tín rằng bên ta luôn có Thiên Chúa hiện diện để bênh vực và giúp đỡ ta thi hành sứ mệnh chứng nhân. 2. Noi gương Chúa Giê-su đã làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa, ta cũng can đảm làm chứng cho những giá trị Tin Mừng bằng cách sống chính những giá trị ấy qua tư tưởng, lời nói cũng như hành động của ta trong cuộc sống thường ngày. 3. “Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ”. Đâu là giá trị của tôi trước mặt Chúa? Những điều gì cho thấy là tôi có giá trị độc đáo đối với Người? Nếu tình yêu của Chúa đã làm cho tôi có giá trị thì tại sao tôi còn sợ hãi và sợ những gì?
GLCG 305 2115. Đức Giê-su đòi hỏi chúng ta phó thác với tình con thảo vào sự quan phòng của Cha trên trời, Đấng chăm sóc đến những nhu cầu nhỏ bé nhất của con cái : “Anh em đừng quá lo lắng tự hỏi : ta sẽ ăn gì ? uống gì ? Cha anh em Đấng ngự trên trời, biết anh em cần những thứ đó. Vậy, trước hết phải lo tìm kiếm Nước Chúa và sự công chính của người, rồi các thứ kia, Người sẽ ban thêm cho” (Mt 6,31-33; 10, 29-31). 1816 2471. Người môn đệ Đức Ki-tô không những phải gìn giữ và sống đức tin, nhưng còn tuyên xưng, can đảm làm chứng và truyền bá đức tin : “Mọi tín hữu phải sẵn sàng tuyên xưng Đức Ki-tô trước mặt mọi người và bước theo Người trên đường thập giá, giữa những cuộc bách hại Hội Thánh không ngừng gặp phải” (x. LG 42; DH 14 ). Việc phục vụ và làm chứng cho đức tin cần thiết cho ơn cứu độ. “Ai nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ thì Thầy cũng chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (x. Mt 10,32-33 ).
Phục Vụ Lời ĐCV Xuân Lộc