Các bài đọc chủ nhật hôm nay muốn gửi đến chúng ta một sứ điệp về lời cầu nguyện. Và để hiểu rõ hơn, cần phải nối kết từ “cầu nguyện” với từ “bất ổn”. Người ta chỉ thực sự cầu nguyện khi ý thức được sự bất ổn và yếu đuối của mình.
Toàn bộ Kinh Thánh làm chứng điều đó: chính khi ở giữa những thử thách và yếu đuối mà dân Israel đã khám phá ra tình yêu say mê mà Thiên Chúa dành cho họ. Việc Thiên Chúa gần gủi những người đau khổ là một trong khám phá quan trọng của Cựu Ước. Đó tin mừng mà chúng ta được mời gọi tiếp nhận mỗi ngày.
Có nhiều lọai bất ổn trong các bài đọc hôm nay. Chúng ta thấy có sự bất ổn của bà góa và đứa trẻ mồ côi, cả hai hoàn toàn không có sự trợ giúp nào. Tin mừng nói với chúng ta về đời sống bất ổn luân lí của người thu thuế. Thánh Phao lô cũng cho chúng ta thấy sự bất ổn của vị tông đồ phải thường xuyên đối đầu với bách hại hoặc ít nhất cũng là sự không hiểu biết. Tất cả những người đó mang tâm hồn nặng trĩu. Bấy giờ họ mới thực sự mở rộng tâm hồn mình với Thiên Chúa. Đó chính là sự cầu nguyện đích thực.
Trong bài tin mừng, chúng ta nghe lời cầu nguyện của người thu thuế. Đó là một người thuộc tầng lớp bị người đời căm ghét. Họ là “bọn người tiếp tay cho đế quốc La mã”. Họ phục vụ đế quốc thống trị trong một môi trường rất nhạy cảm là thu thuế. Quyền bính ấn định số tiền mà họ phải nộp. Họ phải ứng trước và sau đó quay sang bốc lột của dân nghèo. Vì thế khi người thu thuế cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con là người tội lỗi”, ông nói đúng chân lí của đời mình. Và chính vì cái chân lí đó mà Thiên Chúa đã nâng ông lên. “Khi trở về nhà, ông là người được công chính hóa”. Đó chính là điều mà tin mừng mời gọi chúng ta hôm nay. Thành tâm nhận ra sự yếu kém của mình trước mặt Chúa đó là lời cầu nguyện đích thực được Thiên Chúa yêu thích.
Ở phía bên kia, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy chân dung của người pha ri sêu. Đó là một người xứng đáng với tiếng tăm của mình. Ông trung thành với lề luật; ông ăn chay mỗi tuần hai lần. Ông làm việc bố thí. Tất cả những gì ông ta khoe trong lời cầu nguyện, ông đã thực sự thi hành và ông hãnh diện về điều đó. Nhưng có một vấn đề nơi ông, cách ông cầu nguyện không thực sự là một lời cầu nguyện vì chứa đầy sự kiêu căng. Ông chỉ nhìn ngắm chính bản thân thay vì nhìn ngắm Thiên Chúa. Ông ta không cần gì cả. Điều duy nhất mà ông quan tâm ấy là kể lể các công nghiệp của mình.
Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đứng về phía nào? Có lúc chúng ta là người pha ri sêu mỗi khi chúng ta làm điều mà chúng ta chê trách người khác. Chỉ trích mà không bao giờ đề ra những giải quyết xây dựng thực tiển thì luôn dễ. Người Pha ri sêu là người cho rằng mình được Thánh Thần soi sáng hơn người khác. Điều trầm trọng hơn là sử dụng các câu Kinh thánh để tố cáo sự giả hình của kẻ khác. Thái độ ấy là một sự sỉ nhục Thiên Chúa và tình yêu của Người. Tất cả chúng ta đều phải cầu xin Ngài tha thứ sự kiêu căng chúng ta, sự cao ngạo của chúng ta, cách chúng ta muốn dạy người khác bằng cách làm nhục họ.
Lời kinh của người thu thuế là lời kinh của người tự nhận mình là người tội lỗi. Anh ta ý thức mình không yêu thương đủ hoặc yêu thương không đúng. Anh ta nhớ một vài trang sách cuộc đời mình không được sáng sủa. Anh ta nhìn thấy cái đà trong mắt mình đến nỗi không thể thấy cái rác trong mắt anh em. Người ấy biết rằng sự tha thứ chỉ đến từ Thiên Chúa mà thôi. Lời kinh ấy cho phép người tội lỗi tiếp nhận tình yêu Thiên Chúa. Bài Tin mừng nói với chúng ta rằng người thu thuế đã trở nên công chính. Trong Kinh Thánh, từ ấy không có nghĩa là “hoàn hảo”. Người công chính là người có thể khép mình theo Thiên Chúa trong một tương quan tin tưởng tuyệt đối, tiếp nhận thánh ý Chúa và dùng mọi phương tiện để sống thánh ý đó. Người công chính còn là người để cho Chúa công chính hóa thay vì tự công chính hóa bản thân mình.
Lý tưởng là hai người đối lập nhau ấy cùng hòa hợp với nhau để dâng lời kinh chung của họ lên Thiên Chúa: “Xin thương xót chúng con là những người tội lỗi. Xin thương xót chúng con vì chúng con đã làm điều sai trái cho người khác. Xin thương xót chúng con vì tưởng rằng mình hơn người khác. Xin thương xót chúng con khi chúng con giận nhau..” Và Chúa sẽ trả lời: “Khi hai hay ba người hợp nhau vì danh Ta, có Ta ở giữa họ”. Chính lời kinh chung đó cho phép chúng ta thực sự đến gần Thiên Chúa và cũng đến gần người khác. Vì Chúa hiện diện để nói với chúng ta rằng Người được nhận biết nơi mỗi người trong họ. Và Người muốn dạy chúng ta nhìn họ và yêu mến họ như anh chị em chúng ta.
Mỗi ngày chủ nhật, chúng ta họp nhau trong nhà thờ để cầu nguyện. Chúng ta được mời gọi kết hợp lời cầu nguyện của chúng ta với lời cầu nguyện của tất cả những người khác và của tất cả mọi người ki tô hữu trên thế giới cử hành ngày của Chúa. Ước mong sao chúng ta trở về nhà được công chính hóa.
Phục vụ Lời ĐCV Xuân Lộc