Tuy cách nhau một vài thế kỉ, sách Các Vua và Tin mừng đều nói với chúng ta về người phung cùi. Sách Các Vua nói về viên tướng Naaman người Siria, còn Tin mừng thì kể cho chúng ta nghe tình cảnh đáng buồn của mười người kiều dân của Israên. Bệnh của họ biến họ trở thành những người ô uế, bị mọi người xa lánh, bị gạt ra bên lề xã hội.
Người ta phải tránh xa họ để khỏi bị nhiểm uế, còn họ thì đi đâu cũng phải lắc chuông để cảnh báo cho người khác biết sự hiện diện của mình, và lẩn tránh họ. Hơn nữa căn bệnh khủng khiếp ấy còn bị coi là biểu tượng và hậu quả của tội lỗi, đánh mất hình ảnh của Thiên Chúa trong họ.
Tình cảnh những người khốn khổ ấy giúp chúng ta suy nghĩ về bản thân và cuộc đời trong một xã hội đang bị hoành hành bởi một chứng bệnh phung cùi đáng sợ hơn nhiều. Thực vậy, xã hội ngày nay lôi kéo chúng ta sống và suy nghĩ theo tất cả mọi người. Những điều thiết yếu thường được nói đến là tiền, chức vị, danh vọng. Và để đạt được những thứ đó, người ta chấp nhận làm mọi điều, kể cả những gì sai trái. Áp lực xã hội là một điều khủng khiếp vì nó thúc đẩy chúng ta suy nghĩ và hành động giống như mọi người. Vì thế điều quan trọng hôm nay là chúng ta hãy để cho tin mừng mời gọi chúng ta.
Các bài đọc Thánh Kinh hôm nay loan báo cho chúng ta một tin mừng: Thiên Chúa có thể chữa trị những người phung cùi, như trường hợp của ông Naaman người Syri trong bài đọc thứ nhất. Và đó cũng là trường hợp của mười người đến tìm gặp Đức Ki tô. Nhưng điều quan trọng hơn hết không phải là phép lạ. Chúa Giêsu không bao giờ phô trương quyền năng làm phép lạ của mình. Trái lại, đối với Ngài, đức tin là yếu tố quyết định mang lại phúc lành cho người bệnh: “Đức tin của con đã chữa lành con”.
Phép lạ chỉ là bước đầu mời gọi đức tin, và con người tự do tiếp nhận hay từ chối dấu chỉ mà Thiên Chúa ban cho. Như trong trường hợp mười người phung cùi được Chúa cứu, sự chữa lành đó không phải là ơn cứu độ đích thực, nhưng chỉ là một dấu chỉ mà thôi. Chỉ có người thứ mười đã tìm được ơn cứu độ bởi vì anh ta đã hiểu rằng vị Thầy ấy không phải là một người chữa bệnh đơn thuần.
Như mười người phung cùi, chúng ta cũng có thể hướng về phía Chúa và kêu xin Ngài cứu giúp chúng ta. Chúng ta cầu xin cho mình, cho những người đau yếu và cho thế giới đang đau khổ vì bạo lực, chiến tranh và đủ mọi tai ương. Tin mừng nói rằng Chúa Giêsu không im lặng trước lời kêu cứu từ sự khốn khổ của chúng ta. Người luôn luôn lắng nghe những người bé mọn, những kẻ đau yếu, những người bị xã hội lọai trừ. Ngài tiếp nhận tất cả những ai đến với Ngài. Khi sai họ đến với Thầy cả, Ngài tái hội nhập họ vào cộng đòan để họ tìm lại chỗ đứng của mình. Đó là sự ưu ái Ngài dành cho họ, và cũng muốn dành cho chúng ta.
Nhưng vẫn còn vấn đề cho người phung cùi thứ mười. Vì là một người Sa ma ri. ông không thể trình diện với vị thầy cả, vì có thể ông sẽ bị đuổi đi. Bởi thế ông quay trở lại và đến cùng Chúa Giêsu. Ông suy nghĩ rằng mình không thể làm điều gì khác hơn. Còn chín người kia đã làm theo như những gì lề luật dạy, nhưng họ đã không thực sự gặp gỡ Thiên Chúa. Người Sa ma ri là người duy nhất đã lãnh nhận ơn Cứu độ. Lời tạ ơn của ông là chính cách diễn tả đức tin cứu thoát ông ta. Cầu nguyện không chỉ là lịch sự cám ơn Thiên Chúa. Lời kinh đích thực chính là lời kinh giúp chúng ta lãnh nhận ơn cứu độ và khép mình theo tình yêu Thiên Chúa ban cho chúng ta.
Vì thế ngày chủ nhật hôm nay chúng ta được mời gọi đến đức tin. Nhưng không có đức tin nếu không có lòng khiêm nhường sâu xa và từ bỏ chính mình. Naaman đã bỏ tính kiêu căng. Ông đã nhận ra quyền năng của Thiên Chúa Israel và đã ra đi đến đó với ý muốn cương quyết là tôn vinh Thiên Chúa đã chữa lành ông. Ngày nay cũng thế, chính Thiên Chúa tiếp tục hành động với những phương tiện nghèo nàn: Cha sở Ars, Thánh nữ Bernadetta Lộ Đức, Mẹ Têrêxa và nhiều người khác.
Là người Ki tô hữu, chúng ta được sai đi làm chứng cho Ơn cứu độ của Thiên Chúa trong xã hội hôm nay, mang đậm dấu ấn bệnh phung cùi của sự lãnh đạm và duy vật. Nhiều người bị nhấn chìm trong buồn nản và lo âu bở vì họ mất phương hướng cũng như lí do để sống. Chúa Giêsu chỉ muốn chữa lành họ khỏi căn bệnh mà họ không biết.
Thế giới chúng ta cần những chứng nhân vui tươi và trong sáng, không sợ trả lẽ về niềm hi vọng thúc đẩy họ. Thiên Chúa đã đặt trên đường chúng ta những người cần được giúp đỡ để trở về với Người và tiến triển trong đức tin.
Tụ họp để loan báo tin mừng, chúng ta ca ngợi Thiên Chúa vì tất cả những gì Ngài đã làm cho chúng ta. Người chữa lành chúng ta khỏi các chứng bệnh phung cùi; Ngài cho chúng ta đứng lên và sai chúng ta đi đến với người khác. Hành vi tạ ơn sau rước lễ không chỉ là một vài giây phút trước khi xong Thánh lễ; nó phải được kéo dài trong suốt tuần lễ trong chứng từ vui tươi vì được giải thoát: “Chúa đã làm cho tôi nhiều điều kì diệu. Danh Ngài là Thánh”.
Phục vụ Lời ĐCV Xuân Lộc